Hai nhân vật nắm giữ vị trí cao nhất tập đoàn này, Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long và TGĐ Trần Tuấn Dương đã có khoảng thời gian rất dài hợp tác với nhau, từ thời đi học cho tới những ngày đầu tiên chập chững kinh doanh. Các ông là bạn đồng môn cùng tốt nghiệp cử nhân kinh tế Đại học Kinh tế quốc dân năm 1986, cùng bươn chải nơi đất khách những ngày đầu lập nghiệp, và sau này cùng nhau gây dựng và phát triển Hòa Phát.
Năm 2017 là năm kỷ niệm 25 năm thành lập tập đoàn Hòa Phát. Nhân sự kiện này, ông Trần Tuấn Dương, Tổng giám đốc Hòa Phát đã có những chia sẻ về chặng đường từ những "bước đi chập chững non trẻ" đến một "thanh xuân tràn đầy sức sống" như hiện nay.
Chuyện "vượt biên… giới"
Năm 1992, ông Trần Tuấn Dương, ông Trần Đình Long cùng những người bạn của mình thành lập Công ty TNHH Thiết bị Phụ Tùng. Công ty được thành lập chủ yếu buôn đồ cũ từ Nga về.
Mùa xuân năm 1993, dàn lãnh đạo công ty đi khảo sát thị trường. Thời kỳ đó doanh nghiệp chỉ được nhập khẩu đường biên chứ không phải chính ngạch vì công ty tư nhân không được phép xuất nhập khẩu với nước ngoài. Thế nên phải đi bằng hộ chiếu đường biên. Ông Trần Tuấn Dương nhớ lại: "Đến đoạn lên núi, hôm đó trời mưa phùn nên phải bò qua bằng cả hai tay hai chân tay nếu không trơn ngã. Người lấm bê bết bùn đất, bò qua biên giới mấy cây số. Mà không riêng gì mình, những người đi buôn tiểu ngạch thời đó đều đi như thế cả."
Trước chuyến đi, Công ty TNHH Thiết Bị Phụ Tùng chủ yếu buôn đồ cũ từ Nga về, đây là lần đầu sang nước ngoài để nhập khẩu hàng hóa một cách tương đối bài bản. Chuyến đi này có thể nói là bước thay đổi quan trọng của Công ty.
"Chiếc ghế xoay" và "Công ty Nội Thất"
Vào năm 1994 – 1995, lúc đó mới có Công ty TNHH Thiết Bị Phụ Tùng ở đường Giải Phóng, anh em đi mua bàn ghế cho văn phòng. Mua 2-3 cái bàn, 50-70 cái ghế mà thấy khó quá. Tìm hiểu thì biết họ phải nhập từ Đài Loan về, chủ yếu là bàn ghế gỗ. Cách đây 22 năm mà có cái ghế văn phòng xoay tít mù thì sướng lắm, hồi đó là dạng quý hiếm, mấy trăm nghìn một cái.
Bọn anh nghĩ sao người ta làm được mà mình không làm được, đây cũng là cơ hội kinh doanh rất tốt. Nhìn thấy tiềm năng thị trường như vậy nên anh Long mới quyết định thành lập Công ty Nội Thất. Đầu tiên cũng chỉ đi buôn, lọc ra 30 nhà cung cấp Đài Loan rồi Malaysia, Singapore … vậy mới có bức ảnh tìm hiểu thị trường ở triển lãm Singapore này.
Chuyện "ống thép"
Trước kia, Công ty Thiết bị phụ tùng thường phải mua ống thép về làm giàn giáo, nhưng thu mua rất khó khăn, chờ đợi, xin phê duyệt rồi phải có tiền lobby mới mua được 5-10 tấn. Mình nghĩ ống thép chẳng có gì, chẳng qua thép cắt ra, hàn lại thành ống mà mua khó như vậy thì hay là mình làm ống thép. Về anh bàn bạc với các anh thì làm ống thép thôi.
Khi biết ở Đài Loan có 30-40 nhà máy làm ống thép thì ngạc nhiên lắm vì ở Việt Nam mình chỉ có 1 nhà máy sản xuất ống thép, có 2 dàn máy chạy 1 tháng khoảng gần 2.000 tấn, rất là nhỏ. Đài Loan nhỏ hơn Việt Nam nhiều mà có đến 30 nhà máy. Dụi mắt không tin vào tai mình. Giờ thì Việt Nam cũng có vài trăm dàn máy sản xuất, chứng tỏ người ta đúng.
