Aa

Bài 1: Cơ sở hạ tầng trường học bị “xẻ thịt” thành trung tâm XKLĐ

Quốc Huy - Nam Khánh
Quốc Huy - Nam Khánh hienhd@reatimes.vn
Thứ Tư, 03/03/2021 - 13:00

Được Bộ Xây dựng tạo điều kiện về cơ sở vật chất phục vụ cho việc đào tạo, nhưng Trường Cao đẳng Xây dựng Công trình đô thị lại sử dụng đất, hạ tầng trái mục đích, vượt phạm vi Quy chế tổ chức và hoạt động.

Tình trạng sử dụng đất công sai mục đích luôn là vấn đề nhức nhối và đáng lo ngại, khiến không ít cơ quan ban ngành nhiều địa phương phải "đau đầu". Trong số đó, trường hợp các trường học được giao cơ sở vật chất nhằm phục vụ cho công tác đào tạo, giảng dạy nhưng lại lợi dụng tài sản công để mưu cầu lợi ích nhóm đang diễn ra ở nhiều nơi mà cơ quan chủ quản không hề hay biết (?).

Đặc biệt tại Hà Nội, nhiều trường học trên địa bàn hiện nay bị sử dụng sai với quy hoạch được phê duyệt, thay vào đó là để cho thuê làm quán ăn, quán cà phê, ki-ốt bán hàng hay cho các doanh nghiệp thuê mở trụ sở làm việc,…

Trên tinh thần nghiên cứu, thu thập tài liệu, thông qua khảo sát thực tế tại Trường Cao đẳng Xây dựng Công trình đô thị, Reatimes khởi đăng loạt bài với mong muốn đưa đến cho độc giả những góc nhìn khách quan về vấn đề này.

 

Tự ý cho thuê đất công

Trường Cao đẳng Xây dựng Công trình đô thị, tiền thân là Trường Giáo viên Dạy nghề xây dựng, được thành lập ngày 17/02/1976 theo quyết định số 819/BXD-TC của Bộ Xây dựng. Từ ngày thành lập đến nay, trường đã có nhiều lần đổi tên (Trường Sư phạm Kỹ thuật Xây dựng năm 1984, Trường Trung học Xây dựng Công trình đô thị năm 1998) và tên hiện tại được sử dụng từ tháng 2/2004.

Với diện tích khoảng 6ha tại Yên Thường (Gia Lâm, Hà Nội), trường có cơ sở vật chất hoàn chỉnh phục vụ đào tạo cho các cấp học từ công nhân, kỹ thuật viên trung cấp đến kỹ sư thực hành bậc cao đẳng, bao gồm: giảng đường, thư viện, xưởng thực hành, khu kỹ thuật, trạm xử lý nước sạch, trạm xử lý nước thải, mạng lưới cấp nước TP thu nhỏ, xưởng lắp ráp và kiểm định đồng hồ đo nước, bãi lắp đặt đường ống, hệ thống công viên, hồ nước, cây xanh, phòng thực hành tự động hoá và khí nén hiện đại...

Trường Cao đẳng Xây dựng Công trình đô thị
Khu Nhà hiệu bộ (A2) của Trường Cao đẳng Xây dựng Công trình đô thị là trung tâm tư vấn, đào tạo xuất khẩu lao động.

Song song với loại hình đào tạo chính quy, nhà trường cũng tập trung đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn. Các trung tâm như Trung tâm đào tạo ngành nước và môi trường, Trung tâm nước miền Trung, Trung tâm tư vấn và xuất khẩu lao động, Trung tâm Việt - Đức, Trung tâm ngoại ngữ - tin học có nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực trong và ngoài trường.

Trung tâm đào tạo Trường Cao đẳng Xây dựng Công trình đô thị
Trung tâm đào tạo ở tầng 3 của Nhà hiệu bộ (A2) Trường Cao đẳng Xây dựng Công trình đô thị.

Thế nhưng, nhiều năm trở lại đây, Trường Cao đẳng Xây dựng Công trình đô thị đã tự ý phân bổ không gian để các đơn vị công ty tự ý hoạt động trong khuôn viên nhà trường. Điển hình, tại Nhà hiệu bộ (A2), Nhà làm việc (A3), Giảng đường (A4) đã được Công ty Cổ phần Hợp tác Ja Việt, Công ty TNHH HS EDU và Công ty Cổ phần Tập đoàn An Dương sử dụng làm trung tâm đào tạo cho những người có nhu cầu xuất khẩu lao động ở các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… Đáng nói, qua tìm hiểu được biết, hợp đồng hợp tác của nhà trường với các đơn vị doanh nghiệp cũng chỉ được thực hiện bằng... miệng?

