Aa

Cơ hội nào cho ngành khách sạn và dịch vụ lưu trú trong cuộc cách mạng bền vững?

Thứ Bảy, 19/03/2022 - 06:15

Trong thời kỳ hậu Covid-19, ngành khách sạn và dịch vụ lưu trú nói chung có nhiều điều kiện thuận lợi để tiến tới phát triển bền vững, cân bằng lợi ích kinh tế - xã hội - môi trường.

Vì sao ngành khách sạn và dịch vụ lưu trú phải tiến tới phát triển bền vững? 

Đại dịch Covid-19 diễn ra trong 2 năm đã đủ khiến ngành du lịch, khách sạn và dịch vụ lưu trú đối mặt với cú sốc kinh tế chưa từng thấy trong lịch sử. Chính sách đóng cửa biên giới, phong tỏa thành phố, cấm tập trung đông người, hạn chế đi lại và tạm ngừng dịch vụ không thiết yếu đã khiến ngành du lịch toàn cầu đình trệ, kéo theo ngành khách sạn và cơ sở lưu trú rơi vào một cuộc khủng hoảng, một cuộc chiến sống còn thực sự.

Chỉ riêng tại Mỹ, theo báo cáo được xuất bản bởi Hiệp hội Nhà nghỉ và Khách sạn Hoa Kỳ, năm 2020, các khách sạn tại nước này bị lỗ khoảng 83,7 tỷ đô doanh thu phòng. Tại Việt Nam, theo TS. Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, do lượng khách suy giảm, tỷ lệ lấp đầy phòng của các dịch vụ lưu trú chỉ ở mức khoảng 20% vào năm 2020 và dưới 10% vào năm 2021. 

Hiện nay, trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới đã xây dựng chiến lược "sống chung với lũ" và chuẩn bị đến thời kỳ coi Covid-19 là bệnh đặc hữu, đặc biệt là các nước trong khu vực Đông Nam Á như Malaysia, Thái Lan, ngành khách sạn và dịch vụ lưu trú phải nhanh chóng nắm bắt xu thế mới, định hướng chiến lược phát triển phù hợp với thời đại và đề cao tính bền vững trong toàn bộ quy trình vận hành. Động lực tiến tới phát triển bền vững của ngành khách sạn và dịch vụ lưu trú xuất phát từ nhiều yếu tố, từ cả môi trường vi mô và vĩ mô. 

Thứ nhất, vấn đề biến đổi khí hậu, nóng lên toàn cầu và phát thải khí CO2 đã trở thành vấn đề toàn cầu và đặc biệt quan trọng trong thời kỳ hậu Covid-19, không loại trừ bất cứ quốc gia hay lĩnh vực nào. Theo báo cáo thống kê của Tổ chức Du lịch thế giới UNWTO, ngành khách sạn chịu trách nhiệm cho 1% tổng lượng phát thải carbon toàn cầu và có chiều hướng gia tăng. Do đó, lĩnh vực này cần có những hành động mạnh mẽ hơn để phát triển kinh tế không cùng với gia tăng lượng khí phát thải và phá hoại môi trường. 

khách sạn, cơ sở lưu trú, dịch vụ lưu trú, nhà nghỉ, khu nghỉ dưỡng, bền vững, phát triển bền vững, du lịch bền vững
Biến đổi khí hậu cùng hiện tượng nóng lên toàn cầu gây ra chủ yếu do khí CO2 phát thải từ hoạt động của con người. (Ảnh minh họa)

Cũng theo UNWTO, báo cáo "Hotel Global Decarbonisation" (Tạm dịch: Khách sạn toàn cầu giảm phát thải carbon) năm 2017 chỉ ra rằng, ngành khách sạn cần phải giảm 66% lượng phát thải carbon vào năm 2030 và 90% vào năm 2050 để đảm bảo rằng sự tăng trưởng dự đoán của ngành không dẫn đến sự gia tăng tương ứng lượng khí CO2 thải ra môi trường.

