Aa

Thị trường chứng khoán “đỏ lửa“, cổ phiếu bất động sản bị bán ròng mạnh

Chủ Nhật, 26/02/2023 - 06:09

Thị trường chứng khoán trong nước khép lại một tuần đi xuống, trong đó có 4 phiên giảm liên tiếp. Điểm đáng chú ý ở tuần giảm này là việc khối ngoại tăng cường bán ròng, dẫn đầu là cổ phiếu nhóm bất động sản.

Tin xấu bao phủ, hi vọng hồi phục của thị trường lại vụt tắt

Tưởng như nhà đầu tư đã có 1 tuần thuận lợi khi VN-Index bước vào tuần mới với phiên tăng 27 điểm (2,5%), tuy nhiên liên tiếp những ngày sau đó, nhà đầu tư đã đón nhận những thông tin về việc các doanh nghiệp chậm thanh toán lãi trái phiếu mà khởi đầu là sự cố tại Novaland (NVL).

VN-Index liên tiếp giảm trong 4 phiên sau đó và chốt tuần tại 1.039,56, giảm 19,75 điểm (-1,86%). VCB, HVN và SAB trở thành các bluechip hiếm hoi giúp VN-Index tăng điểm với mức ảnh hưởng lần lượt 0,6 điểm, 0,5 điểm và 0,3 điểm.

HNX giảm nhẹ 0,64%, chốt tuần tại 209,95 điểm, thanh khoản giảm 5,46 triệu đơn vị tương đương -8,8%.

Đáng chú ý khi top 10 cổ phiếu ảnh hưởng tích cực đến VN-Index có HQC với mức tăng 37,3% đã giúp VN-Index tăng 0,1 điểm. Chiều giảm điểm dẫn đầu bởi các cổ phiếu VHM, MSN, CTG và BID kéo VN-Index giảm 7,7 điểm trong tuần.

Khối ngoại đảo chiều bán ròng cả 5 phiên với tổng giá trị lên đến trên 1.400 tỷ đồng. Dẫn đầu danh sách bán ròng là 2 cổ phiếu bất động sản VHM và DXG.

Chiều mua ròng, NKG và HSG đã dẫn đầu danh sách mua của khối ngoại với giá trị lần lượt đạt 56 tỷ đồng và 38 tỷ đồng. Thị trường đã trải qua 1 tuần biến động lớn khi vừa tăng mạnh đã liên tiếp giảm điểm, diễn biến này sẽ khiến nhiều nhà đầu tư tỏ ra lo ngại với xu hướng ngắn hạn và khả năng sẽ hạn chế giao dịch trong tuần sau.

Dự báo thanh khoản giảm, VN-Index có thể sẽ khó tiếp tục giảm mạnh trong các phiên đầu tuần và kỳ vọng sẽ có những phiên hồi ngắn hạn khi mốc MA 20 tuần (1.039) vẫn được duy trì trong tuần. Tuy nhiên, chuyên gia của MAS đánh giá xu hướng ngắn hạn đang trong rủi ro biến động.

Khối ngoại bán ròng, nhiều nhất rơi vào nhóm ngành bất động sản. (Ảnh: Yuanta)

Cổ phiếu bất động sản bị bán ròng mạnh

Kết thúc tuần, nhóm ngành bất động sản có 35 mã tăng giá, 20 mã đứng giá và 68 mã giảm giá.

Dẫn đầu nhóm giảm giá tuần này là VHD (-23,5%) của Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị Vinaconex (UpCOM). Tuần trước, VHD nằm trong top 20 cổ phiếu bất động sản tăng giá mạnh nhất.

Xếp sau VHD là các mã IDV của Công ty Cổ phần Phát triển Hạ tầng Vĩnh Phúc (HNX) giảm 20,0%, KAC của Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc Khang An (UpCOM) giảm 14,6%... Tuy nhiên, đa số các mã có thanh khoản thấp.

Đáng chú ý trong top 20 cổ phiếu giảm giá mạnh nhất tuần qua là NLG của CTCP Đầu tư Nam Long (HoSE) giảm 8,9% từ 29.500 đồng/CP còn 26.050 đồng/CP. Ngày 23/2, một thành viên của Hội đồng quản trị công ty này là ông Cao Tấn Thạch thông báo đăng ký bán 900.000 cổ phiếu NLG, giảm số lượng cổ phiếu nắm giữ từ gần 5,29 triệu đơn vị xuống còn 4,39 triệu đơn vị, bằng phương thức giao dịch khớp lệnh và thỏa thuận. Mục đích thực hiện giao dịch để cân đối tài chính cá nhân. Thời gian dự kiến thực hiện giao dịch từ ngày 1/3/2023 - 30/3/2023. 

DXG của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đất Xanh (HoSE) giảm 7,2% từ 11.150 đồng/CP còn 10.350 đồng/CP. Nhóm quỹ Dragon Capital mới báo cáo kết quả các giao dịch liên quan đến cổ phiếu DXG. Cụ thể, trong phiên 20/2, quỹ Vietnam Enterprise Investments Limited đã bán ra 4 triệu cổ phiếu DXG, giảm sở hữu tại Đất Xanh xuống còn 97 triệu cổ phần, tương đương 15,9% vốn điều lệ. 

