5 mũi nhọn để TP. HCM phát triển đô thị sáng tạo thông minh
Mở đầu cuộc tranh luận hết sức thẳng thắn giữa chính quyền TP. HCM với các nhà khoa học quốc tế và giới doanh nhân, ông Lê Thanh Liêm - Phó chủ tịch thường trực UBND TP. HCM chia sẻ 5 mũi nhọn cụ thể cần tập trung để biến khu Đông thành đô thị sáng tạo thông minh.
“Nhằm tăng cường, thúc đẩy hơn nữa kinh tế thành phố phát triển, thành phố đã đề ra 7 chương trình đột phá năm 2017, bổ sung Đề án xây dựng khu Đông trở thành đô thị sáng tạo, là hạt nhân để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong cuộc cách mạng 4.0. Khu Đông là nơi tập trung nhiều trường đại học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao, là môi trường học tập, sinh sống thuận lợi cho các chuyên gia, nhà khoa học có trình độ cao.
Khu Đông gồm có Khu công nghệ cao và KCN, trong đó Khu công nghệ cao hiện có 136 dự án đầu tư với tổng giá trị đầu tư hơn 7 tỷ USD, năm 2018 xuất khẩu hơn 10 tỷ USD. Khu các trường đại học gồm 4 đại học lớn với hơn 4.000 giáo viên, 1.500 tiến sĩ và hơn 5.000 sinh viên.
Trong vòng bán kính 50km có đến 6 trường đại học với hơn 500.000 sinh viên.
Khu đô thị mới với diện tích hơn 6.500 ha, ở đây tập hợp trung tâm tài chính, khu đô thị hiện đại, trung tâm triển lãm… Sau khi hình thành, khu Đông sẽ kết nối hiệu quả với trung tâm nghiên cứu, trung tâm khoa học công nghệ, trung tâm giáo dục đào tạo đội ngũ nhân lực trình độ cao, sản xuất kinh doanh công nghệ cao tạo thành chuỗi giá trị gia tăng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đồng thời, chính quyền thành phố mong muốn khu đô thị sáng tạo sẽ đóng vai trò trung tâm triển khai các mô hình ứng dụng vào sản xuất, thương mại, dịch vụ, hình thành mạng lưới liên kết giữa khoa học công nghệ trong thiết kế sản phẩm, sản xuất sản phẩm phụ trợ, sản xuất sản phẩm công nghiệp từ nền tảng công nghệ cao, theo chuẩn quốc tế, mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp và người dân thành phố.
Để làm được điều này, thành phố đã có 5 chương trình hành động cụ thể gồm:
Thứ nhất, hình thành mạng lưới lãnh đạo các tổ chức, doanh nghiệp, viện, trường, Nhà nước… để thiết kế, tiếp thị, quản trị chương trình hợp tác chính thức này, nhằm tăng cường liên kết mang tính thực tế, đề ra các giải pháp nâng cao đổi mới sáng tạo hiệu quả cho doanh nghiệp.
Thứ hai, đặt ra tầm nhìn cho sự phát triển đô thị trên ba mục tiêu: kinh tế, hoạt động kinh doanh, đô thị - không gian vật chất và xã hội - đào tạo - thu hút nguồn nhân lực. Thành phố đang tổ chức cuộc thi quốc tế để tìm kiếm ý tưởng quy hoạch, nghiên cứu về chiến lược phát triển kinh tế, tiến hành đầu tư và xây dựng để phát triển cả ba mũi nhọn kinh tế, không gian đô thị và xã hội trong tầm ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
Thứ ba, xây dựng các chiến lược thu hút tài năng về công nghệ để tạo ra nền tảng chất lượng cao cho các công ty sáng tạo. Xây dựng môi trường lao động với đội ngũ khoa học kỹ thuật phù hợp với môi trường nghiên cứu cao. Sẽ có rất nhiều tài năng của Việt Nam khởi nghiệp tại khu nghiên cứu này, đây là môi trường thuận lợi cho các ý tưởng sáng tạo của nhà đầu tư mạo hiểm và tìm kiếm nguồn nhân lực.
Thứ tư, thúc đẩy tăng trưởng tổng thể bằng cách sử dụng khu vực đổi mới làm nền tảng tái tạo các khu vực xung quanh đang gặp khó khăn, tạo cơ hội giáo dục việc làm cho những khu có thu nhập thấp của thành phố.
