Sáng 23/5, tại Quốc hội, phiên họp toàn thể thảo luận dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đã được các đại điểu đồng ý ban hành luật và kỳ vọng những đặc khu kinh tế tương lai sẽ góp phần đưa đất nước phát triển.
Nhìn lại hơn 2 năm qua, kể từ thời điểm dự án đặc khu kinh tế tương lai bắt đầu được công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, tất cả sự kỳ vọng đều đổ về hướng Vân Đồn (Quảng Ninh), Phú Quốc (Kiên Giang), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa). Cũng phải thôi khi lần đầu tiên tại Việt Nam xuất hiện một mô hình kinh tế mới, khó và đầy thách thức.
Mặc dù mô hình đặc khu kinh tế đã xuất hiện từ năm 1960 và tính đến nay đã có hàng nghìn những mô hình kinh tế tương tự xuất hiện. Song không thể phủ nhận một điều, bên cạnh sự thành công rực rỡ của Trung Quốc, Singapore, Dubai… thì vẫn có rất nhiều đất nước đành phải từ bỏ giấc mơ mang tên “đặc khu” khi mọi mục tiêu đặt ra bị phá vỡ.
Quay trở lại với Việt Nam, đến thời điểm hiện tại, không ít người vẫn còn đang lo lắng rằng, những đặc khu kinh tế tương lai thực sự đã sẵn sàng để “cất cánh” trước giờ “khai sinh” chưa? Và ở Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, có gì để tự tin đạt thành công?
Những trăn trở và tự tin
Tại Hội thảo “Đặc khu - thể chế, chính sách và kỳ vọng thành công” , ông Nguyễn Văn Thành, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, đã kể lại câu chuyện của cách đây gần 5 năm khi tỉnh này được phép nghiên cứu xây dựng đề án đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn. Trong chuyến khảo sát Vân Đồn của các nhà đầu tư Mỹ, tỉnh ủy Quảng Ninh nhận được 4 câu hỏi: “Chủ trương định hướng quy hoạch tầm quốc gia, xác định Việt Nam xây dựng bao nhiêu đặc khu và ở vị trí nào?; Phát triển đặc khu thì đi theo phải là thể chế, cơ chế chính sách vượt trội đặc biệt và có nền hành chính hiện đại, vậy điều đó phải được điều chỉnh bằng luật. Bao giờ Việt Nam có luật về đặc khu?; Thẩm quyền của tỉnh có đủ khả năng giải quyết vấn đề liên quan tới nhà đầu tư?; Các vị nói sẽ có sân bay đường cao tốc, vậy bao giờ có?”
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh chia sẻ, thời điểm đầu năm 2013, phía chính quyền chưa đủ cơ sở để trả lời nhà đầu tư. Đó là điều khiến chính những nhà lãnh đạo ở nơi này trăn trở về con đường xây dựng đặc khu.
Nhưng ở thời điểm hiện tại, trước câu hỏi, “Quảng Ninh có tự tin với đặc khu kinh tế Vân Đồn không?”, ông Nguyễn Văn Thành đã khẳng định: “Chúng tôi đánh giá cao tiềm năng của đặc khu kinh tế Vân Đồn. Đến hiện tại, Vân Đồn đã có điều kiện cần và đủ để tiến hành xây dựng đặc khu”.
Theo phân tích của vị lãnh đạo, Quảng Ninh đã sắp hoàn thành sân bay Vân Đồn và con đường cao tốc Quảng Ninh - Hải Phòng sẽ chính thức khai trương vào tháng 7 tới đây. Khi cơ sở hạ tầng đã cơ bản thiết lập đầy đủ, ông Thành cho rằng, ngay sau khi Luật Đặc khu chính thức có hiệu lực, Quảng Ninh sẽ nhanh chóng bắt tay vào xây dựng mô hình đặc khu kinh tế.
Cũng tại Hội thảo, ông Đào Công Thiên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đặt niềm tin vào dự án đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong. Tuy nhiên, điều mà ông vẫn còn trăn trở chính là cơ sở hạ tầng vẫn còn chưa đủ điều kiện đáp ứng. Ông mong muốn xây dựng một con đường kết nối Bắc Vân Phong và các khu vực lân cận là việc cần thiết đầu tiên trong quá trình hoàn thiện cơ sở hạ tầng.
