Aa

Có hay không việc lợi dụng nạo vét, hút cát thu lợi tại sông Cổ Cò, Quảng Nam?

Thứ Tư, 26/05/2021 - 15:30

Dự án nạo vét, thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò (TP. Hội An) do liên danh Công ty CP Đạt Phương và Công ty TNHH Phúc Nam trúng thầu. Việc nạo vét sông Cồ Cò chính thức triển khai vào tháng 12/2020.

Dự án nạo vét, khơi thông sông Cổ Cò từ TP. Đà Nẵng đến TP. Hội An có tổng chiều dài 28km, gồm: Nạo vét lòng sông, xây dựng 15 cầu trên tuyến sông và quy hoạch kiến trúc, cảnh quan dọc hai bên bờ sông. Đoạn sông Cổ Cò qua tỉnh Quảng Nam dài 19,7km, theo quy hoạch sẽ triển khai xây dựng 12 cây cầu với tổng mức đầu tư hơn 1.239 tỷ đồng và được chia làm 2 đoạn nạo vét: Từ Km0 đến Km14+00 và từ Km14 đến Km19+500.

Dự án nạo vét, thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò (TP. Hội An).

Việc triển khai thực hiện dự án gặp nhiều khó khăn

Trên thực tế, việc triển khai thực hiện dự án gặp khá nhiều khó khăn, chủ yếu nằm ở khâu giải phóng và bàn giao mặt bằng cho các đơn vị thi công. Theo đại diện Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam – chủ đầu tư dự án, cho biết diện tích mặt bằng bàn giao không được liên tục đã gây khó khăn cho công tác triển khai thi công. Nhiều hộ dân đã được phê duyệt phương án đền bù giải phóng mặt bằng nhưng chưa chịu nhận tiền bởi những lý do khác nhau. Bên cạnh đó, có nhiều hộ nuôi cá lồng bè, thủy sản trong phạm vi lòng sông, trong quá trình nạo vét và thi công các công trình gây ảnh hưởng đến nguồn nước nên giải quyết các vấn đề trên đã làm chậm tiến độ thực thi dự án.

Công trình cầu Ông Điền đang được đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thi công.

Dự án nạo vét, thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò (TP. Hội An) do liên danh Công ty CP Đạt Phương và Công ty TNHH Phúc Nam làm nhà thầu thi công, gồm công trình xây dựng cầu Ông Điền với đường dẫn lên cầu được khởi công từ ngày 30/7/2020 và công trình nạo vét sông được chính thức triển khai từ ngày 4/12/2020.

Ông Nguyễn Văn Lương, Chỉ huy phó công trường (thuộc Công ty CP Đạt Phương) cho biết: “Đến nay, tiến độ công việc đã hoàn thành khoảng 30 – 35%. Trong quá trình thi công, việc giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên bên phía chủ đầu tư dự án cũng như chính quyền đã vào cuộc chủ động, quyết tâm, phối hợp và đã bàn giao phần lớn mặt bằng cho đơn vị thi công, nhờ vậy mà tiến độ đã được đẩy nhanh”.

Cũng theo ông Lương, Công ty CP Đạt Phương trong gói thầu này sẽ thực hiện việc xây dựng 2 cây cầu bắc qua sông Cổ Cò, gồm cầu Ông Điền và cầu Nghĩa Tự. Hiện tại, mặt bằng để xây dựng đường dẫn cầu phía P. Điện Dương (TX. Điện Bàn) đã được bàn giao, còn phía TP. Hội An đang chờ phê duyệt giải phóng mặt bằng. Ông Lương bày tỏ mong muốn chủ đầu tư và chính quyền tiếp tục đẩy nhanh việc giải phóng và bàn giao mặt bằng còn lại để đơn vị triển khai thi công theo đúng kế hoạch.

Bên cạnh đó, tại gói thầu này, Công ty TNHH Phúc Nam sẽ đảm nhận công tác nạo vét lòng sông Cổ Cò. Theo đại diện đơn vị này, trước đây việc nạo vét lòng sông cũng gặp rất nhiều khó khăn. Tại vị trí thi công có nhiều hộ nuôi tôm, mặt bằng bàn giao không được liên tục nên tiến độ nạo vét bị ảnh hưởng. “Việc nạo vét cũng gây ảnh hưởng đến kế sinh nhai của người dân tại đây như hoạt động đánh bắt thủy sản, nuôi tôm,… nên lúc đầu cũng bị người dân phản đối”, đại diện Công ty TNHH Phúc Nam thông tin.

Đơn vị trúng thầu nạo vét sông Cổ Cò khẳng định có rất nhiều "tàu lạ" tham gia nạo vét sông Cổ Cò. Trong ảnh là đường ống phục vụ nạo vét sông Cổ Cò do nhà thầu thi công lắp đặt để tăng công suất nạo vét theo hợp đồng đã ký.

Tuy nhiên, nhờ sự phối hợp từ chính quyền vào cuộc giải thích, chia sẻ nên sau đó người dân hiểu và ủng hộ thi công. Mặt bằng chứa khối lượng vật chất nạo vét từ sông Cổ Cò, theo đơn vị thi công, đến nay đã được chủ đầu tư bàn giao khoảng 1/4, cơ bản đáp ứng được công suất nạo vét. Hiện đơn vị đang tăng cường thêm máy móc phục vụ nạo vét để đẩy nhanh tiến độ của công trình.

