Đô thị xanh: Giải pháp “cứu sống” các thành phố tương lai
Ngày nay, kiến tạo đô thị xanh đang là mong muốn của nhiều nhà quy hoạch. Họ luôn muốn kiến tạo các không gian đổi mới, kiến tạo các giá trị cộng đồng tạo động lực đưa các thành phố Việt Nam trở thành các đô thị xanh đáng sống.
Đây cũng là giải pháp “cứu sống” các thành phố trong tương lai. Bởi, hiện nay, các đô thị Việt Nam đang phát triển theo chiều hướng mở rộng không ngừng, thành phố của các công trình giao thông, các phương tiện cá nhân, lãng phí tài nguyên, giảm khả năng phát triển bền vững và mất dần tính bản địa của địa phương. Hậu quả là tạo nên các đô thị kém bền vững, tiêu tốn năng lượng, môi trường sống bị phá vỡ. Vì vậy, phát triển đô thị xanh là xu hướng tất yếu cho phép khai thác tài nguyên thiên nhiên một cách bền vững và hiệu quả, tránh tình trạng bê tông hóa trong tương lai. Đây cũng là một xu hướng phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới, điểm đến của các thành phố thông minh.
Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, khái niệm về đô thị xanh còn khá mới, nhiều người vẫn hiểu đô thị xanh là đô thị có nhiều công viên, cây xanh, mặt nước hoặc có thêm việc sử dụng năng lượng bằng pin mặt trời cho các tòa nhà và trồng cây xanh trên mái. Một số khu đô thị ở TP. Hà Nội và TP.HCM được gọi là đô thị sinh thái hay đô thị xanh cũng mới chỉ dừng lại ở mức độ có nhiều cây xanh, tổ chức không gian công cộng tốt. Điều đó đúng nhưng chưa đủ để một đô thị có thể gọi là đô thị xanh.
Nắm bắt được thực trạng này, giới chuyên gia quy hoạch Việt Nam đã có những trăn trở và nghiên cứu để tiếp thu các yếu tố trong việc kiến tạo đô thị xanh của thế giới và tìm ra giải pháp đổi mới cho các thành phố trong tương lai ở Việt Nam.
Dùng chính thiên nhiên để chống lại những rủi ro của thiên nhiên
Chúng ta vẫn thường biết, một đô thị xanh là một đô thị dung hoà với thiên nhiên, hài hoà giữa yếu tố cây xanh và mặt nước. Tuy nhiên, trong nhận thức của nhiều người, mặt nước ở đây là một mặt nước nhân tạo như hồ điều hoà, bể bơi mà quên mất một mặt nước tự nhiên đến từ trong lịch sử. Đơn thuần như một nhánh sông, một con kênh hay hồ trữ nước được thiên nhiên bồi đắp.
Là một nhà quy hoạch, coi trọng và giữ gìn yếu tố nước trong kiến trúc đô thị, ông Nguyễn Đỗ Dũng, người đồng sáng lập và Giám đốc điều hành enCity đã khẳng định trong sự kiện “Kiến tạo đô thị xanh và đổi mới cho các thành phố trong tương lai”, nước là nguồn sống, không có nước không có con người; nước cũng là nguồn gốc, là một trong các nhân tố tạo nên lịch sử hình thành các thành phố.
Bởi theo ông Nguyễn Đỗ Dũng, việc cho phép giữ lại những khoảng sông nước tự nhiên trong môi trường mở sẽ nhằm gia tăng đa dạng sinh học, từ đó tạo nên một địa điểm hài hoà thiên nhiên bằng cách dùng chính thiên nhiên để chống lại những rủi ro của thiên nhiên. Đây sẽ còn là nguồn cảm hứng, là cơ sở cho các đô thị, giải pháp để giải quyết các vấn đề về biến đổi khí hậu.
“Theo quan điểm của tôi, đô thị xanh trước hết cần xanh ở trong văn hoá, tức là gìn giữ các giá trị văn hoá vốn có. Gắn bó định cư với nước là một bản sắc rất quan trọng đối với văn hoá đô thị Việt Nam mà chúng ta cần tôn trọng và gìn giữ.
Tôi đã làm rất nhiều đô thị sáng tạo và các đô thị này luôn đặt ra hai yêu cầu: Trước hết là tạo ra một không gian đầy cảm hứng cho những người làm khoa học, thứ hai là phải đảm bảo một thành phố xanh, thành phố hài hoà với thiên nhiên. Do đó, tôi luôn tin rằng, nước là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong việc kiến tạo nên những thành phố xanh, đô thị xanh”, ông Dũng chia sẻ.
Việc gìn giữ và quy hoạch các mặt nước tự nhiên để đảm bảo một đô thị xanh là điều không dễ nhưng không phải vì thế mà các nước trên thế giới hay Việt Nam không triển khai.
Minh chứng cho điều này, nhà sáng lập enCity đã chỉ ra các khu đô thị xanh thành công ở Việt Nam khi đảm bảo gìn giữ yếu tố mặt nước tự nhiên từ trong lịch sử.
Đơn cử như khu Tam Đa của TP. Thủ Đức - một đô thị sáng tạo của TP.HCM. Trong đô thị này, nổi bật là hình ảnh các con kênh nằm ngay giữa lòng thành phố. Nó không chỉ có vai trò trong việc trữ nước, thoát nước mà còn có vai trò chở hàng hoá, là kênh du lịch.
Hay dự án Stip được triển khai tại tỉnh Bình Dương nhằm giúp Bình Dương thực hiện quá trình chuyển đổi kinh tế. Đây là dự án triển khai một cách sáng tạo dựa trên cơ sở gìn giữ và tận dụng tối đa con kênh giữa khu vực sông Bé nối liền Hồ Dầu Tiếng. Trong đó, Hồ Dầu Tiếng là hồ cấp nước rất quan trong cho miền Nam nước ta và yếu tố mặt nước ở đây góp phần rất lớn tạo ra môi trường thân thiện cho con người, giảm độ rủi ro ngập lụt cho vùng hạ lưu.
Vị chuyên gia quy hoạch khẳng định, sinh sống hài hoà với nước là bản sắc gắn với lịch sử phát triển đô thị ở Việt Nam. Về tương lai, không gian mặt nước cũng là một không gian mà con người đều muốn hướng đến. Vì vậy, kết hợp yếu tố mặt nước tự nhiên trong không gian các đô thị cũng là một hướng đi thông minh nhằm xây dựng các đô thị xanh.