Thị trường chứng khoán Việt Nam phiên 19/3 đi theo chiều hướng khá tiêu cực sau khi VN-Index vượt mốc 1.200 điểm hôm 18/3. Các chỉ số chứng khoán giảm điểm ngay đầu phiên 19/3 trước áp lực đến từ nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn, trong đó, VN-Index giao dịch trong sắc đỏ ở toàn bộ thời gian của phiên giao dịch.
Nhóm cổ phiếu dầu khí biến động tiêu cực khi giá dầu thô thế giới liên tục giảm sâu. PVD chốt phiên mất 2,5%, PVS giảm 1,2%, PLX giảm 2,4%, GAS giảm 1%.
Tuy nhiên, tạo áp lực lớn nhất lên VN-Index không phải là nhóm dầu khí mà là các cổ phiếu nằm trong diện giảm tỷ trọng của 2 quỹ ETF V.N.M và FTSE như VCB, VRE, NVL, VHM. Trong đó, VCB giảm mạnh 3,4% xuống 94.200 đồng/cp, VRE giảm 2,9% xuống 34.000 đồng/cp, NVL giảm 2,7% xuống 79.000 đồng/cp, VHM giảm 1,9% xuống 97.800 đồng/cp.
Bên cạnh VHM, VRE và NVL, một cổ phiếu vốn hóa lớn khác trong nhóm bất động sản là THD cũng giảm 1,3% xuống 199.500 đồng/cp và tạo áp lực lớn đến HNX-Index.
Chiều ngược lại, VIC là cái tên hiếm hoi trong nhóm bất động sản vốn hóa lớn tăng giá với 1,7% lên 108.400 đồng/cp và là nhân tố quan trọng giúp kìm hãm đáng kể đà giảm của VN-Index. VIC mới đây đã đồng ý với phương án tăng vốn điều lệ của Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam từ 1.666 tỷ lên 12.691 tỷ đồng. Hiện VIC là cổ đông lớn nhất của doanh nghiệp nói trên với tỷ lệ nắm giữ 83,32% vốn.
Cùng với VIC, nhóm cổ phiếu chứng khoán biến động theo chiều hướng tích cực khi đồng loạt tăng. VCI tăng đến 4,2% lên 67.400 đồng/cp. Theo tài liệu ĐHĐCĐ thường niên, HĐQT VCI sẽ trình phương án chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 30% bằng tiền mặt, tương đương giá trị thanh toán 496 tỷ đồng. Trong đó, doanh nghiệp đã tạm ứng cổ tức 2020 đợt 1 tỷ lệ 10%, tương đương 166 tỷ đồng. Cùng với đó, VCI sẽ phát hành 166,5 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 1:1 từ nguồn vốn chủ sở hữu (thặng dư vốn cổ phần, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, quỹ đầu tư phát triển, quỹ khác…). Vốn điều lệ sau phát hành gấp đôi lên 3.330 tỷ đồng. Công ty còn lên kế hoạch phát hành 900.000 cổ phần theo chương trình lực chọn người lao động (ESOP), giá phát hành 15.000 đồng/cp.
Tại nhóm cổ phiếu bất động sản vốn hóa vừa và nhỏ, nhiều mã thanh khoản cao vẫn hút được dòng tiền tốt, trong đó, các mã như NTB, PPI, FLC hay CIG đều được kéo lên mức giá trần. Bên cạnh đó, DRH tăng 6,4% lên 13.250 đồng/cp, NLG tăng 4,1% lên 35.550 đồng/cp, KBC tăng 4% lên 41.500 đồng/cp, NTL tăng 3,7% lên 28.300 đồng/cp.
Chiều ngược lại, các cổ phiếu bất động sản vừa và nhỏ như PVL, NTN hay SGR bị kéo xuống mức giá sàn. TCH giảm 3,4% xuống 23.000 đồng/cp, CEO giảm 2,4% xuống 12.100 đồng/cp...
