Chuyện ở “thủ phủ nhà trọ“: Nhà ở công nhân dành cho ai đó, trừ mình ra?

Chuyện ở “thủ phủ nhà trọ“: Nhà ở công nhân dành cho ai đó, trừ mình ra?

Thu Thu
Thu Thu thuthu157ajc@gmail.com
Thứ Năm, 26/10/2023 - 06:00

“Nếu như nhà ở xã hội (NƠXH), nhà ở công nhân có nhiều loại hơn, giá cả hợp lý hơn thì chắc chắn chúng tôi sẽ lựa chọn vì chất lượng cuộc sống chắc chắn được đảm bảo hơn nhiều. Nhưng hiện tại chúng tôi chưa thấy có nơi nào phù hợp với mình khi điều kiện được mua hay thuê rất khó tiếp cận. Những chính sách, chúng tôi có nghe nói trên tivi đó, nhưng không quan tâm lắm vì thấy không dành cho mình...", đó là những chia sẻ chất chứa nhiều tâm sự của không ít công nhân đang sinh sống trong những "thủ phủ" nhà trọ ẩm thấp, chật hẹp qua ngày. 

Lời tòa soạn: 

Ngày 3/4/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 388/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”.

Đề án đặt mục tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân có giá phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình có thu nhập trung bình, thu nhập thấp khu vực đô thị và của công nhân, người lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất. Phấn đấu đến năm 2030, tổng số căn hộ các địa phương hoàn thành khoảng 1.062.200 căn. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn; giai đoạn 2025 - 2030 hoàn thành khoảng 634.200 căn. Đề án này được kỳ vọng sẽ góp phần ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển đô thị, nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại.

Từ sau khi Đề án được phê duyệt đến nay, các kiến giải liên quan đến xây dựng và phát triển nhà ở xã hội luôn được quan tâm hàng đầu trong các cuộc họp bàn. Nhiều chính sách liên quan đến phát triển Nhà ở xã hội cũng được đưa vào Luật Nhà ở (sửa đổi) trình lên Nghị trường trong kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV đang diễn ra. Có thể nói, việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân là một trong những trăn trở rất lớn của Đảng và Nhà nước, được quan tâm và xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 

Tuy nhiên, từ những chính sách nhân văn đến hiện thực hóa giấc mơ an cư thành những ô cửa sáng đèn, thắp lên ánh sáng và hy vọng cho những phận người bấp bênh, là một khoảng cách rất xa. 634.200 căn nhà ở xã hội nếu hoàn thành xây dựng theo đúng mục tiêu đề ra, sẽ dành cho ai? Và hàng chục nghìn công nhân, người lao động đang sống trong những "thủ phủ nhà trọ" ẩm thấp kia, có đủ điều kiện để tiếp cận những "căn nhà trong mơ" đó?

Trên tinh thần nghiên cứu và khảo sát thực tế, Reatimes khởi đăng tải tuyến bài: "Chính sách phát triển Nhà ở công nhân, nhà ở xã hội: 'Đường' từ bàn giấy đến ô cửa sáng đèn".

Trân trọng giới thiệu cùng độc giả!

Cách khu công nghiệp Bắc Thăng Long khoảng 1,5km là lối vào “thủ phủ” nhà trọ công nhân tại thôn Bầu, Hậu Dưỡng, Nhuế (xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội). Càng đi vào sâu, ngõ ngách tủa ra càng nhiều, các xóm trọ nhỏ chung chủ được xây dựng san sát nhau để phục vụ nhu cầu ở tạm thời của công nhân.

Mà theo như lời người dân tại đây kể: “Chỗ này toàn công nhân trọ thôi, chúng tôi thấy họ đi đi về về nhiều lắm, càng đi vào sâu càng nhiều nhà trọ”.

Nhà ở công nhân khu công nghiệp tại Hà Nội.

Nhà ở công nhân khu công nghiệp tại Hà Nội.

