Cơ hội “vàng“ cho Khánh Hòa bứt phá

Cơ hội “vàng“ cho Khánh Hòa bứt phá

Thứ Năm, 19/01/2023 - 06:08

LTSTrao đổi với Reatimes, ông Nguyễn Tấn Tuân, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa khẳng định, toàn tỉnh đang quyết tâm, đồng lòng và tin tưởng sẽ triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 55 của Quốc hội dành cho Khánh Hòa.

Ông Nguyễn Tấn Tuân, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa

PV: Thưa ông, Nghị quyết 09 và Nghị quyết 55 sẽ đưa đến những cơ hội nào để Khánh Hòa phát triển đột phá?

Ông Nguyễn Tấn Tuân: Nghị quyết 55 của Quốc hội có hiệu lực trong vòng 5 năm kể từ ngày 1/8/2022, là sự cụ thể hóa cho việc triển khai Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị. Nghị quyết 55 có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển bứt phá của tỉnh Khánh Hòa trong 5 năm tới, cũng như mục tiêu đến năm 2030 Khánh Hòa sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Nghị quyết tập trung vào 6 nội dung cơ bản, có tính đặc thù, gồm: Tài chính và ngân sách; quản lý và quy hoạch; quản lý đất đai; tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công; phát triển Khu kinh tế Vân Phong; phát triển kinh tế biển.

Nghị quyết đã đưa ra những cơ chế, chính sách dành riêng cho tỉnh Khánh Hòa, mang tính đột phá như: Tỉnh được phép phát hành trái phiếu với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp; UBND tỉnh được phép điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị trên cơ sở được các Bộ có thẩm quyền trao đổi và Thủ tướng Chính phủ đồng ý. Quốc hội cho phép HĐND tỉnh quyết định việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500ha và quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sản xuất dưới 1.000ha; cho phép tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công…

Những cơ chế, chính sách đột phá này có thể giúp tỉnh giải quyết khó khăn về nguồn vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng; có điều kiện đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công; chủ động và thuận lợi hơn trong việc điều chỉnh quy hoạch, chuyển đổi từ đất lúa qua các loại đất phi nông nghiệp.

Một góc TP. Nha Trang, Khánh Hòa.

Tất nhiên, khi thực hiện, UBND tỉnh sẽ báo cáo HĐND tỉnh và có nhiều khu vực phải lấy ý kiến của người dân để đảm bảo phát triển một cách bền vững theo định hướng: TP. Nha Trang là đô thị hạt nhân, thị xã Ninh Hòa là đô thị công nghiệp, huyện Vạn Ninh là đô thị du lịch biển, huyện Cam Lâm là đô thị sân bay, huyện Khánh Sơn - Khánh Vĩnh là đô thị sinh thái.

Có thể nói, việc ra đời Nghị quyết 55 của Quốc hội với những chính sách chưa có tiền lệ là cơ hội để Khánh Hòa bứt phá trong thời gian tới. Tuy chỉ có giá trị trong 5 năm nhưng đây sẽ là nền tảng để Khánh Hòa hội tụ đủ điều kiện trở thành đô thị trực thuộc Trung ương với cơ sở hạ tầng hiện đại, cuộc sống của người dân được đảm bảo cùng với các loại hình nghề nghiệp, dịch vụ phát triển phong phú, tạo điều kiện cho mọi người dân đều có việc làm, thu nhập cao.

PV: Các chuyên gia nhận định, Khu kinh tế Vân Phong sở hữu nhiều thuận lợi, hội tụ nhiều yếu tố để phát triển đa ngành, đa lĩnh vực. Tuy nhiên, sau một thời gian khá dài, khu kinh tế này vẫn chưa có sự chuyển biến đáng kể. Với những cơ chế, chính sách từ Nghị quyết 09 và Nghị quyết 55, liệu có thể hy vọng rằng Vân Phong sẽ sớm cất cánh?

