Aa

VHM được khối ngoại ưa thích, NVL bùng nổ sau thông tin gia hạn 2 lô trái phiếu

Chủ Nhật, 26/03/2023 - 06:49

VHM là cổ phiếu được khối ngoại gom mạnh nhất tuần qua, với 275 tỷ đồng. NVL tăng trần, bùng nổ thanh khoản sau khi có thông tin Novaland được gia hạn 2 lô trái phiếu.

Dòng vốn ngoại là động lực chính cho thị trường

Sau phiên hỗn loạn đầu tuần do ảnh hưởng bởi thông tin tiêu cực từ thế giới, VN-Index cân bằng tại ngưỡng 1.020 sau đó hồi phục liên tiếp trong 4 phiên còn lại của tuần. Diễn biến hồi phục đã dừng bước tại mốc 1.050, sau đó chỉ số điều chỉnh nhẹ và chốt tuần tại mốc 1.046,79.

Tính cả tuần VN-Index đã tăng nhẹ 1,65 điểm (+0,16%). VHM và VPB là 2 cổ phiếu nổi bật trong tuần, có ảnh hưởng lớn nhất đến diễn biến tăng điểm của VN-Index với mức tác động lần lượt +6 điểm và +2,4 điểm lên VN-Index. Chiều giảm điểm, MSN là cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến chỉ số với mức tác động -2 điểm lên VN-Index.

Thị trường trong nước chốt tuần bằng phiên tăng thứ 4 liên tiếp đã bù đắp những gì "đã mất" ở phiên giảm mạnh đầu tuần, tuy vậy đây vẫn là tuần tăng nhẹ trong xu hướng đi ngang kéo dài 4 tuần gần đây. Hỗ trợ thị trường ngược dòng thành công trong tuần vừa qua là dòng tiền ngoại qua kênh ETF giải ngân mạnh, chủ yếu là quỹ ETF Fubon.

Tuần này, phần lớn các cổ phiếu tăng giá tập trung chủ yếu ở danh mục mà ETF Fubon giải ngân, một số nhóm cổ phiếu có mức tăng tốt trong tuần như: Vingroup, chứng khoán, bất động sản, đầu tư công.

Khối ngoại có giao dịch khá sát với diễn biến của VN-Index trong tuần khi bán mạnh phiên thị trường giảm và mua ròng 4 phiên sau đó khi thị trường tăng. Tổng cộng khối này đã mua ròng 424 tỷ đồng trong tuần.

VHM là cổ phiếu được khối ngoại ưa thích nhất khi mua vào đến 275 tỷ đồng trong tuần, tiếp theo là HPG và VCI với giá trị mua ròng lần lượt đạt 93 tỷ đồng và 90 tỷ đồng. Chiều bán ròng, MSN là cổ phiếu bị bán nhiều nhất với giá trị 117 tỷ đồng.

Trong tuần chỉ số đã hồi phục khi chạm mốc 1.020 và gặp khó khăn khi chạm mốc 1.050. Đây là 2 ngưỡng quan trọng trong xu hướng ngắn hạn của VN-Index hiện tại.

Trong phiên cuối tuần (24/3), thanh khoản đã tăng khoảng 20% so với 3 phiên trước đó, cho thấy áp lực bán bắt đầu tăng mạnh và có thể sẽ tạo áp lực giảm điểm cho chỉ số trong các phiên đầu tuần tới. Tín hiệu kỹ thuật ngắn hạn đang ở mức khả quan.

Cổ phiếu của Vingroup và Novaland tăng vọt

Kết thúc tuần, nhóm ngành bất động sản có 46 mã tăng giá, 24 mã đứng giá và 51 mã giảm giá.

Dẫn đầu top 20 cổ phiếu bất động sản tăng giá mạnh nhất tuần (20/3 - 24/3) là VHD của Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị Vinaconex (UpCOM). VHD tăng 36,3% từ 10.200 đồng/CP tuần trước lên 13.900 đồng/CP tuần này. 

VHD sở hữu 3 phiên tăng hết biên độ. Tuy nhiên, thanh khoản thấp, cả tuần chỉ giao dịch 1.100 đơn vị.

Tương tự, XDH (+17,2%) của Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dưng Dân dụng Hà Nội (UpCOM), TBR (+12,3%) của Công ty Cổ phần Địa ốc Tân Bình (UpCOM), MGR (+7,6%) của Công ty Cổ phần Tập đoàn Mgroup (UpCOM)... cũng là những mã thuộc loại thanh khoản khiêm tốn.

HD2 của Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển nhà HUD2 (UpCOM) tăng 13,6% từ 17.600 đồng/CP lên 20.000 đồng/CP. Tuần qua, có gần 68.000 cổ phiếu HD2 được khớp lệnh thành công.

Đáng chú ý trong top 20 cổ phiếu tăng giá mạnh tuần qua, có VHM của Công ty cổ phần Vinhomes (HoSE). VHM tăng 13%, từ 43.350 đồng/CP lên 49.000 đồng/CP. Thanh khoản 13.981.100 đơn vị, nâng vốn hóa thị trường của VHM lên 213.364,01 tỷ đồng. 

VHM là cổ phiếu được khối ngoại gom mạnh nhất tuần qua, với 275 tỷ đồng. VHM trở thành cổ phiếu nổi bật nhất toàn thị trường, ảnh hưởng mạnh mẽ nhất tới chỉ số VN-Index tuần qua (+6 điểm).