Cuối cùng, tăng cường khả năng tiếp cận với sự bổ trợ của khoa học cơ bản, nghiên cứu vận dụng thương mại đối với các startup và mở rộng doanh nghiệp, bao gồm Vườn ươm doanh nghiệp, bất động sản đô thị, dân dụng, công nghiệp, năng lượng… để quản lý hệ sinh thái đổi mới. Thành phố có cơ chế phù hợp để thu hút nhân lực, khuyến khích đầu tư, hình thức đối tác công - tư cho các cổ phần dự án.
Dự án khu Đông không thể thành công nếu thiếu sự tham gia của khu vực doanh nghiệp tư nhân, các trường đại học, tổ chức quốc tế, người dân… tham gia đầu tư, kinh doanh trong khu vực này. Lãnh đạo TP.HCM sẽ luôn lắng nghe các ý kiến đóng góp của mọi nguồn, mọi người và tìm hướng giải quyết cho phù hợp”.
Kinh nghiệm quốc tế
Hiếm có cuộc hội thảo nào mà lãnh đạo thành phố có mặt gần như đầy đủ, tham gia từ đầu tới cuối, lắng nghe và phản biện ngay với tinh thần hết sức cầu thị như tại diễn đàn này.
Đặt các câu hỏi trực tiếp bằng tiếng Anh, đích thân Bí thư thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì cuộc trao đổi thẳng thắn giữa chính quyền thành phố và các nhà nghiên cứu quốc tế.
Nhấn mạnh vai trò động lực của các doanh nghiệp trong quá trình kiến tạo đô thị sáng tạo, TS. Ahmad Magard, Tổng thư ký Liên đoàn sản xuất Singapore đã góp ý rất thẳng thắn với chính quyền thành phố: “Nền kinh tế 4.0 với những cơ hội mới chưa từng thấy trước đây, mô hình kinh doanh thay đổi liên tục, vừa là mối đe dọa. Câu hỏi nóng bỏng làm thế nào thành phố vừa và nhỏ có thể bắt kịp trào lưu này? Chính sách rất quan trọng, Chính phủ cần xem xét, tạo cơ chế một cửa, hỗ trợ nhu cầu của thành phố vừa và nhỏ. Chính phủ cần thân thiện với thành phố nếu muốn thu hút đầu tư nước ngoài.
Vì thế TP.HCM phải tiếp tục xây dựng năng lực, mối quan hệ các bên liên quan, bao gồm nhà làm luật, nhà sản xuất, chính quyền; thiết lập môi trường tư duy phù hợp, giảm thiểu các rủi ro, giúp thành phố tạo ra các dịch vụ thông minh, xây dựng thương hiệu, marketing đa kênh ở tầm mức vĩ mô.
Thiết lập các phái đoàn có thể trao đổi, hiện thực hóa tham vọng bằng cách hợp tác với các thành phố đa quốc gia, giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể nhanh chóng trở thành thành phố đẳng cấp quốc tế thông qua quản lý xuất sắc, ứng dụng công nghệ hiện đại nhất.
Liên đoàn sản xuất Singapore có 3.000 thành viên, chúng tôi đưa ra các chương trình sư dụng sáng kiến, kỹ thuật mới. Từ 2015 đưa ra giải thưởng Đổi mới sáng tạo xuất sắc bằng thực hành tốt nhất, là minh chứng cho mô hình đổi mới sáng tạo. Khoa học công nghệ tạo lợi thế khác biệt, giúp tạo ra mô hình kinh doanh phù hợp hiệu quả, đào tạo kỹ năng thông minh, nâng cấp cho lực lượng lao động khi đối mặt với nhu cầu thay đổi nhanh chóng trong mọi ngành.
Liên đoàn sản xuất Singapore được nhà nước chỉ định triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ để số hóa doanh nghiệp, giúp họ có thể bước vào hành trình 4.0. Chúng tôi luôn khuyến khích sinh viên, người ra trường tự thiết lập các startup, không giữ riêng các bí quyết công nghệ, kiến thức, mà phải chia sẻ, cập nhật lẫn nhau. Tổ chức các phái đoàn doanh nghiệp học hỏi các tập đoàn hàng đầu, nếu không việc thay đổi sẽ tốn thời gian dài.
Trong 2 thập kỷ vừa qua, Việt Nam là nền kinh tế phát triển nhanh nhất khu vực châu Á, tiếp tục cải thiện GDP 6,8%, sẵn sàng để có dầu ấn của mình trên trường thế giới, nắm bắt công nghiệp 4.0 tầm mức quốc gia và khu vực.