Không báo cáo Bộ Xây dựng

Đại diện Trường Cao đẳng Xây dựng Công trình đô thị cho biết: "Hiện tại, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội rất khuyến khích việc đào tạo và liên kết. Nhà trường đào tạo nghề, trung tâm sẽ đào tạo tiếng (ngôn ngữ - PV), sau đó là nguồn tuyển chọn cho học sinh, sinh viên đi nước ngoài, cụ thể là Nhật Bản. Tuy nhiên, hiện nay do dịch Covid-19 và một phần do sự phát triển công ty, văn phòng của họ đã chuyển đi nơi khác, việc dạy tiếng của các công ty tại trường vẫn hoạt động".

Vị đại diện trường nhấn mạnh: "Việc này Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang rất khuyến khích".

Khu nhà làm việc Trường Cao đẳng Xây dựng Công trình đô thị
Khu Nhà làm việc (A3) trở thành ký túc xá cho người đi xuất khẩu lao động.

Tuy nhiên, khi được hỏi về việc đề án liên kết giữa các trung tâm và nhà trường đã đề xuất lên Bộ Xây dựng hay chưa, vị này cho hay chưa báo cáo Bộ, nhưng hằng năm nhà trường vẫn có đơn vị Kiểm toán Nhà nước về công tác thu chi.

Khác với những gì đại diện nhà trường thông tin, một nhân viên tại trung tâm của Công ty Cổ phần Tập đoàn An Dương cho biết, học viên ở đây học nhanh nhất khoảng 3 tháng và đi xuất khẩu lao động phụ thuộc vào từng đơn hàng do đối tác nước bạn yêu cầu. Chi phí trung bình khoảng 3.600 USD... Trụ sở doanh nghiệp vẫn đang hoạt động ngay tại tầng 3 của Nhà hiệu bộ (A2).

Bên cạnh đó, khu Nhà làm việc (A3) được Công ty TNHH HS EDU sử dụng, chuyển chức năng thành ký túc xá cho những học viên có nhu cầu đi xuất khẩu lao động. Tầng 2 của Nhà hiệu bộ vốn là nơi cho các thầy cô làm việc, cũng được chia thành các lớp học phục vụ hoạt động của các trung tâm này.

Trường Cao đẳng Xây dựng Công trình đô thị
Hoạt động của các doanh nghiệp trong Trường Cao đẳng Xây dựng Công trình đô thị có nằm trong cùng hệ thống đề án đào tạo hay không?

Câu hỏi đặt ra, tại sao lại tồn tại ngang nhiên hoạt động có tính chất "chui" như vậy? Việc hợp tác không rõ ràng với các trung tâm, sử dụng mặt bằng khác với công năng có đúng với đề án đạo tạo và có được cơ quan chủ quản là Bộ Xây dựng biết hay không? Và việc hợp tác liên kết giữa các trung tâm xuất khẩu lao động với các trường học chỉ cần dựa trên quy định của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề ra?

Thông tin ghi nhận trên website Công ty Cổ phần Tập đoàn An Dương có nội dung về việc doanh nghiệp có rất nhiều chi nhánh ở các tỉnh thành trên cả nước với các trung tâm đào tạo được đặt tại các trường như: Trường Cao đẳng Công nghệ cao Đồng An - Dĩ An - Bình Dương; Trường Trung cấp Kinh tế Công nghiệp - Thủ công nghiệp Nghệ An; Trường Cao đẳng Cơ giới Xây dựng; Trường Cao đẳng Công nghiệp Thực phẩm và Trường Đại học Xây dựng miền Tây.

Reatimes sẽ tiếp tục thông tin Bài 2: Xuất khẩu lao động “núp bóng”... liên kết đào tạo

Về nội dung này, Công ty Tư vấn Luật DFC cho biết, theo Luật Đất đai 2013 có nguyên tắc sử dụng đất phải đúng quy hoạch và không được sử dụng đất sai mục đích. Trong đó, mục đích sử dụng đất đã được ghi rõ trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định vào khoản 1, 2 và 3 Luật Đất đai 2013; quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền…

Cũng theo điểm a, Khoản 1, Điều 64 Luật Đất đai 2013 quy định về việc Thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai, trong trường hợp đã bị xử phạt hành chính về hành vi sử dụng đất không đúng mục đích do Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất mà vẫn tiếp tục vi phạm thì hoàn toàn có thể bị xử lý thu hồi đất. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top