Aa

Chuyện mới về chung cư cũ Hà Nội

Chủ Nhật, 21/08/2022 - 09:56

Hiện Hà Nội có hơn 930 nhà chung cư đang sử dụng; trong đó có 132 nhà chung cư đưa vào sử dụng trước khi Luật Nhà ở năm 2005 có hiệu lực vào ngày 1/7/2006 và hơn 800 nhà chung cư đưa vào sử dụng sau thời điểm này.

Trong số đó, nhiều chung cư đã “hết đát” nhưng vẫn chưa thể triển khai sửa chữa hay là phá dỡ xây mới.

Nhiều chung cư cũ của Hà Nội đã “hết đát”.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký Quyết định 2892, thành lập Đoàn kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng và quản lý Nhà nước đối với việc vận hành, sử dụng nhà chung cư tại một số quận, huyện, thị xã. Đoàn do ông Dương Đức Tuấn - Phó Chủ tịch UBND TP trưởng đoàn, cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành Xây dựng, Công an, Thanh tra, Kế hoạch - Đầu tư, Tài chính, Quy hoạch - Kiến trúc, Tài nguyên và Môi trường, Thuế, Ban Nội chính Thành ủy. Đợt kiểm tra này sẽ thực hiện tại các quận Thanh Xuân, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Đống Đa và Hoàng Mai.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, trong số 132 chung cư đưa vào sử dụng chỉ có 93 chung cư đã thành lập Ban quản trị, số còn lại do xây dựng trước thời điểm Luật Nhà ở năm 2005, không có kinh phí bảo trì nên cư dân không muốn thành lập Ban quản trị. Đối với hơn 800 nhà chung cư đưa vào sử dụng sau ngày 1/7/2006, hiện có 567 nhà chung cư đã thành lập Ban quản trị, nhưng chỉ có 414 nhà chung cư đã bàn giao kinh phí bảo trì 2% cho Ban quản trị.

Thời gian qua, việc quản lý, vận hành nhà chung cư bộc lộ nhiều bất cập, gây bức xúc cho cư dân. Những vụ tranh chấp giữa chủ đầu tư và cư dân không chỉ riêng về quỹ bảo trì mà còn nhiều vấn đề khác, như chậm bàn giao giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà đất, tranh chấp diện tích sử dụng chung, chậm bảo hành, tranh chấp phần diện tích chung - riêng, an toàn phòng cháy, chữa cháy… Chung cư mới đã vậy, chung cư cũ còn nhiều vấn đề hơn.

Với Hà Nội, chung cư luôn là câu chuyện nóng, đặc biệt là với chung cư cũ. Hà Nội đã có nhiều văn bản, quyết định về sửa chữa, xây mới chung cư cũ, nhưng có thể nói là vẫn bế tắc. Vì thế, ngày 14/3/2022, UBND thành phố ban hành Quyết định số 907 thành lập Tổ công tác nhằm nghiên cứu, hoàn thiện các quy định của thành phố về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trên địa bàn. Tổ công tác này có 25 thành viên, gồm chủ tịch UBND các quận, huyện và các giám đốc nhiều sở, ngành. Tuy nhiên, từ đó tới nay, số phận những khu chung cư cũ vẫn chưa rõ ràng.

Cũng cần nhắc lại, Nghị định số 69/2021 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1/9/2021 về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, được coi là “liều thuốc” hiệu nghiệm đẩy nhanh tiến độ cải tạo các chung cư cũ. Theo KTS. Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, Nghị định sẽ giúp tháo gỡ nhiều vướng mắc, trong đó chủ căn hộ chung cư phải cải tạo, xây dựng lại sẽ được tái định cư, giải quyết chỗ ở tạm thời, lựa chọn hình thức bồi thường, yêu cầu chủ đầu tư thanh toán tiền chênh lệch bồi thường (nếu có), bồi thường thiệt hại xảy ra theo hợp đồng đã ký kết với chủ đầu tư theo quy định...

Một nút thắt rất quan trọng khác được Nghị định 69/2021 của Chính phủ tháo gỡ đó chính là tỷ lệ đồng thuận của người dân. Ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, Nghị định 69/2021 và Luật Nhà ở quy định rõ 3 trường hợp nhà chung cư thuộc diện phải phá dỡ để xây dựng lại hoặc xây dựng công trình khác theo quy hoạch mà không cần sự đồng thuận 100% cư dân (như trước). Điều này nhằm đảm bảo việc triển khai đồng bộ với quy hoạch và kiến trúc. Chính vì “sự cởi mở” của Nghị định 69/2021 của Chính phủ, doanh nghiệp đầu tư và người dân tin rằng thời gian tới, cải tạo chung cư cũ sẽ tăng tốc.

Nhưng với Hà Nội, do thực tế phức tạp nên việc triển khai không đơn giản. Lấy ví dụ, riêng phường Thành Công (quận Ba Đình) đã có tới 87 nhà tập thể, gồm 4.684 căn hộ, cao từ 2-5 tầng, xây dựng từ những năm 1970-1980. Đa phần căn hộ trong các khu chung cư cũ này có diện tích nhỏ hơn 30m2, dẫn đến tình trạng cơi nới tự phát, khiến công trình xuống cấp, có khi còn nguy hiểm.

Đầu năm 2022, UBND TP. Hà Nội đã ký ban hành Kế hoạch số 335 về việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn TP Hà Nội (đợt 1). Trong đó giao cho chính quyền cấp quận hoàn thành công tác di dời các hộ dân khỏi nhà nguy hiểm cấp D (cụ thể là với quận Ba Đình). Thời gian phá dỡ nhà chung cư cũ là nhà nguy hiểm cấp D dự kiến tiến hành vào quý III/2023. Với những động thái mới của lãnh đạo TP. Hà Nội, hy vọng số phận những khu chung cư cũ sẽ có “chuyện mới”.

Theo rà soát mới đây của Bộ Xây dựng, các đô thị cả nước hiện có khoảng 2.500 khối nhà chung cư cũ được xây dựng từ trước năm 1994, tương đương khoảng hơn 3 triệu m2 sàn, với hơn 100.000 hộ dân đang sinh sống. Riêng Hà Nội hiện có 1.579 chung cư cũ, trong đó đã kiểm định 401 chung cư. Từ năm 2007 đến nay, Hà Nội mới cải tạo, xây dựng lại 18 chung cư, đang thi công 14 dự án, chiếm tỷ lệ 1,8%; còn TP.HCM có 575 nhà chung cư cũ, trong đó đã cải tạo, xây dựng lại 15 chung cư, chiếm tỷ lệ 1,3%.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top