Aa

Nhìn lợi nhuận của Vietcombank, liệu BIDV, Vietinbank, Agribank có... "chạnh lòng"?

Thứ Ba, 16/07/2019 - 21:56

Cùng trong nhóm Big 4, đều có những nhiệm vụ được Nhà nước giao phó riêng, nhưng có vẻ "người lo làm ăn, kẻ lo chuyện riêng".

Từ cuối tháng 6, nhiều doanh nghiệp hé lộ hoặc công bố sớm kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2019 lãi khả quan hơn cùng kỳ. Điều này khiến các công ty chứng khoán cũng như giới đầu từ đã thấp thỏm chờ đợt sự bứt phá của thị trường chứng khoán – thị trường vốn không mấy vui suốt từ đầu năm.

Đúng như dự đoán, thị trường đầu tháng 7 có những phiên bứt phá mạnh. Tất nhiên, cũng nhờ sự hỗ trợ của thông tin chứng khoán thế giới khởi sắc sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phát đi tín hiệu khá rõ ràng về khả năng sẽ lần đầu tiên trong khoảng 1 thập kỷ qua giảm lãi suất, đảo chiều chính sách tiền tệ của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Cổ phiếu ngân hàng là nhóm dẫn đầu. Trong đó, VCB của Vietcombank tăng giá mạnh nhất. Theo đó, cổ phiếu Vietcombank đạt mức giá cao nhất trong lịch sử, 75.000 đồng/cp đầu phiên ngày 16/7/2019.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Thậm chí phiên ngày 15/7, VN-Index giảm 2,87 điểm (-0,29%) xuống còn 972,53 điểm. Toàn sàn có 148 mã tăng, 148 mã giảm và 63 mã đứng giá. HNX-Index giảm 0,24 điểm (-0,23%) xuống 105,61 điểm. Toàn sàn có 73 mã tăng, 72 mã giảm và 65 mã đứng giá. Thế nhưng, VCB lại lội ngược dòng và có vai trò lực kéo cho VN-Index không giảm sâu. Kết thúc phiên, VCB tăng 1,8% lên 75.000 đồng/cp.

Vậy điều gì khiến VCB tỏa sáng trên thị trường chứng khoán suốt tuần qua?

Giới chuyên gia cho rằng, VCB là trường hợp hiếm hoi ngoài VIC của Vingroup vừa có đủ sức nặng khiến tâm lý nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán ổn định khi cần, và có tác động tích cực lên thị trường “một cách thực lực”. Nói như vậy có nghĩa việc cổ phiếu VCB tăng giá những phiên vừa qua không phải do tin đồn mang tính chốc lát khiến thị trường đi vào thời điểm ảo.

Tuần qua, VCB công bố kết quả kinh doanh tăng gấp rưỡi cùng kỳ năm cũ. Và với tốc độ tăng trưởng này, khả năng năm 2019, Vietcombank có thể đạt ngưỡng lợi nhuận 1 tỷ USD. Diễn biến này khiến các nhà đầu tư thêm phấn khởi, bớt đi phần nào sự thất vọng về những ồn ào trong hệ thống tài chính trong thời gian vừa qua.

Những tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của Vietcombank đạt 11.045 tỷ đồng, tăng 43,1% so với cùng kỳ năm 2018. Lợi nhuận hợp nhất đạt xấp xỉ 11.280 tỷ, tăng 40,7% so với cùng kỳ, thực hiện khoảng 55% kế hoạch năm 2019. Vietcombank tiếp tục hướng tới mốc lợi nhuận tỷ USD đầu tiên trong hệ thống ngân hàng Việt Nam. Các chỉ số ROAA, ROAE đạt tương ứng là 1,62% và 25,19%, tăng mạnh so với 2018 và cao hơn mặt bằng chung các TCTD.

Lãnh đạo ngân hàng cho biết, toàn hệ thống Vietcombank nỗ lực đẩy mạnh các mảng hoạt động, quyết tâm thực hiện thắng lợi kế hoạch 2019 với một số chỉ tiêu chính: Tổng tài sản tăng 12%; huy động vốn từ nền kinh tế tăng 13%; tín dụng tăng 15%; tỉ lệ nợ xấu < 1,0%. Lợi nhuận trước thuế dự kiến tăng 12%.