Tôi hy vọng chính quyền TP.HCM sẵn lòng thay đổi mọi quy định để đáp ứng nhu cầu cộng đồng doanh nghiệp. Nhà làm luật phải hiểu tác động của công nghệ thế nào đến cộng đồng trước khi làm luật. Về phía doanh nghiệp, làm chủ công nghệ, rút ngắn thời gian đưa ra thị trường, giúp cho nguồn nhân lực tập trung vào những việc cốt lõi.
Đổi mới sáng tạo là liên tục đánh giá lại mô hình kinh doanh để bản thân tái sáng tạo, cần mở rộng mối quan hệ liên minh, đối tác, kể cả với đối thủ cạnh tranh, để mở rộng phát triển thị trường, cộng dồn và sử dụng chung các nguồn lực để tiết kiệm chi phí đó là những bí quyết của Singapore”.
TS. Emmanuel San Andres, Trưởng dự án Nghiên cứu thành phố bền vững và phát triển đô thị, Cơ quan hỗ trợ Chính sách thuộc APEC (PSU) cũng nhấn mạnh đến sự kết hợp hài hòa giữa người làm chính sách, viện, trường đại học, doanh nghiệp và người lao động: “Tôi đã tham gia trực tiếp vào 14 dư án nghiên cứu, trong đó có TP. HCM để tìm ra giải pháp hợp tác cho việc phát triển đô thị sáng tạo, bao gồm đô thị hóa nữa.
Vấn đề mối quan hệ đối tác kết hợp người làm chính sách, viện, trường, doanh nghiệp và người lao động rất quan trọng. Chính phủ Chile và các công ty khai khoáng mỏ lớn đã phối hợp với nhau rất chặt chẽ để có thế phát triển, toàn bộ quy trình nghiên cứu, ứng dụng được kết nối tất cả các bên, không chỉ là một ngành, một mảng. Một công ty có vấn đề họ không thể trả lời được, nên mối quan hệ đối tác là cực kỳ quan trọng, để xác định vấn đề cần giải quyết, nghiên cứu, tìm ra đáp án đó là cách làm của nền kinh tế mới.
Không thể nói vai trò nào là trọng yếu nhất, mà cần tất cả đứng bên nhau. Không ai đứng riêng được, tùy vào tình huống, điều kiện hiện hữu. Ví dụ trong phát triển hạ tầng, nguồn ngân sách quan trọng, thì Chính phủ phải đóng vai trò chủ đạo, cải cách hành chính cũng vậy, còn việc đưa ra giải pháp thì cần vai trò doanh nghiệp và viện, trường nghiên cứu hơn.
Thành phố phải tạo điều kiện thuận lợi để những đối tác có điều kiện tạo ra sự trả lời, không có giải pháp dùng chung cho tất cả mọi người. Chính các bạn có câu trả lời tốt hơn tôi nên rất cần kết nối, điều chỉnh cả về văn hóa, cách làm việc”.
Điều mà các diễn giả cùng nhắc đi nhắc lại trong đề xuất của mình chính là việc TP.HCM phải nâng cao trình độ nhân lực trong hành trình mới.
Ông Ousmane Dione Giám đốc quốc gia Ngân hàng thế giới tại Việt Nam nhấn mạnh: “Ngân hàng thế giới có ba tiêu chí quan trọng để thúc đẩy khu vực đô thị đổi mới sáng tạo. Đầu tiên là từ tầm nhìn, phải bao gồm nhiều mảng, tập trung đổi mới sáng tạo bao gồm khái niệm hiện đại, tận dụng công nghệ mới, đột phá, được bổ sung công nghệ hỗ trợ hiệu suất cao; có kế hoạch từ đầu về quy hoạch, cho phép về cơ sở hạ tầng cứng và mềm; phải xem đâu là trụ cột trong kỹ năng của con người.
Tất cả cư dân có thể hỗ trợ, kết nối với khu vực Đồng Nai, Bình Dương để tạo ra cạnh tranh năng suất cao. Vốn con người đầu tiên là kiến thức, làm thế nào tạo điều kiện cho các phòng Lab cùng nghiên cứu với nhau, thu hút giữ chân phát triển nhân tài, nâng cấp kỹ năng, kỹ thuật. Cuối cùng là mạng lưới quan hệ giữa các lãnh đạo về chính sách, mạng lưới cộng đồng, để thông tin kiến thức ý tưởng được chia sẻ với nhau, đó chính là quan điểm của Ngân hàng thế giới.
