Aa

Cổ phiếu bất động sản đồng loạt tăng trong tuần thị trường chứng khoán hồi phục

Chủ Nhật, 22/05/2022 - 06:06

Hàng loạt cổ phiếu bất động sản tăng giá mạnh trước sự phục hồi tốt của thị trường chứng khoán sau 6 tuần giảm liên tiếp.

Thị trường chứng khoán Việt Nam biến động tích cực trở lại sau chuỗi 6 tuần đi xuống liên tiếp. Kết thúc tuần giao dịch từ 16 - 20/5, VN-Index tăng 57,94 điểm (4,9%) so với tuần trước đó lên 1.240,71 điểm, HNX-Index tăng 4,63 điểm (1,53%) lên 307,02 điểm, UPCoM-Index cũng tăng 0,5 điểm (0,53%) lên 94,11 điểm.

Tuy nhiên, tâm lý nhà đầu tư vẫn còn thận trọng khiến thanh khoản thị trường đi xuống so với tuần trước đó. Tổng giá trị giao dịch trên toàn thị trường đạt hơn 80.100 tỷ đồng, giảm 16,6%, trong đó, giá trị giao dịch trên sàn HoSE đạt 67.900 tỷ đồng, giảm 19%.

Rất nhiều nhóm ngành cổ phiếu đã có sự hồi phục tốt cùng thị trường chung, trong đó, nhóm bất động sản ghi nhận rất nhiều cổ phiếu bứt phá.

Thống kê 123 cổ phiếu bất động sản đang giao dịch trên toàn thị trường chứng khoán trong tuần từ 16 - 20/5 có 92 mã tăng, trong khi chỉ có 20 mã giảm giá.

CEO của Tập đoàn C.E.O là cổ phiếu bất động sản có biến động tích cực nhất khi tăng từ 30.800 đồng/cp lên 39.500 đồng/cp, tương ứng mức tăng 28,3%. CEO tăng giá trong tuần giao dịch vừa qua dù không có bất kỳ thông tin hỗ trợ nào.

Đứng thứ 2 trong danh sách tăng giá ở nhóm bất động sản là DIG của Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng với 19,8%. Giá cổ phiếu DIG tăng bất chấp việc bị CTCP Đầu tư Phát triển Thiên Tân bán ra. Theo thông báo mới đây, CTCP Đầu tư Phát triển Thiên Tân đã bán 1,85 triệu cổ phiếu. Ngày giao dịch làm thay đổi tỷ lệ sở hữu là 17/5. Sau giao dịch, Thiên Tân còn sở hữu 88,5 triệu cổ phiếu DIG, tỷ lệ nắm giữ giảm từ 18,07% xuống 17,7%.

20 cổ phiếu BĐS tăng giá mạnh nhất tuần từ 16 - 20/5.
20 cổ phiếu bất động sản tăng giá mạnh nhất tuần từ 16 - 20/5.

Một cổ phiếu bất động sản cũng đáng chú ý đó là IDJ của CTCP Đầu tư IDJ Việt Nam khi tăng hơn 17% chỉ sau một tuần giao dịch. Mới đây, doanh nghiệp này đã công bố Nghị quyết HĐQT về việc triển khai phương án chi trả cổ tức năm 2021 bằng cổ phiếu và phát hành ESOP. Theo đó, doanh nghiệp sẽ phát hành khoảng hơn 19,1 triệu cổ phiếu để trả cổ tức theo tỷ lệ 13%. Về phương án phát hành ESOP, công ty dự kiến chào bán gần 7,4 triệu cổ phiếu cho các cán bộ công nhân viên đáp ứng đủ tiêu chuẩn. Thời gian thực hiện dự kiến là quý II - III/2022.

IDC của Tổng Công ty Idico cũng tăng 15,5% trong tuần giao dịch vừa qua. Phiên 13/5 là ngày giao dịch không hưởng quyền để doanh nghiệp này chốt danh sách cổ đông trả cổ tức còn lại năm 2021 bằng tiền tỷ lệ 6%. Thời gian thanh toán 10/6/2022. Nguồn vốn lấy từ lợi nhuận sau thuế lũy kế đến 31/12/2021.

Ở chiều ngược lại, THD của CTCP Thaiholdings gây bất ngờ khi giảm đến 33,7% giá trị chỉ sau một tuần giao dịch. Giá cổ phiếu này giảm từ 84.500 đồng/cp xuống chỉ còn 56.000 đồng/cp. HĐQT doanh nghiệp này mới đây đã công bố Nghị quyết thông qua phương án điều chỉnh số liệu báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2021. Cụ thể, chấp hành theo công văn số 1428 của Cục cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu, Bộ Công an (C03), Thaiholdings thông qua phương án Thaigroup (công ty con thuộc tập đoàn) hoàn trả số tiền đã giao dịch với Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh theo đúng quy định của pháp luật. Số tiền hoàn trả là 840 tỷ đồng. Tuy nhiên, Thaigroup sẽ nhận lại cổ phần của CTCP Bình Minh Group (chủ sở hữu dự án 11A Cát Linh) kèm hồ sơ pháp lý, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của dự án. Trên báo cáo tài chính năm 2021, lợi nhuận sau thuế của Thaiholdings sẽ giảm từ 1.156 tỷ đồng xuống còn 424 tỷ đồng, tương ứng giảm 732 tỷ đồng.

20 cổ phiếu BĐS giảm giá trong tuần từ 16 - 20/5.
20 cổ phiếu bất động sản giảm giá trong tuần từ 16 - 20/5.

Cổ phiếu LSG của CTCP Bất động sản Sài Gòn VINA cũng giảm đến gần 30% chỉ sau một tuần giao dịch. Như vậy, với việc đóng cửa phiên 20/5 ở mức 9.080 đồng/cp, LSG đã về thấp hơn mức giá chào sàn UPCoM hôm 12/5 là 11.000 đồng/cp.

Tiếp sau đó, cổ phiếu KSF của Tập đoàn KSFinance cũng giảm hơn 19% từ 107.500 đồng/cp xuống 86.900 đồng/cp. Thanh khoản của KSF tăng mạnh so với tuần trước với khối lượng khớp lệnh bình quân đạt 83.660 cổ phiếu/phiên, tăng 28%.

Tại nhóm cổ phiếu bất động sản vốn hóa lớn, hai mã vốn hóa lớn nhất là VIC của Tập đoàn Vingroup và VHM của CTCP Vinhomes không đi cùng xu thế chung mà giảm giá. Tuy nhiên, mức giảm của hai mã này là khá thấp với lần lượt là 0,26% và 1,8%. Một cổ phiếu cùng họ “Vin” là VRE của CTCP Vincom Retail lại có diễn biến rất tích cực khi tăng 8,1%. Theo một công bố mới đây, nhóm quỹ RWC Partners không còn là cổ đông lớn tại VRE từ ngày 6/5, sau khi các quỹ thành viên bán gần 4 triệu đơn vị. Sau giao dịch, nhóm quỹ đầu tư Anh Quốc giảm sở hữu còn 110,2 triệu cổ phiếu, tương đương 4,85% vốn điều lệ.

Hai cổ phiếu là NVL của CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va và BCM của Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - CTCP cũng giao dịch tích cực và tăng lần lượt 3,73% và 3,68%./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top