Aa

Cổ phiếu ngân hàng có đang tăng trưởng quá nóng?

Thứ Năm, 05/04/2018 - 02:31

Sắc xanh phủ kín trên hầu hết các cổ phiếu ngân hàng những ngày gần đây, báo hiệu một giai đoạn tích cực trước mặt. Trong đó, EIB và MBB tăng ấn tượng lần lượt là 4,3% và 2,5%, các ông lớn VCB, BID, CTG tiếp tục giữ vai trò bệ đỡ cho thị trường.

Cổ phiếu ngân hàng tăng xấp xỉ 40% từ đầu năm 2018

Chốt phiên 2/4, sau khi tăng mạnh 22 điểm để đóng cửa ở mức đỉnh 1196.61, VN-Index đã xác lập mức đỉnh lịch sử áp sát mốc 1200 điểm. Cùng với đó là sự tăng bật trở lại của nhóm cổ phiếu ngân hàng sau một tuần điều chỉnh trước áp lực chốt lời. 

Chốt phiên ngày 3/4, sắc xanh lại một lần nữa phủ kín trên hầu hết các cổ phiếu ngân hàng sau phiên kỉ lục ngày 2/4. Trong đó EIB và MBB tăng ấn tượng lần lượt là 4,3% và 2,5%, các ông lớn VCB, BID, CTG tiếp tục giữ vai trò bệ đỡ cho thị trường.   

Như vậy, tính từ đầu năm 2018 đến nay, cổ phiếu của các ngân hàng đã tăng liên tục không ngừng nghỉ. Trong đó phải kể đến 2 ngôi sao sáng nhất VIB và BID, VIB dẫn đầu tăng xấp xỉ hơn 70%, BID ở vị trí tiếp theo đuổi sát ở mức 68%, VPB tăng xấp xỉ 58%, MBB tăng gần 41%, ACB tăng hơn 38% và VCB ở mức 35%. 

Ở nhóm tiếp theo, STB và cả EIB dù mới đây đón nhận thông tin không mấy tích cực cũng tăng lần lượt 21% và 11% chỉ trong vòng 3 tháng đầu năm.

Cũng góp mặt trong nhóm ngân hàng tăng thần tốc phải kể đến tân binh HDB sau phiên chào sàn từ mức 39.600 đồng đã liên tục tăng trần suốt mấy phiên và hiện giao dịch ở mức 45.600 đồng (+16%).

Tính trung bình nhóm cổ phiếu ngân hàng đã tăng khoảng 40% chỉ trong một thời gian ngắn. 

Tăng trưởng nằm trong dự đoán trước 

Dù tăng nóng trong thời gian qua nhưng cổ phiếu ngân hàng được cho là đã tăng đúng theo nhận định trước đó từ các công ty chứng khoán. Để lý giải việc tăng trưởng nóng của ngân hàng trong thời gian qua liệu có phải là "bong bóng" cần nhìn nhận từ các góc độ sau:

Thứ nhất, thị trường chung đang cho những dấu hiệu tích cực trong đó có những thông tin từ sự phát triển của nền kinh tế và tăng trưởng vĩ mô ổn định. 

Theo các thông tin vừa công bố, GDP Việt Nam quý I đạt mức cao nhất 10 năm qua ở mức 7,38%, lạm phát giảm còn ở mức 2,8%, chỉ số công nghiệp tăng 11,6%, tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 9,9% và suất siêu 1,3 tỷ USD. Những con số trên cho thấy kinh tế Việt Nam đang phát triển nhanh và về cơ bản vĩ mô đang rất ổn định.  

 cổ phiếu ngân hàng nóng hơn với nhiều mã tăng lên

Cổ phiếu ngân hàng nóng hơn với nhiều mã tăng lên

Bên cạnh đó, các chính sách thúc đẩy kinh tế như cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước, đẩy mạnh tái cơ cấu, tăng năng lực cạnh tranh hay chính sách nới lỏng tiền tệ tạo tiền đề hỗ trợ doanh nghiệp đã và đang phát huy hiệu quả. Đây có thể coi là một động lực tăng trưởng trực tiếp cho nhóm ngành Ngân hàng năm 2018. 

Xét về mặt kĩ thuật, sau khi vượt đỉnh lịch sử 10 năm, VN-Index hiện đang tích lũy cho quá trình tăng mới và theo quá trình này chỉ số hiện tại mới đang ở chân của con sóng mới. Quy mô thị trường hiện nay so với thị trường 10 năm trước đã rất khác nhau với những phiên giao dịch hàng ngàn tỷ đồng. Việc giữ vững cho thị trường ổn định và mức lạm phát được kiểm soát chưa có gì đáng lo ngại (so với năm 2007) kết hợp với bối cảnh nền kinh tế chung thì đây là một tín hiệu tốt cho ngành ngân hàng. 

Rủi ro về nợ xấu mà các ngân hàng phải chịu được giảm thiểu đáng kể trong năm 2018 đến từ việc điều tiết chung của nền kinh tế tới các nhóm ngành khác đặc biệt là bất động sản. Tác động của một cuộc khủng hoảng tài chính trong khu vực hay toàn cầu lên nền kinh tế vĩ mô khiến lạm phát tăng mạnh cũng giảm thiểu khi thị trường hiện tại đã có sự chuẩn bị 10 năm và sức mạnh nội tại của các ngân hàng đã thay đổi cả về quy mô, nguồn vốn, quỹ dự phòng rủi rõ đều đã tăng cao hơn trước đây.  