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 6,89 điểm (-0,57%) xuống 1.194,05 điểm. Toàn sàn có 193 mã tăng, 251 mã giảm và 61 mã đứng giá. HNX-Index tăng 0,22 điểm (0,08%) lên 277,7 điểm. Toàn sàn có 101 mã tăng, 104 mã giảm và 70 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,21 điểm (-0,26%) xuống 81,48 điểm.
Thanh khoản phiên 19/3 vẫn rất cao với tổng khối lượng giao dịch đạt 942,7 triệu cổ phiếu, trị giá 21.080 tỷ đồng. FLC là cổ phiếu bất động sản duy nhất nằm trong top 10 về khối lượng khớp lệnh toàn thị trường với 26,2 triệu cổ phiếu.
Khối ngoại đẩy mạnh bán ròng hơn 1.100 tỷ đồng ở phiên 19/3 do ảnh hưởng từ việc cơ cấu danh mục của 2 quỹ ETF ngoại. Trong top 10 mã bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất có 3 cổ phiếu bất động sản là NVL, VRE và VHM, trong khi đó, PDR bất ngờ được mua ròng 205 tỷ đồng. KBC và DXG cũng là các cổ phiếu bất động sản nằm trong danh sách mua ròng mạnh của khối ngoại với lần lượt 37 tỷ đồng và 18 tỷ đồng.
Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index tăng 12,49 điểm (1,1%) lên 1.194,05 điểm; HNX-Index tăng 3,79 điểm (1,4%) lên 277,7 điểm. Thanh khoản trên hai sàn tăng nhẹ so với tuần trước đó và cao hơn mức trung bình 20 tuần với khoảng 18.300 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên. Giá trị giao dịch trên H0SE tăng 0,7% lên 78.886 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 3% lên 3,37 tỷ cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX tăng 8,9% lên 12.658 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 0,6% xuống 759 triệu cổ phiếu.
Theo phân tích của CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), thị trường tăng điểm trong tuần thứ ba liên tiếp và có thời điểm đã đóng cửa trên ngưỡng 1.200 điểm trong phiên đáo hạn hợp đồng tương lai VN30 tháng 3/2021. Thanh khoản trong tuần qua tăng nhẹ nhưng là do tác động của việc đảo danh mục của 2 quỹ ETF VNM và FTSE nên dòng tiền vẫn chưa thể hiện sự tự tin với xu hướng tăng hiện tại.
Trên góc nhìn kỹ thuật, xu hướng trong trung hạn của thị trường tiếp tục là tích cực do vẫn thuộc sóng tăng 5 (sóng tăng 5 chỉ xác nhận là kết thúc khi chạm đến mục tiêu quanh 1.250 điểm vào đầu tháng 4/2021 hoặc điều chỉnh thủng ngưỡng tâm lý 1.000 điểm - đáy sóng điều chỉnh 4).
Trong tuần giao dịch tiếp theo, thị trường có thể cần thêm thời gian tích lũy quanh vùng 1.200 điểm để lấy đà hoàn thành sóng tăng 5 sau đó. Nhà đầu tư trung hạn có thể tiếp tục nắm giữ cổ phiếu với kỳ vọng sóng tăng 5 sẽ tiếp tục trong thời gian tới để hướng đến ngưỡng 1.250 điểm vào đầu tháng 4/2021. Nhà đầu tư ngắn hạn đã mua vào trong phiên 9/3 và 10/3 khi thị trường test ngưỡng hỗ trợ MA20 nếu chưa chốt lời trong phiên 18/3 có thể canh những nhịp thị trường tăng lên quanh ngưỡng 1.200 điểm trong tuần tới để chốt lời. Những nhà đầu tư ngắn hạn mua vào trong phiên 16/3 khi thị trường điều chỉnh về hỗ trợ MA20 ngày tiếp tục quan sát và có thể canh mua thêm nếu thị trường có nhịp điều chỉnh về vùng hỗ trợ 1.155 - 1.180 điểm (MA20-50).