Dịch bệnh làm thay đổi các phương thức kinh doanh
Đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên thế giới và ảnh hưởng sâu rộng đến các hoạt động tài chính và hành vi tiêu dùng của người dân. Rất nhiều thành phố lớn đã phải cách ly xã hội một thời gian dài để hạn chế tiếp xúc xã hội, giảm thiểu sự lây lan của dịch bệnh. Từ thời điểm khó khăn này, mọi hoạt động mua bán đều phải điều chỉnh phù hợp với hoàn cảnh kéo theo sự thay đổi trong hành vi mua bán của người tiêu dùng.
Số liệu từ công ty đo lường Kantar cho biết, tại Việt Nam, nhiều người chuyển sang mua sắm trực tuyến hơn, góp vào mức tăng trưởng ba chữ số chỉ trong một tháng kể từ khi có thông báo chính thức về dịch bệnh. Xu hướng này càng kéo dài hơn khi Chính phủ yêu cầu người dân tránh tụ tập nơi đông người. Theo báo cáo của công ty đo lường Q&Me, 78% giảm tần suất đi ra ngoài, 80% giảm tần suất giải trí, bạn bè đi chơi, ăn uống hay tụ tập nơi công cộng trong 3 tháng đầu năm 2020.
Kinh tế buồn phủ bóng khắp các ngõ ngách của xã hội, các cửa hàng, quán ăn, công ty đều thực hiện lệnh giới nghiêm, cách ly xã hội. Tuy nhiên, có một điểm sáng trong những ngày dịch đó là kinh tế số lên ngôi. Sự thay đổi này có thể coi là đòn bẩy cho lĩnh vực Fintech phát triển.
Fintech là cụm từ dùng để chỉ các công ty kinh doanh dịch vụ tài chính dựa trên nền tảng công nghệ. Cụm từ này dành cho tất cả những công ty sử dụng internet, điện thoại di động, công nghệ điện toán đám mây và các phần mềm mã nguồn mở khác, mục đích là nâng cao hiệu quả của hoạt động ngân hàng và đầu tư. Các công ty Fintech được chia thành 2 nhóm: Nhóm thứ nhất là các công ty phục vụ người tiêu dùng, cung cấp các công cụ kỹ thuật số để cải thiện cách các cá nhân vay mượn, quản lý tiền bạc, tài trợ vốn cho các startup; nhóm còn lại là các công ty thuộc dạng “back-office” hỗ trợ công nghệ cho các định chế tài chính.
Thật ra, Fintech không còn quá mới lạ trong thời đại công nghệ chi phối mọi hoạt động của cuộc sống, đặc biệt đối với những người theo dõi và tìm hiểu ngành tài chính tại Việt Nam.
Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển Công nghệ ngân hàng Đại học Quốc gia TP HCM (VNUHCM-IBT), hiện có hơn 154 công ty hoạt động trong lĩnh vực Fintech tại Việt Nam. Trong đó, 37 công ty hoạt động trong mảng thanh toán, 25 công ty hoạt động trong lĩnh vực cho vay; 22 công ty làm về Blockchain, Crypto & Remittance.
Nhìn từ con số trên có thể thấy thanh toán điện tử là lĩnh vực mạnh nhất của Fintech ở thị trường Việt với các loại hình phổ biến là Mobile wallet, Mobile Payment, Mobile banking.
Với người tiêu dùng, Fintech vẫn chưa phải là danh từ nói đến là hiểu mà nó chỉ len vào đời sống từ khi xuất hiện dịch bệnh Covid-19. Fintech tại Việt Nam mạnh nhất ở lĩnh vực thanh toán không dùng tiền mặt.
Điều này đã được chứng minh qua khá nhiều số liệu thực tế. Statista cho biết, năm 2017, tỷ lệ thanh toán điện tử tại Việt Nam tăng 22% so với năm trước với tổng giá trị giao dịch ước tính vào khoảng 6,1 tỷ USD. Con số này tăng dần đều theo từng năm và được dự báo sẽ tăng lên 12,3 tỷ USD vào năm 2022.
Tiến sĩ Koh Noi Keng - CEO Fintech Academy - Cố vấn Phòng thương mại kỹ thuật số Singapore cho rằng, sự xuất hiện của Fintech giống như kẻ phá bĩnh "disruptor" trong lĩnh vực ngân hàng nhưng giờ đây đang được xem như là sự đổi mới sáng tạo và chuyển đổi tất yếu.
