Aa

“Cỗ bài tam cúc mép cong cong…”

Chủ Nhật, 11/04/2021 - 07:00

Người Kinh Bắc cỡ lứa tuổi U50 trở lên, chả mấy người không biết và không chơi tam cúc. Cái bộ bài nho nhỏ xinh xinh dài cỡ hai ngón tay, rộng cỡ hai đốt tay người lớn.

Đó là câu thơ đầu tiên trong bài thơ “Cây tam cúc” của nhà thơ Hoàng Cầm. Nhà thơ Hoàng Cầm người gốc làng Lạc Thổ- làng Hồ, thị trấn Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh. Nhưng thực ra ông sinh ra ở thôn Phúc Tằng, xã Tăng Tiến, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Nên ông mới có tên khai sinh là Bùi Tằng Việt, cái tên cha ông đặt cho để kỷ niệm nơi sinh. Tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang có lúc là một tỉnh Hà Bắc, nay lại chia đôi lấy sông Cầu làm ranh giới. Nhưng từ xưa lắm rồi, Bắc Ninh, Bắc Giang vốn chỉ là một miền. Miền Kinh Bắc.

Người Kinh Bắc cỡ lứa tuổi U50 trở lên, chả mấy người không biết và không chơi tam cúc. Cái bộ bài nho nhỏ xinh xinh dài cỡ hai ngón tay, rộng cỡ hai đốt tay người lớn. Nào tướng sĩ tượng xe, nào tốt đen pháo đỏ. Dễ chơi dễ nhớ. Trẻ con người lớn, già trẻ gái trai đều chơi được. Nhưng chơi nhiều nhất là lũ trẻ con và các bà các chị. Những tối mùa đông rỗi việc, rủ nhau trải ổ rơm góc bếp, vừa sưởi lửa vừa chơi tam cúc thú biết bao. Nhưng khoái nhất là đêm ba mươi trông nồi bánh chưng, ngồi một hội chơi tam cúc lẫn lộn gái trai lớn bé, người chơi kẻ nghé bài chen chúc, ấm áp và nồng nàn. Nồng nàn hơi lửa, hơi bánh chưng sắp chín.

Hơi gái hơi trai quyện vào nhau mê mụ. Kẻ kết xe hồng người trình tứ tử, vui lắm cơ. Nhà thơ Hoàng Cầm, một người con miền Kinh Bắc đặc sệt từ lời ăn tiếng nói, phong cách sống cho đến giọng thơ. Thơ ông hầu như là âm hưởng, là giai điệu, là câu chữ ngân nga của miền quê văn hóa trữ tình và sâu lắng. Người ta nói, ông là người kể chuyện Kinh Bắc bằng thơ. Ai đã đọc bài thơ nổi tiếng “Bên kia sông Đuống” và các tập thơ “Về Kinh Băc”, “Mưa Thuận Thành” thì thấy rõ.

Bài Tam cúc

Thấy cả phong cảnh miền Kinh Bắc, văn hóa miền Kinh Bắc, con người miền Kinh Bắc. Và cả tình yêu nam nữ giao duyên của người Kinh Bắc cũng hiện lên rỡ ràng đầy đủ. Người Kinh Bắc vốn trọng chữ tình. Người Kinh Bắc vốn trọng giao duyên. Có duyên từ ngàn kiếp mới được gặp nhau trên đời này, sá gì tuổi tác cao thấp phân bôi.

Em còn bé lên tám lên mười đã ngước nhìn chị mười ba mười bảy, xinh như mộng. Để đêm hôm tụ tập chơi bài tam cúc, không được đánh cũng cố xán lại gần nghé, hít thầm hương tóc bồ kết lá bưởi sả chanh. Để rồi hương tóc mê dụ ấy cứ theo “em” suốt thủa ấu thơ lang thang trên cánh đồng chiều cuống rạ, đến khi lăn lộn bầm giập chốn thị thành, đường đời gian nan vẫn không quên được. Vẫn phải cúi lạy mẹ xin trở về Kinh Bắc, nhớ cỗ bài tam cúc năm xưa.

Trong tập thơ nổi tiếng của Hoàng Cầm “Về Kinh Bắc”, có nhiều bài hay xuất sắc. Nhiều người nói thích nhất “Lá diêu bông”. Nhưng tôi lại thích bài “Cây tam cúc” hơn. Bởi đọc bài thơ này tôi như thấy lại cả tuổi thơ đầm ấm thời chưa xa. Thấy bạn bè quê hương. Thậm chí nhớ cả chị hàng xóm. Bởi vậy tôi rất muốn các bạn cùng tôi đọc lại bài thơ của ông này:

CÂY TAM CÚC

“Cỗ bài tam cúc mép cong cong

Rút trộm rơm nhà đi trải ổ

Chị gọi đôi cây

Trầu cay má đỏ

Kết xe hồng đưa Chị đến quê Em

Nghé cây bài tìm hơi tóc ấm

Em đừng lớn nữa Chị đừng đi

Tướng sĩ đỏ đen chui sấp ngửa

Ổ rơm thơm đọng tuổi đương thì

Đứa được

Chinh chuyền xủng xoẻng

Đứa thua đáo gỡ ngoài thêm

Em đi đêm tướng điều sĩ đỏ

Đổi xe hồng đưa Chị đến quê Em

Năm sau giặc giã

Quan đốc đồng áo đen nẹp đỏ

Thả tịnh vàng cưới Chị

Võng mây trôi

Em đứng nhìn theo Em gọi đôi”

Đọc xong bài thơ, có bạn nào muốn về quê tôi, miền Kinh Bắc, chơi vài ván tam cúc không?./

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top