Bên cạnh đó, tại Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc COP26 diễn ra tại Glasgow, Anh Quốc cuối năm 2021, nhiều quốc gia trên thế giới đã cam kết đạt mức phát thải ròng carbon bằng 0 (net zero) vào năm 2050, trong đó có Việt Nam, Anh và Liên minh châu Âu. Như vậy, trong gần 30 năm tới, những lĩnh vực có tỷ lệ phát thải cao, tiêu tốn nhiều năng lượng nước, không khí và nhiên liệu xăng, dầu như ngành khách sạn sẽ buộc phải thay đổi căn bản để tồn tại và phát triển. 

khách sạn, cơ sở lưu trú, dịch vụ lưu trú, nhà nghỉ, khu nghỉ dưỡng, bền vững, phát triển bền vững, du lịch bền vững
Tỷ lệ phát thải carbon của các ngành dịch vụ trong tổng lượng carbon phát thải do ngành du lịch gây ra, trong đó lĩnh vực lưu trú (lodging) chiếm 6%. (Nguồn: Nature Climate Change 2018)

Thứ hai, về bản chất, ngành khách sạn và dịch vụ lưu trú là ngành phụ thuộc nhiều vào môi trường và hệ sinh thái, hay có thể nói đây là ngành dễ bị tổn thương do những tác động từ biến đổi khí hậu. Đại dịch Covid-19 có thể là trường hợp điển hình, ngay khi đại dịch bùng phát, ngành khách sạn và dịch vụ lưu trú đã nhanh chóng trở thành nhóm ngành đầu tiên bị tạm dừng và đình trệ. 

Trong trạng thái thông trường, dịch vụ ngành khách sạn cung cấp cho du khách không chỉ là một nơi an toàn để nghỉ ngơi, mà còn là môi trường sinh thái tuyệt đẹp, không khí trong lành và các món ăn giàu tính bản địa. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên này đang dần biến mất do nhiệt độ tăng cùng các hiện tượng thời tiết cực đoan, đe dọa trực tiếp đến tình hình kinh doanh của các khách sạn. 

Năm 2019, một cuộc khảo sát đối với các hãng hàng không và chuỗi khách sạn toàn cầu, bao gồm Accor, Hilton, Hyatt, Marriott, Indian Hotels và Scandic đã tiết lộ danh sách những mối quan tâm lớn nhất của họ về tác động của biến đổi khí hậu đối với hoạt động kinh doanh trong tương lai. Đứng đầu danh sách là: Hạn hán và nguồn cung cấp nước không đủ, bão và lốc xoáy, lũ lụt, mực nước biển dâng cao và nhiệt độ trung bình tăng. Những rủi ro này đã trở thành hiện thực, khi mà ngay cả trong thời điểm trước dịch Covid-19, doanh thu phòng đã giảm 30% trong tháng 12 năm 2019. 

Mất đa dạng sinh học cũng là yếu tố cản trở ngành khách sạn phát triển theo khuynh hướng truyền thống. Động vật và hệ sinh thái nơi chúng sinh sống là một trong những động lực chính để đi du lịch, chiếm khoảng 20 - 40% ngành du lịch toàn cầu. Tuy nhiên, các nhà hàng lại tham gia một phần trong nguyên nhân dẫn đến mất đa dạng sinh học. Bởi sản xuất lương thực là ngành kinh tế có tác động lớn nhất đến đa dạng sinh học, chịu trách nhiệm cho 60 - 70% tổn thất đa dạng sinh học trong hệ sinh thái trên cạn và khoảng 50% trong các hệ sinh thái nước ngọt. Nghĩa là, nếu tiếp tục gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, chính ngành khách sạn và dịch vụ lưu trú sẽ phải chịu hậu quả do những gì nó gây ra. 

Cơ hội mới trong thời kỳ mới

Trước yêu cầu buộc phải chuyển mình để tồn tại, ngành khách sạn và dịch vụ lưu trú toàn cầu cũng đã nhanh chóng tìm ra con đường hướng đến lợi nhuận đúng quy mô bằng chiến lược tăng cường tính bền vững. Cơ hội dẫn đầu cuộc cách mạng bền vững của lĩnh vực này, nằm ở nhận thức của khách hàng và khả năng quản lý chi phí vận hành khi thay đổi theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường. 

Về phía khách hàng, sau đại dịch, con người có nhu cầu tiếp cận dịch vụ du lịch theo xu hướng ít ảnh hưởng tới đời sống bản địa và giảm tối thiểu tác hại đến môi trường, hay còn gọi là "du lịch có ý thức" (the conscious travel). Theo Báo cáo Bền vững năm 2021 của Booking.com, 73% khách du lịch có nhiều khả năng chọn nơi lưu trú vận hành bền vững hơn là một nơi thông thường. Trong số những người được khảo sát, 61% cho biết đại dịch khiến họ muốn đi du lịch bền vững hơn trong tương lai. Điều đó có nghĩa là, các khách sạn sẽ không phải tốn nhiều công sức giáo dục khách hàng về tính bền vững khi họ phải thay đổi cách vận hành để tiếp tục tồn tại. Ngược lại, chính nhận thức của du khách trong thời điểm hiện tại có thể trở thành động lực thúc đẩy ngành khách sạn và dịch vụ lưu trú trở nên xanh hơn, bền vững hơn. 

