Aa

Cơ quan nào có quyền thu hồi đất ở đặc khu kinh tế?

Thứ Năm, 31/05/2018 - 20:01

Theo đại biểu Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng), việc thu hút dự án đầu tư là nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế của đặc khu và mục tiêu cuối cùng cũng là nâng cao điều kiện sống của người dân. Đại biểu cũng nhấn mạnh, việc thu hồi đất ở các đặc khu kinh tế cần phải cân nhắc và đảm bảo quyền lợi cho người dân.

Thu hồi đất để giải phóng mặt bằng, thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội chưa bao giờ là một bài toán dễ dàng tại Việt Nam. Thực tế đã ghi nhận những câu chuyện thu hồi đất và đằng sau đó là giọt nước mắt và sự xót xa. Thu hồi đất thế nào để đảm bảo tốc độ phát triển của kinh tế vừa đảm bảo được quyền lợi của người dân là một vấn đề rất cần sự khéo léo, nhạy bén của đơn vị thực hiện thu hồi.

Đối với các đặc khu kinh tế tương lai như Vân Đồn (Quảng Ninh), Phú Quốc (Kiên Giang), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) đang nhận được sự đặc biệt quan tâm của các cấp chính quyền,được kỳ vọng trở thành “cú đấm thép” của nền kinh tế đất nước thì rõ ràng, vấn đề thu hồi đất cần phải được cân nhắc hợp lý cùng các quy định vượt trội nhằm đảm bảo tiến độ xây dựng đặc khu kinh tế đúng lộ trình đặt ra.

Tại kỳ họp Quốc hội thứ 5, việc thu hồi đất ở đặc khu kinh tế tương lai đã nhận được rất nhiều những ý kiến của các đại biểu.

Thu hồi đất phải đảm bảo quyền lợi của người dân

Theo đại biểu Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng), "đất đai là một tài sản quan trọng đối với người dân, gắn liền với cuộc sống của người dân, do đó việc thu hồi đất của người sử dụng đất sẽ gây ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người sử dụng đất. Chính vì vậy tại khoản 3 Điều 54 Hiến pháp năm 2013 đã quy định: "Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng an ninh, phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng". Việc giới hạn thu hồi đất là cần thiết, nhằm bảo đảm quyền của người dân".

Vị đại biểu đến từ Đà Nẵng đặt ra vấn đề quan ngại khi Luật Đặc khu kinh tế vẫn còn chưa chặt chẽ. "Tại khoản 56 Điều 32 của dự thảo Luật Đặc khu kinh tế quy định phạm vi thu đất quá rộng, nhiều trường hợp thu hồi đất chưa đúng theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013. Đặc biệt tại khoản 6 Điều 32 còn quy định thu hồi đất để thực hiện dự án đầu tư của nhà đầu tư chiến lược, quy định tại khoản 5 Điều 3 của luật này mà không cần đưa ra thêm bất cứ điều kiện gì. Quy định này tiềm ẩn nguy cơ lạm dụng trong việc thu hồi đất và có thể dẫn đến trường hợp vì lợi ích của nhà đầu tư mà bỏ qua quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất. Việc thu hút dự án đầu tư là nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế của đặc khu và mục tiêu cuối cùng cũng là nâng cao điều kiện sống của người dân. Chính vì vậy, đề nghị đánh giá lại tính thực sự cần thiết ở trường hợp thu hồi đất này cho phù hợp với Hiến pháp năm 2013".

Cũng theo đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) nhận định rằng, thực tế thời gian qua, vấn đề khiếu kiện luôn kéo dài và nhiều phức tạp nhất là đối với việc thu hồi đất. Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai đề xuất: "Chúng tôi cũng mong muốn trong dự thảo luật đi đôi với quy định quyền lực của cá nhân Chủ tịch Ủy ban nhân dân thì cần làm rõ trách nhiệm cá nhân, cần làm rõ các cơ chế để đảm bảo quyền lợi của người có đất bị thu hồi".

Cơ quan nào có quyết định thu hồi đất?

Đặt ra vấn đề cơ quan nào có đủ thẩm quyền để thu hồi đất, đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hoá) nhấn mạnh: "Về thẩm quyền và trách nhiệm giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án đầu tư khu du lịch và khu vui chơi giải trí tổng hợp có casino của nhà đầu tư chiến lược thì trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân đặc khu và các ngành chức năng triển khai các thủ tục thực hiện thu hồi. Ở đây là chính quyền hỗ trợ về mặt thủ tục, còn tiền bồi thường hỗ trợ tái định cư do nhà đầu tư chi trả và được tính vào tổng mức đầu tư của dự án đã quy định tại khoản 7 Điều 32 là chặt chẽ và cần thiết. Tôi thấy đối với một đơn vị kinh tế đặc biệt quy định như thế nào để đảm bảo được tiến độ về thu hồi giải phóng mặt bằng".

