Aa

Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước: Làm đúng luật sẽ rút ngắn tiến độ

Thứ Năm, 17/10/2019 - 17:01

Theo thống kê, từ năm 2016 đến tháng 8/2019, đã có 36 doanh nghiệp thuộc danh mục phải cổ phần hóa tiến hành cổ phần hóa; từ nay đến hết năm 2020, còn phải cổ phần hóa 92 doanh nghiệp.

Cổ phần hóa là công cụ để sắp xếp, đổi mới hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước nhằm đổi mới mô hình quản trị, thay đổi công nghệ và kêu gọi, thu hút đầu tư để đảm bảo cho doanh nghiệp Nhà nước hoạt động có hiệu quả cao nhất, thu được nhiều nhất về cho ngân sách Nhà nước.

Đặc biệt mới đây, theo Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg, Thủ tướng đã phê duyệt thêm 93 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020. Điều này cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc cổ phần hóa doanh nghiệp đến cùng, không thể chậm trễ.

Để thúc đẩy hoạt động đổi mới doanh nghiệp Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ cũng quyết định sẽ tổ chức và chủ trì hội nghị về đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước trong thời gian tới.

Còn thực tế, tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước hiện vẫn tiếp tục chậm và có khả năng không hoàn thành mục tiêu trong năm nay.

Dây chuyền cán thép tự động của Nhà máy cán thép Thái Trung, Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên. (Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN)

Theo Công văn số 991/TTg-ĐMDN ngày 10/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Danh mục doanh nghiệp Nhà nước hoàn thành cổ phần hóa theo từng năm giai đoạn 2017 - 2020 (Công văn 991), năm 2019 sẽ cổ phần hóa 18 doanh nghiệp.

Tuy nhiên, hết quý 2/2019, mới có 9 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, trong đó chỉ có 2 doanh nghiệp thuộc danh mục các doanh nghiệp cổ phần hóa theo Công văn số 991 và 1 doanh nghiệp theo Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg về việc phê duyệt danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020.

Theo thống kê, từ năm 2016 đến tháng 8/2019, đã có 36 doanh nghiệp thuộc danh mục phải cổ phần hóa tiến hành cổ phần hóa; từ nay đến hết năm 2020, còn phải cổ phần hóa 92 doanh nghiệp.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai thẳng thắn thừa nhận tiến độ cổ phần hóa, các doanh nghiệp nhà nước thời gian qua không đạt được kế hoạch đề ra.

Theo Thứ trưởng Vũ Thị Mai, nguyên nhân của vấn đề này vẫn do cả lý do chủ quan và khách quan. Nguyên nhân khách quan là việc cổ phần hóa còn vướng mắc về tài chính, đất đai, lao động nên bị kéo dài thời gian so với kế hoạch. Nguyên nhân chủ quan là một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước chưa thực sự tích cực và nghiêm túc trong triển khai kế hoạch cổ phần hóa.

Ngoài ra, một vấn đề khó khăn nữa được Bộ Tài chính đưa ra là tỷ lệ vốn nhà nước trong phương án cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn cao, dẫn đến giảm sức hút đối với các nhà đầu tư mua cổ phần, ảnh hưởng đến thành công của việc cổ phần hóa.

Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp chậm đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán làm ảnh hưởng đến tính công khai, minh bạch của thị trường; chậm đổi mới quản trị doanh nghiệp sau cổ phần hóa cũng như hạn chế việc giám sát của toàn xã hội đối với hoạt động của các doanh nghiệp này.

PGS. TS. Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế, cho rằng việc chậm cổ phần hóa cũng đồng nghĩa với khả năng gây thất thoát cho Nhà nước.

Trong thời gian vừa qua, có nhiều trường hợp càng để lâu càng mất vốn hoặc càng để lâu càng lỗ. Nhiều dự án như Nhà máy Bột giấy Phương Nam, Công ty Gang thép Thái Nguyên... bán nhiều lần không ai mua hoặc không bán được do còn vướng mắc, tồn đọng chưa được giải quyết.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hồng Long, Phó Trưởng ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, đến thời điểm này, đánh giá tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn là chậm thì chưa thực sự thỏa đáng bởi thực tế, kinh nghiệm cho thấy ở giai đoạn 2011 - 2015, ba năm đầu tiến độ khá chậm, chỉ cổ phần hóa được 116 doanh nghiệp nhưng hai năm cuối lại đạt tới 383 doanh nghiệp, gấp 3,3 lần.