Trong khi đó, ông Huỳnh Quang Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc đánh giá cao về tiềm năng của đặc khu kinh tế tương lai Phú Quốc bởi nơi đây có tiềm năng phát triển mạnh mẽ về du lịch, nghỉ dưỡng. Song, để Phú Quốc thực sự cất cánh và phát triển, vị lãnh đạo đến từ Kiên Giang chia sẻ, ông kỳ vọng vào một mô hình chính quyền nhanh gọn để đáp ứng được yêu cầu của rất nhiều nhà đầu tư.
Đặc khu còn cần gì?
Một vị trí hội tụ nhiều tiềm năng, một ý chí quyết tâm xây dựng đặc khu kinh tế, một cơ sở hạ tầng phát triển… có lẽ vẫn chưa đủ để góp nhặt cho một đặc khu kinh tế đủ sức “cất cánh”.
Theo chuyên gia ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia Kinh tế trưởng, Ngân hàng Thế giới, sau khi lựa chọn các địa điểm đã có tính đặc thù để xây dựng đặc khu thì nguồn nhân lực là yếu tố rất quan trọng cần chú trọng.
Ông cũng nhấn mạnh: “Khác với những khu công nghiệp hay điểm phát triển du lịch, chúng ta muốn tạo đặc khu có tính cạnh tranh cao thì cần phải có một cơ chế chính sách đặc thù để phát triển ngành nghề mũi nhọn đó, phải làm cho nó vượt lên trên các khu vực khác. Nếu nơi đó đã đẹp thì vẫn cần phải làm cho nơi ấy vượt trội hơn các khu vực có phong cảnh, có thiên nhiên đẹp khác. Qua khảo sát thì ở Việt Nam, sự thiếu hụt về kỹ năng là một nút thắt cơ bản. Chúng ta cũng cần đầu tư đến nguồn nhân lực có khả năng tạo ra lợi thế. Đừng quá tập trung các thứ khác mà bỏ qua nguồn nhân lực”.
Ở một góc nhìn khác, ông Võ Trí Thành, Nguyên Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế Trung ương lại băn khoăn về thể chế chính quyền ở đặc khu. Ông chỉ ra rằng, một thông lệ tốt nhất về thể chế cùng một quy tắc dám chơi và biết chơi thì tất yếu sẽ tạo được sự thành công của một đặc khu.
“Dù Việt Nam xây dựng đặc khu muộn hơn các nước khác khi rủi ro và thách thức đang phải đối mặt rất nhiều, khi thế giới thay đổi và biến động thì Việt Nam càng cần có sự đột phá, mở cửa. Chúng ta đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề cạnh tranh khác mà bản chất là Việt Nam có muốn vượt lên trên theo hướng tự do dịch chuyển nguồn lực hay không” – ông Thành nói.
Đánh giá về dự thảo Luật Đặc khu, ông Võ Trí Thành chia sẻ: “Tôi không hài lòng với dự thảo luật. Chúng ta phải đối chiếu để xem thực sự ta cần gì, nhà đầu tư cần gì. Một bộ luật cần cương quyết minh bạch, giải trình nhanh gọn, thông lệ quốc tế rõ ràng, một chính quyền tốt nhất, nhanh nhất và gắn liền với bộ máy trung ương nhưng hiện tại, dự thảo luật vẫn làm chưa tới. Một thông lệ tốt cũng là phải kết hợp dựa trên tài sản chiến lược tương lai của Việt Nam”.
So với các mô hình đặc khu kinh tế trên thế giới, Việt Nam dường như vẫn còn đang “loay hoay” khi còn tồn tại nhiều ý kiến đóng góp trái chiều trong quá trình xây dựng nền tảng đầu tiên. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, đây là lần đầu tiên Việt Nam xây dựng một mô hình kinh tế vừa khó vừa mới vừa chưa có trong tiền lệ phát triển kinh tế. Thế nên, Bộ trưởng cho rằng, nếu chưa hợp lý, Việt Nam có thể tiếp tục điều chỉnh, bổ sung trong Luật Đặc khu. Bộ trưởng nhấn mạnh: “Nếu quá cầu toàn, chần chừ thì chúng ta sẽ bỏ mất cơ hội”.