Những dãy nhà trọ giá rẻ nằm sâu trong ngõ Hậu Dưỡng, Nhuế (xã Kim Chung) (Ảnh: Thu Thu)

Bỏ cuộc vì phải chờ 2 - 3 năm mà vẫn chưa thuê được nhà ở công nhân

Rảo bước ngẫu nhiên vào một xóm trọ còn sáng đèn, thấy tôi hỏi thăm các anh chị công nhân về chuyện nhà ở xã hội, đôi bàn tay đang rửa bát thoăn thoắt của chị Nguyễn Thị Hoa, 38 tuổi bỗng dừng lại vài giây. Chị ngẩng đầu lên, theo bản năng hướng về phía chúng tôi và nói với sang, giọng chát chúa: “Chờ đấy mà được ở ý! Có mà đến mồng thất cũng chưa đến lượt mình, đầy người “xếp hàng” hai ba năm mà không được duyệt hồ sơ kia kìa”.

Nhà ở công nhân khu công nghiệp tại Hà Nội.
Chị Hoa bày tỏ sự bức xúc khi bị thẳng thừng từ chối trong những ngày đầu nộp hồ sơ nhà ở xã hội. (Ảnh: Thu Thu)

Tính đến nay, chị Hoa và chồng đã làm công nhân ở khu công nghiệp Bắc Thăng Long được 10 năm. Theo lời kể của chị, năm 2019, sau khi sinh em bé thứ 2, nhà chị có thêm ông bà lên chăm cháu nên hai vợ chồng chị dự định thuê 1 căn ở tòa nhà 15 tầng trong khu nhà ở cho công nhân xã Kim Chung cho gia đình 6 người sinh sống. 

Ngày ấy, việc làm hồ sơ rất đơn giản, lại có các đồng nghiệp dự định cùng nộp chung hồ sơ để đăng ký thuê nhà ở xã hội cùng nhau nên chị Hoa cũng quyết định thử xem sao. Thế nhưng, điều khiến chị Hoa thất vọng và bỏ cuộc ngay từ những bước đầu tiên là khi tiếp nhận hồ sơ, ban quản lý đã phản hồi với chị là “Có mấy nghìn bộ hồ sơ “đang chờ duyệt” kia kìa, có người phải đợi cả 2 - 3 năm chưa đến lượt”. 

“Đã đi thuê nhà, thì chờ thế nào được 2 - 3 năm. Còn mua thì lấy đâu ra tiền. Giờ ông bà không ở cùng nữa, con cũng lớn rồi, chúng tôi cũng không cần thuê nhà ở xã hội làm gì”, Chị Hoa nói. 

Giống như bao cặp vợ chồng công nhân khác, trung bình thu nhập của hai vợ chồng nhà chị Hoa khoảng 15 triệu/tháng để nuôi gia đình 4 miệng ăn. Giờ đây, chị Hoa đang sinh sống trong căn nhà trọ chung chủ tại một con ngõ ở Hậu Dưỡng với tổng chi phí khoảng 1,5 triệu/tháng bao gồm cả điện nước với nhà vệ sinh và phòng tắm chung.

Nhà ở công nhân khu công nghiệp tại Hà Nội.

Nhà ở công nhân khu công nghiệp tại Hà Nội.

Căn trọ của chị Hoa nằm ở đầu dãy trọ, có bếp và nhà vệ sinh riêng.

“Tiền học hành của 2 con, rồi tiền sữa bỉm, Tiền kiếm được chỉ đủ ăn và nuôi con thôi cô ạ, làm gì có tiền dư”, chị Hoa vừa tâm sự vừa nở nụ cười buồn.

