Aa

Chuyện lạ quanh vụ 675 điều kiện kinh doanh bị cắt bỏ

Thứ Hai, 02/10/2017 - 15:27

Câu chuyện bắt đầu từ việc Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) đã gửi văn bản đến Bộ Công Thương yêu cầu không xóa bỏ 5 điều kiện kinh doanh (ĐKKD) đối với ngành này.

Tôi khẳng định đây là chuyện lạ vì nó khiến tôi ngỡ ngàng.

Bởi lẽ thứ nhất, đã xuất hiện ngành nghề “xin” lại ĐKKD đã bị Bộ Công Thương tuyên bố xóa bỏ. Có thể hiểu theo nghĩa thông thường là các doanh nghiệp này đang muốn “mua dây buộc mình”. Liệu ở họ có vấn đề gì cần bàn không nhỉ?

Lẽ thứ hai, trong số 675 “hành động dũng cảm” kia của Bộ Công Thương lại có những điều kiện…không phải là ĐKKD. Như vậy cũng có nghĩa là trước nay, “các bác” vẽ ra, “các bác” để đấy, nay “các bác” bỏ đi! Hóa ra lâu nay, khái niệm về ĐKKD mà chúng ta thống kê ra những con số hoảng hồn kia có nhiều cái không có thật.

Câu chuyện bắt đầu từ việc Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) đã gửi văn bản đến Bộ Công Thương yêu cầu không xóa bỏ 5 ĐKKD đối với ngành này.

VLA đề nghị Bộ Công Thương cần cân nhắc tính toán kỹ việc loại bỏ Điều 6, Khoản 2 và Điều 7, Khoản 1 trong Nghị định 140 kể trên vì việc hủy bỏ 2 điều này có liên quan đến các Điều 235 và 238 tại Khoản 2 của Luật Thương mại 2005.

Tra văn bản, sau đây là điều Điều 6, Khoản 2: “Là doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh hợp pháp theo pháp luật Việt Nam” và Điều 7, Khoản 1 trong Nghị định 140 cũng y như vậy: “Là doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh hợp pháp theo pháp luật Việt Nam”.

Không hiểu thuộc Bộ Công Thương quản lý có bao nhiêu ngành nghề (nghe nói có 27 ngành, nghề, đó là chưa tính ngành, nghề sản xuất, nhập khẩu ô tô là ngành nghề thứ 28), mỗi ngành nghề lại có bao nhiêu ĐKKD vô vị và “y chang” như thế, để rồi nay cắt bỏ đi như một hành động phi thường?

VLA khẳng định: "Thực chất đây không phải là ĐKKD mà là nghiệp vụ kinh doanh, các nội dung chuyên môn mà DN cần thực hiện và không ảnh hưởng làm cản trở, gây khó khăn cho DN như chúng ta cần loại bỏ và dễ bị hiểu nhầm".

Ở đây ta không tranh luận đấy là nghiệp vụ kinh doanh hay ĐKKD, nhưng chắc chắn rằng đây là hành vi đã được luật định, bởi không thể trở thành doanh nghiệp nếu không đăng ký kinh doanh, mà đã đăng ký kinh doanh tại Việt Nam thì không thể theo pháp luật của nước khác, như Mỹ chẳng hạn.

Theo quan điểm của VLA, việc hủy bỏ các điều trong Nghị định của Chính phủ tương đương hủy bỏ các quy định trong Luật Thương mại 2005 và cho rằng “Việc hủy bỏ quy định của Luật Thương mại phải do Quốc hội quyết định chứ không thuộc thẩm quyền của Bộ Công Thương”.

Điều lạ thứ 2 đã xuất hiện, đó là trong thực tiễn, nhiều doanh nghiệp đã và đang “sợ” Thông tư hơn Nghị định, “sợ” Nghị định hơn Luật.

Cách đây ít lâu, trên mạng xã hội có một cuộc thảo luận khá lý thú về cái nỗi sợ hãi này.

Mặc dù ai cũng biết rằng Điều 156 trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Khoản 2 ghi rõ: “Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn”, thế nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn lo lắng bởi 2 thói quen tai hại của bộ máy hành chính.

Thứ nhất là thói quen “chờ đợi”. Tức là kể cả khi Luật có hiệu lực nhưng chưa được áp dụng mà phải chờ Nghị định. Nghị định ra đời không thể thực thi vì phải chờ Thông tư hướng dẫn. Nên kết quả phổ biến sẽ là cơ quan nhà nước hành pháp theo Thông tư. Bởi thế doanh nghiệp thường không cần đọc và hiểu Luật, Nghị định mà chỉ nắm rõ Thông tư mà áp dụng.

Thứ hai là thói quen “nghe lệnh người trực tiếp”. Bởi lẽ Thông tư là văn bản mang tính “chỉ đạo” của Bộ trong một lĩnh vực nhất định nên cơ quan cấp dưới sẽ tuân theo hướng dẫn của Bộ (vì nó rõ ràng và là “chỉ đạo” trực tiếp), nếu làm trái ý Bộ thì sẽ bị “xử lý”.

Cuối cùng, cuộc thảo luận đi đến kết luận, ở tầng vĩ mô, Luật có giá trị pháp lý cao hơn Nghị định, Nghị định có giá trị pháp lý cao hơn Thông tư. Còn ở tầng vi mô,Thông tư có giá trị pháp lý cao hơn Nghị định, Nghị định có giá trị pháp lý cao hơn Luật.

Có lẽ vì vậy mà doanh nghiệp ở Việt Nam mình bị nạn “giấy phép con, giấy phép cháu” nó hoành hành khủng khiếp đến vậy.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top