Aa

Chuyển sàn, tăng cơ hội cho cả HVN và nhà đầu tư

Chủ Nhật, 30/12/2018 - 01:56

HVN duy trì tốc độ tăng trưởng mảng hành khách ổn định ở mức 12% - tương đương với tốc độ tăng trưởng dự kiến của toàn ngành. Tốc độ tăng trưởng trong năm tới được hỗ trợ khi giá vé trung bình của HVN có thể sẽ tiếp tục cải thiện khi giá nguyên liệu đã tăng mạnh trong thời gian qua – đặc biệt là ở mảng vận chuyển hành khách nội địa.

Dự kiến Tổng công ty Hàng không Việt Nam – CTCP - Vietnam Airlines (UPCoM: HVN). sẽ chính thức niêm yết trên HOSE vào năm 2019. Như vậy cả HVN của Vietnam Airlines và VJC của Vietjet Air sẽ cùng niêm yết trên sàn HOSE. 

Số lượng chứng khoán mà Vietnam Airlines đăng ký niêm yết với mức vốn điều lệ 14.183 tỷ đồng. Trước đó, kế hoạch chuyển sàn đã được Đại hội cổ đông thường niên hồi tháng 5, các cổ đông Vietnam Airlines đã thông qua kế hoạch chuyển sàn giao dịch cổ phiếu từ UPCoM sang niêm yết trên sàn HoSE. Được biết, cổ phiếu HVN bắt đầu được giao dịch trên thị trường UPCoM được 2 năm kể từ 3/1/2017 và hiện có giá trị vốn hóa 46.818 tỷ đồng.

Theo giới phân tích, việc niêm yết cổ phiếu sang HOSE sẽ tạo điều kiện phát triển về cả quy mô, chất lượng và tính minh bạch cho HVN cũng sẽ cải thiện. Với nhà đầu tư, HVN có thể sẽ là cơ hội sinh lời khi ngành hàng không luôn là ngành dịch vụ cao. Tuy nhiên, cơ hội cho cả hai phía đến đâu phụ thuộc phần nhiều vào ban lãnh đạo HVN cũng như chiến lược phát triển của doanh nghiệp.

Vừa qua, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp đã thực hiện mua 164,7 triệu cổ phiếu HVN để tăng lượng sở hữu lên 1,22 tỷ cổ phiếu ứng với 86,16% vốn công ty. Tuy nhiên, đơn vị này cũng có kế hoạch giảm sở hữu xuống 51% vào năm 2020.

Năm 2016, ANA Holdings, công ty mẹ của hãng hàng không Nhật Bản All Nippon Airways đã bỏ ra 108 triệu USD để mua lại 8,77% vốn điều lệ tại Vietnam Airlines và vẫn giữ tỷ lệ đó đến nay.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2018 của HVN với kết quả doanh thu thuần tăng 18%, lên mức 25.377 tỷ đồng. Trong khi đó, giá vốn tăng đến 27% nên lợi nhuận gộp còn 3.089 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ.

HVN cho biết, doanh thu bình quân khách nội địa tăng và khách quốc tế đều tăng; doanh thu bình quân hàng hóa nội địa và quốc tế tăng cũng tăng mạnh. Tuy nhiên chi phí giá vốn tăng do ảnh hưởng từ giá nguyên liệu tăng cao, tỷ giá USD/VND cũng tăng 2% so với cùng kỳ.

Quý III/2018, Vietnam Airlines ghi nhận khoản lợi nhuận khác từ hoạt động bán, cho thuê lại máy bay chưa đến 20 tỷ đồng, giảm 185 tỷ đồng so với cùng kỳ. Do vậy dù đã tiết giảm được 141 tỷ đồng chi phí bán hàng so với cùng kỳ, thì lợi nhuận sau thuế quý III/2018 vẫn giảm đến 68% so với cùng kỳ, đạt 458 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2018 tổng doanh thu đạt 73.504 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ. Trong số đó, doanh thu vận tải hàng không đạt 59.835 tỷ đồng, đóng góp đến 81% tổng doanh thu. Còn lại là doanh thu từ các hoạt động phụ trợ vận tải hàng không, doanh thu bán hàng và doanh thu khác.