Cũng từng có ý định thuê nhà ở xã hội, chị Nguyễn Thị Phương Mai, 40 tuổi, công nhân chuyên hỗ trợ dây chuyền lắp ráp máy in tại Công ty Canon với 20 năm tuổi nghề cho hay: “Khoảng 3 - 4 năm trước, hai vợ chồng tôi đã từng định bán đất ở quê và đi vay mượn thêm để mua nhà ở xã hội, nhưng đã thấy tương đối phức tạp. Với lại, do chỉ được ở trong vòng 50 năm nên sau này muốn chuyển nhượng thì phải qua trung gian mới được.

Rồi sau đó nhà chồng tôi có việc, nên hai vợ chồng lại quyết định không mua mà tìm thuê nhà ở xã hội”. 

Nhà ở công nhân khu công nghiệp tại Hà Nội.
Chị Mai đang dọn dẹp lại phòng để chuẩn bị dời khỏi nhà và bắt đầu ca làm đêm. (Ảnh: Thu Thu)

Chị Mai tìm hiểu thì được biết, tiền thuê nhà ở xã hội 1 tháng ở tòa nhà 15 tầng khoảng từ 2 - 2,2 triệu đồng/tháng với diện tích từ 30 - 40m2/căn. Chị tính toán, nếu thuê nhà ở xã hội tiền điện nước đóng theo dân cư của khu vực nên sẽ rẻ hơn thuê trọ ngoài. Tuy nhiên, do diện tích nhà ở xã hội lại rộng hơn nhiều so với nhu cầu ở thực của gia đình 3 người, nên thuê nhà ở xã hội sẽ gây lãng phí.

Đến khi tìm hiểu về tòa nhà ở xã hội 5 tầng cùng dự án, chị được biết giá thuê ở đây chỉ dưới 1,2 triệu đồng/tháng, thế nhưng “tiền phí môi giới rất cao, từ 5 - 10 triệu đồng; thêm nữa, thủ tục xác minh đủ điều kiện thuê nhà ở xã hội rất rườm rà khiến tôi thấy mất nhiều thời gian, làm khó công nhân”.

Nhà ở công nhân khu công nghiệp tại Hà Nội.
Khu nhà ở công nhân 15 tầng tại xã Kim Chung (huyện Đông Anh). Chia sẻ thêm về toà nhà ở xã hội 15 tầng, chị Mai cho biết: “Ngày trước tìm hiểu thì không thấy có thông tin mất nhiều tiền cho môi giới, nhưng gần đây tôi thấy phải có tiền cho môi giới mới được”. Ảnh: Reatimes
Nhà ở công nhân khu công nghiệp tại Hà Nội.
Khu nhà ở công nhân 5 tầng tại xã Kim Chung (huyện Đông Anh). Đây là khu nhà mà ngày trước chị Mai tìm hiểu, để thuê được nhà, cần mất tiền cho môi giới từ 5 - 10 triệu đồng. Ảnh: Trọng Hiếu

Nhà ở công nhân khu công nghiệp tại Hà Nội.

Toàn cảnh khu nhà ở công nhân tại xã Kim Chung (huyện Đông Anh). Ảnh: Reatimes

Vì vậy, sau đó hai vợ chồng chị Mai quyết định thuê 1 căn trọ bên ngoài tại ngõ Hậu Dưỡng với giá 1,5 triệu đồng/tháng. “Thuê trọ ngoài đơn giản lắm, chỉ cần làm việc với chủ nhà, rồi làm giấy tạm trú tạm vắng là vào ở thôi”, chị Mai cho hay.

Tuy nhiên, 2 tháng trở lại đây, mẹ chồng chị bị bệnh nặng, nên chồng chị Mai quyết định nghỉ công việc công nhân để về quê chăm mẹ già. Do vậy chị Mai đã chuyển về căn trọ nhỏ hơn chỉ khoảng 20m2 nằm sâu trong con ngách khác cũng thuộc ngõ Hậu Dưỡng với giá 1 triệu đồng/tháng.

Nhà ở công nhân khu công nghiệp tại Hà Nội.

Nhà ở công nhân khu công nghiệp tại Hà Nội.