Ông Nguyễn Tấn Tuân: Về vấn đề phát triển Khu kinh tế Vân Phong, trước đây, tỉnh Khánh Hòa cũng đã triển khai một số chương trình, dự án, trong đó có việc xây dựng các khu kinh tế mở. Nhưng rõ ràng sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch, từ hơn chục năm nay, tỉnh chưa triển khai được nhiều.

Vịnh Vân Phong với Khu kinh tế Vân Phong.

Hiện nay, trong Nghị quyết 09 cũng như trong nhiệm vụ quy hoạch, Khu kinh tế Vân Phong được phát triển theo tinh thần phía Bắc Vân Phong là đô thị du lịch cao cấp biển, phía Nam Vân Phong là đô thị công nghiệp hiện đại. Để thực hiện được mục tiêu này, Nghị quyết 55 của Quốc hội đã có những quy định đặc thù nhằm thu hút nhà đầu tư chiến lược.

Ví dụ như, dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh trung tâm thương mại, tài chính phải có quy mô vốn đầu tư từ 12.000 tỷ đồng trở lên; dự án xây dựng và kinh doanh sân bay, đầu tư bến cảng phải có quy mô vốn đầu tư từ 2.300 tỷ đồng trở lên mới được tham gia danh sách dự thảo đấu thầu; nhà đầu tư chiến lược phải có vốn điều lệ từ 10.000 tỷ đồng trở lên hoặc có tổng tài sản từ 25.000 tỷ đồng trở lên.

Bên cạnh đó, Nghị quyết 55 cũng quy định nhiều chính sách ưu đãi về thuế, chế độ ưu tiên về thủ tục hải quan… Với những cơ chế này, tỉnh sẽ lựa chọn được nhà đầu tư chiến lược có đủ năng lực, điều kiện để đầu tư vào Khu kinh tế Vân Phong.

PV: Đứng trước cơ hội "vàng" với những chính sách đặc thù, tỉnh Khánh Hòa đã và đang triển khai thực hiện các Nghị quyết như thế nào nhằm đạt hiệu quả cao nhất, thưa ông?

Ông Nguyễn Tấn Tuân: Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 6524/KH-UBND ngày 15/7/2022 triển khai thực hiện Nghị quyết số 55/2022/QH15 của Quốc hội với mục đích thống nhất chỉ đạo các cấp, các ngành tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện những cơ chế, chính sách nhằm sớm đưa Nghị quyết vào thực tiễn cuộc sống, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng và phát triển tỉnh theo định hướng Bộ Chính trị đã đề ra tại Nghị quyết 09/NQ-TW.

Quy hoạch Cam Ranh, Khánh Hòa.

Tỉnh Khánh Hòa xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, phải thể hiện tinh thần chủ động, sáng tạo, trách nhiệm, sự quyết tâm chính trị cao của các cấp, ngành, địa phương, đơn vị, tổ chức để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết. Trong đó, phân công trách nhiệm cụ thể cho các sở, ban, ngành của tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố, nhất là người đứng đầu, trong việc chủ động liên hệ với các bộ, ngành Trung ương, triển khai thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, gắn với lộ trình phù hợp để tập trung chỉ đạo, đạt kết quả cao nhất.

Một số nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện, tỉnh sẽ kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương sớm ban hành hướng dẫn chi tiết, những quy định về trình tự, thủ tục triển khai thực hiện Nghị quyết 55. Đối với những nội dung thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh và UBND tỉnh được quy định trong Nghị quyết, tỉnh đặt mục tiêu phải khẩn trương hoàn thành để có thể tổ chức thực hiện ngay sau khi Nghị quyết của Quốc hội có hiệu lực.

