Aa

Cổ phiếu BĐS khởi sắc trong tuần 14 - 18/6

Chủ Nhật, 20/06/2021 - 06:00

Nhóm cổ phiếu bất động sản biến động tích cực trong tuần VN-Index vượt đỉnh cũ. Nhiều cổ phiếu bất động sản tăng mạnh kèm theo thanh khoản cao. Trong khi đó, khá ít cac cổ phiếu bất động sản giá ở thời gian này.

Một tuần giao dịch tích cực của thị trường chứng khoán Việt Nam khi VN-Index vượt đỉnh cũ và vươn lên mốc cao mới. Kết thúc phiên giao dịch từ 14 - 18/6, VN-Index tăng 26,03 điểm (1,9%) so với tuần trước đó lên mức 1.377,77 điểm. HNX-Index cũng tăng 2,04 điểm (0,6%) lên 318,73 điểm. UPCoM-Index cũng tăng 1,29 điểm (1,45%) lên 90,22 điểm.

Dòng tiền trong tuần giao dịch vừa qua có phần tập trung mạnh vào nhóm cổ phiếu bất động sản. Đây là nhóm ngành được nhiều chuyên gia dự báo có nhiều dư địa tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm 2021. Thống kê 114 cổ phiếu bất động sản trên thị trường chứng khoán thì có đến 73 mã tăng giá trong khi chỉ có 29 mã giảm giá.

Cái tên BVL của CTCP BV Land tiếp tục khiến nhiều nhà đầu tư phải nhắc đến. BVL đã có 5 phiên tăng trần ở tuần qua từ mức 14.500 đồng/cp lên 28.700 đồng/cp. Tổng kết tuần, BVL tăng gần 98%. Như vậy, kể từ khi lên sàn UPCoM hôm 11/6, cổ phiếu này tăng trần trong cả 6 phiên từ chỉ 10.400 đồng/cp lên 28.700 đồng/cp (gấp 2,76 lần). Dù vậy, giao dịch của BVL diễn ra ảm đạm khi mỗi phiên chỉ khớp lệnh vài nghìn cổ phiếu.

20 cổ phiếu bất động sản tăng giá mạnh nhất tuần từ 14-18/6.
20 cổ phiếu bất động sản tăng giá mạnh nhất tuần từ 14 - 18/6.

Cổ phiếu CSC của Tập đoàn COTANA tiếp tục lập đỉnh mới khi tăng 20,6% từ 48.600 đồng/cp lên 58.600 đồng/cp. Ngày 30/6 tới đây, CSC sẽ chốt danh sách cổ đông để thực hiện trả cổ tức bằng cổ phiếu năm 2020 theo tỷ lệ 50:3 (50 cổ phiếu cũ được nhận 3 cổ phiếu mới). Như vậy, công ty dự kiến phát hành gần 1,3 triệu cổ phiếu.

Cái tên tiếp theo tăng trên 20% ở nhóm bất động sản là VCR của CTCP Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex. Ngày 10/6/2021, HĐQT Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam - Vinaconex đã thông qua quyết định phát hành trái phiếu riêng lẻ không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có đảm bảo, với tổng mệnh giá trái phiếu phát hành tối đa là 2.200 tỷ đồng. Mục đích của việc huy động trái phiếu là nhằm tăng quy mô vốn hoạt động phục vụ cho việc hợp tác đầu tư cùng VCR đối với dự án Phân khu cao tầng CT02 của Khu đô thị du lịch Cái Giá, Cát Bà - Dự án Cát Bà Amatina.

Bên cạnh đó, rất nhiều cổ phiếu bất động sản thanh khoản cao như FLC của Tập đoàn FLC, KBC của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc, TDH của Phát triển Nhà Thủ Đức… đều hút dòng tiền tốt và tăng giá mạnh trong tuần giao dịch từ 14-18/6.

