“Đại gia” sàn OTC...
Công ty Cổ phần VNG (mã cổ phiếu: VNG) gắn trong tư tưởng nhiều người với thế mạnh là phát triển game online từ đầu những năm 2000. Đến nay, trải qua gần 2 thập niên phát triển, cơ cấu cổ đông của VNG cũng đã có nhiều thay đổi tích cực về tài sản nhưng có một điều đáng tiếc là cổ đông trong nước đã giảm xuống tỷ lệ thấp nhất mà thay vào đó phần lớn các cá nhân và tổ chức nước ngoài nắm giữ.
Ban đầu, VNG là một doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam do ông Lê Hồng Minh sở hữu 58% vốn, ông Cao Toàn Mỹ và ông Trịnh Bảo sở hữu mỗi người 17% vốn còn ông Nguyễn Thanh Bình sở hữu 8% vốn. Nhưng đến nay, theo danh sách cổ đông ngoại cập nhật đến ngày 25/3/2019, VNG có 8 cổ đông nước ngoài đang nắm giữ xấp xỉ 16,9 triệu cổ phiếu, tương đương 48,89% vốn điều lệ.
Bên cạnh Seletar Investments thuộc Temasek mới xuất hiện, VNG còn 4 cổ đông tổ chức nước ngoài khác gồm: GS Treasure S.a.r.l, Gamvest Pte Ltd, Tenacious Bulldog Holdings Limited và Prosperous Prince Enterprises Limited đang nắm tổng cộng 43,85% vốn.
Như vậy, từ một ông chủ nắm quyền biểu quyết "lãnh địa" Game Online, giờ đây ông Lê Hồng Minh cũng chỉ nắm con số lẻ nhỏ nhoi chưa đầy 10% vốn sở hữu VNG, còn những cái tên đình đám một thời như Cao Toàn Mỹ cũng đã biến mất khỏi VNG.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2018, tính đến 31/12/2018, VNG có tổng tài sản sản 4.959 tỷ đồng, vốn điều lệ 345,3 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu 3.845 tỷ đồng, trong đó giá trị cổ phiếu quỹ đạt 2.000 tỷ đồng (chiếm đến 52% tổng vốn chủ sở hữu). Năm 2018, VNG đạt doanh thu 4.304 tỷ đồng, tăng chưa đến 1% nhưng lợi nhuận sau thuế giảm hơn 63% so với năm 2017, đạt 347 tỷ đồng.
Đáng chú ý, quý IV/2018 VNG lỗ sau thuế hơn 44 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi hơn 104 tỷ đồng. Nguyên nhân do trong kỳ VNG ghi nhận chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng so với cùng kỳ lần lượt 25% và 21% trong khi doanh thu chỉ tăng chưa đến 5%. Thêm vào đó, phần lỗ từ công ty liên kết cũng tăng mạnh (hơn 72%) so với cùng kỳ, lên hơn 81 tỷ đồng.
... với những pha rót tiền gây “sốc” thị trường!
Theo thông báo vừa được Công ty CP VNG đưa ra hồi tháng 3, doanh nghiệp này đã hoàn tất việc bán ra 355.820 cổ phiếu quỹ như đã đăng ký trước đó với mức giá giao dịch bình quân 1.861.800 đồng. Mức giá này cao hơn mệnh giá 186 lần và cao hơn 75,5% so với mức giá tối thiểu 1.061.000 đồng mà Đại hội đồng cổ đông VNG đã thông qua vào cuối năm 2018.
Mức giá này cũng cao hơn nhiều so với mức giá của cổ phiếu này đang được giao dịch trên thị trường phi tập trung (OTC). Giao dịch gần nhất của các cổ phiếu này thực hiện vào ngày 5/3 và 6/3 vừa rồi với mức giá 200.000 đồng/cổ phiếu. Việc bán số cổ phiếu quỹ với giá nói trên, VNG thu về 662,5 tỷ đồng.
Tuy nhiên, bên mua vào là Seletar Investments Pte Ltd. – một thành viên của Temasek, một cơ quan thuộc bộ phận đầu tư của Chính phủ Singapore (thuộc 100% sở hữu Bộ Tài chính Singapore).
Với giao dịch này, Seletar Investments chính thức trở thành cổ đông lớn của VNG với 1.740.431 cổ phiếu, tương đương với 6,35% số cổ phiếu có quyền biểu quyết của VNG.
Đại diện mạng xã hội Zalo cho biết, số tiền thu được từ việc bán cổ phiếu quỹ nói trên sẽ được dùng vào việc tăng vốn lưu để mở rộng và phát triển thị trường, góp vốn, đầu tư hoặc mua cổ phần của doanh nghiệp khác có cùng lĩnh vực nhằm phát triển sản phẩm, củng cố thị phần và vị trí của công ty này trong ngành công nghiệp Internet.
Và chắc hẳn, trong đó có phần của con cưng Tiki – một thành viên "tai tiếng" trên sàn thương mại điện tử hiện nay vì liên tục gây lỗ cho VNG mỗi năm hàng trăm tỷ đồng.
Theo số liệu từ Công ty cổ phần Tiki, năm 2015 công ty này lỗ gần 80 tỷ đồng và sang năm 2016 lỗ tiếp gần 180 tỷ đồng. Do đó, tính tới cuối năm 2016, Tiki chịu lỗ lũy kế khoảng 308 tỷ đồng.
Năm 2017, Tiki lỗ tiếp 282 tỷ đồng, gần bằng số lỗ lũy kế 6 năm trước cộng lại. Như vậy, kể từ khi đi vào hoạt động đến nay, Tiki đang lỗ lũy kế gần 600 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ngoài vấn đề về sở hữu, VNG – với tư cách cổ đông lớn nhất và đang có hệ sinh thái gắn với Tiki thì VNG còn là công ty có quá nhiều tiền (khoảng 36% tổng tài sản), không vay nợ. Liệu đây có phải là "cửa sau" để VNG có thể “tuồn tiền" ra ngoài nhằm tránh thuế? Nhưng cũng có thể, thuế chưa phải là lý do đầu tiên mà còn nhiều lí do khác nữa?!
Vậy, Đâu là lý do “cốt lõi” để VNG vẫn tiếp tục rót tiền vào Tiki? sẽ được Reatimes.vn làm rõ trong loạt bài tiếp theo!
Được thành lập vào năm 2004 bởi 5 anh chàng mê game với tên gọi là VinaGame, 9 tháng sau, VNG gây chấn động khi ký được hợp đồng đầu tiên với Kingsoft để mang Võ Lâm Truyền Kỳ về Việt Nam, mở đường cho kỷ nguyên game nhập vai tại đây. Sau đó, VNG nhanh chóng nắm bắt và khai thác tiềm năng của ngành Game ở Việt Nam bằng cách phân phối Game ngoại, nội địa hóa Game với các sản phẩm có dấu ấn ngoài Võ Lâm Truyền Kỳ như Chinh Đồ, Phong Thần, Thuận Thiên Kiếm, Kiếm Tiên, Tinh Võ, Hùng Bá Thiên Hạ, game casual như Zing Speed, Zing Play, Boom Online, Gunny… Năm 2006, VNG đạt mức doanh thu 17 triệu USD, gấp 6 lần doanh thu năm 2005. Tháng 5/2010, VNG thay đổi bộ nhận diện thương hiệu, đổi tên VinaGame thành VNG như ngày nay. |