Aa

Cổ phiếu TTB của Nhựa Tân Tiến “đổi sàn” có “đổi vận”?

Thứ Ba, 07/08/2018 - 21:00

Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa quyết định hủy niêm yết toàn bộ 46.826.954 cổ phiếu TTB của CTCP Tập đoàn Tiến Bộ từ 8/8/2018, do Công ty được chấp thuận niêm yết trên Sàn Giao dịch chứng khoán TP.HCM (Hose).

Gần 47 triệu cổ phiếu TTB sắp “đổ bộ” sàn Hose

Theo đó, cổ phiếu TTB sẽ giao dịch phiên cuối cùng trên HNX vào ngày hôm nay 7/8/2018.

Chính thức niêm yết trên sàn HNX từ 26/1/2015 với 3,5 triệu cổ phiếu, giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 15.000 đồng/cổ phiếu, đến nay, Công ty đã tăng vốn điều lệ lên gấp hơn 13 lần và giá cổ phiếu TTB đang giao dịch ở mức 22.600 đồng/cổ phiếu (giá đã điều chỉnh).

Cơ cấu cổ đông của TTB

Cơ cấu cổ đông của TTB

Trước đó, Tập đoàn Tiến Bộ được chấp thuận niêm yết trên Hose từ cuối năm 2017, dự kiến sẽ giao dịch trên Hose trong quý I/2018. Như vậy, sau gần nửa năm chậm trễ, TTB đã chính thức hủy giao dịch trên HNX và chuyển sang sàn Hose

Nhiều “điểm nóng” trong báo cáo tài chính

TTB được biết đến với 3 ngành nghề kinh doanh chính, đầu tiên phải kể đến là kinh doanh giàn giáo, cốp pha và thép thương mại. Mảng này chiếm tỷ trọng lớn trong doanh thu nhưng lợi nhuận mang về không ổn định.

Mảng thứ hai là sản xuất kinh doanh cầu lông, mảng này bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2015, với mức doanh thu từ 3 – 5 tỷ đồng mỗi năm.

Thứ ba là mảng bất động sản, dự án bất động sản đầu tiên của TTB là dự án TBCO, được chia thành nhiều giai đoạn. Giai đoạn 1 và 2 tiên gồm 5 tòa chung cư TBCO đã hoàn thiện và được bàn giao hết trong các năm 2015-2016. Hiện tại, TTB đang thực hiện giai đoạn 2 với tên gọi TBCO 3.

Bộ 3 cổ đông nắm giữ trên 5% vốn điều lệ là: Chủ tịch HĐQT ông Phùng Văn Bộ với hơn 4,7 triệu cổ phiếu, tương ứng 11,1%; còn lại là ông Phùng Văn Thái và Thân Thanh Dũng lần lượt năm giữ 10,8 và 10,4%. Điều này cho thấy lượng cổ phiếu trôi nổi bên ngoài là khá lớn.

Có những công ty vừa là đơn vị cung cấp hàng hóa cũng vừa là đơn vị tiêu thụ sản phẩm cho TTB

Có những công ty vừa là đơn vị cung cấp hàng hóa cũng vừa là đơn vị tiêu thụ sản phẩm cho TTB

Kết thúc quý I/2018, phần tài sản cố định của TTB là 7,6 tỷ đồng, trong đó phần máy móc thiết bị chỉ là 900 triệu đồng. Điều này cho thấy TTB đang hoạt động phần lớn theo hướng thương mại.

Theo báo cáo tài chính quý I/2018, hai mảng đầu tiên hoạt động không mấy hiệu quả và cũng không đóng góp nhiều vào cơ cấu lợi nhuận của TTB. Cụ thể, tổng doanh thu của cả bán hàng hóa, cơ khí, cầu lông là 81 tỷ đồng nhưng giá vốn cũng lên tới 75 tỷ đồng. Như vậy, TTB chỉ thu về gần 6 tỷ đồng lợi nhuận gộp cho cả 2 mảng trên, không đáng kể với các chi phí hoạt động của doanh nghiệp.

