Aa

Có đủ cơ sở để khởi tố Công ty nước sạch sông Đà?

Thứ Bảy, 19/10/2019 - 10:00

Cơ quan điều tra phải làm rõ trách nhiệm của Viwasupco trong vụ việc này. Xem xét có vi phạm quy định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường hay không?

Sau sự cố nguồn nước sông Đà nhiễm dầu, hàng vạn người dân Hà Nội những ngày qua sống trong lo sợ, bức xúc vì nguồn nước sinh hoạt của gia đình lại là nước ô nhiễm. Người người, nhà nhà phải mua nước đóng chai về sinh hoạt, lấy nước từ các xe lưu động, cuộc sống bị đảo lộn.

Tuy nhiên, chính quyền địa phương lại thờ ơ và lúng túng, đơn vị trực tiếp cung cấp nước cho người dân lại trốn tránh trách nhiệm. Khi những chịu đựng của người dân đã vượt quá giới hạn thì cơ quan chức năng mới vào cuộc.

Nhìn lại ngần ấy sự việc thì hàng vạn người dân Hà Nội vẫn là những người trực tiếp chịu hậu quả và hệ lụy sau này, do những việc làm sai phạm, thiếu trách nhiệm, vô cảm của tổ chức cá nhân liên quan. Sức khỏe, tinh thần, tài sản của người dân bị xâm phạm, trật tự an toàn xã hội bị xâm phạm thì ai sẽ phải chịu trách nhiệm?

Tối ngày 15/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có văn bản chỉ đạo Bộ Công an khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ việc nguồn nước bị ô nhiễm và việc cung cấp nước sạch từ Viwasupco không đảm bảo chất lượng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Thủ tướng cũng đề nghị phải báo cáo kết quả trước ngày 25/10.

Điều tra và xử lý nghiêm khắc các đối tượng trực tiếp xả thải dầu ra đầu nguồn cấp nước gây ô nhiễm môi trường

15h30 ngày 17/10, các cơ quan chức năng tỉnh Hoà Bình họp báo thông tin về sự cố đổ trộm dầu thải vào đường dẫn nước của Viwasupco. Theo tài liệu tại họp báo, ngày 16/10, cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Kỳ Sơn (tỉnh Hoà Bình) đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội gây ô nhiễm môi trường theo quy định tại điều 235, Bộ Luật hình sự.

Lượng dầu thải bị xả thẳng ra đầu nguồn khe núi xã Phú Minh - Kỳ Sơn - Hòa Bình ước tính khoảng 100 tấn. Dầu thải là chất thải nguy hại, khó phân hủy, nghiêm cấm chôn, lấp, xả thải ra môi trường.

Ảnh: Bảo Loan/Gia đình & Xã hội

Theo điều 235 Bộ Luật hình sự, với hành vi xả thải trên 3.000kg đã phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này.

Vụ việc hoàn toàn đủ cơ sở để khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Các đối tượng thực hiện hành vi này tùy vào tính chất mức độ vi phạm thì có thể bị phạt tù từ 1 - 7 năm và bị phạt tiền từ 100 triệu đến 3 tỷ đồng. Đối với pháp nhân trực tiếp vi phạm có thể bị phạt tiền từ 1 tỷ đến 10 tỷ đồng và có thể cấm hoạt động trong lĩnh vực nhất định đến 3 năm.

Nước Viwasupco bán cho người dân có phải là nước sạch?

Công ty nước sạch Sông Đà là đơn vị cấp nước được UBND TP. Hà Nội lựa chọn, trực tiếp cấp nước sinh hoạt cho khoảng 250.000 người dân khu vực Tây Nam Hà Nội. Thực hiện dịch vụ cung cấp nước phải đáp ứng đủ điều kiện quy định tại Nghị định 117/2007 của Chính phủ quy định về “Sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch” và Văn bản hợp nhất số 06/VBHN-BXD ngày 13/9/2018, Viwasupco phải đảm bảo các điều kiện tiêu chuẩn chất lượng nước khi bán nước sinh hoạt cho người dân.

Điều 4 Nghị định 117 quy định “Chất lượng nước sạch sử dụng trong mục đích sinh hoạt phải đảm bảo theo các quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định. Bộ Y tế ban hành quy chuẩn nước sạch sử dụng mục đích sinh hoạt”.

Điều 10 Nghị định 117 quy định các hành vi bị cấm trong hoạt động cấp nước như: “Cung cấp nước sạch cho mục đích sinh hoạt không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành. Các hành vi phát tán chất độc hại và các bệnh truyền nhiễm, bệnh dễ lây lan”.

