Bất động sản là 1 trong 8 lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất
Tại tọa đàm “Bất động sản trong vòng xoáy bất định: Xoay chuyển và thích nghi” diễn ra mới đây, bàn luận xoay quanh những khó khăn cũng như tìm cách tháo gỡ cho thị trường bất động sản, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Tài chính - Ngân hàng đã có những số liệu cập nhật mới đối với thiệt hại riêng của lĩnh vực bất động sản và tác động lan tỏa của thiệt hại đó tới nền kinh tế nói chung.
TS. Lực cho hay, qua số liệu mới nhất mà ông có được thì hiện nay thị trường bất động sản đang đóng góp 4,5% GDP, nếu tính cả lĩnh vực xây dựng thì khu vực này đang đóng góp 5,5% GDP.
"Chỉ tính riêng 2 lĩnh vực này đã đóng góp 10% GDP, tuy nhiên đây vẫn là con số khá khiêm tốn so với các nước trong khu vực như: Thái Lan hay các quốc gia ASEAN", TS. Cấn Văn Lực nhận định.
Theo đó, ngoài sự đóng góp trực tiếp, 4 lĩnh vực có sự lan toả của bất động sản bao gồm: Vật liệu xây dựng, du lịch, lưu trú và tài chính ngân hàng với mức đóng góp cho nền kinh tế là trên 20% GDP.
“Như vậy, chúng ta thấy, ngay toàn bộ những lĩnh vực liên quan đến bất động sản đã đóng góp tới 30% GDP. Đặc biệt, nếu tính cả xây dựng cơ sở hạ tầng sẽ là rất lớn. Như vậy 1/3% GDP liên quan đến bất động sản, cả trực tiếp và gián tiếp”, ông Lực tính toán.
Nhấn mạnh hơn về vai trò của bất động sản với nền kinh tế, TS. Lực cho biết, thu hút dòng vốn FDI vào bất động sản luôn đứng ở thứ 2 và thứ 3. Thống kê mới đây nhất cho thấy, tổng vốn FDI dành cho bất động sản là 59 tỷ USD, chiếm 15% tổng số vốn đăng ký FDI.
Công bố thêm về các con số, TS. Cấn Văn Lực cho biết: “Chúng tôi đã thực hiện một cuộc khảo sát đối với 15 ngành nghề chính, chiếm tới 80% GDP thì cho thấy, bất động sản là 1 trong 8 lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ tác động của đại dịch”.
Cụ thể, trong 7 tháng đầu năm, tổng giá trị sang nhượng bất động sản đã giảm 0,4% so với cùng kỳ. Trong khi đó, giá cổ phiếu ngành cũng giảm tới 16% so với giai đoạn đầu năm. Bất động sản cũng là 1 trong 10 lĩnh vực có giá cổ phiếu giảm mạnh nhất với mức sụt giảm chỉ số VN-Index là 14% so với đầu năm. Số doanh nghiệp bất động sản tạm ngừng kinh doanh do Covid-19 tăng tới 98% so với cùng kỳ năm trước.
TS. Lực cho hay, những con số trên được liệt kê ra để thấy, tác động của Covid-19 đối với doanh nghiệp bất động sản là rất lớn. "Dù vậy, tôi nhận thấy rằng, thị trường bất động sản đang đối mặt với một số thách thức cũng như cơ hội mới”, ông Lực nhấn mạnh.
Cơ hội nào cho thị trường bất động sản trong tâm bão?
Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, điều cần nói nhiều hơn cả có lẽ chính là những khó khăn, thách thức để từ đó tìm ra phương án khắc phục. Đồng tình với quan điểm ấy, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, hiện cả nhà đầu tư và người dân đang dần thay đổi lối sống, tiêu dùng, khẩu vị rủi ro sau đại dịch, họ đã trở nên thận trọng hơn.
TS. Cấn Văn Lực đã chỉ ra 3 khó khăn cơ bản của thị trường hiện tại: Thứ nhất, tiền mặt đang được coi là vua nên các nhà đầu tư sẽ đắn đo, cân nhắc kỹ lưỡng hơn khi xuống tiền. Thứ hai là khung pháp lý cho bất động sản vẫn còn rất chậm trễ, ví dụ như mảng condotel, đã 4 năm rồi mà chúng ta vẫn chưa có khung pháp lý. Thứ ba là thách thức đến từ các kênh đầu tư khác. Trong thời điểm hiện nay, xuất hiện nhiều kênh đầu tư khác hấp dẫn hơn bất động sản, trong đó đáng chú ý là kênh đầu tư vào vàng. Từ đầu năm tới giờ, vàng thế giới tăng 27%, trong khi tại Việt Nam, giá kim loại quý cũng đã tăng tới 29%.
“Dù vậy, chúng tôi vẫn nhận thấy cơ hội ở 3 lĩnh vực liên quan đến bất động sản”, chuyên gia Cấn Văn Lực đặt vấn đề.
