Aa

Chuyên gia: Vẫn còn dư địa để giảm thêm các mức lãi suất điều hành

Thứ Ba, 16/05/2023 - 06:41

Các chuyên gia cho rằng vẫn còn dư địa để giảm lãi suất điều hành trong thời gian tới vì lạm phát đang hạ nhiệt và tỷ giá cũng đang ổn định hơn nhằm hỗ trợ cho sự hồi phục của nền kinh tế.

Nhiều ý kiến nhận định hiện bối cảnh áp lực tỷ giá không còn nữa và lạm phát đã quay trở lại trong tầm kiểm soát, Ngân hàng Nhà nước có thể thực hiện thêm việc giảm lãi suất để có thể hỗ trợ cho tăng trưởng.

Chuyên gia cho rằng vẫn còn dư địa giảm lãi suất điều hành. (Ảnh: Vietnam+)
Chuyên gia cho rằng vẫn còn dư địa giảm lãi suất điều hành. (Ảnh: Vietnam+)

Tín hiệu từ thị trường

Thời gian gần đây, lãi suất trên thị trường đã giảm rõ rệt không chỉ nhóm ngân hàng tư nhân mà nhóm ngân hàng quốc doanh cũng giảm thêm từ từ 0,2 - 0,3%/năm cho nhiều kỳ hạn.

Cụ thể Vietcombank giảm lãi suất huy động kỳ hạn 1 - 2 tháng còn 4,6%/năm, 3 tháng còn 5,1%/năm, 6 - 9 tháng còn 5,8%/năm. Lãi suất từ 12 tháng trở lên được duy trì ở 7,2%/năm. Đối với hình thức gửi tiết kiệm trực tuyến, lãi suất kỳ hạn 12 tháng giảm 0,2%, xuống 7,2%/năm. Các kỳ hạn còn lại được giữ nguyên. Còn đối với hình thức gửi tiết kiệm trực tuyến, lãi suất kỳ hạn 12 tháng cũng giảm từ 7,4%/năm xuống còn 7,2%/năm.

Tương tự, tại VietinBank, lãi suất kỳ hạn từ 1 đến dưới 3 tháng giảm từ 4,9%/năm xuống 4,6%/năm; từ 2 đến dưới 6 tháng giảm từ 5,4%/năm xuống 5,1%/năm... Mức lãi suất 8,2%/năm khi gửi online với kỳ hạn 12 tháng cũng đã "biến mất".

Agribank cũng vừa giảm lãi suất tiết kiệm kỳ hạn trên 12 tháng từ 7,2%/năm xuống còn 7%/năm. Lãi suất các kỳ hạn 1 - 2 tháng tại Agribank hiện là 4,6%/năm và 3 - 5 tháng là 5,1%/năm.

Ở nhóm ngân hàng tư nhân, hàng loạt tổ chức tín dụng cũng nhập "cuộc đua" giảm lãi suất huy động. Điển hình là VPBank, TPBank, Sacombank, HDBank, Techcombank, OCB, KienlongBank, MSB… đều điều chỉnh giảm thêm 0,2 - 0,5%/năm.

Hiện tại, mức lãi suất trên 9%/năm trong ngân hàng đã không còn nữa. Với kỳ hạn 12 tháng, lãi suất trên thị trường phổ biến ở mức 7 - 8,5%/năm. 

Các chuyên gia của VNDirect cũng kỳ vọng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng bình quân hạ về mức 7%/năm trong năm nay, bởi các lý do như nhu cầu tín dụng giảm do tăng trưởng kinh tế giảm tốc và thị trường bất động sản ảm đạm. Chính phủ thúc đẩy đầu tư công qua đó bơm thêm tiền vào nền kinh tế và Ngân hàng Nhà nước có thể giảm thêm lãi suất điều hành nếu Fed đảo chiều chính sách tiền tệ trong nửa cuối năm 2023.

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy thanh khoản hệ thống dồi dào với số dư tiền gửi dự trữ của các ngân hàng tại Ngân hàng Nhà nước thường xuyên dư thừa. Lãi suất liên ngân hàng giảm nhanh tạo điều kiện giảm lãi suất trên thị trường.

Cụ thể, lãi suất đã giảm 1 - 2%/năm từ đầu tháng. Lãi suất bình quân liên ngân hàng chốt ngày 10/5 kỳ hạn qua đêm là 4,83%/năm, 1 tuần 4,87%/năm, 2 tuần là 4,51%/năm, 1 tháng 5,46%/năm…

Theo các chuyên gia, lãi suất liên ngân hàng hạ nhiệt cho thấy sự dồi dào thanh khoản. Việc các ngân hàng giảm mạnh lãi suất huy động phần nào cho thấy thị trường đang dư thừa thanh khoản. Ngân hàng huy động vốn nhiều nhưng không thể cho vay ra tương ứng. 

