Aa

Cơ sở nào để xin cơ chế đặc thù cho “siêu” dự án sông Hồng?

Võ Duy Nghĩa
Võ Duy Nghĩa nhannghia.reatimes@gmail.com
Thứ Năm, 19/05/2016 - 23:03

P.V | Đó là câu hỏi được đặt ra tại buổi tọa đàm trực tuyến về “siêu” dự án trên sông Hồng do báo Lao động tổ chức ngày 18/5.

Cơ sở nào để xin cơ chế đặc thù cho “siêu” dự án sông Hồng?

Sông Hồng

Làm rõ thắc mắc trên, ông Nguyễn Huy Hoàng - Phó Tổng giám đốc phụ trách đầu tư - Công ty TNHH Xuân Thiện Ninh Bình (doanh nghiệp đưa ra ý tưởng dự án) cho biết:
Đây là dự án đa mục tiêu. Khi hình thành sẽ tạo ra động lực phát triển cho các tỉnh phía Bắc, làm tăng GDP các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ khoảng 5%, tương đương 2.100 tỷ đồng/năm, chưa kể các tỉnh trên tuyến cũng được hưởng lợi như các tỉnh Phú Thọ, Hà Nội, Hải Phòng…
Ông Hoàng cho biết, nếu dự án được triển khai, cước phí vận tải thủy sẽ chỉ bằng 30% so với vận tải bằng đường bộ, 50% so với đường sắt. 
“Do các lợi ích này không được tính hết vào hiệu quả tài chính của dự án. Vì vậy dự án đề xuất được áp dụng cơ chế đặc thù, bù đắp các hiệu quả mang lại cho xã hội như đã nêu trên”.
 Ông Nguyễn Huy Hoàng - Phó Tổng giám đốc phụ trách đầu tư - Công ty TNHH Xuân Thiện Ninh Bình
Đại diện Công ty Xuân Thiện Ninh Bình cũng cho biết công ty đã có kế hoạch cụ thể về vốn, nếu dự án được chấp thuận triển khai.
Phương án vốn nêu trong đề xuất dự án gồm: 30% vốn chủ sở hữu, 70% vốn vay. Điều này đồng nghĩa công ty sẽ buộc phải có vốn điều lệ 7.300 tỷ đồng trong khi hiện vốn điều lệ của đơn vị này chỉ có 1.200 tỷ đồng.
Về vấn đề này, ông Hoàng cho biết: Phải nói rằng, vốn điều lệ không thể hiện được hết năng lực tài chính của doanh nghiệp, nó chỉ đóng góp một phần trong lượng vốn chủ sở hữu đầu tư vào dự án. 
“Vì ngoài nguồn vốn đó, doanh nghiệp còn có các tài sản khác, các nguồn thu khác. Chúng tôi sẽ nâng vốn khi cần thiết, tuy vậy, tổng vốn điều lệ của các đơn vị thành viên của chúng tôi đã lên tới hơn 10.000 tỷ đồng, đủ sức triển khai dự án này và nhiều dự án khác”.
Dự án bị phản ứng mạnh là do chưa biết rõ nội dung hồ sơ?
Sau khi ý tưởng về “siêu” dự án trên sông Hồng được đưa ra, bên cạnh những lo ngại tác động về môi trường, xã hội, nhiều ý kiến cũng bày tỏ: Chưa từng thấy có dự án nào ở Việt Nam lớn và có sự tác động mạnh đến cộng đồng như dự án này. Tại sao Sông Hồng là của chung lại có thể để cho tư nhân sở hữu?
Theo ông Hoàng Đức Hùng - Phó giám đốc Công ty CP Tư vấn thiết kế xây dựng giao thông thủy - Bộ Giao thông vận tải nhấn mạnh: Sông Hồng vẫn là tài sản quốc gia, do nhà nước quản lý.
“Sự tác động mạnh đến cộng đồng của dự án này có lẽ đều do nguyên nhân các bạn chưa biết nội dung hồ sơ thế nào đã vội phản ứng thông tin cung cấp đến đại bộ phận người dân chưa kịp thời và đầy đủ. 
Trong đề xuất này, chúng tôi chỉ tạo nên tuyến đường thủy có khả năng vận tải tốt hơn, tận dụng tài nguyên nước để phát điện và làm dịch vụ thu phí trên tuyến đó”. 
Ông Hoàng Đức Hùng cũng cho hay, như đề xuất của dự án đã nghiên cứu, phương án kĩ thuật xây dựng công trình giao thông thủy đoạn từ Yên Bái đến Lào Cai là xây dựng 6 công trình đập dâng nước và âu tầu để dâng mực nước mùa khô trong lòng sông Hồng, đáp ứng cho phương tiện thủy đi lại thuận lợi quanh năm.
Mặc dù độ chênh cao giữa thượng lưu và hạ lưu đập không lớn, nhưng vẫn có thể tận dụng để lắp đặt tổ máy phát điện cột nước thấp.
Nghiên cứu này được dựa trên các tính toán theo quy trình quy phạm chuyên ngành và học hỏi kinh nghiệm của các công trình tương tự đã được xây dựng ở một số nước trên thế giới, ông Hùng khẳng định.
Còn về vấn đề hệ lụy của dự án này, ông Hùng cho hay: Như kết quả đã nghiên cứu, ngoài những tác động có lợi của dự án thì cũng sẽ có một số ảnh hưởng bất lợi. Ví dụ như phải di dời dân cư tại vị trí xây dựng các công trình đập dâng nước và xây dựng cảng, tăng thời gian ngập tại một số bãi trồng màu mùa vụ trong lòng sông.
Những ảnh hưởng trên tuy nhỏ nhưng cũng được dự án nghiên cứu các biện pháp giảm thiểu, ông Hùng nhấn mạnh.
Cụ thể, theo ông Hùng, đó là tổ chức tốt công tác tái định cư, đền bù giải phóng mặt bằng, chế độ chính sách hỗ trợ những hộ phải di dời và người dân trong khu vực bị ảnh hưởng, đảm bảo nguyên tắc nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ, đồng thời có chính sách bồi thường và ưu tiên tuyển dụng lao động cho các hộ dân phải di dời tại các công trình đầu tư của dự án.
Xin nhiều cơ chế đặc thù
Dự án đầu tư xây dựng tuyến giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng kết hợp thủy điện theo hình thức BOO (còn gọi là “siêu” dự án trên sông Hồng) do Công ty TNHH Xuân Thiện, Công ty Xuân Thiện đề xuất.
Dự án có tổng mức đầu tư 24.510 tỷ đồng, cơ cấu vốn bao gồm 30% vốn sở hữu của nhà đầu tư, 70% vốn vay thương mại. Thời gian hoàn vốn, kể cả thời gian xây dựng là 25 năm.
Vì dự án có quy mô lớn nên Xuân Thiện đã đề xuất được hưởng một loạt các ưu đãi như được Nhà nước hỗ trợ giá bán điện để bù giá thu phí vận tải và chi phí quản lý thu phí, duy tu bảo dưỡng công trình (5 năm đầu là 1.900 đồng/KWh, 5 năm tiếp theo là 2.380 đồng, các năm tiếp theo tối thiểu là 2.970-3.560 đồng/KWh).
Doanh nghiệp cũng mong muốn được miễn tiền thuế sử dụng đất, miễn thuế tài nguyên nước và thuế dịch vụ môi trường rừng, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đến thời điểm hoàn vốn..

P.V

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top