Nhiều “tàu lạ” tham gia hút cát, nạo vét sông Cổ Cò

Theo thiết kế, phần nạo vét, thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò (TP. Hội An) là công trình giao thông cấp 2 với tổng vốn đầu tư được phê duyệt 850 tỷ đồng (trong đó chi phí giải phóng mặt bằng là 273,84 tỷ đồng). Nguồn vốn trên thuộc Chương trình mục tiêu Ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh (nguồn vốn ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác).

Tại dự án này, luồng sông Cổ Cò sẽ được nạo vét để đảm bảo kỹ thuật sông cấp 4 (bề rộng đáy luồng 40m, bề mặt luồng 90m, độ sâu mực nước khoảng 3m), cùng với đó là xây dựng 2 cây cầu và đường dẫn cầu, gồm cầu Ông Điền và cầu Nghĩa Tự, hệ thống giao thông, điện chiếu sáng… với vốn đầu tư 554,5 tỷ đồng.

Ghi nhận của PV Reatimes tại công trường, các đơn vị thi công, trong đó hạng mục thi công cầu Ông Điền đã vượt qua các khó khăn về thời tiết và địa hình, triển khai nhanh các hạng mục xây lắp. Phần trụ cầu Ông Điền đang dần được thành hình và ngày càng hoàn thiện nhờ sự tập trung cao, tăng công suất thi công từ nhà thầu. Ở trên mặt nước, các công nhân đang tiếp tục hoàn thiện các đường ống dẫn phục vụ nạo vét và đang hoàn thiện, đưa thêm 1 máy hút vào để đẩy nhanh tiến độ.

Thi công cầu Ông Điền và nạo vét dòng sông Cổ Cò giúp mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân. Tuy nhiên, đã xuất hiện một số cá nhân lợi dụng chủ trương này để hút cát trái phép

Tuy nhiên, trong quá trình thâm nhập thực tế suốt thời gian dài, PV Reatimes ghi nhận có gần 10 “tàu lạ” tham gia nạo vét, hút cát từ sông Cổ Cò cả ngày lẫn đêm. Các tàu này đều có công suất lớn với hệ thống đường ống dẫn chằng chịt, thực hiện hút cát trên sông Cổ Cò, phun đưa vào 4 bãi chứa lớn nằm ven sông Cổ Cò, tiếp giáp với các khu đô thị đang được xây dựng nằm cận kề dòng sông này. Sau khi tập kết lượng cát khổng lồ lên bãi, nhiều xe chở cát lầm lũi kéo đến đến vận chuyển cát đi nơi khác.

Trao đổi với PV Reatimes, những người có trách nhiệm là nhà thầu thi công gói thầu nạo vét sông Cổ Cò lắc đầu ngao ngán và khẳng định rằng: “'Tàu lạ' tham gia nạo vét, hút cát trên dòng sông Cổ Cò không thuộc biên chế, số lượng tàu hút của đơn vị trúng thầu thi công. Và oái ăm thay, những bãi chứa cát tận thu từ dòng sông này cũng không nằm trong các bãi chứa mà chủ đầu tư - Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam, bàn giao cho đơn vị trúng thầu thi công.

Dư luận ở Quảng Nam đang đặt dấu hỏi rằng liệu có hay không việc lợi dụng chủ trương nạo vét, khai thông dòng sông Cổ Cò để hút trộm cát phục vụ lợi ích khác? Và từ cuối năm 2020 đến nay, lượng cát hút được từ dòng sông Cổ Cò đã và đang chảy về đâu?

Động lực để hình thành vùng “rất đáng sống” của Quảng Nam

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho rằng việc khai thông dòng sông Cổ Cò còn tạo động lực phát triển đô thị sông – biển vùng đông Điện Bàn – một đô thị mở rộng trong không gian liên kết với TP. Đà Nẵng và TP. Hội An. Phát triển du lịch đường sông kết nối TP. Đà Nẵng (đô thị hiện đại) với Hội An (đô thị cổ) trong cự ly chỉ 25km tính từ bến du thuyền Sông Hàn đến bến du thuyền Cửa Đại.

Sông Cổ Cò rất lý tưởng cho du lịch, dịch vụ sông nước vì dòng chảy êm quanh năm, lòng sông không quá rộng (bình quân 100m), cảnh quan hai bên sông rất đẹp và hữu tình, có nhiều vị trí cập bờ cho nghỉ ngơi, giải trí, ăn uống, mua sắm, vui chơi, tản bộ…

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, TP. Đà Nẵng và TP. Hội An được xác định là địa bàn trọng điểm của du lịch duyên hải Nam Trung bộ và cả nước. TX. Điện Bàn hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển du lịch khi trở thành vùng đệm kết nối giữa TP. Đà Nẵng và TP. Hội An. Sự liên kết giữa TX. Điện Bàn với hai thành phố qua sông Cổ Cò sẽ tạo cơ hội cho sự ra đời của nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn trong khu vực.

Không những phục vụ phát triển du lịch, dự án nạo vét sông Cổ Cò kết hợp quy hoạch cảnh quan 2 bên bờ sông, hình thành nên những khu đô thị sầm uất, hiện đại, hệ thống cơ sở hạ tầng được nâng cấp, hoàn thiện, góp phần nâng cao đời sống người dân. Hiện nay, nhiều khu đô thị, nghỉ dưỡng cao cấp, khu du lịch sinh thái đã và đang được hình thành 2 bên bờ sông này như báo hiệu tiến trình đô thị hóa hai bên bờ sông đang bước vào giai đoạn phát triển mới.../.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top