Trong phiên diễn ra giao dịch, cổ phiếu DXG tăng trần lên 11.900 đồng/CP. Tạm chiếu theo mức giá này, ước tính quỹ ngoại đã thu về 47,6 tỷ đồng. Trước đó, trong phiên 16/2, các quỹ liên quan là Amersham Industries Limited, CTBC Vietnam Equity Fund, Saigon Investments Limited cũng đã bán ra tổng cộng 4 triệu cổ phiếu DXG, ước tính thu về 44,6 tỷ đồng.

Tại thời điểm cuối tháng 1, Dragon Capital sở hữu xấp xỉ 20% vốn DXG, tương đương gần 122 triệu cổ phiếu. Như vậy, chỉ trong tháng 2/2023, Dragon Capital đã bán ra gần 25,5 triệu cổ phiếu DXG, tương đương 4,2% vốn điều lệ của Đất Xanh. Động thái thoái vốn của Dragon Capital diễn ra trong bối cảnh giá cổ phiếu DXG bắt đầu có tín hiệu lao dốc kể từ cuối tháng 1/2023. 

Tuần qua, DXG cùng với VHM là 2 mã cổ phiếu bán ròng mạnh nhất thị trường chung với giá trị bán ròng lần lượt đạt 156 tỷ đồng và 243 tỷ đồng.

KBC của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (HoSE) tuần qua giảm 6,9% từ 24.000 đồng/CP còn 22.350 đồng/CP. Diễn biến giao dịch tuần qua của KBC đối lập hoàn toàn với tuần trước. 

VRE của Công ty Cổ phần Vincom Retail (HoSE) giảm 6,7%, KDH của Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền (HoSE) giảm 6,5%.

Ở chiều ngược lại, AMD của Công ty cổ phần Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone (HoSE) là cố phiếu dẫn đầu top cổ phiếu bất động sản tăng giá mạnh nhất tuần, tăng 37,8% từ 1.190 đồng/CP lên 1.640 đồng/CP. AMD trải qua một tuần ngập chìm trong sắc tím với 5 phiên trần liên tục. Thanh khoản bùng nổ, đạt 16.753.600 đơn vị.

Trong khi FLC, ROS bị hủy niêm yết, HAI, ART, GAB bị đình chỉ giao dịch, KLF chỉ được giao dịch vào thứ sáu thì AMD là mã duy nhất trong "họ FLC" còn xuất hiện trong các phiên chiều hàng ngày. 

Mới đây, FLC Stone công bố văn bản giải trình cùng biện pháp khắc phục để ra khỏi tình trạng bị hạn chế giao dịch, với việc đã tìm được đơn vị kiểm toán là UHY. UHY cũng là đơn vị nhận kiểm toán cho CTCP Tập đoàn FLC. 

HQC của Công ty cổ phần Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (HoSE) tuần qua tăng 37,3% từ 3.030 đồng/CP lên 3.900 đồng/CP. Có 113.706.300 cổ phiếu HQC được sang tay trong tuần qua, một con số kỷ lục. Mỗi phiên, dư mua trần hàng chục triệu đơn vị.

Đà tăng nóng gần đây của HQC diễn ra sau khi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, 4 ngân hàng quốc doanh đã thống nhất có một gói tín dụng 120.000 tỷ đồng dành cho xây dựng dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Đồng thời, phân khúc nhà ở xã hội hiện đang được kỳ vọng sẽ giúp "phá băng" cho thị trường bất động sản.

HQC vốn được mệnh danh là "ông trùm" nhà ở xã hội phía Nam. Không chỉ là lá cờ đầu phát triển nhà ở xã hội ở địa bàn TP.HCM mà còn bành trướng ra các tỉnh thành Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ và cả miền Trung.

Bên cạnh đó, SCR của Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (HoSE), LDG Công ty Cổ phần Đầu tư LDG (HoSE)... cũng có một tuần giao dịch khá khởi sắc, khi lần lượt tăng 15% và 8,4%. 

Tóm lại, thị trường đã khép lại một tuần giảm điểm cùng xu hướng với chứng khoán thế giới. Với 3 tuần giảm liên tiếp, đa phần các thị trường trên thế giới đang trong nhịp điều chỉnh kỹ thuật để kiểm tra lại ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật MA50.

Việc thị trường trong nước điều chỉnh giảm trong tuần vừa qua có thể do yếu tố nội tại hơn là đến từ sự tác động của thị trường chứng khoán thế giới. Trong đó, một trong các lực cản khiến thị trường trượt dốc là việc khối ngoại bán ròng mạnh.

Theo các chuyên gia phân tích MBS, sau 4 phiên giảm liên tiếp và vị thế lỗ chiếm đa số, dòng tiền nội đã co lại nhanh chóng, thị trường nhiều khả năng sẽ tìm điểm cân bằng và dao động trong vùng 1.030 - 1.035 điểm trong bối cảnh trong nước không có thông tin hỗ trợ./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top