Với các chính sách áp dụng trực tiếp theo Nghị quyết 55, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và các địa phương triển khai thực hiện đồng bộ từ ngày 1/8/2022 đối với các nhà đầu tư đáp ứng những điều kiện theo quy định như: Chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư chiến lược trong Khu kinh tế Vân Phong; UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh sân bay, đầu tư bến cảng, khu bến cảng thuộc cảng biển đặc biệt; bến cảng, khu bến cảng, cảng tổng hợp, cảng chuyên dùng có quy mô vốn đầu tư từ 2.300 tỷ đồng trở lên thuộc cảng biển loại I của nhà đầu tư chiến lược; Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong tổ chức thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường đối với các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường; UBND tỉnh giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản trên biển và cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển cho nhà đầu tư trong nước trong khu vực biển ngoài 6 hải lý, khu vực biển nằm đồng thời trong và ngoài 6 hải lý trên cơ sở ý kiến chấp thuận của Bộ Quốc phòng; chính sách miễn, giảm tiền sử dụng khu vực biển, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập của tổ chức, cá nhân là nhà đầu tư trong nước từ dự án nuôi trồng thủy sản trên biển từ 3 hải lý đến 6 hải lý, ngoài 6 hải lý, khu vực nằm đồng thời trong và ngoài 6 hải lý.

Đô thị Nha Trang.

PV: Nguồn nhân lực được coi là yếu tố rất quan trọng nhằm phục vụ cho chương trình phát triển kinh tế của Khánh Hòa trong thời gian sắp tới. Vậy, tỉnh đã đề ra những giải pháp gì để nâng cao số lượng và chất lượng nguồn nhân lực cũng như cải thiện hoạt động thu hút nhân tài, nhằm triển khai thực hiện các nhiệm vụ một cách hiệu quả, thưa ông?

Ông Nguyễn Tấn Tuân: Nhằm đảm bảo nguồn nhân lực cho tỉnh trong quá trình triển khai Nghị quyết 09 và Nghị quyết 55, lãnh đạo tỉnh xác định một số nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới như: Sắp xếp lại và nâng cao chất lượng các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực của từng ngành, lĩnh vực, vùng miền, quan tâm nhân lực ở nông thôn, người dân tộc thiểu số nhằm đảm bảo liên kết chặt chẽ và cân đối giữa các bậc đào tạo, ngành nghề đào tạo; xác định ngành nghề cần đào tạo chuyên sâu, chú trọng vào các lĩnh vực như du lịch, dịch vụ, công nghiệp chế biến - chế tạo, nông nghiệp công nghệ cao…

Đi đôi với đó là xây dựng quy chế phối hợp phát triển cơ sở đào tạo theo hướng gắn trách nhiệm của doanh nghiệp với đào tạo nhân lực để sử dụng; thu hút doanh nghiệp tham gia vào hoạt động đào tạo; bố trí thực tập, thực hành cho học viên; mở rộng hình thức đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp; rà soát trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng gắn với công tác sắp xếp, bố trí, quy hoạch, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển…

Khánh Hòa cũng triển khai chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ; cử cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo ở nước ngoài; xây dựng chính sách thu hút các nhà quản lý, nhà khoa học có trình độ cao, các doanh nhân, nghệ nhân, chuyên gia, công nhân kỹ thuật tay nghề bậc cao trong tỉnh tham gia đào tạo nhân lực; thu hút tuyển chọn chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt về làm việc tại Khánh Hòa.

Hiện nay, tỉnh cũng đã có các chính sách thu hút nhân tài ở một số lĩnh vực như giáo dục, y tế. Trong công tác quy hoạch của tỉnh, của TP. Nha Trang và Khu kinh tế Vân Phong, tỉnh đã mời các chuyên gia, kiến trúc sư cùng các tập đoàn nước ngoài có uy tín tham gia lập quy hoạch. Tỉnh cũng tiến hành trao đổi, hợp tác trong đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học với các trường, viện trên cả nước; cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn với vị trí việc làm; tập trung hơn vào việc đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức; thay thế, đưa ra khỏi hệ thống những cán bộ, công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ, không đáp ứng yêu cầu công việc.

Với những sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt, sự quyết tâm đồng lòng của các cấp và người dân, tỉnh Khánh Hòa tin tưởng sẽ triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 55 của Quốc hội dành cho địa phương.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông và chúc Khánh Hòa sẽ phát triển như kỳ vọng!

Thanh Thảo
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top