HVN chuyển sàn sang HOSE được nhiều nhà đầu tư mong chờ

HVN chuyển sàn sang HOSE được nhiều nhà đầu tư mong chờ

Kết quả 9 tháng đầu năm 2018 Vietnam Airlines báo lãi sau thuế 1.969 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ năm 2017 và đã hoàn thành, vượt 3% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm trước đó đại hội cổ đông đã thông qua.

Ngành hàng không nhìn từ đầu năm đến nay trọng tâm rơi vào hai vấn đề, giá dầu tăng mạnh đi cùng biến động tỷ giá, dẫn đến lo ngại cho áp lực giá vốn làm giảm lợi nhuận doanh nghiệp.

Tự nhìn nhận được rủi ro, Vietnam Airlines và cả Vietjet Air đều đã có những biện pháp phòng hộ, tuy nhiên đến quý III năm nay cả hai doanh nghiệp này đều không thoát khỏi sự giảm tốc các chỉ tiêu kinh doanh.

Trong báo cáo mới đây Chứng khoán Phú Hưng (PHS) còn cho rằng các hãng hàng không đều đẩy mạnh mảng hoạt động bán hàng phụ trợ nhằm bù đắp khi mảng vận tải hàng không chịu áp lực chưa thể điều chỉnh giá vé tăng tương ứng với đà tăng của giá nguyên liệu bay trong thời gian qua.

Năm 2019, PHS kỳ vọng HVN duy trì tốc độ tăng trưởng mảng hành khách ổn định ở mức 12% - tương đương với tốc độ tăng trưởng dự kiến của toàn ngành. Tốc độ tăng trưởng trong năm được hỗ trợ khi giá vé trung bình của HVN có thể sẽ tiếp tục cải thiện khi giá nguyên liệu đã tăng mạnh trong thời gian qua – đặc biệt là ở mảng vận chuyển hành khách nội địa.

Ngoài ra việc đẩy mạnh các mảng hoạt động phụ trợ có thể giúp HVN tìm thêm hướng đi mới trong điều kiện giá vé gặp khó khăn trong việc thay đổi phù hợp với giá nguyên liệu đầu vào. Do đó, PHS cũng giả định rằng HVN có thể sẽ đẩy mạnh khai thác, kinh doanh mảng này nhằm bù đắp cho việc HVN có thể sẽ không hoàn toàn đẩy hết chi phí đầu vào giá vé cho người tiêu dùng.

Ngược lại, vẫn còn rất nhiều rủi ro cho Vietnam Airlines thời gian tới. Thứ nhất, rủi ro nguyên liệu đầu vào khi giá dầu tăng đang ảnh hưởng chung tới lợi nhuận toàn ngành. Mặc dù giá dầu đang có dấu hiệu hạ nhiệt trong thời gian gần đây, tuy nhiên đây vẫn là vấn đề đáng quan tâm đối với các doanh nghiệp hoạt động trong ngành hàng không.

Thứ hai, sức ép cạnh tranh tới từ các đối thủ giá rẻ cũng khiến cho HVN gặp nhiều khó khăn khi khách hàng có xu hướng dịch chuyển sang sử dụng các loại hình dịch vụ với giá cả thấp hơn. Khác với hãng hàng không giá rẻ Vietjet Airs (VJC), hãng Vietnam Airlines lựa chọn chất lượng phục vụ cao với định hướng khách hàng khác đối thủ, mức giá theo đó cao hơn.

Tuy nhiên, thời gian gần đây khách hàng, đặc biệt hành khách trong nước dần chuyển dịch sang chọn dịch vụ hàng không giá rẻ, bằng chứng doanh số VJC tăng khá tốt khiến giới phân tích lo ngại cho thị phần tương lai của "anh cả" HVN. Ngược lại tại HVN, doanh thu vận chuyển có sự sụt giảm nhẹ tỷ trọng trên tổng doanh thu từ năm 2017 đến 9 tháng đầu năm nay.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top