Aa

Có nên có một Quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia “tiếp sức“ doanh nghiệp hậu Covid?

Thứ Năm, 23/12/2021 - 06:00

Rất cần có quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia, để tiếp sức cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất sau dịch bệnh, ít nhất là đảm bảo được nghĩa vụ trả nợ trong các chu kỳ bảo lãnh nếu có phát sinh.

Qua 2 năm dịch bệnh, doanh nghiệp không cạn sức cũng rất khó khăn

Một vài con số vĩ mô cho thấy phần nào sức khoẻ doanh nghiệp hiện nay. Chẳng hạn, Tổng cục Thống kê chỉ ra GDP quý III năm nay giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức tăng trưởng âm sâu nhất kể từ khi nước ta tính và công bố GDP quý từ năm 2000. 

Luỹ kế, GDP 9 tháng năm 2021 chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,74%, đóng góp 23,52%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng.

Về hoạt động doanh nghiệp, 11 tháng, cả nước có 105.600 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 15% về số đơn vị và giảm hơn 19% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động sau 11 tháng cũng giảm ở mức gần 12% so với thời điểm 11 tháng năm 2020.

Đáng chú ý, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn và số doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể tăng mạnh và đều ở mức hơn 17%, riêng doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể giảm gần 4%. Bình quân mỗi tháng có gần 9.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Như vậy, tính chung 11 tháng vừa qua ghi nhận hơn 106.400 doanh nghiệp rời khỏi thị trường.

Nhiều doanh nghiệp đã phải ngừng hoặc giảm tốc độ sản xuất do dịch bệnh. (Ảnh minh họa)

Ngoài ra, cũng theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, số dự án FDI vào nước ta tính đến ngày 20/9 giảm 37,8% so với cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, tổng vốn đăng ký đầu tư FDI vào Việt Nam trong 9 tháng ước đạt 22,15 tỷ USD, vẫn tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, quý III/2021, lao động đang làm việc trong nền kinh tế giảm mạnh so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong độ tuổi lao động tăng cao nhất kể từ quý I/2020. 

Còn theo kết quả điều tra khảo sát do phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện tháng 9/2021 trên gần 3.000 doanh nghiệp cho thấy, có tới 93,9% doanh nghiệp cho biết tác động của dịch ở mức độ hoàn toàn tiêu cực và phần lớn là tiêu cực, tăng so với con số 87,2% của khảo sát năm 2020. Trong đó, khoảng 60% doanh nghiệp cho biết tác động của Covid-19 phần lớn là tiêu cực và 34% doanh nghiệp nhận định Covid-19 tác động hoàn toàn tiêu cực, gấp 2 lần so với mức 15% năm 2020. Chỉ có khoảng 4% cho biết không bị ảnh hưởng bởi dịch và khoảng 2% cho biết đại dịch có tác động tích cực mang lại cơ hội cho doanh nghiệp để phát triển.

Dịch bệnh Covid-19 khiến ngành hàng không phải dừng bay, gây thiệt hại trên 500 tỷ đồng/ngày, ngành du lịch thiệt hại gần 2.000 tỷ đồng/ngày. Đây là số tiền "bốc hơi" hằng ngày được Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA) tiết lộ. 

Lĩnh vực bất động sản hiện đóng góp trên 7% GDP hàng năm, có liên quan đến hơn 35 ngành nghề khác, tạo việc làm cho hàng triệu lao động nhưng gần 2 năm nay phải gồng mình với đại dịch vì dòng tiền cạn kiệt. Mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) có kiến nghị gửi Thủ tướng chính phủ: Nếu không được hỗ trợ, nhiều doanh nghiệp sẽ đứng trước nguy cơ mất thanh khoản, chết trên đống tài sản. Nhiều doanh nghiệp không còn tiền để trả lãi vay, trả nợ, duy trì hoạt động, trả lương người lao động.

Được biết, thực hiện Nghị quyết 63/NQ-CP của Chính phủ, chỉ đạo của NHNN, 16 ngân hàng thương mại đã đồng thuận giảm lãi suất cho vay áp dụng từ 15/7 đến hết năm 2021 với tổng số tiền lãi giảm cho khách hàng ước tính 20.613 tỷ đồng.

Riêng 4 ngân hàng thương mại Nhà nước tiếp tục cam kết dành riêng gói hỗ trợ 4.000 tỷ đồng để giảm lãi suất, giảm 100% các loại phí dịch vụ ngân hàng trong thời gian giãn cách cho khách hàng tại các địa phương đang thực hiện cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Trong số 16 ngân hàng, Agribank giảm số tiền lãi cho khách hàng là 4.996 tỷ đồng. Tiếp theo là Vietcombank, với tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 3.055 tỷ đồng. Hay BIDV, VietinBank có tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng lần lượt là 2.739 tỷ đồng và 1.873 tỷ đồng.

Mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm đáng kể so với trước dịch. Từ khi có dịch đến nay, các tổ chức tín dụng đã giảm lãi suất với tổng mức khoảng 30.000 tỷ đồng và tiếp tục thực hiện giảm đến cuối năm. Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng cũng đã thực hiện giảm phí, với mức giảm hơn 2.000 tỷ đồng cho các khách hàng. Bằng việc giảm lãi suất đã giúp giảm chi phí đầu vào của doanh nghiệp và người dân.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, gần 2 năm qua, hệ thống ngân hàng đã rất nỗ lực đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Bản thân các ngân hàng cũng là doanh nghiệp nên họ cũng phải thận trọng khi cho vay để tránh nợ xấu “bùng nổ”. Không ít các ngân hàng ghi nhận lợi nhuận sụt giảm hoặc tăng thấp trong quý III/2021. Đặc biệt, vào thời điểm cuối năm, các ngân hàng lại đang “đau đầu” cân đối cho khoản dự phòng rủi ro, nợ xấu.     