Dẫu vui nhưng ngẫm lại thấy buồn

Nỗ lực gây dựng uy tín cũng như việc Vietcombank tiếp tục hướng tới mốc lợi nhuận tỷ USD đầu tiên trong hệ thống ngân hàng dẫu vui nhưng khiến nhiều người chạnh lòng khi nghĩ tới các thành viên còn lại của nhóm Big 4.

Vietcombank, Agribank, BIDV và Vietinbank dù đã cổ phần hóa hay chưa cổ phần hóa và đều thực hiện nhiệm vụ chính trị - xã hội được Nhà nước giao phó. Thế nhưng, khi Vietcombank không ngừng lớn mạnh, các ngân hàng còn lại đang mải mê chuyện gì?

So với các ngân hàng còn lại, quy mô của Vietcombank chưa hẳn đã nổi bật. Chẳng hạn, tại thời điểm cuối năm 2018, tổng tài sản của 4 nhà băng Agribank, Vietcombank, BIDV, VietinBank chiếm tới 43% hệ thống tổ chức tín dụng. Agribank đang có dư nợ cho vay và huy động tiền gửi khách hàng lớn nhất, đều đã vượt trên 1 triệu tỷ đồng. Trong khi dư nợ cho vay và huy động tiền gửi khách hàng của BIDV là hơn 900.000 tỷ đồng, của Vietinbank là hơn 800.000 tỷ đồng. Dư nợ cho vay của Vietcombank thấp hơn khá nhiều, chỉ đạt hơn 600.000 tỷ đồng cuối năm 2018. Về tiền gửi, Vietcombank tương đương với Vietinbank, có lượng tiền gửi không kỳ hạn lớn nhất.

Với dư nợ cho vay lớn nhất, tổng thu nhập của Agribank cao hơn hẳn 3 ngân hàng còn lại, đạt 52.827 tỷ đồng năm 2018. Tuy nhiên, Vietcombank lại có lợi nhuận trước thuế dẫn đầu với 18.000 tỷ đồng, cao hơn 2 lần so với 3 ngân hàng còn lại.

Cổ phiếu CTG chỉ dao động từ 20.000 – 30.000 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu BID giữ trên mức 30.000 đồng/cổ phiếu. Riêng VCB nổi bật hơn hẳn với mức trên 70.000 đồng/cổ phiếu.

Vietcombank là ngân hàng đầu tiên công bố thông tin kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm. Ngoài Vietcombank, Agribank cũng khá “chịu khó” đưa thông tin về kết quả kinh doanh. Tất nhiên, lãnh đạo ngân hàng cũng có chủ đích. Giữa tâm điểm giới đầu tư e ngại nhiều vấn đề tại Agribank như khó cổ phần hóa vì đất, tin đồn tín dụng đen hay lãnh đạo "thoái hóa", Agribank liên tiếp công bố kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt.

Đến 30/4/2019, các chỉ tiêu kinh doanh cơ bản đạt theo lộ trình kế hoạch năm 2019. Nguồn vốn huy động đạt 1.217.413 tỷ đồng. Tổng quy mô tín dụng và đầu tư đạt 1 triệu 230 tỷ đồng. Agribank tiếp tục là ngân hàng chủ lực trong đầu tư phát triển “tam nông”. Kinh doanh dịch vụ tiếp tục được đẩy mạnh, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm 2018. Nợ xấu tiếp tục được kiểm soát ở mức dưới 2%. Lợi nhuận trước thuế đạt 4.100 tỷ đồng. Các tỷ lệ an toàn đảm bảo theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

BIDV hiện nay đang là ngân hàng có nhiều vấn đề nhức nhối

BIDV hiện nay đang là ngân hàng có nhiều vấn đề nhức nhối

Agribank lại đang là ngân hàng nhiều vấn đề nhất

Đến cuối năm 2018, tổng tài sản của ngân hàng đạt trên 1,28 triệu tỷ đồng, tăng 11,3% so với cuối năm 2017. Trong đó, cho vay khách hàng vượt 1 triệu tỷ đồng, tăng 14,3%. Huy động tiền gửi của khách hàng đạt trên 1,1 triệu tỷ đồng, tăng 9,5%.