khách sạn, cơ sở lưu trú, dịch vụ lưu trú, nhà nghỉ, khu nghỉ dưỡng, bền vững, phát triển bền vững, du lịch bền vững
(Ảnh: Green Pearl Hotels)

Về phía nhà đầu tư, theo một bài phân tích của ông Zach Demuth, Trưởng bộ phận Nghiên cứu Khách sạn khu vực châu Mỹ của công ty tư vấn dịch vụ bất động sản toàn cầu JLL, tại Mỹ, các nhà đầu tư khách sạn và cơ sở lưu trú cũng đang nhận ra lợi ích của tính bền vững. Kể từ năm 2016, các tài sản bất động sản thương mại đạt được chứng nhận xanh đã được bán với giá trung bình nhiều hơn 11,5% so với những tài sản không có chứng nhận. “Phí bảo hiểm xanh” này đang ngày càng trở thành một phần quan trọng trong quá trình đàm phán mua lại khách sạn và có khả năng ảnh hưởng sâu hơn nữa khi Hệ thống tài khoản thống nhất cho ngành nhà nghỉ (USALI) công bố thông tin về tính bền vững bắt buộc bắt đầu từ năm 2024.

Những chỉ số này được dự đoán sẽ tạo ra sự minh bạch trong ngành công nghiệp lưu trú liên quan đến việc sử dụng năng lượng, chất thải và nước. Sự thay đổi này dự kiến ​​sẽ dẫn đến các khoản đầu tư tập trung bền vững và dẫn đến hiện tượng nhiều nhà đầu tư từ chối những khách sạn không đáp ứng được những tiêu chí nhất định.

Một điều kiện thuận lợi khác của ngành khách sạn và dịch vụ lưu trú trong cuộc chạy đua đến mục tiêu phát triển bền vững là khả năng quản lý chi phí khi chuyển đổi cơ cấu vận hành. Đối với một số ngành như xây dựng, sản xuất vật liệu công nghiệp, để chuyển đổi sang vận hành bền vững cần rất nhiều thời gian, đặc biệt là vấn đề chi phí. Đối với ngành khách sạn, thực tế lại chỉ ra rằng, nhiều khách sạn đã nhận được lợi ích khi tăng cường yêu cầu về tính bền vững. 

Ngoài nhân công, duy trì tiện ích và bảo trì tài sản là chi phí biến đổi cao nhất trong doanh thu của khách sạn (chiếm 12,1% doanh thu của các khách sạn ở Mỹ). Việc thực hiện các biện pháp bền vững đơn giản nhất như chiếu sáng LED hoặc bộ điều nhiệt thông minh có khả năng giảm chi phí tiện ích lên đến 40%, đồng thời tăng tuổi thọ của thiết bị. 

Một số chủ sở hữu khách sạn đã nhận thấy lợi ích của vận hành bền vững và ứng dụng vào thực tế, như hệ thống quản lý năng lượng phòng khách của quỹ đầu tư bất động sản Hersha Hospitality Trust. Hệ thống này đã tiết kiệm cho công ty 1,5 triệu đô chi phí tiện ích hàng năm với thời gian hoàn vốn là 2,5 năm. Quỹ Hersha cũng thúc đẩy xây dựng bền vững bằng việc triển khai năng lượng tái tạo tại chỗ, cụ thể là liệt kê thêm chi phí lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời trong danh mục đầu tư. Quỹ hy vọng biện pháp này sẽ giảm tới 25% tổng mức sử dụng điện cho mỗi khách sạn mà quỹ là chủ sở hữu. 

