Aa

Cổ phiếu họ Vingroup tăng trong phiên đáo hạn HĐTL VN30, nhóm BĐS phân hóa

Thứ Sáu, 21/05/2021 - 06:00

VN-Index biến động mạnh vào cuối phiên 20/5 do ảnh hưởng từ việc đáo hạn HĐTL phái sinh VN30. Trong nhóm bất động sản, bộ ba cổ phiếu họ Vingroup giao dịch tích cực và phần nào giúp VN-Index đi lên.

Thị trường chứng khoán Việt Nam phiên 20/5 biến động theo chiều khá bất ngờ đối với nhà đầu tư. Thị trường mở cửa phiên giao dịch với sự phân hóa mạnh ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, các chỉ số vì vậy cũng biến động giằng co trong biên độ hẹp. Đối với riêng VN-Index, chỉ số này có sự khác biệt vào phiên chiều.

Sau khi giằng co mạnh vào phiên sáng, VN-Index bất ngờ tăng mạnh vào cuối phiên. Do đây là phiên đáo hạn hợp đồng tương lai (HĐTL) phái sinh VN30 nên như thường lệ biến động mạnh sẽ xảy ra vào cuối phiên mà cụ thể là ở đợt khớp lệnh định kỳ đóng cửa (ATC).

Đúng theo kịch bản này, hàng loạt cổ phiếu trong nhóm VN30 bất ngờ nhận được lực cầu rất mạnh vào cuối phiên và đồng loạt bứt phá như PNJ, REE, MWG, FPT, MSN, VCB, PDR… Trong đó, MWG tăng đến 5,9% lên 150.000 đồng/cp, FPT tăng 5,2% lên 95.500 đồng/cp, VCB tăng 5,2% lên 99.000 đồng/cp.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index phiên 20/5.
Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index. Nguồn: Fialda.

Ngoài ra, bộ 3 cổ phiếu lớn trong nhóm bất động sản là VIC, VHM và VRE nhận được lực cầu tốt. VIC tăng 2,3% lên 122.900 đồng/cp trong khi có thời điểm cổ phiếu này giảm xuống còn 120.000 đồng/cp. Tương tự là VHM với mức tăng 1,6% lên 102.000 đồng, VRE tăng nhẹ 0,5% lên 29.500 đồng/cp.

Trong khi đó, khá nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn khác đồng loạt giảm giá như PVD, HVN, GVR, SHB, VPB, GAS… đều chìm trong sắc đỏ nên áp lực trên thị trường chung vẫn khá lớn. Hai cổ phiếu lớn khác trong nhóm bất động sản là NVL và BCM cũng chìm trong sắc đỏ. Cả 2 cổ phiếu này đều có mức giảm là 0,7%.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index phiên 20/5.
Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index. Nguồn: Fialda.

Nhóm cổ phiếu tâm điểm ở phiên 20/5 là chứng khoán. Cổ phiếu vốn hóa lớn nhất nhóm này là SSI thậm chí còn được kéo lên mức giá trần 38.500 đồng/cp. Bên cạnh đó, các mã như BSI, APS và CTS cũng đều được kéo lên mức giá trần. MBS tăng 6,5%, BVS tăng 6,1%, FTS tăng 6%... Nhóm cổ phiếu chứng khoán bùng nổ là điều dễ hiểu khi nhóm ngành này được cho sẽ có kết quả kinh doanh tích cực trong quý II khi thị trường chứng khoán vẫn trong bối cảnh tiền rẻ, dòng tiền nhà đầu tư F0 ồ ạt chảy vào thị trường giúp thanh khoản gia tăng…

Đối với các cổ phiếu bất động sản vốn hóa vừa và nhỏ, sự phân hóa diễn ra vẫn khá mạnh tuy nhiên, sắc đỏ có phần chiếm ưu thế hơn. Trong đó, cái tên đáng chú ý có KBC khi tiếp tục giảm 5,5% xuống 30.700 đồng/cp, FLC giảm 5,5% xuống 12.100 đồng/cp, ASM tăng 4,2% lên 11.500 đồng/cp, LDG giảm 4,2% xuống 6.640 đồng/cp.

Chiều ngược lại, cũng có khá nhiều cổ phiếu thanh khoản cao tăng giá mạnh. FIT tăng trần lên 11.500 đồng/cp. TDH tăng 6,2% lên 43.400 đồng/cp, DIG tăng 4,2% lên 27.600 đồng/cp...

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index 15,73 điểm (1,25%) lên 1.278,22 điểm. Toàn sàn có 163 mã tăng, 252 mã giảm và 41 mã đứng giá. HNX-Index giảm 0,15 điểm (-0,05%) xuống 295,1 điểm. Toàn sàn có 80 mã tăng, 130 mã giảm và 59 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,06 điểm (-0,08%) xuống 79,75 điểm.

Khối lượng khớp lệnh trên hai sàn HoSE và HNX gia tăng so với phiên trước đó và cao hơn mức trung bình 20 phiên với 884 triệu cổ phiếu tương ứng với giá trị khớp lệnh đạt 23.609 tỷ đồng. Tương tự phiên trước, FLC vẫn là cổ phiếu bất động sản duy nhất lọt vào top 10 khối lượng khớp lệnh toàn thị trường với 18,7 triệu cổ phiếu.

Các cổ phiếu có giá trị mua/bán ròng của khối ngoại lớn nhất phiên 20/5.
Các cổ phiếu có giá trị mua/bán ròng của khối ngoại lớn nhất. Nguồn: Fialda.

Khối ngoại giao dịch tiêu cực hơn khi đẩy mạnh bán ròng gần 500 tỷ đồng trên toàn thị trường. KDH bất ngờ bị khối ngoại bán ròng lên đến 278 tỷ đồng. NVL, VIC và DXG cũng là các cổ phiếu bất động sản bị khối ngoại bán ròng mạnh ở phiên 20/5. Trong khi đó, THD tiếp tục được khối ngoại mua ròng mạnh với 66,8 tỷ đồng. VHM, DIG và NLG cũng là 3 cổ phiếu bất động sản khác được mua ròng mạnh với lần lượt 37 tỷ đồng, 27 tỷ đồng và 17 tỷ đồng.

CTCP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) phân tích, lực kéo mạnh trong phiên đáo hạn hợp đồng tương lai VN30 tháng 5/2021 đã giúp VN-Index đóng cửa ở mức cao nhất trong lịch sử và hiện đang nằm ngay dưới ngưỡng 1.280 điểm. Tuy nhiên, sự hưng phấn tạm thời này có thể sẽ cần điều chỉnh trong phiên tiếp theo nhằm ổn định mặt bằng giá trước khi đà tăng quay trở lại để nối dài sóng tăng 5 với target theo lý thuyết sóng elliott là quanh ngưỡng 1.325 điểm (fibonacci retracement 61,8% sóng điều chỉnh 4). Mặt khác, trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai VN30 đều thấp hơn từ 16 - 30 điểm so với chỉ số cơ sở VN30 cho thấy các trader cũng đã dự phòng cho sự điều chỉnh trong phiên tiếp theo. Theo đó, trong phiên giao dịch cuối tuần 21/5, thị trường có thể sẽ điều chỉnh trở lại.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top