Sang quý II/2018, Tập đoàn Tiến Bộ đạt hơn 104 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng nhẹ gần 3,3% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế TTB ghi nhận gần 12,3 tỷ đồng, tăng 70,8% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 9,8 tỷ đồng, tăng 68,9% so với cùng kỳ.

Lũy kế 6 tháng đầu năm TTB ghi nhận 221,3 tỷ đồng doanh thu và 24,8 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 16,1% và 71% so với nửa đầu năm 2017.

Năm 2017, tổng doanh thu của 2 mảng (1) + (2) là 280 tỷ đồng nhưng sau khi trừ đi các chi phí TTB chỉ thu về 8,5 tỷ đồng lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh, nếu tiếp tục trừ đi 8,6 tỷ đồng chi phí lãi vay thì công ty sẽ lỗ. Nhưng cứu cánh xuất hiện từ phần doanh thu tài chính với gần 20,5 tỷ đồng.

Doanh thu tài chính của TTB trong năm 2017 có được là nhờ thoái phần vốn góp của mình tại 2 công ty là CTCP thiết bị xây dựng 5S và CTCP sản xuất và Thương mại Khang Linh. Trước đó, vào tháng 12/2016, TTB đã quyết định góp vốn vào 2 công ty trên với tổng số là tiền là 45 tỷ đồng.

Tuy nhiên một năm sau, TTB bán toàn bộ số vốn góp tại của mình nhưng chỉ thu về 19,2 tỷ đồng, như vậy, công ty lỗ hơn 25 tỷ đồng. Điểm đặc biệt hơn là phía nhận chuyển nhượng toàn bộ là các cá nhân.

Về phần giao dịch với các cá nhân còn nổi lên một điểm “nóng” trong báo cáo tài chính năm 2017 của TTB là việc cho các cá nhân vay ngoài. Cụ thể, trong phần tài sản công ty có khoản phải thu về cho vay ngắn hạn là 25 tỷ đồng. Chi tiết về cho ai vay được TTB trình bày trong phần thuyết minh.

Công ty đã cho 11 người vay khoản tiền trên với 4 cá nhân bên ngoài công ty với giá trị vay 19 tỷ đồng và còn lại là cán bộ công nhân viên vay. Điều đáng nói là vay nợ ngắn hạn trong năm 2017 của TTB tăng mạnh từ mức 53 tỷ đồng lên 112 tỷ đồng vào cuối năm. Có thể nói đây là hoạt động vay nợ ngân hàng về rồi cho vay lại của TTB. Như vậy lãi suất cho vay có ưu đãi không? Câu trả lời cũng được TTB trình bày ngay phía dưới.

Ngoài những điểm nêu trên, TTB còn trình bày khá nhiều các giao dịch mua bán với các bên liên quan nhưng khó có thể kiểm soát được.

Cụ thể, tổng giá trị mua hàng với các bên liên quan trong năm 2017 lên tới hơn 176 tỷ đồng, chiếm tới 50% tổng doanh bán hàng. Chiều ngược lại, giá trị mua hàng với các bên liên quan cũng là 138 tỷ đồng, chiếm 39% tổng doanh thu. Có những công ty vừa là đơn vị cung cấp hàng hóa cũng vừa là đơn vị tiêu thụ sản phẩm cho TTB.

Qua những con số thể hiện trong báo cáo tài chính, nhà đầu tư chắc hẳn sẽ rất “hoang mang” khi kịch bản mua đi bán lại để book lợi nhuận như các doanh nghiệp đi trước đã làm. Nhưng cái lộ liễu nhất của TTB là vẽ ra bức tranh mà mọi nhà đầu tư quan tâm TTB đều nhìn thấy là tại sao đơn vị cung cấp hàng hóa cũng vừa là đơn vị tiêu thụ sản phẩm cho TTB?

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top