Nhà ở công nhân khu công nghiệp tại Hà Nội.

Căn trọ chị Mai thuê khoảng 20m2 có phòng bếp và phòng vệ sinh khép kín với chi phí 1.000.000 đồng/tháng. Ảnh (Thu Thu)

Trong căn trọ nhỏ với những đồ đạc lỉnh kỉnh được xếp kín phòng, chị Mai đang cho con ăn và chuẩn bị tắm để khoảng 20h chị ra khỏi nhà và bắt đầu 1 ngày làm việc theo ca đêm.

“Tôi nịnh mãi mà con gái không về với bố, nên hai mẹ con mới ở căn này. Nếu có mình tôi, chắc tôi cũng ở căn 500.000 đồng/tháng thôi. Thêm người ở đây sẽ tốn thêm nhiều chi phí, nên tối ưu được là tốt nhất”, chị Mai vừa bóc tôm cho con gái, vừa phân bua.

Chị Mai cho biết, vì tiền học của con ở đây 2 tháng đã bằng cả 1 năm ở quê, nên với mức lương của chị hiện tại, một tháng gần như chẳng dư giả được mấy.

“Tôi làm công ty này cũng lâu rồi, chắc là cũng chỉ làm đến khi sức mình yếu đi, cố tích cóp một tí rồi về quê sinh sống thôi”, chị Mai vừa chọn bộ quần áo tối nay cho con mặc vừa thủ thỉ chuyện trò.

Nhà ở công nhân khu công nghiệp tại Hà Nội.

“Người có đủ tiền thuê nhà ở xã hội cũng sẽ thuê trọ ngoài”

Theo lời kể của chị Mai, hầu hết đồng nghiệp đều lựa chọn trọ ngoài như chị. Có lẽ bởi vậy, từ bao giờ, không chỉ con ngõ Hậu Dưỡng mà nhiều con ngõ khác xung quanh khu công nghiệp Bắc Thăng Long cũng đã trở thành “thủ phủ” nhà trọ công nhân.

Theo lời kể của người dân, cứ 10 nhà thì phải có đến 8 nhà làm nhà trọ để cho thuê. Giá thuê trọ ở đây (chưa tính tiền điện nước) thấp nhất là 500.000 đồng/tháng, còn cao nhất khoảng 1,8 - 2 triệu đồng/tháng. Công nhân chỉ cần bỏ ra từ 800.000 đồng trở lên là có thể có bếp và nhà vệ sinh riêng.

“Chỉ cần 1,5 - 1,8 triệu đồng/tháng là đã có thể thuê được căn trọ "tươm" lắm rồi! Vừa an ninh tốt, vừa đầy đủ tiện nghi, cũng có chỗ để xe, không thiếu thứ gì”, chị Mai vừa giơ tay chỉ sang toà nhà chung cư mini ở phía đối diện, vừa nhấn mạnh.

Chị Mai cho biết nếu chấp nhận bỏ ra gần 2 triệu đồng/tháng để thuê nhà, hầu hết công nhân sẽ chọn thuê trọ ngoài thay vì nhà ở xã hội, bởi họ rất cần những căn nhà trọ “đầy đủ tiện nghi từ điều hoà, máy lạnh đến giường, tủ...”.

Nhà ở công nhân khu công nghiệp tại Hà Nội.

Nhà ở công nhân khu công nghiệp tại Hà Nội.

Những căn trọ san sát nhau được xây thêm trong nhà dân được cho thuê với giá rất rẻ. Chỉ từ 500.000 đồng - 1.000.000 đồng là công nhân đã có một nơi để về.

“Khi đến các căn trọ ngoài, thường chỉ cần mua thêm mỗi xoong, nồi mà không cần sắm sửa thêm quá nhiều nên tiết kiệm hơn”, chị Mai khẳng định.

