Italy
Để mừng Giáng sinh, vào tối ngày 24/12, người dân Italy thường tổ chức một bữa tiệc thịnh soạn với: cá chình nướng, đĩa rau truyền thống cardoni, bánh pastry với kem pho mát...Trong không khí đầm ấm quây quần bên nhau, mọi người sẽ cùng ôn lại truyền thuyết sự ra đời của Chúa. Những món quà sẽ được trao nhau lúc quá nửa đêm. Tuy nhiên, điều đặc biệt của đất nước này là thay vì ông già Noel thì sẽ được thay thế bằng bà già Noel với tên gọi Strega Buffana để trao quà đến những đứa trẻ ngoan.
Mexico
Có nhiều nét thú vị trong cách đón Giáng sinh của người Mexico, điển hình là việc thay vì dùng cây thông gắn dây đèn lấp lánh thì họ lại thay thế bằng hoa trạng nguyên; trẻ em sẽ nhận quà vào ngày 6/1 thay vì 24, 25/12.
Đất nước vốn dĩ sôi động với lễ hội sẽ càng náo nhiệt hơn với các chương trình ăn mừng diễn ra liên tục. Cả người lớn và trẻ em đều hóa trang thành những nhân vật trong câu chuyện đêm Giáng sinh để xuống đường diễu hành với những điệu nhảy, tiếng nhạc rộn ràng không ngớt.
Nga
Có thể bạn sẽ bất ngờ, nhưng với người dân Nga, họ có đến 10 ngày để mừng lễ Giáng sinh. Điều này đã phần nào phản ánh ý nghĩa quan trọng của ngày Giáng sinh với người dân của đất nước này. Theo truyền thống, đây là dịp những tín đồ của Chính thống giáo đến viếng những địa điểm thiêng liêng, đồng thời thăm hỏi, phát quà cho những người nghèo, tàn tật, cơ nhỡ…để họ cũng có một Giáng sinh an lành. Quảng trường trung tâm của thủ đô Moskva được trang trí bằng rất nhiều những pho tượng băng, cây thông khổng lồ, dây đèn lấp lánh, với sân khấu xuyên suốt là các chương trình âm nhạc, hợp xướng, vũ đạo đẹp mắt.
Ucraina
Khác với những cây thông phổ biến trên thế giới, người dân Ucraina thường sẽ cẩn thận gắn thêm một mạng nhện lên cây thông, “ngụy trang” bên dưới những tán lá. Họ tin rằng, ai tìm ra chiếc mạng nhện này đầu tiên sẽ gặp nhiều may mắn trong năm mới. Điều này xuất phát từ một truyền thuyết, trước đây có một gia đình góa phụ nghèo, con trai cô rất thích cây thông Noel nhưng nhà lại không đủ tiền để trang trí cho cây thêm đẹp. Và bất ngờ thay, vào buổi sáng Giáng sinh năm ấy, cả nhà thức giấc đã thấy 1 chú nhện giăng tơ quanh cây thông. Đến khi người con trai út mở toang cửa số đón ánh nắng thì chú nhện cũng đột nhiên biến mất, mạng nhện giăng xung quanh cũng từ đó biến thành vàng bạc.
Nhật Bản
Tạm quên món gà tây và bánh kem khúc cây đi, tại “đất nước mặt trời mọc” – một trong những quốc gia châu Á hưởng ứng Giáng sinh sôi động nhất, lại thay đổi món ăn truyền thống của ngày này thành gà rán KFC. Nghe có vẻ chẳng mấy liên quan, thế nhưng chiến dịch tiếp thị khéo léo của nhãn hàng này đã thuyết phục đến mức, người dân địa phương ngầm tin rằng đây là một phần của buổi tiệc giáng sinh. Thậm chí, nếu không đặt chỗ từ sớm thì e rằng khó có cơ hội chen chân vào bất kì cửa hàng KFC nào vào Giáng sinh tại Nhật. Để hưởng ứng ngày lễ này, tượng của Sanders – cha đẻ của thương hiệu này cũng được khoác áo ông già Noel cùng sự đổi mới bao bì bắt mắt.
Ba Lan
Ba Lan là đất nước theo Thiên chúa giáo và một nghi thức không thể thiếu trong những ngày này là chờ cho đến khi ngôi sao đầu tiên phát sáng trên bầu trời hôm Giáng sinh là có thể ngồi vào bàn và bắt đầu bữa tối. Một bàn tiệc Giáng sinh bắt buộc phải có đủ 12 món tượng trưng cho 12 tháng trong năm.
Người dân Ba Lan khá hiếu khách trong đêm Giáng sinh thế nhưng vẫn có những quy định khắt khe trên bàn tiệc. Điển hình như: số lượng đĩa dọn ra nhất định phải là số lẻ, số đĩa mang ra phải bằng với số khách tham dự, không được thừa hay thiếu. Trong bữa ăn, chủ nhà sẽ bẻ nhỏ miếng bánh quế có hình ảnh Chúa trời (bánh oplatek) để mời mọi người cùng ăn.
Đức
Đầu tháng 12, những phiên chợ Giáng sinh ở Đức lại bắt đầu nhộn nhịp. Thậm chí chợ Giáng sinh chính là nét đặc trưng trong mùa lễ hội này và là hoạt động truyền thống của người dân Đức. Sẽ là một thiếu sót nếu khách du lịch đến đây mà quên thưởng thức món bánh Dresdner Christstollen. Trung bình mỗi năm, khu chợ này mang về lợi nhuận khổng lồ cho ngành du lịch Đức. Điển hình, theo một cuộc thống kê, có năm con số này lên đến gần 8 tỷ USD.
Việt Nam
Dù nước ta không có ngày nghỉ chính thức cho dịp Giáng sinh nhưng đây vẫn là một dịp được người dân cả nước háo hức mong chờ. Tại nước ta, Giáng sinh thường được tổ chức vào tối 24 và 25/12.
Cây thông (nhựa) được trang trí ở khắp mọi nơi cùng cặp chuông, dây tuyết, chiếc ủng và những gói quà tượng trưng. Những ngày này, các đôi tình nhân âu yếm tặng quà cho nhau, trẻ em háo hức chờ đợi sự xuất hiện của ông già Noel, bạn bè rủ nhau tụ tập ăn mừng…Riêng những người đạo Công giáo sẽ tập trung đến nhà thờ dự lễ để mừng ngày Chúa sinh ra đời.