Ở góc nhìn khác, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng, để đảm bảo việc thu hồi đất thuận lợi thì quyền lực cần giao cho Ủy ban đặc khu quyền thu hồi đất. "Theo như luật hiện nay thì các doanh nghiệp tự thỏa thuận và thực tế xảy ra là rất nhiều dự án 10 - 15 năm mà không thực hiện được do 1, 2 hộ gia đình họ không chấp nhận. Với đặc khu này, tôi đề nghị phải chỉnh sửa là giao quyền cho Ủy ban đặc khu thu hồi đất, nếu không rất khó trong quá trình tổ chức thực hiện. Và sắp tới, hướng của Luật Đất đai 2013 cũng phải nên sửa chữa điều này, chứ thực tế vừa qua rất khó khăn với các doanh nghiệp trong việc thực hiện thu hồi đất, nhà nước thu hồi sau đó đấu thầu thì bao giờ cũng thuận lợi hơn".

Phân tích về tính cấp thiết của việc cần xem xét chặt chẽ quy định thu hồi đất ở đặc khu, theo đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận): "Về thu hồi đất, tại khoản 5, Điều 32 dự thảo luật đã quy định ba trường hợp Chủ tịch Ủy ban nhân dân đặc khu quyết định việc thu hồi đất để thực hiện dự án vì lợi ích quốc gia cộng đồng là dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương, dự án do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận quyết định. Dự án đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng khu chức năng, dự án đầu tư có sử dụng đất trong khu chức năng để thực hiện quy hoạch đặc khu và dự án được Hội đồng nhân dân đặc khu chấp thuận việc thu hồi đất. Qua nghiên cứu tôi nhận thấy việc quy định như thế theo quy định của Luật Đất đai hiện hành chỉ thực hiện đối với các dự án của nhà đầu tư chiến lược với số vốn trên 6.000 tỷ đồng. Các dự án còn lại phải thỏa thuận để giải phóng mặt bằng, thực tế việc giải phóng mặt bằng theo thỏa thuận giữa các tổ chức và cá nhân rất khó khăn, có trường hợp không thể thỏa thuận để thực hiện dự án theo quy hoạch.

Theo quy định tại Điều 151 của Luật Đất đai hiện hành và Điều 53 Nghị định 43 của Chính phủ thì đối với khu kinh tế thì Ủy ban nhân dân tỉnh giao đất cho Ban quản lý khu kinh tế, Ban quản lý khu kinh tế phối hợp tổ chức bồi thường, giải phóng mặt bằng. Như vậy, các dự án trong khu kinh tế theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đều do nhà nước thu hồi. Vì vậy, để đảm bảo tính chặt chẽ, minh bạch phù hợp với các quy định của Luật Đất đai, đảm bảo tính chủ động, thuận lợi trong công tác quản lý đất đai và thu hồi đất".

Đại biểu đến từ Bình Thuận đề xuất: "Việc thu hồi đất thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia cộng đồng nên điều chỉnh theo hướng căn cứ quy hoạch sử dụng đất đặc khu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và nhu cầu sử dụng đất của dự án đầu tư. Chủ tịch Ủy ban nhân dân đặc khu thực hiện thu hồi đất, tổ chức bồi thường, giải phóng mặt bằng và giải quyết nhu cầu chính đáng của người bị thu hồi đất, để giao đất cho thuê đất đối với từng dự án".

Trước ý kiến của các vị đại điểu Quốc hội, - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nguyễn Chí Dũng cho rằng: "Về thu hồi đất, ngoài việc phải thực hiện theo Điều 62 Luật Đất đai, dự thảo luật Đặc khu kinh tế lần này bổ sung 3 loại: Thứ nhất là các dự án về kết cấu hạ tầng; thứ hai là phải phù hợp với quy hoạch; thứ ba là của các nhà đầu tư chiến lược. Đây là dự án lớn của các nhà đầu tư chiến lược, cần có sự tham gia của nhà nước thu hồi đất để giao đất lại cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, trước khi Chủ tịch đặc khu ra quyết định thu hồi đất, cần có thiết kế là Hội đồng nhân dân của đặc khu phải xem xét quyết định việc này, trên cơ sở sự cần thiết và đánh giá đối với từng dự án, cũng quy định việc tranh chấp đất đai nếu có thì do Tòa án đặc khu giải quyết".

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top