Aa

Có nên đốt vàng mã vào Rằm tháng 7 không?

Thứ Năm, 27/08/2020 - 06:28

Vào dịp Rằm tháng 7 có nhiều gia đình mua sắm và hóa rất nhiều đồ vàng mã cho người âm nhưng đây không phải phong tục có nguồn gốc từ Việt Nam và cũng không nên lạm dụng.

Rằm tháng bảy được coi là một trong những ngày lễ quan trọng trong năm của người Việt Nam bởi đây là ngày xá tội vong nhân và lễ Vu lan báo hiếu cha mẹ theo Phật giáo. Theo tín ngưỡng dân gian, từ ngày mùng 1 đến 14 âm lịch các gia đình có thể cúng cô hồn cho các vong linh không nhà cửa không nơi nương tựa, không có thân nhân trên Dương thế thờ cúng.

Trong ngày này, các gia đình thường làm mâm cơm cúng tổ tiên và một mâm cỗ cúng chúng sinh ngoài trời. Quan niệm người chết không phải là hết nên mâm cúng cô hồn thường có: Một vài bộ quần áo chúng sinh, một ít vàng tiền, vài chén cháo trắng loãng, 1 đĩa muối, 1 đĩa gạo, 1 ít bỏng gạo và kẹo bánh các loại, ngô, khoai, sắn luộc rồi cắt thành khúc nhỏ.

Với quan niệm trần sao âm vậy nên người sống cũng cố gắng liên hệ với thế giới linh hồn bằng cách đốt tiền, vàng mã là để tin rằng người chết cũng có được cuộc sống đủ đầy. Vì thế, đồ vàng mã đã tồn tại trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt từ lâu đời.

Theo tục lễ cũ, những vàng mã ấy là do các gia đình tự cắt theo kiểu tượng trưng, không tốn kém và đều nhỏ nhỏ, xinh xinh. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tập tục đốt vàng mã trong ngày lễ xá tội vong nhân thời nay đã bị biến tướng.

Thời nay người ta đốt vàng mã "lấy được" với nhiều đồ mã mô phỏng đồ thật vô cùng tốn kém.

Người ta quan niệm rằng dâng cúng càng nhiều thì càng được thánh thần hay người âm phù hộ mà sẵn sàng bỏ ra hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu đồng để mua những mô hình vật dụng đốt cho người âm. Thậm chí, nhiều người còn tin rằng đốt thật nhiều vàng mã là cách để họ báo hiếu cha mẹ đã khuất và tự hào vì đã lo được một cái lễ tươm tất, đầy đủ hơn người.

Vậy nên người ta sẵn sàng đốt vàng mã ở khắp nơi, từ gia đình, đến chùa, miếu, thậm chí ngay cả ở công sở, dẫn đến sự lãng phí tiền của một cách không cần thiết. 

Ít ai biết được rằng, tục lễ đốt vàng mã này có khởi nguồn từ thời vua nhà Đường của Trung Quốc. Khi ấy, một vị sư đã tư vấn cho vua Đạt Tôn phải đốt nhiều vàng mã cúng những thân nhân đã mất mới yên ả. Được lệnh truyền của Vua, người dân Trung Quốc đã coi tục đốt vàng như một thủ tục quan trọng trong những ngày lễ rằm, đặc biệt là Rằm tháng Bảy.

Đặc biệt, trong kinh Phật không hề nhắc đến chuyện đốt vàng mã cho người quá cố. Rất nhiều lần lãnh đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam phải lên tiếng khẳng định rằng đốt vàng mã tùy tiện và phô trương là sự lãng phí, gây ô nhiễm môi trường, không đúng với tinh thần Phật giáo.

Theo một số liệu thống kê, trung bình một năm có khoảng hàng chục nghìn tấn vàng mã được sử dụng và riêng Hà Nội đã tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng cho việc đốt vàng mã. Đây thực sự là một sự lãng phí lớn. 

Theo một sư thầy tại chùa Quán Sứ thì bày tỏ hiếu, nghĩa với cha mẹ là ở những công việc thiết thực trong cuộc sống hàng ngày, là những hành động chăm sóc cha mẹ, sự chia sẻ với mọi người trong gia đình. Việc đốt vàng mã cho tổ tiên và các linh hồn cũng phải xuất phát từ cái tâm.

Nếu cứ đổ xô đốt "vàng", "bất động sản", "đô la" tốn kém tới hàng triệu đồng chỉ với một mong muốn được người âm trợ lực cho kinh tế hay thăng quan tiến chức thì cũng chẳng khác nào là hối lộ Thánh thần, hối lộ cõi âm.

Điều này cũng là đi ngược hẳn với mục đích tín ngưỡng hướng về cội nguồn, hướng về tổ tiên để trân trọng chính những người đang sống xung quanh mình. Vậy nên, nếu quá lạm dụng đốt vàng mã thì tập tục này sẽ chẳng còn ý nghĩa như vốn có.

Đốt vàng mã là tấm lòng người dương gửi tới người âm với tâm niệm "trần sao âm vậy", vì thế hãy đốt vàng mã một cách văn minh, vừa phải và đúng mực để phù hợp với phong tục tập quán của dân gian ta. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top