Aa

Chuyện “mẹ chồng nàng dâu” trong phát triển du lịch

Thứ Tư, 07/12/2016 - 15:05

Những năm gần đây, mỗi khi có những dự án lớn, những vùng thắng cảnh nào đó được triển khai đầu tư phát triển du lịch thì dư luận lại ồn lên “lời ra, tiếng vào”. Khen nhiều mà chê cũng lắm. Phàm cái gì mới xuất hiện, khen chê âu cũng là lẽ thường, nó xuất phát từ quan điểm, góc nhìn khác nhau.

Lượng khách du lịch tới Phú Quốc ngày càng tăng.

Lượng khách du lịch tới Phú Quốc ngày càng tăng.

Trong mọi câu chuyện về các dự án hạ tầng du lịch, vấn đề tranh luận gay gắt nhất, sôi nổi nhất luôn là mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển. Người thì bảo phải lấy bảo tồn làm gốc cho phát triển bền vững. Kẻ lại nói phải lấy phát triển làm động lực cho bảo tồn. Giống như chuyện con gà và quả trứng, ai cũng có cái lý của mình, nhưng để phân định tuyệt đối đúng sai thì e rằng khó.

Một chuyên gia trong ngành du lịch phân tích rằng, bản thân bảo tồn và phát triển đã là một cặp phạm trù luôn chứa đựng mâu thuẫn, không thể có trùng lắp, đồng thuận tuyệt đối mà chỉ có thể thỏa hiệp để tạo sự cân bằng. Nó giống như mối quan hệ “mẹ chồng – nàng dâu”, muôn thuở là mâu thuẫn; chỉ nhà nào biết cùng nhịn cùng nhường, biết sẻ chia thông cảm, “mẹ bớt lời, con bớt tiếng” thì mới mong “trong ấm ngoài êm”.

Rõ ràng, việc đầu tư hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch để phát triển nền “kinh tế xanh” nhằm khai thác bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên, từng bước cải thiện đời sống kinh tế xã hội của các địa phương và đất nước là điều buộc phải làm. Nhưng bài toán đặt ra là vừa phải “đánh thức” được những “nàng công chúa ngủ trong rừng” lại vừa phải giữ gìn được “nhan sắc”. “Từ khóa” cho vấn đề này có lẽ phải đặt vào khái niệm “du lịch có trách nhiệm”, thông qua sự phối hợp chặt chẽ giữa công - tư và cộng đồng.

Việc đẩy mạnh phát triển hạ tầng du lịch đã giúp chúng ta có những “điểm đến” thực sự hấp dẫn, góp phần quan trọng để ghi danh Việt Nam vào bản đồ du lịch thế giới. Đà Nẵng, Nha Trang, Hạ Long và sắp tới là Sapa, Phú Quốc, Vân Đồn, Cát Bà… là những ví dụ.

Còn nhớ cách đây khoảng 10 năm, tỉnh Khánh Hòa đã “nói dỗi” là sẽ trả lại danh hiệu di sản thiên nhiên cấp quốc gia của Vịnh Nha Trang nếu các nhà quản lý trung ương cứ khăng khăng bảo vệ một cách cứng nhắc. Và nếu không có sự quyết liệt ấy thì giờ đây chắc chắn chúng ta đã không có một Vịnh Nha Trang đẹp, hài hòa giữa hạ tầng hiện đại với cảnh quan và nhộn nhịp du khách nhu bây giờ.

Đà Nẵng cũng vậy, nếu không có quyết tâm phát triển hạ tầng cho Sơn Trà, Bà Nà hay những tuyến đường ven biển thì Thành phố sông Hàn chắc chắn sẽ vẫn rất đìu hiu.

Hạ Long, Sapa hay Phú Quốc cũng vậy. Nếu không có sự quyết liệt (thậm chí là “xé rào”) chúng ta sẽ không thể thấy sự biến chuyển từng ngày mà cơ bản là tích cực từ những vùng thắng cảnh ấy.