Các cơ hội này lần lượt là:
Một, cơ hội phát triển bất động sản công nghiệp nhờ việc dịch chuyển đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam.
Hai, cơ hội phát triển logicstics bởi trong báo cáo mới đây, Savills đã đánh giá Việt Nam là một trong ba thị trường hấp dẫn nhất châu Á về logicstics.
Ba là nhu cầu về nhà ở với mức giá phải chăng hơn của người dân vẫn rất cao.
"Trong bất động sản, cả phong độ và đẳng cấp đều phải bền vững"
Thị trường bất động sản đang đối mặt với một số thách thức cũng như cơ hội mới
Khó khăn có, cơ hội có, nhưng để vượt qua khó khăn cũng như khiến cho cơ hội thành hình rõ ràng thì cần không ít sự cố gắng từ doanh nghiệp cũng như các cơ quan quản lý. Dù doanh thu sụt giảm nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn cố gắng không cắt giảm nhân sự, dù các chỉ số dự báo đều kém khả quan nhưng doanh nghiệp vẫn kiên định lên dây cót, lập kế hoạch tăng trưởng mới, tìm hướng đi mới,... tất cả đều toát lên tinh thần vượt khó của doanh nghiệp Việt.
TS. Võ Trí Thành ví von: "Câu chuyện của doanh nghiệp làm tôi chợt nhớ đến thể thao, người ta hay nói đẳng cấp là mãi mãi, phong độ là nhất thời, dường như trong bất động sản, cả phong độ và đẳng cấp đều phải vững bền”. Theo ông Thành, một trong những yếu tố rất quan trọng hiện nay là cần phải đẩy mạnh xây dựng, nhất là trong giai đoạn vượt khó như lúc này.
Tuy nhiên, ở góc nhìn nhận thực tế hơn, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam bày tỏ: "Nếu chúng ta phải đối mặt với giãn cách xã hội một lần nữa, tôi cho rằng, chúng ta phải đẩy mạnh các giải pháp online, bán hàng từ xa và cũng phải cơ cấu, tinh gọn bộ máy, song cũng tránh tối đa cắt giảm quân số. Lúc này rất cần phải có sự tính toán hợp lý”.
Theo đó, giải pháp cấp thiết trong lúc này là Chính phủ cần đẩy nhanh hơn việc tháo gỡ các vấn đề chính sách. Nhiều doanh nghiệp cho rằng không cần hỗ trợ mà cần tháo gỡ các vấn đề sản xuất kinh doanh để họ thu hồi dòng vốn đầu tư.
Còn theo ý kiến của TS. Cấn Văn Lực, để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn bởi Covid-19, qua nghiên cứu kinh nghiệm thế giới, có 3 nhóm giải pháp quan trọng.
Trong đó, giải pháp đầu tiên, quan trọng nhất là chúng ta cần phải kiểm soát được dịch bệnh. Thứ hai là các gói hỗ trợ phải đúng, trúng, hiệu quả và có tính lan tỏa. Thứ ba là cần hợp tác quốc tế trong phòng chống Covid-19.
"Với Việt Nam, tôi cho rằng chúng ta cần kiểm soát tốt dịch bệnh nhưng không thái quá, cố gắng không phải cấm vận, phong tỏa. Chúng tôi mong muốn Chính phủ tìm được điểm tối ưu để cân bằng giữa phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế", ông Lực nhìn nhận.
Liên quan đến các gói hỗ trợ, theo chuyên gia này, Chính phủ có phản ứng rất sớm và sớm đưa các gói hỗ trợ ,nhưng cho tới thời điểm hiện tại, các gói mới chỉ triển khai được 20 - 25%. Cần đẩy nhanh giải ngân các gói hỗ trợ này, rối ở đâu thì phải tháo gỡ ngay ở đó để các doanh nghiệp có thể tiếp cận sớm.
Cùng đó, tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ - SMEs, qua 3 kênh. Trong đó, các tổ chức tín dụng tiếp tục cho vay, không hạ chuẩn tín dụng nhưng cần linh hoạt; tiếp đến là phát triển cho vay qua quỹ hỗ trợ SMEs; đồng thời, khởi động lại các quỹ bảo lãnh tín dụng cho SMEs… Chính phủ cũng cần rà soát lại đối tượng để các gói hỗ trợ được mở rộng hơn, đối tượng được hỗ trợ chính xác hơn và hiệu quả hơn.
"Tôi được biết hiện tổng các gói hỗ trợ chiếm khoảng 3% GDP nhưng chúng ta có thể điều chỉnh tăng lên 4 - 5% GDP", ông Lực cho biết.
Ngoài ra, theo TS. Lực, cần tiếp tục đẩy nhanh đầu tư công để có sức lan tỏa đến các ngành nghề khác trong nền kinh tế.
Giải pháp thứ tư là thu hút tốt các dòng vốn trong nước và ngoài nước. Cuối cùng là tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý cho bất động sản và công nghệ số.