Những ngày đầu phát hiện nguồn nước bị ô nhiễm thì đại diện của Viwasupco thừa nhận “chưa có cơ sở để khẳng định nước sinh hoạt đến các hộ dân có đảm bảo tiêu chuẩn hay không. Việc xác định phải đợi kết quả từ Cơ quan y tế kiểm định”. Tuy vậy, dù biết rằng nguồn nước không đảm bảo nhưng Viwasupco vẫn bán nước cho hàng vạn người dân mà không quan tâm đến mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe mà người dân phải gánh chịu.

Nhưng trong buổi họp báo ngày 17/10, đại diện Viwasupco khẳng định: Chất lượng nước đầu vào được kiểm tra hàng tuần theo chỉ tiêu A và đạt tiêu chuẩn về “mùi vị” và nước đầu ra đến các hộ dân hiện nay đã đạt tiêu chuẩn cấp nước sinh hoạt.

Vậy những quy chuẩn nào để xác định đạt chuẩn về màu và mùi của nước đầu vào của Viwasupco?

Đại diện Viwasupco có trả lời thêm: “Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội có gửi báo cáo thành phố kết quả xét nhiệm nước ngày 14/10 thì chất lượng nước đạt tiêu chuẩn, nồng độ styren đạt ở mức an toàn”. Nhưng đến thời điểm hiện tại UBND TP. Hà Nội vẫn khuyến cáo người dân chỉ nên sử dụng nước để sinh hoạt, tắm giặt, không sử dụng để ăn uống.

Như vậy, hoàn toàn không đủ cơ sở khẳng định nguồn nước Viwasupco bán cho người dân trước ngày 14/10 là an toàn.

Trách nhiệm quản lý vận hành và cung cấp nước sạch cho người dân thuộc về ai?

Điều 58 Nghị định 117 quy định:

Trong trường hợp có sự cố xảy ra trên hệ thống cấp nước:

a) Đơn vị cấp nước cần thông báo kịp thời cho các khách hàng sử dụng nước có biện pháp dự trữ nước trong thời gian khôi phục dịch vụ cấp nước;

b) Thông báo ngay với cơ quan quản lý giao thông và có quyền chủ động khắc phục sự cố để bảo đảm an toàn cấp nước, đồng thời phải bảo đảm an toàn giao thông tại nơi có sự cố và hoàn trả mặt bằng theo quy định;

Như vậy, theo quy định, khi Công ty nước sạch Sông Đà phát hiện sự việc xả dầu thải ra đầu nguồn cấp nước thì phải có thông báo ngay cho người dân, chính quyền địa phương và cơ quan trực tiếp quản lý ở đây là Bộ Xây dựng. Nhưng trên thực tế, sau khi phát hiện sự việc (ngày 8/10) thì Công ty nước sạch Sông Đà không có bất kỳ động thái nào, đến ngày 10/10 đơn vị này mới có Văn bản gửi đến Bộ Xây dựng để báo cáo tình hình.

Sau khi báo cáo thì nhà máy nước Sông Đà vẫn bán nguồn nước bẩn đó cho người dân sinh hoạt mà vẫn không có biện pháp nào để khắc phục. Vì thế nên người dân chỉ phát hiện khi thấy nguồn nước của gia đình có mùi khó chịu. Và đến khi ấy, Viwasupco mới lên tiếng.

Điều 57 Nghị định 117 có quy định: “Đơn vị cấp nước có nhiệm vụ tổ chức lực lượng bảo vệ an toàn hệ thống cấp nước do mình quản lý” nhưng khi nguồn nước bị xâm phạm thì Viwasupco tỏ ra lúng túng không xử lý ngay lập tức, lấp liếm sự việc để mặc cho hậu quả xảy ra, khiến người dân Hà Nội phải lo chịu toàn bộ hậu quả và những hệ lụy khôn lường sau này.

Như vậy, không thể chối bỏ trách nhiệm của Viwasupco trước những hậu quả mà người dân Hà Nội phải gánh chịu.

Có đủ cơ sở để khởi tố nhà máy nước sông Đà?

Từ những sai phạm trên thì Viwasupco không thể chối bỏ trách nhiệm của mình. Đơn vị này phải chịu trách nhiệm với những sai phạm trong khâu quản lý vận hành, đến việc bán nước không đảm bảo chất lượng cho người dân gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Hậu quả trước mắt thì chúng ta đều thấy rõ, nhưng những hậu quả sau này thì không thể lường trước được.

