Aa

Cổ phiếu Bảo hiểm Bảo Minh vì sao chưa hấp dẫn?

Thứ Sáu, 19/07/2019 - 07:00

Suốt 10 năm qua, BMI không được đánh giá cao lợi thế cạnh tranh vì biên lợi nhuận thấp và tốc độ tăng trưởng gần như bằng không.

Còn nhiều "sân chơi" cho doanh nghiệp

Tổng công ty Cổ phần Bảo Minh (mã BMI) thành lập năm 1994 và cổ phần hóa năm 2004. Bảo Minh vốn là một công ty quốc doanh được thành lập bởi SCIC (50,7% cổ phần) và hàng loạt các Tổng công ty lớn như Vietnam Airlines, Vinalines, Vinataba, VNPT, …Sau đó được góp vốn chiến lược bởi Tập đoàn AXA của Pháp (16,7% cổ phần).

BMI hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ. Trong đó chủ yếu là các nhóm chính như con người, bao gồm sức khỏe, tai nạn và du lịch (khoảng 30% doanh thu); tài sản - tín dụng (25% doanh thu), xe cơ giới (hơn 20% doanh thu); tái bảo hiểm (hơn 10% doanh thu), hàng hải (khoảng 10% doanh thu).

Trong đó, nhóm bảo hiểm con người của BMI tăng trưởng mạnh trên 20% nhờ sự hợp tác với các công ty tài chính tiêu dùng. Khách hàng của công ty chủ yếu đến từ nhóm nhân viên của khối doanh nghiệp Nhà nước và từ nguồn của các đại lý môi giới.

Thị trường bảo hiểm phi nhân thọ được dự phóng tăng trưởng 10 - 15% trong thập niên tiếp theo, về bản chất, đây là một ngành nghề chu kỳ nơi mà sự tăng trưởng phụ thuộc lớn vào nền kinh tế.

Bảo hiểm Bảo Minh đáng lẽ có nhiều cơ hội để phát triển và tăng trưởng kinh doanh tốt

Bảo hiểm Bảo Minh đáng lẽ có nhiều cơ hội để phát triển và tăng trưởng kinh doanh tốt

Ngoài ra, tháp dân số nước ta còn khá trẻ, chủ yếu trong độ tuổi 20 - 35. Hiện, về mặt văn hóa, người Việt chưa thực sự chịu trích một phần lớn thu nhập của bản thân để mua bảo hiểm như các nước phát triển. Do đó, theo giới phân tích, sân chơi này còn nhiều khoảng trống.

Như vậy, dù có chịu mức độ cạnh tranh cực kỳ gay gắt trong một ngành dịch vụ cơ bản có dày đặc các đối thủ nước ngoài tham gia, nhưng cơ hội tăng trưởng của ngành là rất cao.

Tốc độ tăng trưởng gần như bằng không suốt 10 năm

Tiềm năng phát triển là thế, nhưng cổ phiếu ngành bảo hiểm BMI lại không nằm trong danh sách được quan tâm của giới đầu tư. Cổ phiếu BMI 6 tháng qua có tăng trưởng từ mức dưới 20.000 đồng/cổ phiếu lên gần 25.000 đồng/cổ phiếu. Đây được cho là mức tăng khá của một cổ phiếu trong giai đoạn thị trường chứng khoán ít bùng nổ. Thế nhưng nhìn lượng cổ phiếu giao dịch và thanh khoản của BMI một thời gian dài cho thấy, giới đầu tư không đánh giá cao cổ phiếu này là dễ hiểu. Khối lượng giao dịch mỗi phiên chủ yếu chỉ vài chục nghìn cổ phiếu cho đến 200.000 - 300.000 cổ phiếu là cao.

Nắm giữ vị trí thứ 3 ngành bảo hiểm phi nhân thọ với xấp xỉ 8% thị phần (sau Bảo Việt, PVI), hướng tiếp cận của BMI nhờ mối quan hệ với khối doanh nghiệp Nhà nước gần 10 năm qua, dường như đã không hề mang lại cho công ty bất cứ mức tăng trưởng nào về cả lợi nhuận gộp bảo hiểm và lợi nhuận ròng.

Ngoài ra, do bộ máy đại lý cồng kềnh, biên lợi nhuận gộp bảo hiểm của công ty chỉ khoảng 5%, tức chỉ bằng non 1/3 so với mức biên 15% - 20% của các công ty bảo hiểm phi nhân thọ cùng ngành khác.

Lợi suất hoạt động đầu tư năm 2018 của BMI cũng chỉ đạt 5,1%, sụt giảm so với cùng kỳ và không đạt mức ấn tượng. Tỷ lệ chi phí kết hợp được đo lường dựa trên chi phí và tỷ lệ bồi thường của công ty đạt 98,7% (thể hiện khả năng quản lý chi phí) không tốt, nhưng đã cải thiện so với năm 2017.

Vì vậy, dù BMI đứng thứ 3 về mặt doanh thu, song các nhà phân tích không đánh giá cao lợi thế cạnh tranh của nó xét đến biên lợi nhuận thấp và tốc độ tăng trưởng gần như không đáng kể suốt 10 năm qua. Trong khi, về mặt tài chính, BMI có tỷ lệ đòn bẩy tài sản thấp, chỉ 2.5x; tỷ lệ thanh toán hiện hành cũng tương đối an toàn ở mức 1.4x.

