Aa

Cổ phần ngân hàng: “Món ăn” mới của đại gia ngoại

Thứ Năm, 07/09/2017 - 07:00

Thị trường tài chính ngân hàng đang trở thành kênh đầu tư hấp dẫn của giới đầu tư ngoại. Bất chấp những diễn biến không mấy thuận lợi về nhân sự, nợ xấu,… dòng vốn ngoại đang cho thấy sức hút của lĩnh vực này.

Cổ phiếu ngân hàng: phần bánh lớn

Nhiều năm trở lại đây, Việt Nam được đánh giá là một điểm đến nhiều tiềm năng, thu hút một lượng lớn FDI. Trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; sản xuất, phân phối điện, khai khoáng; BĐS... là những lĩnh vực đứng đầu trong bảng xếp hạng thu hút nguồn vốn ngoại.

Tuy nhiên, có một xu hướng không thể phủ nhận trong thời gian gần đây đó là việc giới đầu tư ngoại đang tìm kiếm cơ hội ở những thị trường mới khác với các lĩnh vực "truyền thống" kể trên. Trong đó ngân hàng là lĩnh vực có nhiều thị phần và hứa hẹn hơn cả.

Một ví dụ điển hình nhất mới đây là cổ phiếu BID của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Cuối tuần qua, giá cổ phiếu này tăng mạnh. Một phần nhờ nguồn tin về kế hoạch đối tác Hàn Quốc vào mua 10% cổ phần.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trong khi đó, giá cổ phiếu của Ngân hàng Quốc dân (NCB) cũng vừa trải qua kỳ tăng khá ấn tượng. Giới đầu tư truyền tai nhau rằng ngân hàng này sẽ có sự tham gia quy mô lớn của đối tác đến từ Mỹ.

Cuối tháng 8 vừa qua, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) cũng đã hé mở sẽ có sự tham gia của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Do đó, ngân hàng này đã khóa “room” khối ngoại chỉ còn 5% cho nhà đầu tư nhỏ lẻ trước khi lên sàn UPCOM.

Giải pháp các nhà đầu tư nước ngoài thường chọn khi muốn thâm nhập vào thị trường ngân hàng nội địa là hợp tác với một đối tác trong nước, mua lại toàn bộ một ngân hàng nội địa, hoặc thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam. Các phương án này đều được đánh giá là không quá khó khăn đối với nhà đầu tư ngoại. 

Nhận định về khả năng thu hút đầu tư của lĩnh vực ngân hàng nội, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng nhà đầu tư tại châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia đang đặt các ngân hàng Việt Nam trong “tầm ngắm” do nhận thấy hệ thống ngân hàng tại nước ta đang ngày càng trở nên hấp dẫn hơn với những cải tiến mạnh mẽ. Một nguyên nhân khác là bởi những quốc gia này có nhiều doanh nghiệp giao thương, hoạt động kinh doanh tại Việt Nam…

Khảo sát cho thấy, hiện nay nhiều ngân hàng nội địa cũng đã thuê quản lý nước ngoài để nâng cao chất lượng tài chính và chất lượng dịch vụ. Lựa chọn đó cũng đã trở thành xu hướng, mở rộng ở nhiều ngân hàng thương mại Việt Nam những năm gần đây. Tại Techcombank, VIB, VPBank…, hiện lãnh đạo các khối, lĩnh vực là chuyên gia nước ngoài đã chiếm từ 30 - 50% trong cơ cấu.

Đặc biệt, room sở hữu dành cho nhà đầu tư ngoại được nới rộng cũng khiến mảng ngân hàng hấp dẫn đầu tư. Hiện, quy định tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại một ngân hàng thương mại Việt Nam không vượt quá 30% vốn điều lệ quy định tại Nghị định 01/2014/NĐ-CP là phù hợp với cam kết gia nhập WTO của Việt Nam. Tuy nhiên, để huy động nguồn lực tái cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu, NHNN cho biết sẽ có nghiên cứu tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối với từng loại hình TCTD. Theo đó, khi được tăng sở hữu và khả năng chi phối, nhà đầu tư nước ngoài sẽ quan tâm hơn nữa đến cổ phần và cổ phiếu ngân hàng nội.

Vẫn cần cẩn thận

Dù đưa ra những đánh giá khả quan về cơ hội đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng trong nước, tuy nhiên TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, các nhà đầu tư đến từ phương Tây vẫn tương đối ngờ vực tính hấp dẫn của hệ thống ngân hàng Việt Nam, bởi cho rằng kỹ nghệ ngân hàng của những nước đang phát triển còn nhiều vướng mắc chưa lường đoán được, đặc biệt là những rủi ro trong hệ thống khi vấn đề Basel II chưa thể thực hiện.

Lo lắng này là hoàn toàn có cơ sở, đặc biệt trong bối cảnh từ đầu năm 2017, thị trường tài chính ngân hàng trong nước đã chứng kiến nhiều diễn biến không mấy thuận lợi như: Thông tin mập mờ về các chỉ tiêu tài chính tại các ngân hàng và những vụ án lãnh đạo gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng như Phạm Công Danh, Trần Bê, Hà Văn Thắm, Nguyễn Xuân Sơn. Cũng thời gian này, có sự trùng hợp ngẫu nhiên khi HSBC thoái vốn tại Techcombank, CBA bán lại toàn bộ chi nhánh, ANZ cũng rút lui ở mảng bán lẻ…

Sự ra đi của một số nhà đầu tư ngoại có thể là bình thường khi các đối tác không có tiếng nói chung. Tuy vậy nó cũng cho thấy, thị trường tài chính Việt Nam vẫn còn những rào cản khiến nhà đầu tư e dè. 

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, với mức room như hiện nay, dễ hiểu khi nhà đầu tư nước ngoài không mặn mà đầu tư vào ngân hàng nội địa, đặc biệt là đối với những ngân hàng yếu, có nợ xấu lớn và đòi hỏi phải thay đổi căn bản phương thức quản lý, hệ thống quản trị rủi ro, nhất là rủi ro tín dụng. Nhà đầu tư nước ngoài kỳ vọng phải được sở hữu ở mức đủ để đảm bảo vai trò quản trị theo luật lệ của Việt Nam, đồng thời theo thông lệ quốc tế tốt nhất. Cũng trên cơ sở này mới đảm bảo được tính minh bạch - một trong những nguyên tắc quan trọng nhất của quản trị và giám sát.

Mới đây Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020”. Trong đó, khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và các định chế tài chính nước ngoài nói riêng mua lại, sáp nhập ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém của Việt Nam. Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, các ngân hàng thương mại bị mua bắt buộc đến nay đã đạt được một số kết quả bước đầu như: bộ máy quản trị, kiểm soát, điều hành được thay đổi, kiện toàn và củng cố một bước; thanh khoản được cải thiện, đẩy lùi nguy cơ đổ vỡ ngoài tầm kiểm soát và rủi ro đối với hệ thống ngân hàng; bắt đầu có nguồn thu nhờ các hoạt động kinh doanh trong một số lĩnh vực an toàn dưới sự giám sát của NHNN; lỗ kinh doanh có xu hướng giảm dần; tập trung phân loại và xử lý thu hồi được một phần nợ xấu... 
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top