Việc giá cổ phiếu rơi tự do cho thấy các nhà đầu tư đang hoảng loạn và bán vội cổ phiếu vì lo ngại rằng Mỹ có thể một lần nữa áp lệnh phạt lên ZTE như từng làm trong năm 2018.
Tháng 4/2018, Bộ Thương mại Mỹ công bố cấm các công ty Mỹ xuất khẩu hàng hóa, linh kiện cho ZTE trong 7 năm liền, nhưng sau đó lệnh cấm được thu hồi. Dù vậy, điều này khiến giá trị thị phần của ZTE sụt giảm hàng tỷ USD.
Trong năm nay, tin xấu về ZTE, nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn thứ hai Trung Quốc, xuất hiện đúng lúc Trung Quốc đang thúc đẩy chương trình đầu tư "cơ sở hạ tầng mới", dự kiến sẽ bơm 25 nghìn tỷ tệ (khoảng 3,6 nghìn tỷ USD) vào các lĩnh vực bao gồm viễn thông, vận tải và trí tuệ nhân tạo.
Giá cổ phiếu ZTE trên sàn giao dịch chứng khoán Hong Kong giảm 23% vào ngày 16/3 sau khi các hãng tin NBC News và Wall Street Journal cho biết Bộ Tư pháp Mỹ đang điều tra công ty về khả năng hối lộ các quan chức nước ngoài.
Cuộc điều tra liên quan đến việc ZTE có thể vi phạm Đạo luật chống Tham nhũng FCPA của Mỹ, trong đó cấm doanh nghiệp hối lộ các quan chức chính phủ nước ngoài. Các công ty nước ngoài có thể bị Mỹ điều tra nếu những hành động đó diễn ra trong biên giới của Mỹ, hoặc nếu các khoản hối lộ được chuyển qua hệ thống tài chính của đất nước.
ZTE cho biết trong một tuyên bố được đệ trình (bằng tiếng Trung Quốc) với thị trường Hong Kong rằng công ty chưa được chính phủ Mỹ thông báo về cuộc điều tra và công ty vẫn đang hoạt động bình thường.
Ngày 16/3, thị trường chứng khoán Trung Quốc cũng giảm mạnh, chỉ số chứng khoán Thượng Hải đóng cửa thấp hơn 3,4% trong khi chỉ số trên sàn Thâm Quyến giảm 5,3%.
Bộ Thương mại Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt đối với ZTE từ tháng 4-7/2018 vì ZTE bán thiết bị viễn thông cho Iran và Triều Tiên. Kết quả là công ty ghi nhận khoản lỗ 7,8 tỷ tệ trong 6 tháng đầu năm 2018.