VHM "đắt hàng"  sau tin chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại 2 công ty con. Công ty Cổ phần Vinhomes mới đây đưa ra thông báo về việc chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tại 2 công ty con cho đối tác. Hai doanh nghiệp mà Vinhomes thoái vốn là Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản Phát Đạt và Công ty TNHH Đầu tư và Phát Triển Bất động sản Trường Lộc. Bên nhận chuyển nhượng chưa được tiết lộ.

Nguồn tin riêng từ Reuters cho biết, Tập đoàn CapitaLand đang đàm phán mua tài sản trị giá khoảng 1,5 tỷ USD từ Vinhomes. Nội dung đàm phán của CapitaLand và Vinhomes là về một số dự án của Vinhomes. Một trong số đó là một phần Ocean Park 3 - dự án phát triển theo phong cách thành phố nghỉ dưỡng rộng 294ha gần Thủ đô Hà Nội, hoặc một dự án khác ở TP. Hải Phòng.

CEO của Công ty Cổ phần Tập đoàn C.E.O (HNX) tăng 5,9% từ 20.500 đồng/CP lên 21.700 đồng/CP, thanh khoản bùng nổ 34,94 triệu đơn vị. 

NVL của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (HoSE) tăng 3,5% từ 11.500 đồng/CP lên 11.900 đồng/CP. Phiên giao dịch 24/3, NVL bùng nổ thanh khoản với 30,5 triệu đơn vị chuyển nhượng thành công, chốt tuần tại sắc tím. 

Phiên 24/3 được coi là phiên "độc diễn" của NVL. Đầu phiên, NVL giảm nhẹ nhưng rồi nhanh tăng trần, tăng 750 đồng/CP lên 11.900 đồng/CP sau khi có thông tin Novaland được gia hạn 2 lô trái phiếu.

Cụ thể, 2 lô trái phiếu NVLH2124002 và NVLH2224006 sẽ được gia hạn ngày đáo hạn lần lượt thêm 1 và 2 năm. Trong thời gian gia hạn, lãi suất của 2 lô trái phiếu này là 11,5%/năm, cao hơn lãi suất cố định trước đây với 10,5%. 

Đại diện trái chủ của hai lô trái phiếu là Công ty Chứng khoán BSC và Công ty Chứng khoán PSI đồng ý sẽ không tuyên bố sự kiện vi phạm đối với trái phiếu theo thời gian quy định.

NLG của Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long (HoSE), SCR của Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (HoSE), IDI của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia I.D.I (HoSE)... cũng có một tuần giao dịch phấn khởi.

top 20 cổ phiếu tăng giá

Ở chiều ngược lại, PTN của Công ty Cổ phần Phát triển Nhà Khánh Hòa (UpCOM) dẫn đầu top 20 cổ phiếu bất động sản giảm giá mạnh nhất tuần, giảm 23,9%. Đứng sau là VNI của Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Việt Nam (UpCOM), giảm 15%. 

Hầu hết những mã thuộc top 20 cổ phiếu bất động sản giảm giá mạnh tuần qua là những mã diện thanh khoản thường xuyên rất thấp. 

Đáng chú ý là mã cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp ITA của Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (HoSE). ITA tuần qua giảm 4% từ 4.040 đồng/CP xuống còn 3.880 đồng/CP. So với 1 năm về trước, cổ phiếu ITA đã "bốc hơi" khoảng 80% thị giá. 

Đầu năm 2023, ITA tiếp tục bị đưa vào diện cảnh báo trên HoSE do công ty chưa khắc phục được nguyên nhân dẫn đến việc bị đưa vào diện cảnh báo từ tháng 9/2022. Đồng thời, ITA tiếp tục vi phạm quy định về công bố thông tin trong 6 tháng kể từ ngày cảnh báo.

top 20 cổ phiếu giảm

Trong tuần giao dịch tới, thị trường sẽ đón nhận nhiều thông tin vĩ mô quan trọng, như tăng trưởng GDP quý I, chỉ số CPI quý I... Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp có thể sẽ công bố số ước tính kết quả kinh doanh quý I. Nhìn chung, tăng trưởng kinh tế cũng như kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết sẽ không thực sự khả quan trong quý I năm nay.

Trong bối cảnh những thông tin tốt - xấu đan xen, chuyên gia của VNDirect cho rằng, thị trường có thể duy trì xu hướng tích lũy trong ngắn hạn. Chỉ số VN-Index tiếp tục dao động trong biên độ hẹp từ mức 1.030 - 1.070 điểm trong tuần tới.

Trong bối cảnh thị trường chưa hình thành xu hướng tăng rõ nét, việc mua vào và nắm giữ cổ phiếu chỉ nên thực hiện với tầm nhìn dài hạn (6 tháng - 1 năm). Trong khi đó, việc trading ngắn hạn tiềm ẩn rủi ro cao và chỉ phù hợp với những nhà đầu tư chuyên nghiệp. Đồng thời, việc quản trị danh mục đầu tư vẫn nên được ưu tiên hàng đầu, duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức vừa phải và hạn chế sử dụng đòn bẩy (margin) ở giai đoạn hiện nay để kiểm soát rủi ro./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top