Trước đây, khi các dự án du lịch ở các địa danh nêu trên mới được triển khai hoặc mới đi vào hoạt động, dư luận cũng đã có những lo ngại và phản biện, tuy nhiên, thời gian đã có câu trả lời thực tế cho những băn khoăn này.

Nói như vậy để thấy việc phát triển các dự án hạ tầng du du lịch ở các vùng thắng cảnh, thậm chí là vùng di sản là một điều tất yếu nếu chúng ta muốn những kỳ quan như Hạ Long, Phong Nha – Kẻ Bàng; những thị trấn trong sương như Sapa; nhũng đảo ngọc như Phú Quốc, Vân Đồn… có thể chuyển mình. Vấn đề là lựa chọn cách phát triển thế nào?

Việc đầu tư hạ tầng để đưa vào khai thác các du lịch tại các địa danh du lịch, tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội các địa phương là điều cần làm. Và chắc rằng trước khi quyết định cấp phép cho những dự án, các nhà nhà quản lý, chuyên gia… đã phải cân nhắc rất kỹ. Phải mất rất nhiều năm, Nhà nước mới ra được những chính sách đột phá cho Phú Quốc, cho Vân Đồn là những ví dụ về sự “nâng lên đặt xuống” ấy.

Rõ ràng, làm du lịch ở các vùng thắng cảnh, vùng di sản là xu hướng phổ biến trên thế giới, và chúng ta có quyền áp dụng những phương tiện khoa học kỹ thuật tiên tiến để phục vụ phát triển du lịch, đồng thời phát triển kinh tế - xã hội. Vấn đề nhiều người lo lắng là dự án có phá vỡ môi trường, cảnh quan, có tác động đến hệ sinh thái của các vùng di sản hay không thì đó là vấn đề của quá trình thi công và của các nhà quản lý du lịch. Thi công được giám sát nghiêm ngặt đúng thiết kế, quản lý tốt lượng khách với những yêu cầu ngặt nghèo về bảo vệ môi trường... thì sẽ không có chuyện gì xảy ra.

Công trình cáp treo Bà Nà góp phần rất lớn phát triển du lịch Đà Nẵng.

Công trình cáp treo Bà Nà góp phần rất lớn phát triển du lịch Đà Nẵng.

Nói tóm lại, phát triển hạ tầng ở các địa danh du lịch sẽ không tránh khỏi những tác động đến cảnh quan môi trường. Nhưng vấn đề cần bàn là làm sao để giảm thiểu những tác động đó và có những tính toán kỹ lưỡng về mặt hiệu quả kinh tế để phát triển bền vững chứ không nên cực đoan, lo ngại và khăng khăng không làm. Một dự án tốt sẽ có những tác động rất lớn đến sự phát triển của ngành du lịch nói riêng và kinh tế xã hội mỗi địa phương nói chung. Bên cạnh đó, nó còn giúp mọi người có điều kiện khám phá, chiêm ngưỡng những vẻ đẹp của thiên nhiên, của quê hương đất nước vốn là quyền lợi chung của cả cộng đồng.

Để phát triển một dự án nào đó, nhà đầu tư luôn là người phải tính toán kỹ lưỡng nhất (hãy tạm tin là thế) bởi họ là người phải bỏ tài lực, vật lực. Dự án thất bại, người thiệt hại đầu tiên chính là các chủ đầu tư. Chính vì vậy, mỗi nhà đầu tư chuyên nghiệp luôn phải tính đến bài toán cho phát triển bền vững, thông qua việc bảo vệ cảnh quan, di sản, làm đầu mối hài hòa lợi ích các bên. Nếu “ăn sổi ở thì” chắc chắn họ sẽ phải trả giá và làm vậy, chẳng khác nào họ đang “lấy đá ghè chân mình”.

Gần đây, chúng ta hay bàn đến cụm từ “tạm ứng niềm tin”. Và mong rằng, dư luận, xã hội hãy như những “bà mẹ chồng” độ lượng, hãy biết “tạm ứng niềm tin” cho các “nàng dâu” là những nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top