Việc đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công quý I/2024 cũng như các quý tiếp theo vừa có ý nghĩa chiến lược và là nhiệm vụ trọng tâm nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế các quý tiếp theo và cả năm 2024. Để hiểu rõ hơn vai trò cũng như những giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương xung quanh nội dung này.
PV: Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, đầu tư giải ngân vốn đầu tư công có vai trò và đóng góp như thế nào đối với tăng trưởng kinh tế trong thực trạng khó khăn, thách thức của kinh tế nước ta năm 2024, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Hương: Đẩy mạnh thực hiện giải ngân vốn đầu tư công có vai trò then chốt, tạo động lực quan trọng thức đẩy tăng trưởng kinh tế năm nay. Năm 2024 là năm tăng tốc, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Ngay từ đầu năm, các bộ, ngành và địa phương đã tập trung triển khai các nhiệm vụ và giải pháp đề ra tại Nghị quyết 01 năm 2024 của Chính phủ, hướng đến tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh thực hiện và giải ngân nguồn vốn đầu tư công tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế năm 2024.
Đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn đầu tư công có vai trò quan trọng, là động lực then chốt để kích thích tăng trưởng kinh tế, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, vừa tăng việc làm và thu nhập cho người lao động, bổ sung thêm một nguồn vốn lớn cho nền kinh tế, đảm bảo vốn đầu tư công tiếp tục là vốn mồi để thu hút các nguồn lực đầu tư, đồng thời gia tăng nội lực của nền kinh tế trong bối cảnh còn nhiều khó khăn thách thức.
Ngay từ những tháng đầu năm, các bộ, ngành và địa phương đã xác định nhiệm vụ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, cần nỗ lực tập trung triển khai thực hiện, phấn đấu đảm bảo thực hiện và giải ngân đạt trên 95% kế hoạch được giao.
PV: Xin bà cho biết kết quả thực hiện nguồn vốn đầu tư công quý I/2024 của cả nước?
Bà Nguyễn Thị Hương: Quý I/2024, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt việc phân bổ và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công ngay từ tháng đầu năm. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 2 Công điện số 01/CĐ-TTg ngày 01/01/2024 và Công điện số 22/CĐ-TTg ngày 22/3/2024 chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, công trình hạ tầng giao thông, tập trung đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.
Theo đó, các bộ, ngành và địa phương đã tập trung chỉ đạo, phân giao sớm kế hoạch vốn đầu tư công 2024 được phê duyệt đến từng dự án, công trình nhằm đảm bảo các dự án đủ điều kiện sẽ thực hiện ngay trong những tháng đầu năm 2024.
Cùng với đó, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án kịp thời tập trung triển khai thực hiện các dự án/công trình được giao kế hoạch vốn năm 2024; đặc biệt là các dự án chuyển tiếp, các dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2024.
Tuy nhiên, các tháng đầu năm còn tập trung vào việc phân giao kế hoạch vốn, cũng như có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, đồng thời còn một số vướng mắc khó khăn, đặc biệt trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Các yếu tố này đã tác động nhất định, làm chậm tiến độ thực hiện nguồn vốn đầu tư công trong các tháng đầu năm của quý I hàng năm.
Quý I/2024, vốn đầu tư ngân sách Nhà nước thực hiện ước đạt 13,9% số kế hoạch vốn 2024, tăng 3,7% so với quý I/2023 (trong khi kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước năm 2024 bằng 96,3% kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước năm 2023), đã thể hiện sự chuyển biến tích cực trong việc đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công ngay từ các tháng đầu năm 2024 (quý 1/2023 đạt 12,9% kế hoạch).
PV: Với vai trò dẫn dắt của vốn đầu tư công, là "vốn mồi" tạo điểm tựa cho đầu tư của các thành phần kinh tế khác, xin bà cho biết, ý nghĩa của việc đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công quý I/2024 cũng như các quý tiếp theo?
Bà Nguyễn Thị Hương: Việc đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công quý I/2024 cũng như các quý tiếp theo vừa có ý nghĩa chiến lược và là nhiệm vụ trọng tâm nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế các quý tiếp theo và cả năm 2024.
Giai đoạn 2021-2023 vừa qua là giai đoạn đầy khó khăn và thách thức với tăng trưởng kinh tế của thế giới nói chung, của Việt Nam nói riêng và năm 2024 tiếp tục được xác định khó khăn hơn và tiềm ẩn nhiều rủi ro từ các hệ lụy tiêu cực bởi tác động hậu đại dịch Covid-19, xung đột thương mại, xung đột chính trị ngày càng có dấu hiệu leo thang và tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh trên, đầu tư công tiếp tục được xác định là một trong những động lực chính của tăng trưởng kinh tế.