Đáng chú ý, trong quý IV/2021, nhiều ngân hàng sẽ được nới room tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng thương mại buộc phải huy động vốn nhiều hơn và phải tăng lãi suất lên để hấp thụ được vốn trong khi các doanh nghiệp đang rất chật vật trong việc tiếp cận vốn vay, đặc biệt là nguồn vốn ưu đãi với lãi suất thấp.

Cần xây dựng một quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia để doanh nghiệp sớm phục hồi

Nói như TS. Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng (Tổng cục Thống kê), các gói hỗ trợ vay vốn đã có nhưng doanh nghiệp khó tiếp cận vì điều kiện ngặt nghèo. Muốn được vay, doanh nghiệp phải chứng minh có tài sản thế chấp, phương án kinh doanh có lãi. Nhà nước không thể đứng ra bảo lãnh nên không mấy ai vay được. Vì vậy, cần tính chuyện tung gói hỗ trợ hiệu quả hơn. Quan trọng nhất bây giờ là phải xác định rủi ro khi cho vay, ai chịu trách nhiệm vấn đề này. Nhiều doanh nghiệp đứt gãy, cụt vốn, không trả được vốn vay thì phải làm thế nào...

Được biết, trước dịch, tỷ lệ vay vốn của doanh nghiệp công nghiệp ít nhất đạt 50 - 60%, đến 70%. Nhưng thời kỳ này, doanh nghiệp không sản xuất được, tỷ lệ vay vốn thấp vì không có cơ hội sản xuất. Hiện, có khoảng gần 30% doanh nghiệp công nghiệp thiếu vốn có nhu cầu vay vốn.

Thời gian qua, nhiều ngân hàng đã có chương trình giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp chịu tác động của dịch bệnh. (Ảnh minh họa)

Ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam cho rằng, muốn đẩy tiền ra nền kinh tế, muốn cho doanh nghiệp vay dù họ không đáp ứng chuẩn vay trong bối cảnh hiện nay, một chương trình có thể áp dụng ở đây là bảo lãnh tín dụng. Việc hỗ trợ lãi suất trực tiếp bằng ngân sách cũng đang được NHNN tính toán nhưng không chỉ mỗi ngành ngân hàng, để cứu doanh nghiệp lúc này cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của nhiều bộ, ngành, các địa phương. 

Trao đổi với Reatimes, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh và TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cùng quan điểm rằng rất cần một quỹ tín dụng với quy mô lớn để hỗ trợ các doanh nghiệp chịu tác động của dịch bệnh. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế thị trường, cần nghiên cứu kỹ phương án hỗ trợ sao cho hợp lý và dòng tiền đến đúng nơi cần. 

Quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia với vốn điều lệ có thể là 30 nghìn tỷ đồng và cho phép quỹ này bảo lãnh lớn gấp 10 lần số vốn tự có, và phù hợp với tổ hợp tín dụng với hạn mức 300 nghìn tỷ đồng. Với cơ chế này, các ngân hàng cho doanh nghiệp vay dưới sự bảo lãnh của quỹ này giảm thiểu được rủi ro và cho vay tín chấp với lãi suất thấp.

Về góc độ quản lý quỹ, một số địa phương như ở TP.HCM hay Hà Nội sẽ phát sinh những khoản bảo lãnh lớn, còn các tỉnh nhỏ thì phát sinh những khoản bảo lãnh nhỏ, nhưng tổng nguồn lực của các tỉnh gộp lại sẽ lớn hơn rất nhiều. Tất cả các sản phẩm bảo lãnh như thế nào, quy chế, quy trình ra sao phải do Trung ương ban hành và quản lý.

Bên cạnh đó, Cơ quan Chính phủ cũng công bố ngay hoạt động của quỹ bảo lãnh là nhằm bảo lãnh tín chấp cho các doanh nghiệp SME, vốn đối ứng của doanh nghiệp cho phương án, dự án vay vốn khoảng 20%. Nếu có tài sản bảo đảm thì chỉ chiếm khoảng 20 - 30%.

Trong quá trình hoạt động, việc thu phí bảo lãnh phải được công khai, minh bạch cho tất cả các doanh nghiệp SME khi tiếp cận quỹ. Toàn bộ phí dịch vụ của quỹ bảo lãnh cũng không phải nộp thuế, không tính thuế thu nhập, thuế giá trị gia tăng, vì đó là bảo lãnh tín dụng không thuộc dịch vụ nên không phải hoàn thành nghĩa vụ thuế cho Bộ Tài chính.

Về nguồn lực cho quỹ, Nhà nước sẽ cần nghiên cứu các nguồn lực tài chính từ các quỹ dự trữ khác nhau, hoặc từ một phần tái cấp vốn của Ngân hàng Trung ương để hỗ trợ quỹ này ra đời, hoạt động thì mới khả thi. Tránh tình trạng hô khẩu hiệu nhưng không thực hiện./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top