Theo ghi nhận của phóng viên, cũng có nhiều công nhân có điều kiện mua nhà ở xã hội nhưng đa số trong gia đình họ thường có 1 người làm ngoài với nhiều “tài lẻ” khác giúp kiếm thêm thu nhập. Nhưng con số này không nhiều.

Còn hầu như, nếu 2 vợ chồng là công nhân, chưa nói đến mua, việc thuê nhà ở xã hội cũng là một câu chuyện xa vời và họ cho là không cần thiết.

Phía cuối dãy nhà trọ của chị Mai là căn nhà của anh Đỗ Văn Chiến, 25 tuổi mới đến đây khoảng 5 tháng. Trước đây, anh Chiến cùng 3 người bạn kinh doanh ngoài nên đã cùng nhau thuê nhà ở xã hội với giá khoảng 2,2 triệu đồng/tháng tại tòa CT5 Xa La, Hà Đông.  

Anh Chiến cho biết, ngày ấy vì có anh chị sống gần đấy giới thiệu nên anh và các bạn  quyết định thuê ở đó để gần gũi với gia đình. Tuy nhiên sau đó, công việc làm ăn thua lỗ, anh Chiến đã chuyển sang làm công nhân tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long.

Nhà ở công nhân khu công nghiệp tại Hà Nội.
Anh Chiến và bạn quyết định thuê trọ ngoài gần khu công nghiệp với giá 500.000 đồng/căn để được sống một mình. Những căn trọ chung bếp và nhà vệ sinh như vậy đã làm hài lòng nhu cầu ở của anh và bạn bè. (Ảnh: Thu Thu)

Vừa đứng dựa lưng ở cửa, anh Chiến vừa cười và nói: “Tôi và 3 anh em nữa mỗi người thuê một căn khoảng 500.000 đồng/tháng thấy rất ổn. Công nhân thì làm gì có nhiều tiền, mà tôi cũng muốn sống một mình nên thuê ở đây vừa gần vừa tiện. Tôi đã thuê nhà ở xã hội rồi nên thấy cũng phức tạp, bị kiểm tra và cũng bị giới hạn giờ giấc. Trong thời gian tới, khi công việc ổn định, tôi cũng dự định làm thêm các việc khác để kiếm thêm thu nhập nên thấy thuê nhà ở xã hội nhiều bất tiện”.

Căn phòng anh Chiến ở tuy nhỏ, nhưng sạch sẽ và ngăn nắp với 1 chiếc tủ quần áo rộng nhưng chỉ để vài bộ quần áo gấp gọn, 1 kệ để đồ nhưng gần như trống không, một cái nệm và 1 bộ chăn gối. Qua cách anh Chiến kể chuyện, dường như anh và bạn bè vẫn hài lòng về những căn trọ như vậy.

Tương tự như anh Chiến, anh Phùng Văn Vũ, 28 tuổi, một công nhân chuyên làm bản mạch cho máy tính, cũng mới thuê căn trọ 15m2 với giá khoảng 500.000 đồng/tháng. Anh Vũ cho biết, đây là căn trọ được bạn bè thuê hộ cho hai vợ chồng ở. 

“Mọi người hay ở đâu thì mình ở đấy, gần nhau cũng vui hơn. Tôi cũng chỉ cần một chỗ trú thân là được. Chắc hết năm nay là tôi cũng chuyển về quê làm ăn thôi”, anh Vũ giãi bày.

Nhà ở công nhân khu công nghiệp tại Hà Nội.
Hầu như, ngày nào anh Vũ cũng ngồi trước thềm cửa trò chuyện với hàng xóm và suy nghĩ về những dự định trong thời gian tới. Theo anh tính toán, hết năm nay, anh sẽ tiếp tục trở về quê làm ăn. (Ảnh: Thu Thu)

Là hàng xóm của anh Vũ, chị Nguyễn Thị Nụ, 31 tuổi, hiện là công nhân chuyên sản xuất sản phẩm nền thủy tinh cho đĩa từ cho biết chị làm công nhân từ năm 2012. Tuy nhiên, chị mới đi làm lại từ tháng 8 do công ty đứt việc.