Với vai trò dẫn dắt của vốn đầu tư công, đóng vai trò chống suy thoái, là "vốn mồi" tạo điểm tựa cho đầu tư của các thành phần kinh tế khác, qua đó sẽ kích thích nhiều nguồn vốn khác tham gia vào đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, phát triển hạ tầng kỹ thuật của nền kinh tế nhằm tạo động lực mới, năng lực mới cho các ngành, các địa phương, tạo đà tăng trưởng và phát triển cân đối hơn giữa các khu vực.
Vốn đầu tư công hiện nay tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông, kho cảng, công trình thiết yếu của nền kinh tế, các bệnh viện trường học, công trình văn hóa thể thao các chương trình mục tiêu quốc gia…
Trong ngắn và trung hạn (dựa vào tốc độ giải ngân vốn), khi vốn đầu tư công đi vào thực hiện sẽ tác động trực tiếp đến các ngành xây dựng, vận tải, sản xuất xi măng, sắt, thép, gạch ngói... Theo tính toán từ bảng IO của Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư công tăng 1% sẽ làm GDP tăng khoảng 0,08%.
Trong dài hạn, đầu tư công sẽ góp phần giải quyết những yêu cầu thiết yếu, cải thiện đời sống nhân dân, tạo sự thuận tiện trong lưu thông hàng hóa giữa các vùng miền giúp giảm chi phí vận chuyển, thúc đẩy liên kết vùng và chuỗi cung ứng hàng hóa cũng như nguyên vật liệu cho hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.
Bên cạnh đó, đầu tư công được giải ngân hiệu quả sẽ gián tiếp tạo thêm công ăn việc làm trong các ngành xây dựng, vận tải, dịch vụ hỡ trợ...; thúc đẩy lưu thông hàng hóa, dịch vụ...; từ đó giúp cải thiện đời sống nhân dân, kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng cho ngành xây dựng, tạo điều kiện khôi phục cho các ngành sản xuất thép, xi măng, vật liệu xây dựng...
Đầu tư công được thực hiện hiệu quả sẽ giúp nâng cao vòng quay đồng tiền, cải thiện tính thanh khoản của doanh nghiệp, kích thích gia tăng, mở rộng sản xuất... Từ đó tác động đến các kênh cung cấp vốn cho nền kinh tế như dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm khi nhu cầu vốn cho sản xuất ngày càng cao.
PV: Hiện nay, nguồn vốn đầu tư công còn hạn hẹp, trong khi nhu cầu đầu tư ngày càng lớn; hiệu quả đầu tư còn thấp, tỷ lệ thất thoát lãng phí còn cao; thủ tục hành chính còn rườm rà, cản trở việc giải ngân vốn đầu tư công. Xin bà cho biết, đâu là những giải pháp nhằm thúc đẩy nguồn vốn này?
Bà Nguyễn Thị Hương: Để phát huy hơn nữa hiệu quả của nguồn vốn này, Chính phủ cần ưu tiên kích cầu đầu tư vào các dự án sắp hoàn thành, nhanh đưa vào sử dụng, các dự án có quy mô, có tiềm năng góp phần trực tiếp duy trì và mở rộng năng lực sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và nền kinh tế.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần xây dựng chiến lược, kế hoạch và chương trình đầu tư công phù hợp, đáp ứng đúng và trúng nhu cầu đầu tư của từng ngành, lĩnh vực và địa phương; đồng thời, tập trung đầu tư vào các dự án lớn, xóa bỏ đầu tư dàn trải, giảm thiểu thời gian thực hiện dự án, khẩn trương đưa các công trình vào sử dụng, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư công.
Cùng với đó, Chính phủ cần có giải pháp phát huy vai trò, gắn trách nhiệm và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương trong giải ngân vốn đầu tư công. Người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên; đồng thời, khẩn trương nâng cao năng lực của chủ đầu tư, nhà thầu thi công, xây lắp.
Đặc biệt, cần tập trung xử lý vấn đề giải phóng mặt bằng. Chính phủ nên bố trí giải phóng mặt bằng thành một dự án độc lập, được thực hiện với các quy định đặc thù, phù hợp với điều kiện thực tế, nhằm nâng cao tính sẵn sàng cho việc triển khai dự án. Các cơ chế và mức bồi thường giải phóng mặt bằng phải thỏa đáng, bảo đảm quyền lợi cho người dân khi di dời, tái định cư để có sự đồng thuận khi triển khai.
Mặt khác, Chính phủ cần có cơ chế điều chỉnh kịp thời định mức thầu, giá thầu và giá các loại vật tư, vật liệu xây lắp khi có biến động giá trên thị trường; đảm bảo đầy đủ, kịp thời vật liệu xây lắp, đắp nền…
Xin cám ơn bà!