Aa

Lấy lại bình tĩnh sau "cú sốc", cổ phiếu bất động sản và xây dựng “chiếm sóng” thị trường

Thứ Ba, 29/03/2022 - 21:00

Sau cú sốc ngày 28/3, thị trường chứng khoán đã lấy lại bình tĩnh và hồi phục mạnh trở lại, dưới sự “trợ giúp” của nhóm cổ phiếu bất động sản, xây dựng.

Nếu phiên giao dịch ngày 28/3 bất động sản, xây dựng là nhóm phải chịu ảnh hưởng nặng nhất thì ngày 29/3 đã phục hồi khá mạnh mẽ. Theo đó, VPH, QCG, NVT, CIG, DIG, HQC tăng giá kịch trần, thậm chí có mã còn trắng bên bán. Ngoài ra CRE, CII tăng 4,87%, HAR tăng 2,6%, LDG tăng 2,4%...

Khả năng phục hồi của thị trường ngày 29/3 không quá khó đoán, vì dạng tin đồn “bắt bớ” liên quan đến lãnh đạo doanh nghiệp gây tác động rất hạn chế. Ngay tại nhóm cổ phiếu "họ FLC" cũng có một số mã như ART, KLF thoát sàn, dù vẫn bốc hơi 6 - 7% giá trị.

Tuy nhiên, FLC và ROS tiếp tục "đứng im" tại mức giá sàn trong toàn bộ phiên giao dịch với mức giảm 7%, kết phiên đạt 12.650 đồng/cp và 8.160 đồng/cp. Đặc biệt, thanh khoản FLC tiếp tục giảm mạnh, thấp hơn cả phiên trước đó, cả phiên chỉ ghi nhận hơn 3 triệu cổ phiếu được khớp lệnh. Còn cổ phiếu ROS có sự cải thiện về thanh khoản, khối lượng giao dịch tăng lên hơn 8 triệu đơn vị được khớp lệnh.

Đến cuối phiên, cả FLC và ROS vẫn còn dư bán giá sàn với khối lượng lớn, lần lượt là gần 70 triệu cổ phiếu và 48 triệu cổ phiếu. Thậm chí trong phiên ATC, FLC và ROS bị đặt thêm lệnh bán lên tới vài chục triệu đơn vị khiến cho tình hình càng trở nên tiêu cực hơn.

Đây là lần thứ 2 trong năm 2022 cổ đông hệ sinh thái FLC phải chịu tình cảnh cổ phiếu giảm sàn "trắng bên mua". Trước đó hồi đầu tháng 1/2022, thị trường dậy sóng với vụ việc giao dịch chui 75 triệu cổ phiếu FLC của Chủ tịch HĐQT Trịnh Văn Quyết đã khiến hàng loạt cổ phiếu trong "họ" ghi nhận chuỗi giảm sàn liên tục, dư bán giá sàn "chồng chất" hàng chục triệu đơn vị nhưng cũng không thể khớp do bên mua "trắng xóa".

Cũng nằm trong xu thế tăng giá, nhóm chứng khoán, ngân hàng, thép cũng giao dịch tích cực khi hầu hết các mã tăng điểm. Dù vậy, mức tăng của nhóm này nhìn chung không quá bùng nổ. Nhóm dầu khí sau ít phút điều chỉnh đầu phiên đã đảo chiều với hàng loạt mã như GAS, PLC, PVB, PVC, PVD, PVG, PXS, PVS… đều tăng điểm đến cuối phiên.

Ở nhóm bluechips, nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn như BVH, FPT, HPG, MSN, VNM, POW, MWG… cũng ghi nhận mức tăng tốt giúp sắc xanh thị trường được củng cố.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 29/3, chỉ số VN-Index tăng 14,58 điểm lên gần 1.498 điểm; HNX-Index tăng 6,35 điểm lên 461,24 điểm; UPCoM-Index tăng 1,36 điểm lên 117,37 điểm. Thanh khoản thị trường đạt 29.170 tỷ đồng. Khối ngoại trở lại mua ròng nhẹ với giá trị hơn 60 tỷ đồng.

Theo nhận định của các chuyên gia, thị trường không có gì xấu lúc này, vẫn là giai đoạn chọn mua nên khi giá đột ngột chiết khấu mạnh chính là cơ hội.

Ông Lynch Phan, Founder Công ty Tư vấn và đầu tư Take Profit Việt Nam cho rằng, trước tin đồn hay những thông tin bất thường mang tính đột ngột, nhà đầu tư nên bình tĩnh đánh giá tác động của sự kiện liên quan đến cổ phiếu mà mình đang nắm giữ.

"Không phải ngành nào hoặc cổ phiếu nào cũng bị tác động tiêu cực bởi tin đồn. Giả sử tin đồn đó là sự thật thì nhà đầu tư nên cố gắng lượng hóa bằng con số để xem liệu nó sẽ tác động ra sao đến cổ phiếu đó hoặc nhóm cổ phiếu có liên quan. Ví dụ như ảnh hưởng đến tình hình phát triển của doanh nghiệp thế nào, làm thiệt hại bao nhiêu đến tài sản, lợi nhuận của doanh nghiệp thời gian tới.

Trong khi với nhóm cổ phiếu bất động sản, thị trường đang chuẩn bị bước vào quý II/2022 với nhiều động lực tăng trưởng mới, mạnh mẽ và bùng nổ hơn hẳn cùng kỳ năm 2021.

Cùng với đó, theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, nếu các doanh nghiệp trúng đấu giá có thể nộp tiền như cam kết sẽ ít nhiều tạo nên động lực cho thị trường, trong đó có thị trường cổ phiếu. Với các cổ phiếu bất động sản vẫn tiềm năng tăng giá trong năm 2022 là vẫn còn, nhưng mức độ thì còn phụ thuộc vào nền kinh tế, vào thị trường chung.

Đồng quan điểm, bà Lê Thị Phương Lan, Trưởng Bộ phận Tư vấn đầu tư, Savills Hà Nội cho rằng, các doanh nghiệp bất động sản niêm yết đã đạt được những thành công nhất định trong việc huy động vốn thông qua các đợt phát hành trên thị trường chứng khoán, nhất là trong bối cảnh cổ phiếu ngành này luôn được săn đón trong danh mục của bất cứ nhà đầu tư nào./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top