Aa

Có quỹ tài chính nhà nước tiền “rủng rỉnh” gửi ngân hàng thu lãi

Thứ Hai, 04/11/2019 - 06:10

Thời gian qua có không ít quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước được thành lập với cơ chế thu - chi chưa rõ ràng, hoạt động kém hiệu quả. Có quỹ thu chồng chéo, tiền chi không hết còn “rủng rỉnh” đem gửi NH.

Quá nhiều quỹ

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa có báo cáo gửi đại biểu Quốc hội về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài NSNN (QTCNNS) giai đoạn 2013 - 2018.

Qua giám sát cho thấy, giai đoạn trước khi Luật NSNN 2015 ra đời chưa có một khái niệm thống nhất để Luật hóa về nội hàm QTCNNS và không có quy định về thẩm quyền thành lập các QTCNNS.

Đến năm 2015, Luật NSNN (sửa đổi) đã quy định "QTCNNS là quỹ do cơ quan có thẩm quyền quyết định thành lập, hoạt động độc lập với NSNN, nguồn thu, nhiệm vụ chi của quỹ để thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của pháp luật”.

Tuy nhiên, việc quy định như Luật NSNN năm 2015 cũng chưa thực sự rõ ràng, cụ thể, chưa làm rõ được cơ quan có thẩm quyền thành lập quỹ, dẫn đến có rất nhiều cách hiểu khác nhau về QTCNNS. Việc thống kê số lượng các quỹ rất khác nhau ở cả Chính phủ, các bộ, ngành và đặc biệt là ở các địa phương là khác nhau.

Hiện nay, chưa có một văn bản quy phạm pháp luật cụ thể hóa các quy định tại Luật NSNN 2015 nhằm điều chỉnh các nguyên tắc chung về QTCNNS. Điều này dẫn đến tình trạng QTCNNS được thành lập quá nhiều, do rất nhiều cơ quan, đơn vị ban hành, ở rất nhiều cấp khác nhau.

Bên cạnh đó, Đoàn giám sát cũng chỉ ra: Quy định về khung pháp lý của một số quỹ đến thời điểm hiện tại chưa đầy đủ, thiếu tính đồng bộ hoặc không còn phù hợp với các quy định hiện hành của pháp luật.

Đối với một số trường hợp, các quỹ sử dụng nguồn dư quỹ để gửi các ngân hàng thương mại là chưa đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật. Ảnh: Internet

Ngoài ra, theo quy định của pháp luật, việc thực hiện cơ chế chi tiêu của NSNN phải chịu sự kiểm soát chặt chẽ của hệ thống Kho bạc Nhà nước. Tuy nhiên, đối với các QTCNNS không chịu sự điều chỉnh bởi quy định này và các quỹ phải tự kiểm soát chi tiêu. Trong trường hợp mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước, pháp luật quy định Kho bạc Nhà nước chỉ kiểm soát tính hợp pháp, hợp lệ.

Việc không có cơ chế kiểm soát, giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước, dẫn đến nhiều khả năng vi phạm quy định về chế độ chi tiêu, sử dụng kinh phí sai mục đích.

“Qua giám sát cho thấy, tại các địa phương có rất nhiều QTCNNS. Các địa phương trung bình có khoảng 10 - 15 quỹ. Thực tế, tùy theo nhu cầu kinh tế xã hội trên địa bàn và khả năng nguồn lực tài chính để thành lập các quỹ, song việc thành lập quá nhiều quỹ theo quy định của các luật chuyên ngành, các Nghị định của Chính phủ và của địa phương làm phân tán nguồn lực, tăng chi phí quản lý và phát sinh thêm tổ chức, bộ máy, biên chế”, Đoàn giám sát nhận định.

Thu chồng chéo, không chi hết đem tiền gửi ngân hàng

Về hoạt động thực tế của các QTCNNS, theo Đoàn giám sát, một số quỹ có các nội dung chi thực hiện nhiệm vụ không hợp lý, quá chú trọng vào các mục chi cho hoạt động truyền thông, báo chí, quảng cáo chiếm tỷ lệ rất lớn. Một số quỹ có các nội dung chi không đúng với bản chất như: Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước.