Đại diện ngân hàng OCB cho biết từ việc điều chỉnh lãi huy động, ngân hàng đã có điều kiện tiết giảm chi phí vốn, để đưa ra nhiều chương trình cho vay với lãi suất thấp hơn trước.

"So với cuối năm 2022, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm khoảng 2,5 - 3%. Chúng tôi có những gói ưu đãi để giúp khách hàng phục hồi sản xuất, kinh doanh. Ví dụ gói 7,99% cho vay ngắn hạn và 10,49% cho vay dài hạn," ông Bùi Thành Trung, Phó Tổng Giám đốc OCB cho biết.

Một số ngân hàng khác như Agribank, Vietcombank, BIDV… cũng đã giảm lãi suất cho vay từ 0,5 - 1,5% đối với các khoản vay phát sinh mới và các khoản vay hiện hữu tùy từng khoản vay có kỳ hạn ngắn hoặc trung dài hạn. 

Kịch bản nào cho điều hành lãi suất?

Việc giảm lãi suất điều hành 2 lần liên tiếp trong tháng Ba và tháng Tư vừa qua của Ngân hàng Nhà nước được nhận định là bước đi cần thiết để tăng khả năng tiếp cận vốn, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Các mức lãi suất điều hành đã giảm từ 0,3 - 1%/năm.

Bên cạnh đó, trên cơ sở các điều kiện vĩ mô ổn định hơn, lạm phát có dấu hiệu hạ nhiệt, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Tư đã giảm 0,34% so với tháng trước. Vì vậy, mặt bằng lãi suất được dự báo có thể giảm thêm trong nửa cuối năm nay.

Ông Phạm Thiên Quang, Giám đốc Khối quản lý tài sản VNDirect cho rằng Ngân hàng Nhà nước có thể cân nhắc giảm thêm lãi suất điều hành như lãi suất tái cấp vốn, trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng thêm 50 điểm cơ bản trong nửa cuối năm 2023 và xác suất cao là ngay trong quý III.

Theo phân tích của ông Quang, do nguy cơ suy thoái của nền kinh tế Mỹ đang gia tăng, thị trường kỳ vọng Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ ngừng tăng lãi suất và bắt đầu cắt giảm lãi suất điều hành trong nửa sau năm 2023.

“Nếu kịch bản này xảy ra, áp lực tỷ giá và lãi suất trong nước sẽ tiếp tục hạ nhiệt. Do đó, chúng tôi kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ giảm lãi suất điều hành thêm ít nhất là 50 điểm cơ bản từ nay tới cuối năm 2023,” ông Quang nhận định.

Việc các ngân hàng giảm lãi suất tiền gửi tiết kiệm là cơ sở để giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp. (Ảnh: Vietnam+)
Việc các ngân hàng giảm lãi suất tiền gửi tiết kiệm là cơ sở để giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp. (Ảnh: Vietnam+)

Đồng quan điểm, ông Trương Quang Bình, Phó Giám đốc nghiên cứu khối khách hàng tổ chức, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cũng cho rằng vấn đề lãi suất cao đã khiến cho không ít doanh nghiệp gặp khó khăn, Nhà nước đã có một số hỗ trợ về lãi suất lẫn tài chính đồng thời dư địa để nhà điều hành tiếp tục sử dụng được công cụ chính sách tiền tệ vẫn còn lớn.

“Tôi cho rằng chúng ta vẫn còn dư địa để giảm lãi suất điều hành thêm 100 điểm cơ bản trong thời gian tới, vì lạm phát đang hạ nhiệt và tỷ giá cũng đang ổn định hơn. Qua đó, việc giảm các mức lãi suất điều hành sẽ hỗ trợ tích cực cho sự hồi phục của nền kinh tế. Tuy nhiên, các chính sách như vậy bao giờ cũng có độ trễ 3 - 6 tháng. Do đó, tôi cho rằng, kết quả kinh doanh sẽ có sự cải thiện từ nửa cuối năm 2023 trở đi,” ông Bình dự báo.

Còn ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng nhận định: “Tốc độ lạm phát dự báo khoảng 4 - 4,5% thì khả năng huy động lãi suất đối với các tổ chức tín dụng cũng như lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ giảm dần và từ giờ đến cuối năm tôi cho rằng sẽ giảm 0,5%".

Mới đây, bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phát biểu tại hội nghị ngành ngân hàng góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh vùng Đông Nam bộ cho biết Ngân hàng Nhà nước sẽ cân nhắc điều kiện, nếu được sẽ giảm lãi suất điều hành. Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ đạo các ngân hàng đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân, tiết kiệm chi phí để giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top