“Đợt này thị trường khó khăn nên công việc cũng bập bõm, tích luỹ chẳng được mấy. Công ty có nhiều việc thì còn có thu nhập, ít việc thì phải chịu. Bạn tôi tháng vừa rồi nghỉ cả tháng nên hưởng 30% lương, có người cũng chỉ làm nửa tháng nên nhận 50% lương”, chị Nụ trải lòng.

Nhà ở công nhân khu công nghiệp tại Hà Nội.
Chị Nụ vừa rửa bát, vừa trải lòng về cuộc sống công nhân. (Ảnh: Thu Thu)

Những tháng không có lương, chị Nụ về quê sống với bố mẹ, hạn chế chi tiêu, tự cung tự cấp. Đến nay, chồng và con chị đều ở quê, chị một mình ra ngoài Hà Nội làm việc. Cứ có dịp nghỉ là chị đều về quê thăm con.

Chị Nụ đã trọ ở căn nhà này đã được 4 năm. Dãy trọ chị Nụ thuê có 20 phòng với 2 nhà vệ sinh, 1 nhà tắm chung, 2 máy giặt. Tất cả công nhân thuê trọ ở đây đều cho rằng: “Sống như vậy là tốt rồi, ông bà chủ nhà cũng thoải mái, giá thuê hợp lý”.

Nhà ở công nhân khu công nghiệp tại Hà Nội.
Dãy trọ chị Nụ thuê rất đông, phía đối diện, bên trái, phải chỉ cách nhau vài bước chân đều là hàng xóm thân thiết. Dù là xóm trọ nhỏ, nhưng không khí khá nhộn nhịp, đông vui. (Ảnh: Thu Thu)
Nhà ở công nhân khu công nghiệp tại Hà Nội.
Nhà vệ sinh và phòng tắm chung của khu trọ. (Ảnh: Thu Thu)

“Bạn tôi ít người ở nhà ở xã hội lắm. Vì giờ có thuê thì tầng thấp cũng bị thuê hết rồi, tầng cao thì người có trẻ con, người già rồi đi chợ rất khó khăn, bất tiện. Nếu mà là nhà ở xã hội thì tôi muốn mua luôn, còn thuê thì ở ngoài tiện hơn chứ, cũng tầm giá đấy mà ở bên ngoài có thể thuê được căn tầng thấp, thậm chí nếu may có thể thuê được nhà mới xây, rất khang trang, sạch sẽ”, chị Nụ vừa nấu bữa tối, vừa tâm sự về những nỗi lòng của người công nhân.

Chị cho biết, dạo gần đây có nhiều vụ cháy nổ ở các tòa nhà cao tầng diễn ra, nên nhiều người có phần e dè với nhà chung cư, do đó việc thuê trọ ngoài vẫn là sự lựa chọn hàng đầu. 

“Nhiều người ở mặt đất quen, đi thang máy bị say nên cũng không dám ở chung cư. Như tôi là thà đi bộ còn hơn là đi thang máy, vì tôi sợ lắm. Tôi thấy cũng còn nhiều phiền phức nữa, chẳng hạn như phải làm ca kíp thường xuyên, tuần đêm tuần ngày nên cũng ngại việc ở chung cư…”, chị Nụ nói.

Nhà ở công nhân khu công nghiệp tại Hà Nội.

Nhà ở công nhân khu công nghiệp tại Hà Nội.

Khu phơi quần áo và nhà trọ của chị Nụ. (Ảnh: Thu Thu)

"Các chính sách đó không dành cho mình"

Gần đây, chị Nga, vừa bạn thân, cũng là đồng nghiệp quyết định chuyển về sống chung với chị Nụ trong căn phòng trọ 15m2. 