Trong xu thế đi lên chung của thị trường, cổ phiếu ngân hàng sẽ tiếp tục là nhóm dẫn dắt thị trường, một vài phiên điều chỉnh sau đó tích lũy có thể diễn ra nhưng theo xu hướng dài hạn thì thị trường nói chung và nhóm ngân hàng nói riêng vẫn đang trong xu thế tăng. 

Thứ hai, định giá vẫn rất hấp dẫn cho các cổ phiếu ngân hàng. Theo thông tin từ Bizlive, hiện tại, Việt Nam đang có 15 ngân hàng niêm yết giao dịch. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có ngân hàng giao dịch với mức P/E 27,9 lần (VCB), lần lượt tiếp theo sau đó ACB và STB ở mức tương đương 23,9 và 23,8 lần. Cá biệt có BID và VPB giao dịch ở mức 12,6 và 9,5 lần (cuối năm 2017) đã tăng lên 21,5 và 15 lần trong quý I 2018. Các cổ phiếu có PE từ 15 đến 19 bao gồm VPB, CTG, MBB, VIB

Đáng chú ý, STB và EIB có EPS thấp nhất (650 đồng và 669 đồng) nhưng lại nằm trong top những ngân hàng có PE cao nhất ở thời điểm hiện tại. (23,8 và 20,9 lần) trong khi đó VPB với EPS cao nhất ngành ở mức 4.300 đồng (gấp gần 7 lần STB và EIB) lại có PE ở mức 15 lần. 

SHB cũng là một trong những ngân hàng có chỉ số EPS ở mức hấp dẫn (1.288 đồng) nhưng PE lại thấp nhất ngành ở mức 10 lần. 

Nếu theo dự đoán PE trung bình của toàn thị trường tiến về mức cao nhất trong lịch sử là 24 lần thì dư địa tăng trưởng chung của ngành ngân hàng ở một số mã còn đang rất hấp dẫn. 

Thứ ba là triển vọng chung vào đà tăng trưởng của các ngân hàng trong năm 2018. Kết thúc năm 2017, thị trường đã dậy sóng với các cổ phiếu ngân hàng. Điển hình có 3 cổ phiếu tăng giá từ 100% trở lên là ACB (+109%), MBB (+102%) và SHB (+100%), các cổ phiếu khác tăng từ 30 - 70%. Ngoài những thông tin tích cực đến từ thị trường thì không thể không kể đến tiềm lực nội tại từ các ngân hàng khi vấn đề xử lí nợ xấu ở một loạt các ngân hàng được giải quyết, nhiều ngân hàng báo lãi khủng lần đầu tiên lên đến 5 con số. 

Giải thích về việc nợ xấu tác động đến ngân hàng, ông Nguyễn Lê Quốc Anh, Tổng giám đốc Techcombank cho hay:  Bởi vì sau khi đã xử lý nợ xấu và tài sản tồn đọng, lợi nhuận ngân hàng hạch toán trọn vẹn hơn chứ không bị cắt nhiều bởi chi phí trích lập dự phòng như trước. Tăng trưởng hiện tại không phải tăng trưởng nóng, vì doanh thu vẫn tăng trưởng khá cao những năm qua, bớt phải trích lập thì lợi nhuận tiếp tục bám sát quy mô doanh thu.  

Một mùa báo cáo lại đang đến gần và triển vọng lợi nhuận cho các ngân hàng là rất lớn. Tại Đại hồi cổ đông diễn ra vừa qua các ngân hàng cũng lần lượt đặt ra những con số lợi nhuận "khủng". 

Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank) mở đầu mùa đại hội công bố kế hoạch lợi nhuận lên đến 10.000 tỷ đồng, một con số kỉ lục chưa từng có trong lịch sử Việt Nam cho các ngân hàng tư nhân. VP Bank cũng đặt ra kế hoạch lợi nhuận lên đến 10.800 tỷ đồng. Ngân hàng Ngoại thương Vietcombank cũng tiếp tục đặt ra một con số khủng về lợi nhuận lên đến 13.000 tỷ đồng. Ngân hàng Công thương (Vietinbank) và Ngân hàng đầu tư và phát triển (BIDV) hiện chưa tiết lộ chỉ tiêu cụ thể nhưng cũng được dự báo sẽ dần đầu về doanh thu cùng với Vietcombank. 

Nếu những kì vọng về lợi nhuận trên và tốc độ tăng trưởng dự kiến đạt được như đề ra thì năm 2018 thị trường chứng khoán Việt Nam có thể lại chứng kiến một năm đại sóng của ngân hàng 2018. 

3 tháng vừa qua dù ở một số mã cổ phiếu có mức độ tăng trưởng thần kì chăng nữa thì vẫn có thể lý giải bằng dư địa của những thông tin tốt từ lợi nhuận khủng của ngân hàng cuối năm 2017 khiến nhà đầu tư rất lạc quan. Đà tăng giá hiện tại không chỉ đến từ sự lạc quan của nhà đầu tư mà bản thân nội tại các ngân hàng cũng đang chứng minh vị thế "vua" của mình bằng việc củng cố khả năng tài chính và mức giá ở thời điểm hiện tại có chăng cũng hoàn toàn hợp lý. 

Từ cuối năm 2017, dù các chuyên gia liên tục đưa ra những nhận định khả quan về khả năng tăng trưởng của ngân hàng năm 2018. Song trước những diễn biến tăng nóng của thị trường thời gian qua nhà đầu tư vẫn cần thận trọng lựa chọn danh mục "gửi vàng" đặc biệt khi các chính sách về tăng vốn điều lệ trong tương lai có thể là một áp lực khiến pha loãng cổ phiểu, EPS giảm và PE của cổ phiếu ngân hàng càng bị đẩy cao hơn nữa. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top