Ngoài ra, nhiều quỹ có nguồn thu để bổ sung chi phí hoạt động chủ yếu từ lãi tiền gửi thông qua việc gửi nguồn kinh phí do Nhà nước cấp để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của quỹ vào các ngân hàng thương mại. Đó là trường hợp của Quỹ Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, Quỹ Hỗ trợ phụ nữ nghèo, Quỹ Tích lũy trả nợ, Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã…

Một số quỹ có hoạt động cho vay có mức lãi suất ưu đãi còn khá thấp so với thị trường dẫn đến khó khăn trong việc tạo nguồn hoạt động của quỹ. Các đối tượng có điều kiện vẫn được vay ưu đãi, có trường hợp các đối tượng vay ưu đãi để gửi ngân hàng thương mại, không đưa vào sản xuất, kinh doanh theo mục tiêu của quỹ như trường hợp của Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã,…

Đáng chú ý, có quỹ có nguồn thu trùng lặp với nghĩa vụ ngân sách của doanh nghiệp như Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng (doanh nghiệp vừa đóng thuế sử dụng tài nguyên nước, vừa phải nộp tiền dịch vụ môi trường rừng vào Quỹ bảo vệ và phát triển rừng).

Qua giám sát cho thấy, đối với một số quỹ Trung ương và các địa phương, đặc biệt là các quỹ có nguồn thu từ các cá nhân và doanh nghiệp có nguồn thu ổn định hàng năm lớn, trong khi hoạt động chưa hiệu quả hoặc chưa đúng với chức năng nhiệm vụ dẫn đến dư nguồn rất lớn tại một số quỹ như: Quỹ Dịch vụ viễn thông ích, Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá, Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước…

Ở nhiều địa phương khác nhau sẽ có các quỹ khác nhau có dư nguồn lớn. Điển hình như Quỹ Phòng chống tác hại lụt bão, Quỹ Phát triển đất, Quỹ Bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp vừa và nhỏ,…..

Đoàn giám sát đánh giá: Trong khi NSNN bố trí cho đầu tư phát triển kinh tế còn khó khăn, nguồn lực đầu tư chủ yếu là vốn vay, một số quỹ khác thiếu nguồn để hoạt động thì việc dư nguồn rất lớn tại các quỹ này là sự lãng phí nguồn lực tài chính rất lớn.

Đối với một số trường hợp, các quỹ sử dụng nguồn dư quỹ để gửi các ngân hàng thương mại hoặc Chính phủ thu một phần quỹ về NSNN là chưa đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật…

Qua hoạt động giám sát và căn cứ báo cáo của Chính phủ hàng năm, hiện nay nước ta đã thành lập trên 40 Quỹ/loại quỹ tài chính ngoài ngân sách và nhiều quỹ xã hội, quỹ từ thiện được thành lập ở các địa phương như: Quỹ Khuyến công, Quỹ Hội chữ thập đỏ; Quỹ Bảo vệ người khuyết tật và trẻ em mồ côi; Quỹ mái ấm công đoàn; Quỹ vì nữ cán bộ, công nhân, viên chức lao động nghèo; Quỹ chăm sóc người cao tuổi; Quỹ ủng hộ Trường xa…

Theo báo cáo của Chính phủ, qua tổng hợp báo cáo của 41 địa phương cho thấy, tổng số dư các QTCNNS của địa phương hàng năm từ 2013 đến 2018 tương ứng là: 8.074 tỷ đồng, 9.862 tỷ đồng, 13.569 tỷ đồng, 14.880 tỷ đồng, 17.198 tỷ đồng, 18.268 tỷ đồng.

Kế hoạch năm 2019, tổng số thu của các quỹ là 502,2 nghìn tỷ đồng, trong đó dự kiến NSNN cấp và hỗ trợ là 100,8 nghìn tỷ đồng. Kết dư các quỹ cuối năm 2019 khoảng 907,2 nghìn tỷ đồng.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top