Đề xuất thu phí bảo vệ môi trường với khí thải đang gây bức xúc trong dư luận. Ảnh: LDO
Dư luận bức xúc vì quá nhiều loại phí
Xuất phát từ kiến nghị của cử tri tỉnh Lào Cai và UBND TP Hà Nội đề nghị trình cấp có thẩm quyền quy định phí bảo vệ môi trường, Bộ Tài chính đề xuất các Bộ, ngành nghiên cứu thu phí bảo vệ môi trường với khí thải.
Mặc dù đây mới chỉ là một bước đề nghị nghiên cứu, xây dựng phương án theo chỉ đạo của các cấp, phù hợp với luật ban hành văn bản hiện hành, tuy nhiên đề xuất này đã “vấp” phải nhiều ý kiến phản đối của dư luận. Bởi phí khí thải với phí môi trường chẳng khác gì nhau. Phí môi trường đã “y án” trong mỗi lít xăng, dầu. Nếu thu thêm phí khí thải chẳng khác nào “phí chồng phí”. Chưa hết, việc thu phí khí thải cũng chỉ giải quyết được một vấn đề là tăng số thu, không đạt được mục đích giảm ô nhiễm môi trường.
Anh Nguyễn Văn Hoan (32 tuổi, ở Trung Hoà, Hà Nội) thẳng thắn: “Chẳng phải thuế môi trường đánh vào xăng dầu đã có rồi sao? Bây giờ thấy rõ là môi trường chỉ có đi xuống chứ chưa thấy đi lên. Minh chứng là chỉ số ô nhiễm ở vùng khu vực nội đô các Thành phố luôn biến động và “vênh”. Vậy thì lấy gì đảm bảo sau khi thu phí khi thải, môi trường sống của người dân sẽ tốt lên? Hay là chỉ đưa ra thêm một gánh nặng đè lên vai người dân?”.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Anh Thơ (28 tuổi, ở Thanh Xuân, Hà Nội) cho rằng, thay vì thu phí khí thải thì hãy phạt thật nặng những xe không đạt chuẩn xả khí ô nhiễm ra môi trường. Song song đó là nâng tiêu chuẩn kiểm định khí thải lên mức cao, đồng thời, cấm lưu thông những xe không đạt chuẩn về khí thải, siết chặt kiểm soát các nhà máy gây ô nhiễm.
“Đó là phương án giải quyết vấn đề ô nhiễm. Làm như vậy thì mới giảm được ô nhiễm môi trường, còn cách thu phí kiểu tận thu như thế này không những không giải quyết được tình trạng ô nhiễm, mà chỉ làm người dân thêm bức xúc mà thôi. Bởi đã có nhiều loại phí người dân phải chịu, như phí môi trường, phí ô nhiễm, phí biến đổi khí hậu...”, chị Thơ cho hay.
Phí đang chồng phí?
Vào cuối tháng 9/2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về Biểu thuế bảo vệ môi trường. Cụ thể, đối với xăng (trừ ethanol) tăng từ 3.000 đồng/lít lên mức trần 4.000 đồng/lít; đối với mặt hàng dầu mazut tăng 1.100 đồng/lít, từ 900 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít; đối với dầu hỏa, tăng từ mức 300 đồng/lít lên 1.000 đồng/lít…
Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/1/2019. Đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội nhất trí với tờ trình của Chính phủ nhằm nâng cao hơn nữa trách nhiệm, nhận thức của tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ môi trường, khuyến khích sử dụng tiết kiệm và tiến tới sử dụng sản phẩm thay thế, thân thiện với môi trường. Thế nhưng, điều này có nghĩa, người có phương tiện tham gia giao thông, ngoài việc phải nộp thuế bảo vệ môi trường trên xăng, dầu theo quy định, nay còn đóng thêm phí bảo vệ môi trường đối với khí thải, tức bị thu phí 2 lần.
