Cuộc đua… vàng
Đại dịch Covid-19 khiến toàn cầu lo ngại, Mỹ hiện đang là quốc gia có nhiều ca nhiễm nhất, vượt qua cả Trung Quốc và Ý. Cuộc suy thoái kinh tế đang diễn ra ở nhiều quốc gia, điển hình nhất là Mỹ và Trung Quốc. Các nước phải tung ra các gói hỗ trợ, kích thích nền kinh tế tới hàng nghìn tỷ đô la.
Chính điều này làm nhà đầu tư lo ngại dịch bệnh sẽ khiến kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng khủng hoảng giống cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Họ tiếp tục bán các tài sản rủi ro như cổ phiếu, dù ngân hàng trung ương các nước liên tục có các động thái nhằm hỗ trợ nền kinh tế trước nguy cơ suy thoái. Lúc này, nhu cầu tìm chỗ trú ẩn an toàn là điều thường thấy, trong đó, vàng là căn “hầm” hàng đầu đối với tất cả nhà đầu tư.
Trong khi, Chính phủ liên tục bơm tiền để cứu nền kinh tế để tránh ảnh hưởng bởi virus Corona có thể dẫn đến sự gia tăng lạm phát và kích thích giá vàng.
Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu phân tích: “Một ví dụ điển hình là nước Mỹ đã tung thêm gói 2.000 tỷ USD để hỗ trợ kinh tế và nó đồng đô la đã bị rớt giá, đẩy giá vàng thế giới lên cao”.
Ngay cả một số ngân hàng trung ương cũng thay đổi dự trữ, chuyển sang tích trữ vàng. Một số nhà đầu tư lớn liên tục mua vàng với số lượng lớn từ trong năm 2019 và tiếp tục mua thêm kể từ đầu năm đến nay.
Điều này đã khiến cho giá vàng nhảy múa chóng mặt trong 2 tháng qua.
Đáng chú ý, chỉ tính riêng trong phiên giao dịch ngày 24/2, giá vàng liên tục tạo những bước đột biến khi lần lượt vượt qua mốc 47, 48 rồi chính thức vượt mốc 49 triệu đồng/lượng, giá cao nhất kể từ năm 2011. Từ đây, giá vàng liên tục biến đổi, lên - xuống thất thường khiến các nhà đầu tư, cũng như người dân bị hoa mắt.
Giá vàng tăng khiến cho website báo giá của các công ty bán vàng nhiều khi bị quá tải, việc truy cập vào xem giá vô cùng khó khăn do liên tục báo lỗi.
Có dấu hiệu bị làm giá hay không?
Theo các chuyên gia kinh tế, nguyên tắc cơ bản trong kinh doanh là phải mua vào rồi lại bán ra liên tục, không nhà đầu tư nào chỉ bán hoặc chỉ mua vàng, cũng như ôm 1 cục lớn rồi nằm chờ giá lên cao để bán. Theo đó, mỗi khi bán ra 1 lượng vàng, các công ty kinh doanh thì phải mua vào 1 lượng tương ứng. Điểm kết nối các vòng quay mua bán này là những nhịp tăng giá.
Giá vàng lên xuống liên tục, chưa kể tăng vọt lên đỉnh đã khiến nhiều nhà đầu cơ đặt ra câu hỏi: Liệu có yếu tố làm giá hay không?
Ví dụ, một công ty kinh doanh vàng vừa bán ra 200 lượng vàng giá 44 triệu đồng/lượng, lãi 300.000 đồng/lượng so với giá mua vào trước đó. Nhưng ngay sau đó, cùng ngày thị trường tăng lên 46 triệu đồng/lượng mà vẫn phải mua vào để còn có hàng bán, thì công ty đã mặc nhiên bị lỗ.
Như vậy, nếu không mua được vàng đối ứng, thì công ty sẽ bị lỗ. Nên ở vòng quay thứ 2, các công ty kinh doanh vàng phải đẩy giá cao hơn với hy vọng bù lại phần lỗ hoặc có thể có lãi. Giá vàng, do vậy mà được tăng lên.
Cùng với đó, các doanh nghiệp vàng Việt Nam không phải là các đơn vị tự chủ được về nguồn vàng, cũng như nguồn nhập khẩu, trong khi, nguồn cung bị thu hẹp là nguyên nhân khiến giá trong nước vượt ngoài diễn biến giá thế giới.
Điều này được chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu lý giải: “Qua tình hình giá vàng thời gian qua chúng ta có thể thấy ngoài những tác động từ thế giới, chính các doanh nghiệp lớn là những nhà đầu cơ đã đẩy giá vàng lên vùng kỷ lục và khi thổi giá nhanh quá mà không có nguồn cầu đối ứng thì giá cũng xuống rất nhanh”.
Tâm lý của nhà đầu tư, khi thấy giá cao sẽ bán tháo ra để được lợi, điều đó sẽ đẩy giá vàng xuống, nhưng tình hình dịch bệnh ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn lại khiến giá chứng khoán và giá vàng lên. Thị trường vàng hay thị trường khác thì đều có yếu tố đầu cơ trong đó. Khi có cơ hội, những tay đầu cơ sẽ thổi giá lên. Việc đầu cơ này sẽ luôn hiện hữu khi mà thị trường biến động.
Cũng theo chuyên gia Trí Hiếu, cung cầu là yếu tố định giá nên Chính phủ không thể kiểm soát được hoạt động đầu cơ, trừ khi trở lại những năm 80, kiểm soát theo kiểu bao cấp, không theo nền kinh tế thị trường.
“Tất nhiên, điều này sẽ không xảy ra, nhưng nếu có những tay đầu cơ thao túng một cách quá đáng, làm thiệt hại cho thị trường thì phải được xử lý hình sự”, ông Hiếu nói.
Tuy nhiên, các yếu tố trên không phải bây giờ mới xuất hiện mà đã xuất hiện kể từ khi Nghị định 24 về việc siết lại hoạt động mua bán vàng miếng ra đời.
Trong kinh doanh, nguyên tắc đầu cơ là tạo khan hiếm, song tạo đầu cơ trên thị trường vàng Việt Nam không dễ, bởi hàng không nằm trong kho những người muốn tạo khan hiếm mà nằm trong dân.
Tại thời điểm dịch Covid-19 chưa thể chấm dứt, người dân có vàng thì không chịu bán, những ai mua vàng sợ thiệt thì phải mua ngay. Như vậy, chính người dân đã tạo ra tâm lý để làm giá chứ không hẳn là nhu cầu thực sự của thị trường. Nó cũng tương tự như chứng khoán bị chao đảo, lên xuống, thị trường vàng cũng vậy, nó dao động rất mạnh trong năm nay,.