Nhiều quy định mới được ban hành
Ông Vũ Đình Thấn - cán bộ nghỉ hưu, trú tại Khu tập thể Viện tư liệu Phim Việt Nam, số 22 Liễu Giai, phường Cống Vị (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, khu tập thể này được xây dựng từ thập niên 1970. Sau gần 50 năm sử dụng, các hạng mục công trình đã xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản của người dân sinh sống ở nơi đây.
Năm 2013, khu tập thể này được TP. Hà Nội chấp thuận việc khảo sát, điều tra xã hội học, năm 2015 chấp thuận quy hoạch theo Giấy phép Quy hoạch số 4924/GPQH cho một doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài vào thực hiện công tác bồi thường, GPMB.
Đến năm 2018, khoảng 70% cư dân sinh sống tại khu tập thể đã bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư, nhưng số còn lại đến nay vẫn chưa chịu nhận bồi thường hoặc chấp thuận phương án tái định cư tại chỗ, khoảng thời gian này do vướng mắc về quy định của Nghị định 101/2015/NĐ-CP, phải đủ 100% cư dân đồng thuận với phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng.
“Chúng tôi luôn mong đợi sự thay đổi về cơ chế chính sách để quá trình cải tạo, xây dựng lại chung cư, nhà tập thể cũ được tiến hành nhanh hơn. Rất vui mừng vì vào tháng 7/2021, Nghị định 69/2021/NĐ-CP được ban hành với nhiều nội dung đổi mới về cải tạo chung cư cũ sửa đổi Nghị định 101/2015/NĐ-CP. Mới đây, TP. Hà Nội cũng ban hành những tiêu chí mới về công tác kiểm định nhà chung cư, tin tưởng rằng với thay đổi trên sẽ giúp công tác cải tạo được thuận lơn hơn”, ông Vũ Đình Thấn chia sẻ.
Ngày 21/6 vừa qua, Sở Xây dựng Hà Nội ban hành Quyết định số 331/QĐ-SXD về những tiêu chí đánh giá kết quả kiểm định chất lượng hiện trạng các chung cư cũ trên địa bàn thành phố, quy định rõ trình tự thẩm định gồm 6 bước. Đáng chú ý là việc đánh giá nhà chung cư hư hỏng thuộc diện buộc phải tháo dỡ liên đến quan những tiêu chí cụ thể, như kết cấu chịu lực, kết cấu hạ tầng kỹ thuật cấp, thoát nước, xử lý nước thải, điện, giao thông nội bộ và cấu kiện kết cấu chính, gồm: Móng, cột, tường, dầm, xà... không đáp ứng được nhu cầu.
Tại buổi tiếp xúc cử tri các quận Thanh Xuân, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV mới đây, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, thời gian qua, công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn Thủ đô gặp nhiều khó khăn, để tháo gỡ những vướng mắc Chính phủ đã ban hành Nghị định số 69/2021/NĐ-CP, HĐND TP cũng có Nghị quyết thông qua về việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.
“Tuy vậy, trên thực tế khi triển khai cũng sẽ nảy sinh thêm những khó khăn, vướng mắc nhưng thành phố đang rất quyết tâm triển khai, đảm bảo chỉnh trang đô thị. Tới đây, Hà Nội tiếp tục quan tâm và phối hợp với các bộ, ngành liên quan để triển khai, đảm bảo quyền lợi của Nhân dân trong công tác này”, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh.
Kỳ vọng vào sự thay đổi chính sách
Với chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ và TP. Hà Nội cùng những quy định mới được ban hành, sửa đổi, bổ sung cho quy định cũ không còn phù hợp với điều kiện thực tế, công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn Thủ đô đang có nhiều tiến triển tích cực, nhận được sự ủng hộ của đông đảo Nhân dân và sự tham gia nhiệt tình từ doanh nghiệp.
Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Mạc Đình Minh, công tác triển khai đang bám sát Kế hoạch số 335/2021/KH-UBND của UBND TP. Hà Nội về xây dựng lại chung cư cũ đợt 1. Đặc biệt, đối với một số khu vực có nhà nguy hiểm cấp D, như chung cư số 51 Huỳnh Thúc Kháng (quận Đống Đa) đã hoàn tất công tác di dời các hộ ra khỏi nhà nguy hiểm; 5 khu còn lại tại quận Ba Đình, gồm: Nhà C8 tập thể Giảng Võ, nhà G6A tập thể Thành Công, nhà A tập thể Ngọc Khánh, 2 đơn nguyên đầu hồi khu tập thể Bộ Tư pháp, nhà 148 - 150 Sơn Tây, dự kiến hoàn thành di dời trong quý II/2022. Sở Xây dựng cũng cơ bản hoàn thành kiểm định 126 chung cư cũ trên địa bàn.
Bên cạnh đó, theo thống kê, trên địa bàn có 1.579 chung cư, nhà tập thể cũ, qua rà soát đến thời điểm này, số lượng lại tăng thêm vào khoảng 2.000 chung cư. Nhưng đáng mừng là hiện nay số lượng doanh nghiệp, nhà đầu tư xin đăng ký tham gia tương đối lớn, cao hơn gấp nhiều lần so với thời điểm cách đây hơn 2 năm.
“Đến nay, đã có 70 nhà đầu tư đăng ký tham gia cải tạo chung cư cũ trên địa bàn thành phố. Nếu như trước đây, các khâu kiểm định, lập quy hoạch chi tiết đều do nhà đầu tư thực hiện thì theo quy định mới (Nghị định số 69/2021/NĐ-CP), Nhà nước sẽ bỏ kinh phí thực hiện kiểm định và lập quy hoạch, kết quả sẽ khách quan hơn”, ông Mạc Đình Minh cho hay.
Theo đánh giá, khó khăn, vướng mắc nhất hiện nay trong công tác cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, tập thể cũ ở Hà Nội và nhiều địa phương khác liên quan đến việc xác định hệ số đền bù giải phóng mặt bằng, tiếp theo là việc lựa chọn chủ đầu tư. Những vấn đề này không thể tiến hành một cách vội vã, mà phải thực hiện theo từng bước, từng giai đoạn sau khi đánh giá cụ thể tình hình triển khai thực tế, nhằm đảm bảo lợi ích cho nhân dân, doanhg nghiệp và Nhà nước.
Vì vậy, cần có sự quyết tâm hơn nữa của chính quyền cấp cơ sở từ quận, huyện phối hợp chặt chẽ với đơn vị liên quan, như Sở Xây dựng, Sở QH - KT... xác định rõ mức độ nguy hiểm của từng khu nhà, để từ đó đưa ra quyết định địa điểm nào làm trước, làm sau. Bên cạnh đó, sự đồng thuận từ người dân cũng đóng vai trò quan trọng trong công cuộc tái thiết đô thị này. Người dân có quyền yêu cầu lợi ích cho mình, nhưng cũng cần sự hài hòa và trách nhiệm với cộng đồng.
"Hiện nay, trên địa bàn Thủ đô có khoảng 200 nhà chung cư cũ xác định ở mức độ nguy hiểm cấp C; 137 nhà cấp B; và 7 nhà thuộc diện cấp D (đặc biệt nguy hiểm). Tuy nhiên, từ năm 2007, TP. Hà Nội mới chỉ cải tạo được 18 nhà chung cư cũ.
Việc cải tạo, xây dựng lại chung cư không chỉ áp dụng cho một toà nhà đơn lẻ, mà còn bao gồm cải tạo, chỉnh trang đô thị nhưng phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chương trình phát triển đô thị", Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Nguyễn Mạnh Khởi.
"Công tác cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ cũng được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các Chương trình công tác số 03, 05 về xây dựng, phát triển, chỉnh trang đô thị của Quận ủy Đống Đa nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Theo đó, quận đã phân công đến các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị xã hội và hệ thống chính trị tại cơ sở cùng vào cuộc để phát huy được sự đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân; huy động nguồn lực của xã hội tham gia", Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Hà Anh Tuấn.