Đường không, đường bộ, đường biển: Đường nào cũng có vấn đề
Ông Nguyễn Tiến Đạt – Phó Giám đốc Công ty du lịch TransViet cho hay, khách Việt đi du lịch tính mùa vụ cao nên về mùa hè, hàng không quá tải, nhiều hãng hàng không cho biết họ không thể tăng được chuyến nữa. Sân bay Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng hay Nha Trang… đều quá tải. Gần đây, mới có thêm Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn do doanh nghiệp tư nhân đầu tư, đi vào hoạt động từ ngày 30.12.2018 tại Quảng Ninh, nhưng so với nhu cầu thực tế thì vẫn chưa thấm vào đâu.
“Nếu không giải quyết được vấn đề này thì sẽ là trở ngại cho tăng trưởng du lịch”, ông Nguyễn Tiến Đạt nói.
Cùng quan điểm với ông Đạt, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Việt Nam Vitours Lê Tấn Thanh Tùng cho hay, thực chất mà nói thì hai năm trở lại đây, cơ sở hạ tầng tại Đà Nẵng và miền Trung nói riêng, cũng như cả nước nói chung đều phát triển. Tuy nhiên khi phát triển nóng thì lộ ra một số việc.
Theo ông Tùng, hệ thống hạ tầng hiện nay chúng ta chưa quy hoạch được sân bay trọng điểm. Du khách nước ngoài tới Việt Nam di chuyển bằng đường hàng không là chính và sau đó là cảng biển. Nhiều tỉnh, thành phố có đường bay, sân bay nhưng những điểm du lịch cần có thì lại chưa có đường bay. Chúng ta cũng chưa quảng bá xúc tiến hệ thống sân bay ra nước ngoài, giới thiệu các cụm sân bay cái nào là chính trong đó để xúc tiến tại các thị trường nước ngoài.
Hàng không thì như thế, đường xá thì theo các chuyên gia là… quá tệ.
“Hiện nay vẫn chưa có bổ sung quy hoạch đầu tư giao thông đến những điểm du lịch. Ví dụ, từ Đà Nẵng lên Bà Nà Hills thì doanh nghiệp tự làm, nhưng tới núi Thần Tài thì 3-4 năm chưa làm xong. Huế, Quảng Nam đều như vậy, từ trung tâm cung cấp khách đến các điểm du lịch, giao thông chưa được đầu tư lớn”- ông Tùng nêu ví dụ.
Ông Nguyễn Tiến Đạt cũng lấy dẫn chứng, hồi trước khi chưa có cao tốc Hà Nội – Hạ Long để đi 160km, các nước chỉ mất 1,5 tiếng, còn chúng ta mất tới 3,5 tiếng.
Hay hiện nay, từ Hà Nội đi các điểm Đông - Tây Bắc đường xấu, nhỏ như muốn đến hồ Ba Bể, thác Bản Giốc, lên Hà Giang… có nhiều đoạn đường rất bé chỉ đủ để 2 xe tránh nhau trong khi quãng đường đi thì rất dài.
Về đường biển, trước 30.12, khi Cảng tàu khách du lịch Hạ Long đi vào hoạt động, chúng ta chưa có một cảng biển chuyên dụng cho khách du lịch mà chủ yếu cho tàu khách du lịch vào cảng hàng hóa. Lý do là bởi nếu cho tàu du lịch vào thì thu nhập lại ít hơn đón tàu hàng, nên các đơn vị không thiết tha làm cảng, phân luồng riêng cho khách du lịch.
“Những vấn đề này theo tôi, phải giải quyết ở tầm trung ương trở xuống thì mới mang lại quyền lợi cho du lịch. Đó là chúng ta chưa kể, khi khách xuống cảng, các dịch vụ phục vụ ăn ở, đi lại cho họ rất lớn”- Ông Lê Tấn Thanh Tùng cho biết.
Khách sạn 5 sao giá thuê đắt gấp đôi Thái Lan
Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, phải tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân đầu tư khách sạn. Chỉ tính tại Hà Nội, tăng trưởng khách du lịch tốt nhưng thiếu cơ sở khách sạn lưu trú lớn từ 5 sao trở lên.
“5 năm qua thử xem chúng ta xây dựng được bao nhiêu khách sạn 5 sao tại Hà Nội? Đó là chưa kể, giá thuê khách sạn 5 sao ở Việt Nam đắt hơn gấp đôi so với Thái Lan và khó kiếm. Như vậy là rất khó khăn cho các doanh nghiệp tổ chức tour MICE”- ông Đạt cho biết.
Vấn đề nữa cơ sở hạ tầng tại các nhiều khu vui chơi, giải trí trong khu du lịch hiện nay như nhà vệ sinh không đạt chuẩn- đây là nhức nhối ở Việt Nam mà nhiều năm chưa được giải quyết.
Chưa kể, hệ thống dừng nghỉ đỗ trên đường tới các điểm du lịch ở Việt Nam theo ông Nguyễn Tiến Đạt là tương đối tự phát. “Đi nhiều nước thì Thái Lan, Singapore tôi thấy họ làm điểm dừng nghỉ tương đối tốt. Một điểm du lịch tích hợp: cây xăng, một nhà hàng, siêu thị nhỏ, nhà vệ sinh đạt chuẩn, quy hoạch cây xanh và khi đến ta cảm thấy rất dễ chịu, vừa giải quyết nhu cầu nghỉ ngơi và mua sắm, giá cả hợp lý”- ông Nguyễn Tiến Đạt chia sẻ.
Là người kinh doanh lữ hành tại Đà Nẵng, ông Tùng cho biết thêm, nhà hàng cũng là vấn đề lớn của du lịch Việt Nam. Chúng ta thiếu nhà hàng phục vụ cho từng dạng du khách. Ví dụ, thị trường khách du lịch theo đạo Hồi rất lớn từ Malaysia, Indonesia, Ấn Độ… họ không đến Việt Nam vì không có nhà hàng với các món ăn của họ.
“Điểm đến thì chỉ một số nhà đầu tư lớn, đàng hoàng như Vingroup hay Sun Group, còn hầu hết các điểm đến của mình thiếu đủ thứ. Nhiều nơi tổ chức phố đi bộ buổi tối đã có các khu mua sắm, đồ đặc sản địa phương, ẩm thực, khu vui chơi… nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu của khách, phát triển đang yếu và có phần là phát triển nóng”, ông Tùng cho hay.
Để cơ sở hạ tầng cho du lịch Việt Nam phát triển, theo ông Đạt, phát triển du lịch đã có nghị quyết của Bộ Chính trị, giờ đây cần cụ thể hóa như thế nào từ chính sách visa tới các chương trình mà ngành du lịch và các ngành khác cùng hành động… Trong đó cần nâng cấp cảng hàng không, đường xá, xây dựng trạm dừng nghỉ đạt chuẩn, chính sách phát triển các khu vui chơi giải trí để doanh nghiệp có thể tiếp cận tài nguyên về đất một cách minh bạch bởi doanh nghiệp phải đầu tư vốn lớn nhưng thu hồi chậm, đó là chưa kể còn liên quan tới những khó khăn trong giải phóng mặt bằng.
“Đây là chuyện quá sức của doanh nghiệp, nhà nước cần có quy hoạch, dự báo như thế nào để doanh nghiệp định hướng xây dựng dự án, nếu không sẽ phí tiền của cả doanh nghiệp và của nhà nước", ông Đạt nói.