Cơ quan điều tra cần phải điều tra, làm rõ trách nhiệm của Viwasupco trong vụ việc này. Xem xét có vi phạm quy định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường hay không? Nếu có dấu hiệu thì phải khởi tố ngay theo quy định tại điều 237 Bộ Luật hình sự 2015.

Ngoài ra, Viwasupco còn phải bồi thường thiệt hại khi đã bán nước (bẩn) cho người dân, vi phạm hợp đồng về cung ứng nước sạch. Viwasupco cũng phải bồi thường khi sức khỏe của người dân bị ảnh hưởng khi sử dụng nước nhiễm dầu.

Trách nhiệm của cơ quan nhà nước ở đâu?

UBND TP. Hà Nội đã lựa chọn đơn vị cấp nước, ký cam kết về chất lượng nước, lộ trình cấp nước, nghĩa vụ đơn vị cấp nước... Nếu UBND TP. Hà Nội lựa chọn đơn vị cấp nước thật chặt chẽ thì sẽ không có sự vô cảm, thờ ơ, lúng túng trước sự cố môi trường hoặc vì lợi ích kinh tế mà bán nước bẩn cho người dân.

Thực tế khoảng một tuần sau khi nước sinh hoạt có mùi lạ, người dân và truyền thông phản ánh quá nhiều thì chính quyền mới chính thức lên tiếng, công bố các kết quả xét nghiệm nước và có yêu cầu ngừng cấp nước sinh hoạt cho người dân. Trong một tuần đầu người dân phải tự ứng phó xoay sở với sự cố, trong khi đó, cơ quan chức năng không hề có bất cứ động thái nào.

Sau khi người dân phải "sống chung với nước bẩn" hơn 10 ngày thì chính quyền mới có yêu cầu ngừng cấp nước và phóng tuyến thau rửa toàn bộ đường ống dẫn nước nhiễm bẩn.

Đây là một tai nạn nghiêm trọng, mức độ ảnh hưởng lên đến hàng vạn dân nhưng chính quyền lại hành động chậm chạp, lúng túng trước sự cố, thì chính quyền cũng có lỗi, cũng phải có trách nhiệm với người dân.

Người dân còn bị hạn chế về quyền sử dụng nước sinh hoạt

Đối với người dân, nước sinh hoạt là một thứ không thể thiếu, nhưng về nguồn nước sử dụng, tiêu chuẩn, đảm bảo an toàn thì hầu hết người dân không nắm được, cũng không có nhiều quyền trong việc sử dụng nước. Vì việc cấp nước là do nhà nước quy định, quản lý sử dụng. Nhà nước giao cho Viwasupco cấp nước cho dân Hà Nội, Viwasupco độc quyền vận hành, quản lý, bán nước. Vì vậy, quyền của người dân bị hạn chế, sau cùng người dân vẫn là người chịu thiệt thòi.

Khoảng 250.000 người dân Hà Nội phải sử dụng nước nhiễm bẩn trong nhiều ngày, nhưng đến nay chưa một cơ quan nào đứng ra nhận trách nhiệm, chưa có lời xin lỗi nào đến người dân. Cứ như thể việc phải sử dụng nước bẩn là do thiên tai, dịch bệnh tự nhiên không xuất phát từ sự thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm từ chính quyền.

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại

Viwasupco cung ứng nước không đạt tiêu chuẩn chất lượng là vi phạm hợp đồng mua bán nước. Do đó, khi người dân sử dụng nước bị ô nhiễm, bốc mùi hoàn toàn có thể khiếu nại hoặc khởi kiện để yêu cầu Viwasupco bồi thường thiệt hại.

Cơ quan nào có trách nhiệm bảo vệ người dân?

Trách nhiệm bảo vệ quyền lợi cho người dân là trách nhiệm của nhà nước và toàn xã hội. Hiện nay, Hội Bảo vệ người tiêu dùng là đơn vị có chức năng bảo vệ quyền và lợi ích người dân khi bị xâm phạm. Chức năng là hướng dẫn, giúp đỡ, tư vấn cho người dân khi có yêu cầu; hoặc Đại diện người dân khởi kiện hoặc tự mình khởi kiện vì lợi ích công cộng, lợi ích toàn dân.

Để bảo vệ quyền của người dân rất mong trong thời gian tới sẽ có các cơ quan, tổ chức phối hợp cùng các đơn vị truyền thông đứng ra để đấu tranh vì quyền lợi người dân.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top