Tôi thừa nhận rất khó để có được kết quả hiệu suất cao và vốn con người. Chuyện đầu tiên là môi trường kinh doanh, chính quyền rất cần lắng nghe để có hiệu suất tốt hơn cho doanh nghiệp. Ngân hàng thế giới làm việc với các thành viên thế giới để mang nguồn lực, kinh nghiệm về TP. HCM, ví dụ mô hình vườn ươm khởi nghiệp. Tôi rất vui khi làm việc với thành phố để phân bổ nguồn lực hiệu quả, cùng học hỏi với Việt Nam”.
Đồng thuận với ý kiến trên, ông Admad Magard cũng cho biết: “Từ 2005 tôi thiết lập nhà máy ở Bình Dương, trước khi Việt Nam vào WTO, trong 14 năm, tôi thấy sự biến đổi rất lớn ở TP. HCM, Bình Dương và Đồng Nai.
Môi trường đã thân thiện, dễ dàng hơn để có thể làm ăn nhưng chính quyền vẫn phải tiếp tục cải cách để môi trường làm ăn tốt hơn, thúc đẩy hơn nữa sáng tạo, phát triển vốn con người, tài năng. Tôi dám chắc nhiều nhà đầu tư đều đồng ý là họ thiếu nhân tài để có thể tham gia nhiều hơn vào chuỗi sáng tạo. Chính phủ phải đầu tư nhiều hơn về vốn con người, làm cho các trường đại học chủ động hơn trong triển khai các chương trình có khả năng thay đổi nền kinh tế.
Ở Singapore các viện, trường hợp tác chặt chẽ với các trường đại học để thúc đẩy, nuôi dưỡng đổi mới sáng tạo, Nhà nước có cơ chế khuyến khích giảm thuế để các đối tác này dễ dàng làm việc với nhau, đầu tư con người. Nhà đầu tư nước ngoài mong muốn có môi trường sinh động hơn để họ có thể về Việt Nam sống và làm việc”.
Để các nguồn lực xã hội có thể ngồi cùng với chính quyền để lo cho thành phố của mình, ông Cha Sang Kyun, Viện trưởng Viện nghiên cứu Big Data - Trường đại học Seoul, Hàn Quốc cho rằng, cần phá vỡ các biên giới trong tư duy: “Cách đây 5 năm tôi thiết lập Viện Big Data bao gồm nhiều ngành, tôi thấy rõ một trong thành tố chính đổi mới sáng tạo đột phá là phải phá vỡ những biên giới. Chúng ta đã quen với việc sống trong những biên giới, cả trong giáo dục, kinh doanh và sản xuất.
Hiện chu kỳ thu thập dữ liệu là liên tục, cần phá vỡ những biên giới để dùng trí thông minh nhân tạo xử lý thông tin này. Thử nghiệm 3 năm qua với Chính phủ, tạo ra các dự án với nguồn quỹ từ Hàn Quốc giáo dục người trẻ đang tìm việc, tôi thấy 70% người trẻ đang kiếm việc thiếu kiến thức, thậm chí kiến thức cơ bản, đó là hiện trạng chung của Hàn Quốc và thế giới.
Đọc, hiểu tiếng Anh, hiểu trí thông minh nhân tạo là khó, người chuyên về công nghệ và cả những người bình thường cần hiểu biết. Rất không may chúng ta làm việc riêng rẽ với nhau, cả các bộ, ngành, họ không có động lực để phá vỡ các biên giới ngăn cản các cơ quan chính quyền như các công ty Amazon, Alibaba, họ làm việc không có biên giới; cần giáo dục những người trẻ phá vỡ biên giới”.
Với tinh thần cầu thị, Bí thư thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đã kết thúc buổi tọa đàm với quyết tâm: “Nhìn về tương lai, TP. HCM có rất nhiều tài sản nhưng phải nâng cao trình độ nghiên cứu của khối viện, trường. Khu công nghệ cao tồn tại 15 năm nay nhưng để tận dụng hết tiềm năng thì chưa, phải có sự kết nối với các viện trường nghiên cứu, trước đó chúng ta chưa có đủ sự tương tác. Làm thế nào để tạo ra sự tương tác cao giữa các khối này về chính sách, thúc đẩy sự hợp tác, đáp ứng nhu cầu hàng ngày của mỗi người, mỗi doanh nghiệp là điều chính quyền cần suy nghĩ.
Tôi rất cảm ơn sự đóng góp thẳng thắn từ các bạn, rất nhiều câu chuyện thành công từ các quốc gia khác về đổi mới sáng tạo có thể ứng dụng ở đây. Nếu đầu tư sản xuất mới tốn nhiều chi phí, chỉ có con đường áp dụng công nghệ sáng tạo mới có thể đi nhanh hơn, có sản phẩm tốt hơn, phát triển bền vững hơn”.