Chị Nga đang bầu đến tháng thứ 7, vừa nấu cơm vừa bật cười khi nghe nhắc đến việc mua nhà ở xã hội: “Mua nhà ở xã hội thì tôi chưa từng nghĩ đến vì có cố làm cũng không đủ để trả lãi. Thêm nữa, thuê những căn không phải ký túc xá thì giá cũng cao quá so với nhu cầu, tôi cũng bầu bí nên sợ ở tầng cao lắm. Tôi chỉ cần chỗ đi về thuận tiện, giá cả phải chăng để có thể cầm cự lâu dài”.

Nhà ở công nhân khu công nghiệp tại Hà Nội.
Chị Nga và chị Nụ đang nấu bữa tối. (Ảnh: Thu Thu)

Chị Nga cho biết, đa số công nhân đều thích thuê nhà hơn mua nhà ở xã hội. Những người công nhân này đều chỉ dự định làm một thời gian, khi có số vốn ổn định sẽ về quê làm ăn sinh sống, bởi gia đình, con cái ở quê hết. 

“Công việc tôi đang làm vì theo lâu rồi nên chưa muốn bỏ. Nhưng khả năng khi sinh đứa thứ hai thì tôi cũng sẽ về quê thôi”, chị Nụ đang đứng nấu cơm cùng chị Nga nói thêm.

Không chỉ anh Chiến, anh Vũ, chị Nụ, chị Mai cũng nghĩ như chị Nga, mà hầu hết những người công nhân khác tôi đã bắt chuyện đều không có dự định gắn bó lâu dài ở Hà Nội, bởi theo những người lao động này, “quê hương là quan trọng nhất, khi tích lũy đủ, hoặc khi già yếu vẫn nên về quê sống”.

Chị Bùi Thị Trinh, 40 tuổi, công nhân kiểm hàng ở khu công nghiệp cho hay: “Căn tôi đang thuê khoảng 800.000 đồng và tôi thấy mức giá này khá ổn. Vì chỉ có 2 vợ chồng ở với nhau, con cái tôi đều sống ở quê với ông bà hết. 

Nhưng đi làm xa vất vả lắm, nên chắc tôi cũng chỉ cố thêm một thời gian rồi hai vợ chồng cũng về quê làm. Ở nhà mình vẫn tốt hơn là ở nhờ nhà người khác mà”.

Nhà ở công nhân khu công nghiệp tại Hà Nội.
Góc nhìn từ cửa sổ vào nhà chị Trinh. (Ảnh: Thu Thu)
Nhà ở công nhân khu công nghiệp tại Hà Nội.
Căn bếp của nhà chị Trinh được đặt ở bên ngoài để tiết kiệm diện tích. (Ảnh: Thu Thu)

Cũng nghĩ như chị Trinh, anh Vũ Hồng Sơn, 29 tuổi, công nhân dây chuyền sản xuất xe máy cho biết, từ ngày đi làm đến nay là 10 năm anh vẫn ở trong căn trọ 15m2. Anh Sơn tâm sự: “Chúng tôi chỉ muốn thuê dễ dàng thôi chứ tiền làm gì có mà mua, và cũng không muốn mua vì gia đình ở quê hết, đất đai lại rộng rãi”.

Nhiều công nhân tôi gặp gỡ đều tỏ vẻ họ ít khi tìm hiểu về nhà ở xã hội dành cho công nhân, hoặc “có nghe được nhưng không quan tâm nhiều vì cho rằng các chính sách đó không dành cho mình”. Vì vậy, rất nhiều công nhân, ngay cả khi chỉ mới lên Hà Nội vài tháng, hay sinh sống và làm việc ở đây lâu năm cũng lựa chọn thuê nhà trọ bên ngoài với lý do “rẻ, tiện, đông vui”.

