Aa

Chuyên gia tim mạch cảnh báo: Thường xuyên làm những điều này vào buổi sáng, nguy cơ đột quỵ rất cao

Thứ Tư, 15/08/2018 - 20:21

Đột quỵ thường xảy ra vào sáng sớm do thay đổi hormone và huyết áp. Đặc biệt, với những người vừa tỉnh giấc đã vội vã rời giường, không cho cơ thể quen dần với trạng thái mới thì nguy cơ đột quỵ rất cao.

 

TS.BS Nguyễn Thị Thu Thủy – Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Tim Hà Nội cho biết, đột quỵ có 2 thể diễn biến do nhồi máu não (tắc mạch) làm ngừng trệ dòng máu lên nuôi não, hoặc chảy máu não (vỡ mạch) làm cho máu trong lòng mạch thoát ra bên ngoài tràn vào mô não phá hủy và chép ép mô não. 

Đột quỵ là căn bệnh cấp tính, đột ngột, có tính chất nguy hiểm cao và thường xảy ra vào sáng sớm. Nguyên nhân là do thay đổi hormone và huyết áp, nhất là những người mắc các bệnh lý về tim mạch thì sự thay đổi này càng rõ rệt.

Tình trạng tăng nhịp tim, tăng huyết áp vào sáng sớm làm nguy cơ đột quỵ tăng lên. Ảnh minh họa

Tình trạng tăng nhịp tim, tăng huyết áp vào sáng sớm làm nguy cơ đột quỵ tăng lên. Ảnh minh họa

 Khi thức dậy vào buổi sáng, cơ thể sẽ chuyển từ tư thế đang nằm sang tư thế vận động, làm thay đổi nồng độ các hormon. Các hormon này gây ra tình trạng tăng nhịp tim, tăng huyết áp và làm tăng trương lực của động mạch.

Thông thường, huyết áp của cơ thể xuống mức thấp nhất vào lúc khoảng 3 giờ sáng, sau đó tăng dần lên và tăng nhanh lúc thức dậy và buổi sáng.

Đặc biệt, sau một đêm, cơ thể mất đi một lượng nước tương đối lớn, máu trở nên cô đặc hơn, tim phải làm việc vất vả để bơm đẩy máu đi. Đó cũng là nguyên nhân làm cho đột quỵ hay xảy ra vào sáng sớm. 

Để phòng đột quỵ lúc sáng sớm bác sĩ Thủy khuyến cáo, cần bỏ ngay những thói quen không tốt hay làm vào buổi sáng như: 

Vội vã rời giường lúc sáng sớm: Với những người có sẵn bệnh lý tim mạch, khi tỉnh dậy không ngồi bật ngay dậy mà phải ngồi dậy từ từ, hoạt động chân tay trước khi rời giường.

Tốt nhất, sau khi tỉnh giấc mọi người nên dành một ít phút cho cơ thể quen dần với trạng thái mới và hoàn toàn tỉnh táo trước khi bước ra khỏi giường. Hoặc cũng có thể nằm trên giường và thực hiện một vài động tác "khởi động", nhẹ nhàng duỗi chân, duỗi tay, xoa mặt…

Không đo huyết áp khi ngủ dậy và dùng thuốc theo chỉ dẫn: Với những người có tuổi, nhất là những người mắc bệnh lý tim mạch, huyết áp, cần hình thành thói quen đo huyết áp vào buổi sáng khi ngủ dậy. Bởi nhịp tim, huyết áp thường tăng cao vào sáng sớm.

Do đó, bác sĩ Thủy khuyến cáo, bệnh nhân tim mạch vào sáng sớm nên để sẵn máy đo huyết áp và thuốc huyết áp ở đầu giường. Lúc ngủ dậy nên đo huyết áp, nếu thấy huyết áp tăng cao thì uống thuốc ngay và theo dõi. Sau khi uống thuốc mà huyết áp không giảm thì cần đến cơ sở y tế để kiểm tra, thăm khám kịp thời.

Tắm nước lạnh vào buổi sáng có thể làm co giãn mạch quá mức gây nên cơn đột quỵ. Ảnh minh họa

Tắm nước lạnh vào buổi sáng có thể làm co giãn mạch quá mức gây nên cơn đột quỵ. Ảnh minh họa

 Tắm nước lạnh vào sáng sớm: Buổi sáng là thời điểm thân nhiệt của chúng ta chưa ổn định, tắm nước lạnh có thể làm co giãn mạch quá mức gây nên cơn đột quỵ. Đặc biệt, thời tiết mùa đông ở miền Bắc là thời điểm khiến bệnh đột quỵ gia tăng. Đây cũng được xem là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở nước ta.

Thay đổi nhiệt độ đột ngột vào buổi sáng: Nhiệt độ thay đổi đột ngột từ phòng điều hòa mát ra ngoài không khí nóng (mùa hè) hoặc trong chăn ấm ra ngoài trời lạnh (mùa đông) làm cơ thể không thích ứng kịp và dễ gây ra tai biến.

Đặc biệt, bệnh nhân tăng huyết áp thường có cơn tăng huyết áp vào sáng sớm. Sáng ngủ dậy mặc không đủ ấm, lại đang bị tăng huyết áp thì rất dễ xảy ra tai biến.

Ngoài việc thay đổi những thói quen không tốt vào sáng sớm, bệnh nhân tim mạch cũng cần duy trì uống thuốc đúng giờ, đúng chỉ định, tái khám định kỳ, phải lắng nghe cơ thể mình để thăm khám và điều trị sớm khi có những dấu hiệu bất thường sẽ giúp phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top