Những con số biết nói về Fintech
Số liệu cho thấy, trong 4 tháng đầu năm 2020, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (TTĐTLNH) hoạt động ổn định, an toàn và thông suốt bất chấp dịch bệnh lên đến đỉnh điểm. Tổng giá trị giao dịch qua Hệ thống TTĐTLNH tăng 18,30% so với cùng kỳ năm 2019. Giao dịch qua Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tăng 73,36% về số lượng và tăng 129,47% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
Khảo sát của VISA ghi nhận, 74% người tiêu dùng đồng ý thanh toán bằng công cụ không tiền mặt vì họ cho rằng phương tiện chấp nhận thanh toán đang nhiều lên, đồng nghĩa việc mang tiền mặt sẽ hạn chế hơn. Khoảng 37% người tiêu dùng đang sử dụng thanh toán thẻ không tiếp xúc tại Việt Nam và 42% trong số đó thanh toán không tiếp xúc bằng điện thoại di động. Đối với nhóm sử dụng thanh toán thẻ không tiếp xúc, có 85% người thanh toán một lần một tuần hoặc nhiều hơn. Cho đến thời điểm hiện tại, nhiều nhà đầu tư của nước ngoài vẫn đổ vốn vào Việt Nam, như GrabPay và AliPay. Các công ty Fintech trong nước cũng đang tích cực dồn tiền cho các dự án của mình bất chấp dịch bệnh.
Các chuyên gia khá lạc quan về Fintech trong thời điểm dịch bệnh phổ rộng khắp thế giới. Ông Đào Minh Phú, Tổng giám đốc NextTech Group nhận định “Chúng ta mất tới 10 năm hô hào thanh toán không dùng tiền mặt bằng thanh toán điện tử, nhưng kết quả chưa cao, thì 2 tháng qua đã bằng 10 năm trước đó, khi gần như gia đình nào cũng dùng dịch vụ thanh toán online. Hàng chục ngàn đơn vị, doanh nghiệp, cửa hàng trước đây bán hàng offline, thì giờ đây trong mùa dịch, để tồn tại, họ đã phải chuyển đổi số, bán hàng, cung cấp dịch vụ từ xa, chấp nhận thanh toán online, lượng đối tác triển khai thanh toán online tăng vọt”.
Cũng đồng tình với quan điểm Fintech có thể sống sót và phát triển tốt trong thời gian này, TS.Võ Trí Thành - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính, Tiền tệ quốc gia nhận xét: “Trong thời kỳ dịch bệnh, các nhóm ngành vận dụng kinh tế số sẽ hạn chế được giao dịch tiếp xúc, không chỉ là buôn bán mà còn trong giáo dục, y tế, rất nhiều lĩnh vực khác. Kinh tế số hiện nay là xu thế, có dịch Covid-19 hay không có dịch thì chúng ta phải đi vào kinh tế số. Có dịch sẽ đẩy chúng ta nhìn thấy thực tế, thôi thúc đi nhanh hơn trước khi thế giới đi trước, nắm được lợi thế”.
Không chỉ là ở các hoạt động buôn bán mà các lĩnh vực khác cũng thay đổi theo xu hướng công nghệ hóa trong thời dịch bệnh. Các trường học nhất loạt giảng dạy online, các công ty linh động cho nhân viên làm qua mạng, các loại hình quảng cáo cũng chuyển hướng từ offline sang online khá nhiều.
Kỳ vọng thị trường thương mại điện tử phát triển hoàn toàn có thể đạt được khi rất nhiều các kênh bán hàng online, thậm chí cả những trung tâm thương mại lớn hay các cửa hàng ăn uống, cà phê, thời trang, mỹ phẩm, hàng tiêu dùng đã đẩy mạnh việc bán hàng qua mạng từ khi dịch bệnh khởi phát lần 1 và vẫn duy trì đến lần 2. Một số siêu thị đã nhanh chóng đẩy mạnh hợp tác với các trang bán hàng online như Tiki, Shopee, Lazada... và hỗ trợ người tiêu dùng bằng các hình thức khuyến mãi từ 20 - 25% trong suốt những tháng dịch bệnh kéo dài.
Thông tin từ Ngân hàng nhà nước cũng cho hay, dự kiến đơn vị này sẽ trình Chính phủ dự thảo Nghị định thanh toán không dùng tiền mặt mà không có nội dung giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài đối với các công ty Fintech có hoạt động trung gian thanh toán. Nghị định này nhằm mang lại những lợi ích cho người dân sử dụng dịch vụ tài chính cũng như phát triển hạ tầng thanh toán của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập trong lĩnh vực ngân hàng nói riêng.
Mặc dù trên thực tế, tỷ lệ giao dịch tiền mặt của Việt Nam vẫn đang chiếm 90% tổng thể giao dịch nhưng việc lo sợ lây nhiễm virus Corona được kỳ vọng sẽ làm thay đổi nhận thức của người dân về thanh toán số nói riêng và lĩnh vực Fintech nói chung.
Trong thời kỳ dịch bệnh, cũng sẽ hé lộ người chiến thắng và kẻ thua cuộc trong cuộc đua ứng phó với môi trường mới. Rõ ràng, Fintech đang nắm được lợi thế hơn cả, biến khó khăn đó tạo đà phát triển. Chính vì vậy, có thể coi dịch bệnh Covid-19 như một nhân tố để thúc đẩy các doanh nghiệp ứng dụng và phát triển công nghệ vào hình thức kinh doanh của mình.