“Nếu như nhà ở xã hội có nhiều loại hơn, và giá cả hợp lý hơn thì chắc chắn chúng tôi sẽ ưu tiên lựa chọn rồi, chất lượng cuộc sống sẽ được đảm bảo hơn nhiều chứ! Thế nhưng hiện tại thì chúng tôi chưa thấy có những căn nhà ở xã hội phù hợp với nhu cầu, lại cũng khó tiếp cận nữa, nên chúng tôi mới chấp nhận ở trong những căn trọ nhỏ gần khu công nghiệp đấy chứ”, đây là câu nói vui nhưng chất chứa nhiều tâm sự của không ít công nhân đang sinh sống và làm việc tại khu công nghiệp.

Nhà ở công nhân khu công nghiệp tại Hà Nội.
Khung cảnh sinh hoạt của một xóm trọ nhỏ. (Ảnh: Thu Thu)

Theo khảo sát về tình hình đời sống, việc làm, tiền lương của người lao động năm 2023 do Ban Chính sách - Pháp luật phối hợp Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) thực hiện vào tháng 4/2023, tiền lương cơ bản hằng tháng của người lao động (làm đủ giờ công, ngày công, không bao gồm tiền làm thêm giờ) nhận được trung bình là 6,065 triệu đồng. 

Với mức thu nhập này, chưa nói đến việc mua nhà ở xã hội, nhiều công nhân còn đang phải chắt chiu từng chút một trong sinh hoạt, chi tiêu hàng ngày. Khi đó, tiền thuê trọ là một trong những chi phí được cắt giảm đầu tiên giúp họ cân đối cuộc sống.

Có lẽ, với họ, cuộc sống mưu sinh, cơm áo gạo tiền còn ghì chặt đôi vai hơn nhiều so với ước mơ có được một chốn an cư khang trang. Hơn hết, ước mơ an cư với họ không đồng nghĩa với quyền sở hữu một căn nhà tại “đất khách quê người”, bởi cho dù nhà ở xã hội có rẻ đến mấy, cũng đắt hơn tất cả những gì họ có thể mua được bằng số tiền lương ít ỏi của mình, trong khi ai nấy hầu hết đều đã có nhà cửa ở quê. Bởi vậy, khi việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân, trong đó có nhà ở dành cho công nhân khu công nghiệp, được Đảng và Nhà nước quan tâm và xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thì cũng cần phải xuất phát từ thực tiễn, cần khảo sát cụ thể, khoa học, thay vì “ném đá dò đường” và thực hiện một cách cảm tính, không sát với đời sống thực tế và nhất là không sát với nhu cầu, điều kiện thu nhập của công nhân. 

Chuyện ở “thủ phủ nhà trọ“: Nhà ở công nhân dành cho ai đó, trừ mình ra?- Ảnh 28.

Chuyện ở “thủ phủ nhà trọ“: Nhà ở công nhân dành cho ai đó, trừ mình ra?- Ảnh 29.

 

Nếu đã là nhà ở cho công nhân, thì công nhân phải được đặt vào vị trí trung tâm, cần phải được lắng nghe để biết họ cần gì, họ cần phải có tiếng nói trong chính vấn đề của họ. Chỉ khi cung gặp được cầu và nhà ở xã hội được phát triển đúng hướng, thì những vướng mắc về vốn, pháp lý và đầu ra mới được giải quyết từ gốc rễ. 

Sau cùng, để Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030” được hoàn thành và đi vào thực tế, cần khảo sát, xem xét, đánh giá, phân loại và xác định rõ nhu cầu trước khi bổ sung nguồn cung một cách ồ ạt. Cùng với đó, xây nhà ở xã hội, nhà ở công nhân không nên chỉ là việc “điền vào chỗ trống”, mà cần được ưu tiên trong những bản quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, để công nhân, người lao động thực sự được sống và làm việc trong môi trường lành mạnh khi đã và đang mang trên mình sứ mệnh là lực lượng thúc đẩy sự phát triển của xã hội.

Đón đọc kỳ sau...

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top