Những cái tên
Năm 1992, công ty đầu tiên thành lập có tên là Công ty TNHH Thiết Bị Phụ Tùng Hòa Phát, "Hòa Phát" ở đây mang ý nghĩa "Hòa hợp" và "Phát triển".
Công ty CP Nội Thất Hòa Phát trước đây có tên là Sơn Thủy. Thực ra hồi mới thành lập mấy anh cũng không biết đặt tên là gì, may có anh Sơn "đèn" cấp cứu kịp thời "Lấy luôn tên 2 vợ chồng tôi đi", thế là thành Công ty Sơn Thủy.
Hay như tiền thân của Công ty TNHH Ống thép Hòa Phát, hồi đầu thành lập tên là Công ty Đài Nam chỉ đơn giản rằng Hòa Phát là công ty của Việt Nam, mình nhập lô máy móc thiết bị đầu tiên của Đài Loan thì ghép lại thành Công ty Đài Nam.
Đến khoảng những năm 2002, anh em nhận thấy Hòa Phát đủ lớn rồi, mọi người cũng bắt đầu nhìn nhận sự quan trọng của hàng Việt Nam với khẩu hiệu "Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam".
Lúc đó và kể cả bây giờ, Thép Việt Mỹ, Việt Hàn, Việt Nhật, Việt Pháp, Việt Đức … rất nhiều. Một số công ty, máy móc chẳng có gì liên quan đến các nước Mỹ, Hàn, Nhật, Pháp… nhưng lại sính ngoại lấy tên như thế. Mình thì mua máy móc mới tinh của nước ngoài nên lúc đầu cũng định lấy tên ghép như vậy nhưng sau nhận thấy hàng Việt Nam cũng rất đáng để tự hào, thế là chọn "Hòa Phát" để đổi tên cho các công ty, thống nhất một thương hiệu và đến năm 2007 thì Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát ra đời. Đây là một quyết định hoàn toàn đúng đắn.
"Khó khăn" chính là "cơ hội"
Năm 1990, Nhà nước mới có Luật Doanh nghiệp tư nhân. Những công ty tư nhân thành lập năm 1990 gần như ko có vì luật mới ra đời, tiềm lực nhỏ, e ngại nhiều, thủ tục khó khăn. Ra đời năm 1992, Hòa Phát thuộc nhóm những công ty đầu tiên ra đời sau Luật doanh nghiệp.
Thành lập công ty đầu tiên năm 1992 không hề dễ dàng, phải qua phòng Thương mại và Công nghiệp quận Hoàn Kiếm làm hồ sơ, chứng minh tài sản, mượn tiền, góp vài chục triệu vào ngân hàng để phong tỏa tài khoản rồi xin giấy phép xác định nhận thân từng người. Công ty phải mượn nhà anh Long làm địa điểm vì doanh nghiệp thành lập phải có địa chỉ đăng ký, vốn pháp định, phải chứng minh vốn bằng cách đóng tiền vào ngân hàng, thậm chí đi mượn tiền người khác để đóng vào làm vốn pháp định.
Khó khăn như vậy nhưng thực ra đó mới là cơ hội cho người biết làm và dám làm. Dễ thì mọi người cùng dễ, ai cũng làm được, thế là "dễ" lại trở thành "khó".
Một doanh nghiệp muốn thành công phải "nhìn thấy cơ hội trong khó khăn". Nhưng quan trọng hơn, để doanh nghiệp lớn và phát triển mạnh mẽ thì phải "làm đúng" và "làm tốt".
Gía trị của Hòa Phát là đã bước chân vào ngành nào là phải làm tốt nhất. Đó thực ra là "sức cạnh tranh". Làm ngành gì cũng phải quyết tâm đủ lớn mình có thể làm tốt nhất, nếu không được nhất thì cũng phải được "gần như là nhất". Dù làm thiết bị phụ tùng hay nội thất, ống thép … nếu sức cạnh tranh vào loại tốt nhất hoặc vào nhóm tốt nhất thì sẽ không bao giờ chết, lợi nhuận sẽ đến. Làm tốt thì phần thưởng tự nó sẽ đến thôi …