Đứng ở góc độ người dân và chuyên gia thương mại, ông Vũ Vinh Phú (nguyên Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội) đã thẳng thắn phản đối đề xuất trên: “Thứ nhất, đây rõ ràng là phí chồng phí. Vì trong xăng, dầu có phí môi trường là 3.000 đồng/lít. Thứ hai, mức thu 3.000 đồng/lít trước đó đối với phí môi trường chưa minh bạch. Chi tiêu như thế nào không ai biết, chi bao nhiêu cho môi trường và chi bao nhiêu cho việc khác như thế nào? Thứ ba, bản thân giá thành sản phẩm của Việt Nam cao, năng lực cạnh tranh thấp. Việc thu thêm phí ngày càng gây thêm gay gắt với dư luận. Vì vậy, tôi đề xuất là nên ngừng ngay kế hoạch thu phí bảo vệ môi trường với khí thải”.
“Thực tế hiện nay, với mỗi lít xăng dầu đã có tới 40% là tiền phí, thuế. Bao gồm thuế nhập khẩu, thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp, phí bảo vệ môi trường, phí hao hụt…Tất cả chiếm gần một nửa giá thành sản phẩm. Nếu không có những loại phí thuế này thì giá xăng ở thời điểm hiện nay chỉ khoảng 8.000 - 10.000 đồng/lít. Dẫu biết mặt hàng xăng dầu là ngành tương đối độc quyền, riêng Petrolimex đã chiếm đến 41% thị phần. Thế nhưng, việc tận thu phí, thuế với mặt hàng xăng dầu, sẽ đè nặng lên giá thành các mặt hàng hoá khác, trực tiếp đánh vào túi tiền người tiêu dùng. Chưa hết, ngành xăng, dầu còn ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực, từ công đến tư, từ sản xuất đến kinh doanh và tiêu dùng xã hội. Chưa hết, ở nước ta, giá cả các mặt hàng tiêu dùng đang cao hơn nước ngoài khá nhiều. Ví dụ, ở Balan, giá thịt lợn chỉ bằng khoảng một nửa ở Việt Nam. Vì ai cũng có nhu cầu sử dụng đến xăng dầu nên tôi cho rằng, có đến 99% người dân đều phản đối thuế phí này, từ người nghèo đến người giàu, chuyên gia Vũ Vinh Phú bày tỏ.
Ông Vũ Vinh Phú cũng đưa ra giải pháp tối ưu ở thời điểm hiện tại là nên ngừng việc “đẻ” thêm phí. Thay vào đó là tăng năng lực cạnh tranh. “Mở cửa” cho doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào mặt hàng xăng dầu. Thay vì độc quyền như hiện nay thì nhà nước chỉ nên giữ khoảng 51% thị phần. “Tôi mong có nhiều hơn nữa những cây xăng như cây xăng của người Nhật ở khu công nghiệp Bắc Thăng Long đã nhận được nhiều điểm cộng từ người tiêu dùng. Bởi xăng, dầu là ngành hàng kinh doanh có lợi nhuận định mức, tức là kinh doanh xăng dầu không bao giờ lỗ. Nếu quá nhiều phí, thuế thì rất khổ dân nghèo. Rồi dẫn đến năng lực cạnh tranh hàng hoá Việt Nam bị suy giảm”, ông Vũ Vinh Phú lo ngại.
Theo chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú, trên khía cạnh kinh tế vĩ mô với một nền kinh tế có thu nhập vào khoảng 2.200USD/người/năm như ở Việt Nam, Ngân hàng Thế giới đã khuyến cáo chỉ nên thu thuế khoảng 18% GDP. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta đã thu thuế lên đến khoảng 32% GDP, tức rất cao so với khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới. Số liệu thống kê từ Công ty CP Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) cho thấy, tỷ lệ đóng thuế, phí của người Việt Nam vào ngân sách hàng năm ở mức 21% (trong khi Thái Lan 16%, Philippines 13,5%, Indonesia 12,4%, Malaysia 14%…). Có thể thấy, ngân sách nhà nước hiện nay đang rất khó khăn, thâm hụt ngân sách, nợ công tăng. Đây là một điều không tốt với nền kinh tế. Tuy nhiên, không phải vì thế chúng ta tăng thu bằng mọi cách.
Bảo Minh