Ngày 3/7/2019 tới đây, 38.431 cổ phần của Công ty TNHH MTV In và Phát hành biểu mẫu thống kê sẽ được giao dịch trên Upcom với mã chứng khoán IPH.
Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 411.000 đồng/cổ phiếu. Đây có thể sẽ phá vỡ kỷ lục về thị giá giao dịch các cổ phiếu trên các sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam.
Trước đó, giá tham chiếu trong ngày chào sàn cao nhất thuộc về mã YEG của Công ty Cổ phần Tập đoàn Yeah1 với giá 250.000 đồng/cổ phiếu.
Số cổ phần mà IPH dự kiến niêm yết chính là cổ phần mà công ty này chào bán được trong đợt IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu) trước đó.
Cụ thể, theo phương án cổ phần hóa, công ty này có vốn điều lệ hơn 2,05 tỷ đồng, tương đương 205.495 cổ phần. Công ty dành 61.100 cổ phần (29,74%) bán ưu đãi cho cán bộ công nhân viên và 6.164 (3%) cổ phần bán cho công đoàn công ty. Còn lại 138.231 cổ phần (67,26%) được mang ra chào bán công khai với giá khởi điểm 27.200 đồng/cổ phần.
Trong đợt IPO vào ngày 15/5 vừa qua, toàn bộ số cổ phần chào bán công khai đã được đấu giá hết với giá trung bình quân lên tới 410.960 đồng/cổ phần, gấp 15 lần giá khởi điểm.
Thậm chí, giá trúng cao nhất ghi nhận được còn lên tới 526.800 đồng. Tuy nhiên, đến hết hạn nộp tiền mua, có nhà đầu tư bỏ cọc nên công ty chỉ bán được 38.431 cổ phần.
Công ty TNHH MTV In và Phát hành biểu mẫu thống kê tiền thân là Phòng phát hành trực thuộc văn phòng Tổng cục thống kê, thành lập tháng 4/1976. Đến tháng 11/2012 Công ty TNHH MTV In và Phát hành biểu mẫu thống kê được thành lập. Công ty có vốn điều lệ hơn 2,05 tỷ đồng, tương ứng 205.495 cổ phần, và từ đó đến nay chưa tiến hành tăng vốn điều lệ.
Công ty TNHH MTV In và Phát hành Biểu mẫu Thống kê là một doanh nghiệp nhiều năm gần đây chỉ có doanh thu vài tỷ đồng, lợi nhuận trăm triệu đồng. Trong bản kế hoạch kinh doanh của công ty sau cổ phần hóa, doanh thu năm 2019 ước đạt 10 tỷ đồng nhờ trúng gói thầu nhân đợt tổng điều tra dân số và nhà ở của Tổng cục Thống kê. Dự kiến năm 2020, doanh thu của công ty này giảm còn 8 tỷ đồng và trở lại mức doanh thu 10 tỷ đồng vào năm 2021. Lợi nhuận sau thuế năm 2019 ước đạt 352 triệu đồng, năm 2020 giảm còn 72 triệu đồng và trở lại mức lãi 352 triệu đồng vào năm 2021.
Cũng theo báo cáo, dự kiến 3 năm đầu sau cổ phần hóa, do lợi nhuận thấp nên công ty sẽ chưa thực hiện chi trả cổ tức cho cổ đông. Năm 2019 công ty dự kiến doanh thu cao do giả định sẽ trúng gói thầu Tổng điều tra dân số và nhà ở của Tổng cục thống kê như các năm trước đây đã thực hiện.
Như vậy, giá cổ phần IPH không nằm ở giá trị kinh doanh của công ty mà nằm ở tài sản khác. Theo phương án sử dụng đất đã được phê duyệt sau cổ phần hóa, công ty được quản lý, sử dụng lô đất tại số 47-55 ngõ 54 Nguyễn Chí Thanh, quận Đống Đa, Hà Nội với tổng diện tích khuôn viên đất 828m2 – diện tích sàn xây dựng 860m2 làm văn phòng, trụ sở của công ty. Đất có thời hạn 50 năm tính từ 15/10/1993 với hình thức nhà nước cho thuê trả tiền hàng năm.
Công ty cũng dự kiến di dời nhà xưởng khỏi khu đất và sẽ xin cơ quan chức năng cải tạo, xây dựng lại làm trụ sở, văn phòng và kinh doanh dịch vụ theo ngành nghề cho phép.
Trên thị trường chứng khoán, chuyện giá cổ phiếu được định giá cao hoặc tăng giá mạnh không phải bởi quản lý đất vàng không phải là hiếm.
Cách đây không lâu, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) công bố quyết định bán đấu giá 4,2 triệu cổ phiếu SRC (Công ty Cổ phần Cao Su Sao Vàng) tương đương với 15% vốn điều lệ qua HoSE. Giá khởi điểm chào bán là 46.452 đồng/cổ phiếu.
Thế nhưng trên thị trường chứng khoán, giá tham chiếu bình quân cổ phiếu SRC trong 30 ngày giao dịch liên tiếp trước ngày công bố thông tin (28/3/2019 - 14/5/2019) là 20.252 đồng/cổ phiếu.
Theo bản công bố thông tin chào bán cổ phần, SRC hiện có quỹ đất sản xuất kinh doanh, thương mại, khu công nghiệp đáng kể. Với đất trả tiền một lần, SRC có 43m2 đất thương mại văn phòng tại Quận 1, TP HCM; đất cơ sở sản xuất kinh doanh tại Đà Nẵng có diện tích 2.475m2 và có đến 212.538m2 đất khu công nghiệp tại KCN Châu Sơn, Hà Nam.
Với đất trả tiền thuê hàng năm, SRC sở hữu gần 31.644m2 đất làm trụ sở và kinh doanh tại Thái Bình; nắm giữ tổng cộng 84.735m2 đất sản xuất kinh doanh tại 3 khu vực tỉnh Vĩnh Phúc; và gần 2.700m2 đất văn phòng tại quận Thanh Xuân, Hà Nội. SRC đang gắn tên tuổi với khu 62.438m2 tại số 231 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Đây là khu đất sử dụng làm trụ sở văn phòng và đã có chủ trương xây dựng dự án “Tổ hợp thương mại và Nhà ở Sao Vàng Hoành Sơn”.
Nhà đầu tư trên thị trường nếu để ý cổ phiếu của Công ty Cổ phần Thủy Tạ tại Upcom dễ thấy, TTJ đã tăng từ 20.000 đồng/cp lên 83.000 đồng/cp trong nửa năm qua. Với mức giá này, Thuỷ Tạ được định giá hơn 250 tỷ đồng. Lý do được cho là, Thuỷ Tạ đang quản lý mới thấy công ty này đang sở hữu nhiều đất vàng như nhà hàng cafe Thuỷ Tạ và nhà hàng Long Vân ngay hồ Hoàn Kiếm. Hay các nhà hàng Đình Làng, Mamarosa, cửa hàng ảnh Hồng Vân đều nằm trên phố Lê Thái Tổ, nhà máy kem Thuỷ Tạ nằm ở số 2 Lương Yên.