Về TDH, doanh nghiệp này mới thông qua chủ trương tiếp tục chuyển nhượng vốn góp tại công ty liên kết. Trong đó, TDH sẽ chuyển nhượng toàn bộ gần 17 triệu cổ phần, tương đương 43% vốn tại công ty Fideco (FDC). Giá bán được xác định theo giá thị trường tại thời điểm chuyển nhượng nhưng không thấp hơn 12.000 đồng/cp. Thời gian chuyển nhượng trong vòng 3 tháng kể từ ngày thông qua quyết định chuyển. Công ty cũng vừa thông qua việc chuyển nhượng 22,49% vốn tại công ty liên kết - CTCP Chứng khoán Sen Vàng với giá chuyển nhượng tối thiểu 5.000 đồng/cp.

Về FLC, giao dịch của cổ phiếu này diễn ra bùng nổ với khối lượng khớp lệnh trung bình 1 tuần qua là trên 35,6 triệu đơn vị. Chốt tuần, FLC đứng ở mức 15.150 đồng/cp, tương ứng tăng 15,2% so với tuần trước.

Chiều ngược lại, chỉ có 3 cổ phiếu bất động sản giảm giá trên 10% trong tuần qua là V11 của CTCP Xây dựng số 11, HPI của Khu công nghiệp Hiệp Phước và và NTB của Đầu tư Xây dựng và Khai thác Công trình Giao thông 584. Điểm chung của cả 3 cổ phiếu này là đều bị hạn chế giao dịch trên UPCoM và chỉ được giao dịch trong phiên thứ Sáu hàng tuần.

20 cổ phiếu bất động sản giảm giá mạnh nhất tuần từ 14-18/6.
20 cổ phiếu bất động sản giảm giá mạnh nhất tuần từ 14 - 18/6.

Cổ phiếu đáng chú ý nhất trong danh sách giảm giá ở nhóm bất động sản là DXG của CTCP Tập đoàn Đất Xanh khi giảm 4,4%. Trong tuần, Nhóm Dragon Capital thông báo đã mua gần 4,5 triệu cổ phiếu của DXG để nâng tỷ lệ sở hữu từ 11,92% lên hơn 13,14%, tương đương hơn 68 triệu cổ phiếu. Trước đó, các quỹ thuộc Dragon Capital đã bán ra hơn 4,4 triệu cổ phiếu DXG tại ngày 11/6, trong đó quỹ Amersham Industries Ltd. bán nhiều nhất với 3,2 triệu đơn vị. Chỉ trong 3 ngày 8 - 9/6 và 11/6, Dragon Capital đã bán ra gần 19,5 triệu cổ phiếu.

HĐQT doanh nghiệp này cũng mới phê duyệt việc chào bán tối đa 300 triệu USD trái phiếu ra thị trường quốc tế. HĐQT dự kiến niêm yết trái phiếu trên Sở GDCK Singapore để trình ĐHĐCĐ phê duyệt. Nội dung chi tiết về phương án phát hành cũng như mục đích sử dụng vốn chưa được công bố.

Cổ phiếu BII của CTCP Louis Holdings cũng gây chú ý khi giảm 2,8%. Mới đây, ông Đỗ Thành Nhân thông báo đã bán 6,3 triệu cổ phiếu BII vào ngày 11/6. Giao dịch khiến cá nhân này không còn là cổ đông lớn khi chỉ còn nắm giữ 1,65 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 2,87% vốn.

Bên cạnh đó, BII mới bổ sung một tờ trình ĐHĐCĐ thường niên 2021 về việc thay đổi tên công ty từ Louis Holdings thành CTCP Louis Real Estate.

Trong khi đó, đa số các cổ phiếu vốn hóa lớn ở nhóm bất động sản đều biến động tích cực. Trong đó, VHM của CTCP Vinhomes tăng đến 6,1%. Hai cái tên là BCM của Tổng Công ty Đầu tư và phát triển Công nghiệp hay PDR của CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt cũng tăng lần lượt 5,8% và 5,4%. VRE của CTCP Vincom Retail tăng 3,2%. Ở chiều ngược lại, VIC của Tập đoàn Vingroup giảm nhẹ 0,5%. Dù cổ phiếu này nhưng đã để mất vị trí vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam vào tay VCB của Vietcombank. Vốn hóa của VIC tại ngày 18/6 ở mức 397.097 tỷ đồng còn VCB là 402.413 tỷ đồng./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top