Cuối năm 2018, số tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại Agribank lên tới 48.739 tỷ đồng, tăng 68% so với đầu năm. Đáng chú ý, nợ xấu cuối năm 2018 của ngân hàng giảm 1.918 tỷ đồng so với đầu năm. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh từ mức 2,05% xuống còn 1,60%. Tuy nhiên, bất ngờ hơn là con số nợ xấu tại VAMC giảm mạnh từ mức gần 41.000 tỷ đồng xuống còn 7.749 tỷ đồng. Số trái phiếu đặc biệt của VAMC đã được trích lập dự phòng 5.394 tỷ đồng.

Thế nhưng, nếu để ý kỹ, báo cáo này chưa hẳn đã là khả quan khi mà trích lập dự phòng ngốn tới 3/4 lợi nhuận của ngân hàng. Năm qua, Agribank mạnh tay trích lập dự phòng, chi phí dự phòng lên tới 21.718 tỷ đồng, tăng 16,5% so với năm 2017.

Đây cũng là mức trích lập dự phòng cao nhất trong hệ thống ngân hàng năm 2018 và "ngốn" đến 75% lợi nhuận trước dự phòng của Agribank. Năm 2018, ngân hàng hợp nhất ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế kỷ lục, đạt 7.345 tỷ đồng, trong đó, ngân hàng mẹ đạt 7.551 tỷ đồng. Có thể thấy, ngân hàng mẹ Agribank vẫn đang phải gánh khoản lỗ không nhỏ cho một số công ty con.

Năm 2019, Agribank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng tối thiểu 10% so với năm 2018, lợi nhuận tăng đạt mức tối thiểu 10.000 tỷ đồng, tăng cường nâng cao năng lực tài chính, củng cố nền tảng để sẵn sàng cho lộ trình cổ phần hóa theo chỉ đạo của Chính phủ.

Tuy nhiên, website ngân hàng này cũng thừa nhận rằng, Agribank hiện đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức không hề nhỏ, trong đó là “bài toán” tăng vốn. Từ một ngân hàng dẫn đầu về vốn điều lệ, hiện nay Agribank có vốn điều lệ gần 30.500 tỷ đồng, thấp nhất trong nhóm Big 4.

Về quá trình cổ phần hóa, mặc dù mong muốn diễn ra theo kế hoạch, tuy nhiên quá trình này đang chậm so với tiến độ đề ra bởi những thách thức, vướng mắc mà không chỉ Agribank có thể tự giải quyết được, nhất là khi Agribank là NHTM có tổng tài sản lớn nhất. Riêng đất đai thuộc quyền quản lý sử dụng của Agribank đã tới gần 3 triệu mét vuông, nguồn gốc hình thành đa dạng nhất; số lượng khách hàng đông nhất với hàng chục triệu khách hàng có quan hệ giao dịch tiền gửi, tiền vay, nên các khoản phải thu, phải trả cũng nhiều nhất. Do vậy, việc xác định giá trị doanh nghiệp của Agribank cũng sẽ phức tạp và mất nhiều thời gian nhất.

Còn nhớ Agribank do chịu sức ép tăng vốn đã phát hành 4.000 tỷ đồng trái phiếu cuối năm ngoái. Việc bán cổ phiếu khó đến mức, một số nhân viên làm việc tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) tiết lộ rằng lãnh đạo đã giao chỉ tiêu phát hành cụ thể về từng chi nhánh. Do hiếm khách hàng mua, nên một số chi nhánh đã bắt buộc nhân viên mua, không có tiền thì… ngân hàng sẽ cho vay để hoàn thành chỉ tiêu. Nhiều nhân viên bất lực và bức xúc vì số tiền mua cũng bằng vài tháng lương. Điều này cũng cho thấy áp lực vốn đối với Agribank đang rất lớn.

TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, nếu ngân hàng phát hành lượng lớn trái phiếu, đến thời điểm đáo hạn, áp lực trả lãi và gốc sẽ rất lớn. Khi đó, không loại trừ khả năng các ngân hàng lại phải đẩy lãi suất lên một đợt nữa để có vốn trả cho trái chủ. Vòng luẩn quẩn này khó chấm dứt nếu ngân hàng không có kế hoạch sử dụng vốn và đáo hạn đầy đủ.

Đáng buồn hơn, gần đây lãnh đạo Agribank, cụ thể là ông Trịnh Ngọc Khánh – Chủ tịch HĐQT bị tố cáo liên quan đến việc nâng đỡ cán bộ nhân viên thiếu đạo đức, lừa đảo trong hệ thống và đứng sau đường dây tín dụng đen. Đơn cử như thông tin, ông Phạm Huy Cận – Trưởng Ban tổ chức lao động tiền lương Agribank - nguyên giám đốc Agribank chi nhánh tỉnh Nam Định bỏ trốn cùng 300 tỷ đồng. Hay, ông Lê Thanh Hà khi là Phó giám đốc Mê Linh, trong thời gian đương chức, Hà đã thiết lập một tổ chức câu kết cho vay tín dụng đen, cho vay để đảo nợ với một số tổ chức và cá nhân với số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Một số nguồn tin cho rằng, bản thân ông Hà cũng là người đang vay nợ tại chi nhánh để cho vay lại với lãi suất cao hơn nhưng không trả được nợ nên từ năm 2015, chi nhánh Mê linh đã chuyển nợ xấu. Ngoài hàng nghìn tỷ nợ xấu để lại chi nhánh Mê linh, nợ vay cá nhân Hà cũng không trả. Hiện tại, Reatimes đang chờ câu trả lời từ phía Agribank về những nội dung nêu trên.

Agribank đang là ngân hàng nhiều vấn đề nhất trong nhóm Big 4

Agribank đang là ngân hàng nhiều vấn đề nhất trong nhóm Big 4

Trong khi Vietcombank tăng tốc kinh doanh, Vietinbank cũng lại phải loay hoay vấn đề nợ xấu hay chất lượng dịch vụ cùng với sự suy giảm đạo đức trong đội ngũ cán bộ nhân viên.

Sau vụ án Huyền Như, hàng loạt thông tin không hay bủa vây xung quanh ngân hàng này: Ngân hàng Vietinbank có nguy cơ sa lầy cùng khoản nợ nghìn tỷ tại Xi măng Công Thanh? Vụ khách hàng tố cáo lừa 400 triệu đồng; Nhiều nghìn tỷ "khó rút" tại Đạm Bắc Hà; Hay “gặp vấn đề" trong khâu kiểm soát, nhân viên gian dối rút tiền của 31 khách hàng…

Chưa biết việc xử lý nợ xấu đang khẩn trương đến đâu, tốc độ tăng trưởng các chỉ số kinh doanh ra sao, nhưng nếu không hoàn thiện hệ thống quản lý cán bộ nhân viên chuyên nghiệp, Vietinbank khó lấy lại được niềm tin của khách hàng.

BIDV hiện nay đang là ngân hàng có nhiều vấn đề nhức nhối. Hiện BIDV chưa có thuyền trưởng lèo lái khi lãnh đạo cũ để lại quá nhiều vấn đề. Chưa kể, dưới thời ông Trần Bắc Hà, những mối quan hệ phức tạp trong hệ thống và khách hàng thân thiết đã khiến ngân hàng này mãi không thoát khỏi mớ bòng bong về nhân sự và nợ xấu.

Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2018, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của BIDV tăng từ 1,69% lên 1,9%. Bên cạnh đó, BIDV còn có 14.138 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành, giảm 27% so với đầu năm, trong đó trích lập dự phòng 7.676 tỷ đồng./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top