Không chỉ những doanh nghiệp trực tiếp tham gia vào ngành công nghiệp khách sạn, một số nền tảng bên ngoài cũng đã quan tâm và triển khai sáng kiến giúp đánh giá tính bền vững của cơ sở lưu trú, hỗ trợ người dùng có công cụ tìm kiếm, so sánh để đưa ra lựa chọn hợp lý. Đơn cử như Google gần đây đã đưa ra một số sáng kiến ​​bền vững về du lịch cho các khách sạn tham gia. Từ tháng 9/2021, những khách sạn đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững của những tổ chức độc lập như Green Key hoặc EarthCheck sẽ có huy hiệu được chứng nhận sinh thái bên cạnh tên của họ trong các tìm kiếm trên google.com/travel.

khách sạn, cơ sở lưu trú, dịch vụ lưu trú, nhà nghỉ, khu nghỉ dưỡng, bền vững, phát triển bền vững, du lịch bền vững
EarthCheck là tổ chức kiểm định, đánh giá, tư vấn khoa học hàng đầu ngành du lịch, thành lập từ năm 1987. (Ảnh: Internet) 

Nhu cầu du lịch và lưu trú bền vững của người dùng gia tăng đã thúc đẩy nhiều đại lý du lịch trực tuyến (OTA), các trang web phân phối dịch vụ du lịch và các bên thứ ba khác tích hợp những chỉ số đo lường tính bền vững vào công cụ đặt phòng của họ. Những thương hiệu khách sạn toàn cầu như Marriott, Hilton, Hyatt và IHG đã bắt đầu bổ sung các chỉ số bền vững vào trang web đặt phòng của riêng họ và cam kết giảm ít nhất 25% "dấu chân carbon" (carbon footprint) trong vòng 3 năm tới.

Trên thế giới, nhiều khách sạn, nhà nghỉ, khu nghỉ dưỡng, nơi lưu trú đã bắt đầu triển khai sáng kiến độc lập để tăng cường tính bền vững trong quá trình vận hành, thu hút khách du lịch và bảo vệ môi trường. 

Khách sạn Hi của Pháp đã sử dụng các sản phẩm làm sạch thân thiện với môi trường, giấy tái chế, thực phẩm hữu cơ, dầu gội thực vật và sữa tắm mà không cần đóng gói. Khu nghỉ dưỡng Jumeirah Vittaveli tại Maldives đã xây dựng hệ thống "Eco Pure" xử lý nước biển để tạo ra nước uống trong lành, đóng chai trong chai thủy tinh tái chế và tiết kiệm được khoảng 50.000 chai nhựa mỗi năm. Trong khi đó, khách sạn Crowne Plaza của Đan Mạch đã có thể tự hào là tòa nhà lớn nhất với công viên tích hợp bảng năng lượng mặt trời ở Bắc Âu và hệ thống làm mát và sưởi ấm dựa trên nước ngầm đầu tiên ở Đan Mạch. 

khách sạn, cơ sở lưu trú, dịch vụ lưu trú, nhà nghỉ, khu nghỉ dưỡng, bền vững, phát triển bền vững, du lịch bền vững
Tòa nhà Crown Plaza tọa lạc tại Thủ đô Copenhaghen của Đan Mạch. (Ảnh: IHG)
khách sạn, cơ sở lưu trú, dịch vụ lưu trú, nhà nghỉ, khu nghỉ dưỡng, bền vững, phát triển bền vững, du lịch bền vững
Các công ty Skanska và SG Cont Contract Inc. đang thiết kế và xây dựng khách sạn Hilton trị giá 308,3 triệu đô đạt chứng chỉ LEED Gold, liền kề với Trung tâm Đại hội Thế giới Georgia ở trung tâm thành phố Atlanta, Mỹ. (Ảnh: Rebusiness Online)

Theo ông Zach Demuth, đối với ngành khách sạn, việc thực hiện "một cam kết bền vững không chỉ giúp ngăn chặn hiện tượng biến đổi khí hậu, mà còn là nguy cơ nếu không thực hiện cam kết đó sẽ dẫn đến giảm giá trị tài sản, tăng chi phí vận hành và giảm nhu cầu tiêu dùng". 

Có thể khẳng định, sự thay đổi về cơ chế vận hành, tăng cường yêu cầu về tính bền vững, cân bằng lợi ích kinh tế với lợi ích xã hội và môi trường là cơ hội, cũng là thách thức với ngành khách sạn và công nghiệp lưu trú trong thời kỳ mới. Đây cũng là con đường tối ưu nhất mà lĩnh vực này có thể tự mở ra cho mình, để thoát khỏi trạng thái càng phát triển càng bất lợi. Vòng tròn lợi ích tuần hoàn trong chiến lược phát triển bền vững sẽ ngày càng mở rộng nếu ý chí kinh doanh không chỉ tập trung vào lợi ích của một vài cá nhân. Và khi vòng tròn đó mở rộng, không chỉ ngành khách sạn và dịch vụ lưu trú, những lĩnh vực khác như du lịch, ẩm thực, giao thông cũng sẽ được hưởng nhiều giá trị./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top