Công ty xếp hạng tín nhiệm bảo hiểm A.M Best đánh giá BMI ở mức B++, tức có tình hình tài chính “tốt” để chi trả các nghĩa vụ bảo hiểm. Song, điểm đáng thất vọng của BMI là mức ROE (Lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) chỉ xấp xỉ 7% - 8% trong thời gian dài, thấp hơn trung bình các doanh nghiệp niêm yết và ngành dịch vụ tài chính nói chung, thậm chí thấp hơn rất nhiều so với giai đoạn những năm đầu 2000.

Tham khảo đánh giá của giới phân tích và nhà đầu tư trên thị trường cho thấy, có khá ít thông tin để đánh giá về CEO của BMI, ngoài việc người này có chính sách cổ tức 1.000 đồng/cổ phiếu hằng năm khá đều đặn, có hơn 30 năm kinh nghiệm trong nghề nhưng tham vọng tăng trưởng và khả năng phân bổ vốn chưa tích cực. Ngoài ra, ban điều hành của BMI hầu như không hề nắm cổ phiếu của công ty, do đó nhiều nhận định cho rằng, họ chưa thực sự gắn liền lợi ích của mình với các chủ sở hữu.

Lạm bàn ở một khía cạnh khác, không giống như thị trường Mỹ, Nhật, Châu Âu – nơi mà ngành bảo hiểm được xem như một ngành thiết yếu bất chấp chu kỳ kinh tế, ngành bảo hiểm cũng như các doanh nghiệp bảo hiểm tại Việt Nam với tháp dân số trẻ, thu nhập chưa cao và rào cản văn hóa, đã bị buộc phải rơi vào trạng thái trì trệ suốt nhiều năm. Do đó, nếu bản thân các doanh nghiệp này không có những bứt phá và giải pháp hiệu quả sẽ tiếp tục chững lại trong thời gian tới và không đủ sức cạnh tranh với các thương hiệu nước ngoài.

Những năm gần đây, việc tăng trưởng lợi nhuận của Bảo Minh cho thấy nhiều áp lực. Theo báo cáo gần nhất, lợi nhuận sau thuế quý I/2019 của BMI đạt 46,7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ đạt 67,8 tỷ đồng. Trước đó, lợi nhuận sau thuế theo báo cáo tài chính soát xét là 162,3 tỷ đồng, giảm hơn 13 tỷ đồng so với báo cáo tài chính quý 4/2018. Nguyên nhân chủ yếu do trong thời gian soát xét số liệu tài chính năm 2018, Kiểm toán độc lập không ghi nhận doanh thu và kết quả lợi nhuận từ việc chuyển nhượng bất động sản 81-85/3 Hồ Tùng Mậu do chưa xong thủ tục sang tên, dù tiền đã về từ tháng 5/2018. Việc điều chỉnh này làm ảnh hưởng đến biến động lợi nhuận sau thuế so với báo cáo tài chính quý 4/2018 cũng như việc thực hiện kế hoạch năm 2018.

Đây là một thực tế đáng thất vọng của Bảo Minh khi mà Bảo hiểm Phi nhân thọ (BH PNT) là ngành dịch vụ tài chính gắn liền với sự tăng trưởng của nền kinh tế và hoạt động giao thông vận tải, thương mại.

Giai đoạn 2007 - 2011, Việt Nam hội nhập và phát triển kinh tế mạnh mẽ giúp ngành BH PNT đạt tốc độ tăng trưởng cao lên tới 26%/năm. Tuy nhiên, trong giai đoạn suy thoái 2012 - 2013, tốc độ tăng trưởng của ngành giảm chỉ còn 9%/năm, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, phát triển chậm. Từ năm 2014 đến nay, tăng trưởng doanh thu trên thị trường này đã dần phục hồi song chưa thể bứt phá mạnh mẽ. Theo Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, giai đoạn 2011 - 2016, tăng trưởng trung bình của ngành là 12%/năm.

Áp lực cạnh tranh, khó khăn từ thị trường, nhiều doanh nghiệp dẫn đầu ngành đã để mất thị phần vào tay các doanh nghiệp nhỏ. Từ năm 2012 đến nay, thị phần của Top 5 ngành bảo hiểm phi nhân thọ đã giảm dần từ mức 70% về khoảng 60% (năm 2017). Top 5 này bao gồm: Bảo hiểm Bảo Việt, Bảo hiểm Dầu khí PVI, Bảo hiểm Bưu điện PTI, Bảo hiểm Bảo Minh, Bảo hiểm PJICO. Nguyên nhân suy giảm thị phần đến từ áp lực cạnh tranh cũng như các doanh nghiệp lớn cẩn trọng hơn trong giai đoạn khó khăn. Ngoài ra, cuộc chạy đua trên mảng bán lẻ cũng ngày càng gay gắt, vừa là cơ hội song cũng là thách thức với khoảng 30 doanh nghiệp bảo hiểm tại Việt Nam.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top