Đó là chưa kể việc triển khai cổ phần hóa, thoái vốn cần trải qua nhiều khâu, nhiều bước phải chuẩn bị, cũng có nhiều nguyên nhân cần tổng hợp.

Ông Nguyễn Hồng Long chỉ rõ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về cổ phần hóa, thoái vốn được ban hành theo hướng ngày càng chặt chẽ, công khai, minh bạch, bảo đảm tối đa lợi ích của Nhà nước dẫn đến quy trình thực hiện dài hơn.

Mới đây, phát biểu tại Diễn đàn tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, ông Vũ An Khang, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Định giá và Dịch vụ tài chính Việt Nam (VVFC) cho rằng các văn bản quy phạm pháp luật về cổ phần hóa, thoái vốn ngày càng hoàn thiện nhưng việc áp dụng vào thực tế lại muôn màu, muôn vẻ nên đơn vị tư vấn và doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn vẫn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc.

Lấy ví dụ như đối với phương án sử dụng đất, ông Vũ An Khang cho biết theo quy định, các doanh nghiệp cổ phần hóa phải rà soát toàn bộ diện tích đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai, pháp luật về sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước và trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, phê duyệt trước thời điểm quyết định cổ phần hóa.

Tuy nhiên, nhiều tập đoàn, tổng công ty hiện đang xin giãn tiến độ cổ phần hóa do nhiều nguyên nhân; trong đó hầu hết bị chậm trễ trong trình duyệt, phê duyệt phương án sử dụng đất.

Phát biểu tại cuộc họp của Chính phủ đánh giá về tình hình cổ phần hóa, thoái vốn mới đây, ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cho biết tập đoàn này có 4.270 mảnh đất trên 63 tỉnh thành. Hiện việc sắp xếp nhà đất mới thực hiện được 95,8% nên VNPT chưa thể có quyết định phê duyệt cổ phần hóa.

Để đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa, ông Vũ An Khang đề xuất Nhà nước cho phép kết hợp xác định giá trị doanh nghiệp đồng thời với việc tiếp tục trình duyệt phương án sử dụng đất và phải hoàn thành trước thời điểm kết thúc quá trình xác định giá trị doanh nghiệp.

Ngoài ra, quy định cụ thể trách nhiệm của từng đơn vị, từng khâu để xảy ra chậm trễ trong việc phê duyệt phương án sử dụng đất.

Bên cạnh những khó khăn, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết thời gian qua, khi hoàn thiện cơ chế, chính sách để triển khai thì hoạt động cổ phần hóa cũng đã có nhiều thay đổi tích cực. Với quy định mới cho phép các công ty tư vấn không bị khống chế về chi phí, về cung cấp dịch vụ là doanh nghiệp tư vấn trong nước hay ngoài nước, việc tính đúng, tính đủ giá trị doanh nghiệp của các tư vấn được nâng cao lên.

"Thực tế, nếu áp dụng quy định mới về cổ phần hóa khi doanh nghiệp bán cổ phần đều có giá trị cao hơn giá trị sổ sách, giá trị mệnh giá, kết quả thu về cho nhà nước từ nguồn thu thặng dư rất hiệu quả. Ví dụ 3 doanh nghiệp cổ phần hóa của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam bán được hơn 16.000 tỷ đồng, thặng dư 7.000 tỷ đồng thu nộp ngân sách nhà nước," ông Đặng Quyết Tiến nói.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa như Tập đoàn Cao su, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đều đăng ký và niêm yết lên sàn chứng khoán. Đây là sân chơi có sự giám sát của thị trường để bảo đảm minh bạch, bảo đảm đồng tiền được sử dụng hiệu quả.

Do đó, để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, theo ông Đặng Quyết Tiến, các văn bản pháp quy đã có đủ, vấn đề quan trọng là phương pháp tổ chức thực hiện.

Ông Tiến cho rằng cần xác định tốt giá trị doanh nghiệp thì mới đảm bảo được tiến độ cổ phần hóa từ nay đến 2020.

Đặc biệt, các doanh nghiệp nhà nước thuộc diện cổ phần hóa cần khẩn trương rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai trình Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ý kiến về phương án và giá đất để cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi tổ chức xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa theo đúng quy định.

"Chúng tôi cho rằng nếu làm đúng pháp luật, tiến độ cổ phần hóa sẽ được rút ngắn," ông Đặng Quyết Tiến chia sẻ./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top