Aa

Chuyên gia nói gì khi ngân hàng báo lãi, doanh nghiệp địa ốc vẫn khát vốn?

Thứ Sáu, 23/10/2020 - 06:00

Theo TS. Cấn Văn Lực, ngân hàng cần phải đi vào cuộc sống, đồng hành cùng với doanh nghiệp với mức độ nhanh hơn và hiệu quả hơn.

Báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2020 cho thấy, nhiều ngân hàng đã ghi nhận mức lợi nhuận khả quan trong quý và 9 tháng đầu năm. Điển hình như, trong quý III/2020, Ngân hàng quân đội (MB) ghi nhận thu thuần từ hoạt động kinh doanh tăng 6,1% so với cùng kỳ, đạt 6.735 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế tăng 10%, đạt 3.015 tỷ đồng.

Tại Lienvietpost Bank (LPB), đến hết quý III/2020, lợi nhuận lũy kế của ngân hàng đã vượt kế hoạch cả năm 2020. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế 9 tháng đạt hơn 1.740 tỷ đồng, trong khi kế hoạch cả năm là 1.700 tỷ đồng.

Trong khi đó, báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2020 của VIB cho thấy, ngân hàng này đạt 1.668 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 30% so với quý II/2020 và tăng 52% so với quý III/2019. Lũy kế 9 tháng, tổng doanh thu VIB đạt 7.854 tỷ đồng, tăng 34%; lợi nhuận trước thuế đạt 4.025 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành 89,44% mục tiêu cả năm (4.500 tỷ đồng).

Báo cáo thị trường tiền tệ tháng 8 của Công ty Chứng khoán HSC cho thấy, thanh khoản hệ thống ngân hàng đang dồi dào chưa từng có, ngay cả khi Kho bạc Nhà nước rút ròng 189.700 tỷ đồng tại 3 ngân hàng Vietcombank, BIDV và Vietinbank từ đầu năm. Nguyên nhân là do việc tăng trưởng huy động cao hơn nhiều so với tín dụng. HSC đã đưa ra nhận định: Thời gian này, ngân hàng đang có nguồn vốn dồi dào.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, rất nhiều doanh nghiệp lại đang loay hoay kiếm tìm nguồn vốn để đầu tư, sản xuất. Đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản, khi phải xoay xở nhiều hình thức huy động vốn bởi nguồn tín dụng từ ngân hàng khó tiếp cận. 

Chuyên gia Kinh tế trưởng của BIDV, TS. Cấn Văn Lực đã có những chia sẻ với Reatimes trước nghịch lý ngân hàng ồ ạt báo lãi lớn trong quý III, trong khi doanh nghiệp vẫn loay hoay tìm vốn.

PV: Thưa tiến sĩ, trong báo cáo kết quả quý III/2020 vừa qua, nhiều ngân hàng ồ ạt báo lãi lớn. Ông nhận định như thế nào về tín hiệu này?

TS. Cấn Văn Lực: Số liệu 9 tháng chưa phản ánh đầy đủ tất cả hoạt động của mảng ngân hàng. Cơ sở của nhận định này đến từ 2 lý do chính. Một là độ trễ. Những lĩnh vực khác của kinh tế bị Covid-19 tác động đến khách hàng, rồi sau đó đến ngân hàng. 

Hai là hiện nay vấn đề nợ xấu, Nhà nước cho phép cơ cấu lại theo Thông tư 01 giữ nguyên nhóm nên nợ xấu chưa bị tăng lên. Nhưng nhiều khả năng nợ xấu sẽ bị tăng lên. Chắc chắn là hết năm nay, các ngân hàng phải tổ chức đề phòng rủi ro nhiều hơn, đương nhiên lợi nhuận sẽ giảm. Ngân hàng đều giảm mức thu nhập từ 20 - 25%, cho nên phải đến cuối năm 2020 hoặc đầu năm 2021, chúng ta mới rõ được kết quả tài chính và lợi nhuận một cách đầy đủ, chính xác.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV

PV: Ông đánh giá như thế nào về sự đồng hành của hệ thống ngân hàng trong chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp trong thời điểm Covid-19 vừa qua?

TS. Cấn Văn Lực: Thứ nhất, theo Thông tư 01 và chỉ đạo chung của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, hệ thống ngân hàng năm nay cơ bản phải tự dùng nguồn lực của mình để hỗ trợ nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp với mức hỗ trợ thông qua giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ và giảm phí tổng dự tính là khoảng 30 đến 34 ngàn tỷ đồng.

Thứ hai, hiện nay, lãi suất chênh lệch đầu vào đầu ra ngân hàng thấp nhất giảm tương đối nhanh và mạnh ở mức 2,5 - 2,7% là mức thấp so với bình quân khu vực ở khoảng 3%.

Thứ ba, rõ ràng, bản thân hệ thống ngân hàng cũng là doanh nghiệp nên cần phải đồng hành với các cơ chế chính sách khác, nhất là những hỗ trợ từ Chính phủ. Có lẽ, ngân hàng cần phải đi vào cuộc sống, đồng hành cùng với doanh nghiệp với mức độ nhanh hơn và hiệu quả hơn.

PV: Nhiều ý kiến cho rằng, ngân hàng đang thừa vốn trong khi doanh nghiệp bất động sản lại đang khát vốn. Liệu đó có phải là một nghịch lý đáng lo ngại, thưa ông?

