Tháng 2/2017, cổ phiếu VPH của Công ty Cổ phần Vạn Phát Hưng là mã có mức tăng giá mạnh nhất, lên tới 94% so với phiên cuối tháng 1/2017, lên 12.700 đồng/CP trong phiên ngày 28/2. Mới đây, VPH đã hoàn thành nốt các thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất và công trình đợt 2 thuộc dự án La casa. Trong tháng 2/2016, Vạn Phát Hưng đã hai lần nhượng lại dự án La casa với tổng lãi gộp theo ước tính của công ty này là 325 tỷ đồng.
Cổ phiếu TDH của Công ty Cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức tăng 35% lên mức 12.000 đồng/CP. Năm 2016, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của công ty mẹ đạt 796,5 tỷ đồng, tăng 41,6% so với năm 2015. Lợi nhuận sau thuế đạt 83,7 tỷ đồng, tăng 42,7% so với năm 2015 và vượt gần 5% kế hoạch năm 2016
Cổ phiếu DXG của Công ty Cổ phần Dịch vụ và Xây dựng Địa ốc Đất Xanh cũng tăng 35% trong tháng 2 lên 16.500 đồng/CP. Các cổ phiếu HDG của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hà Đô, NTL của Công ty Cổ phần Phát triển Đô thị Từ Liêm, NVL của Tập đoàn Novaland và VIC của Vingroup đều tăng khoảng 10% trong tháng qua.
Với sự tăng giá khá bất ngờ, một số nhà đầu tư cho rằng, nguyên nhân dẫn đến sức hút của nhóm cổ phiếu BĐS một phần nhờ kết quả kinh doanh được công bố khá tốt trong quý IV/2016. Mặt khác, sau một thời gian khá lâu nằm ở vùng giá thấp, nhóm cổ phiếu này dễ dàng tạo "sóng" khi có tín hiệu mua.
Đội môi giới chứng khoán nhận định, nhóm cổ phiếu BĐS duy trì được mức tăng trưởng khá ấn tượng từ cuối năm 2016. Trong đó, có một số cổ phiếu nổi bật giữ được mức tăng tốt từ giữa năm 2016. Tuy nhiên, việc cổ phiếu BĐS tăng giá đợt vừa qua cũng phần nào là do “ăn theo thị trường”. Giá cổ phiếu nhóm này đang có một vài tín hiệu tích cực trong khi nhóm khác chịu tác động bởi thông tin ít khả quan hơn thì giảm điểm. Nhưng so với nhóm cổ phiếu ngành xây dựng, cổ phiếu BĐS vẫn có sức tăng kém hơn.
Nhóm cổ phiếu BĐS liệu có duy trì được sức tăng cho cả năm 2017? Câu trả lời vẫn còn chờ vào diễn biến của thị trường BĐS trong thời gian tới và dựa vào diễn biến giải phóng hàng tồn kho của doanh nghiệp.
Theo báo cáo tài chính năm 2016, Tập đoàn Novaland còn 15.636 tỷ đồng hàng tồn kho. Trong khi, vào cuối năm 2015 thì hàng tồn kho của Novaland chỉ hơn 7.158 tỷ đồng. Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) còn 8.243 tỷ đồng tồn kho. Tiếp theo đó là Phát Đạt (PDR) với số lượng tồn kho đạt 7.316 tỷ đồng; công ty Phát Triển Hạ tầng Kỹ thuật - Becamex IJC có giá trị hàng tồn kho đạt 5.020 tỷ đồng. Tương tự, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hà Đô (HDG) có mức tăng trưởng hàng tồn kho nhiều nhất. Cuối năm 2015, Hà Đô chỉ có 985 tỷ đồng hàng tồn kho. Nhưng đến cuối năm 2016, lượng hàng tồn kho của công ty này đã là 2.442 tỷ đồng, tăng 248%,
Theo CTCK Maritime (MSI), báo cáo kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong năm qua tăng trưởng doanh thu khá tốt nhưng lợi nhuận ròng không tăng nhiều, thậm chí còn thụt lùi. Nguyên nhân là do chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng. Trong khi, nhiều doanh nghiệp bước vào giai đoạn đầu tư dự án mới. Hơn nữa, tồn kho tại các doanh nghiệp khá lớn, khoản nợ vay nhiều dẫn đến chi phí tài chính cũng tăng lên rất mạnh. Do vậy, nếu như tình hình kinh doanh không khả quan, thanh khoản không cải thiện thì sẽ gây áp lực lớn lên giá cổ phiếu nhóm này trong năm 2017.