TS. Cấn Văn Lực: Theo chỉ đạo chung của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, cho vay bất động sản đã kiểm soát khoảng 3 năm gần đây. Tuy nhiên, dư nợ cho vay bất động sản không giảm, vẫn tăng mức độ thấp hơn so với bình quân của cả hệ thống ngân hàng.

Ví dụ như 9 tháng đầu năm nay, tín dụng của hệ thống ngân hàng tăng khoảng 6%, thì tín dụng vào kinh doanh bất động sản tăng khoảng ở mức 2%. Ngoài ra, có nhiều dòng vốn khác đã và đang đổ vào bất động sản, ví dụ như dòng vốn đầu tư từ nước ngoài, vốn đầu tư tư nhân, vốn từ phát hành trái phiếu...

Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm, lượng vốn đăng ký FDI vào bất động sản ở Việt Nam đạt gần 3 tỷ USD, tức là chiếm khoảng 12 - 14% tổng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam và đứng thứ 3 trong các ngành nghề được FDI đăng ký vào.

Bên cạnh đó là dòng vốn đầu tư tư nhân. Do tác động của dịch bệnh nên dòng vốn này gặp khó khăn trong năm 2020, nhưng ở các năm trước, số lượng doanh nghiệp mới về bất động sản đăng ký thành lập tương đối nhiều, đặc biệt là trong giai đoạn 2017 - 2019. Vốn đăng ký của nhóm này vẫn tăng ở mức 10 - 12%.

Dòng vốn cuối cùng là phát hành trái phiếu. Có thể thấy, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản phát hành trái phiếu tương đối nhiều và tốt. Ví dụ như tổng lượng phát hành trái phiếu trong 9 tháng đầu năm riêng đối với lĩnh vực bất động sản chiếm khoảng 35%.

Rõ ràng, đó là các kênh huy động vốn cho bất động sản. Tức là tín dụng vào bất động sản tăng không nhanh như trước đây hay không nhanh so với mặt bằng chung của kinh tế, nhưng nó vẫn tăng. Ngoài ra, còn nhiều dòng vốn khác đang đổ vào bất động sản. Bởi vậy, tôi cho rằng, nếu như những dự án bất động sản hiệu quả và tốt thì vẫn sẽ có nhiều nhà đầu tư đổ tiền vào.

PV: Như ông vừa trao đổi, lãi suất ngân hàng đang giảm. Mức lãi suất hiện được nhận định là rất hấp dẫn nhưng thực tế khảo sát cho thấy người dân không mặn mà vay để mua bất động sản. Vậy đâu là nguyên nhân?

TS. Cấn Văn Lực: Nguyên nhân của vấn đề này có thể kể tới sự thay đổi tâm lý nhà đầu tư, người tiêu dùng ở giai đoạn trước và sau dịch bệnh. Người mua sẽ trở nên thận trọng hơn, dẫn đến nhiều hoạt động chi tiêu, khoản đầu tư bị trì hoãn. Tương lai có thể chưa chắc chắn như trước đây nên nhà đầu tư cũng không dám mạnh tay "xuống" tiền . Đó là tâm lý hết sức bình thường, cho dù lãi suất có giảm thì người dân vẫn chưa mặn mà vay vốn, sức cầu còn yếu.

Có một thực tế rằng người dân và nhà đầu tư ngày càng tỉnh táo và nhanh nhạy. Khi có tiền, họ bắt đầu lựa chọn kênh hấp dẫn để đầu tư. Họ thấy rằng lãi suất cho vay của hệ thống ngân hàng đang vô cùng hấp dẫn, kể cả chuyện cho vay mua nhà, sửa nhà. Mặt khác, các chủ đầu tư bất động sản có nhiều gói khuyến mại cho người dân. Họ có tiền mặt để đầu tư vào bất động sản cho dù giá bất động sản không giảm, nhưng vẫn được đánh giá là khá hấp dẫn so với trước đây.

PV: Ông có kiến nghị gì để giảm tắc nghẽn dòng vốn tín dụng vào bất động sản, thưa tiến sĩ?

TS. Cấn Văn Lực: Về vấn đề này, chúng tôi đã và đang triển khai trong vài năm trở lại đây. Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước cần phân chia bất động sản thành 4 phân khúc khác nhau để tương ứng với đó là 4 trọng số rủi ro khác nhau. Qua đó, ngân hàng và các nhà đầu tư dễ dàng nhận diện rủi ro để lựa chọn phân khúc bỏ tiền vào đầu tư. Tương ứng với nó thì cái chọn số rủi ro khác nhau, chi phí vốn khác nhau. 

Tôi lấy ví dụ hiện nay, Thông tư 22 của Ngân hàng Nhà nước đã phân nhóm. Nếu cho vay bất động sản nhà ở để mua nhà, sửa nhà thì trọng số rủi ro rất thấp, chỉ 50%. Nếu như cho vay kinh doanh bất động sản sẽ rủi ro hơn, trọng số rủi ro lên đến 150%, thậm chí có những khoản trọng số rủi ro lên đến 200%. 

Như vậy, các phân khúc bất động sản đã được phân định rõ ràng hơn và giúp định hướng dòng tín dụng vào những chỗ hiệu quả hơn, giảm bớt rủi ro. Đó là một cách làm hợp lý mà các nước trên thế giới cũng nên làm như vậy.

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top