Dự án Cam Lộ - La Sơn là 1 trong 11 dự án thành phần của công trình cao tốc Bắc - Nam phía đông dài khoảng 653km.
Sau khi kiểm tra cả đoạn tuyến, Phó Thủ tướng đã chủ trì cuộc họp về dự án tại trụ sở UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Tiến độ đạt hơn 94%
Theo báo cáo của Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh, dự án đường cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn có tổng chiều dài 98,3km (trong đó tỉnh Quảng Trị là 37,3km; tỉnh Thừa Thiên Huế 61km). Trong quá trình triển khai thực hiện, dự án gặp một số khó khăn như thời tiết, đặc biệt là mùa mưa lũ năm 2020; dịch Covid-19; biến động giá... Tuy nhiên với sự nỗ lực, quyết tâm vượt qua các khó khăn của các chủ thể tham gia dự án, đến nay sản lượng của dự án đạt 94,1% giá trị hợp đồng.
Ông Nguyễn Vũ Quý, Giám đốc Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh cho biết, với khối lượng còn lại không nhiều (khoảng gần 6%), Ban Quản lý dự án sẽ nỗ lực chỉ đạo các đơn vị liên quan, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đảm bảo tiến độ hoàn thành toàn bộ dự án trước 31/10/2022.
"Giải pháp của Ban là phải tập trung để giải quyết những vướng mắc của nhà thầu. Ví dụ như vướng mắc về xử lý kỹ thuật, thiết kế. Đặc biệt Bộ GTVT liên tục chỉ đạo kịp thời giải ngân cho các nhà thầu để kịp thời có tiền, thậm chí trong một tháng thanh toán không phải là một lần, hai lần mà ba lần để làm sao dòng tiền về nhà thầu một cách nhanh nhất và kịp thời nhất. Thứ hai, các nhà thầu mạnh thì hỗ trợ phối hợp nhà thầu yếu hơn về nhân lực, kể cả về thiết bị. Với nhà thầu mà năng lực sau ba lần nhắc nhở, cảnh cáo bằng văn bản mà chuyển biến chậm thì sẽ cắt chuyển", ông Nguyễn Vũ Quý nói và đề nghị các địa phương triển khai sớm để di dời sớm nâng cao đường điện cao thế để đảm bảo việc khai thác được an toàn.
Tại cuộc họp, các nhà thầu thể hiện quyết tâm bảo đảm đúng tiến độ. Cùng với hoàn thành tuyến đường, các nhà thầu cũng cho ý kiến về việc triển khai đồng bộ các công trình hỗ trợ, công trình kỹ thuật phục vụ cho khai thác, vận hành, sử dụng.
Bên cạnh đó, có nhiều ý kiến kiến nghị về giá vật liệu, nhiên liệu biến động mạnh ảnh hưởng đến dòng tiền của nhà thầu. Các nhà thầu kiến nghị rà soát công bố chỉ số giá đảm bảo sát với diễn biến thị trường và kịp thời để có cơ sở phê duyệt chi phí bù giá cho nhà thầu.
Đại diện Tập đoàn Sơn Hải cam kết đảm bảo tiến độ, đồng thời kiến nghị về giá vật liệu xây dựng. Doanh nghiệp chia sẻ thực tế, vật liệu đá làm đường cao tốc ở Thừa Thiên - Huế không có, nên phải chở từ Quảng Trị vào, nhưng giá đá thì lại tính theo giá công bố của Thừa Thiên - Huế. Từ đó đại diện nhà thầu đề nghị cho phép xây dựng chỉ số giá vật liệu theo gói thầu.
Thiếu tướng Nguyễn Quốc Dũng, Tổng Giám đốc công ty Thành An, Binh đoàn 11 bày tỏ mong muốn "địa phương rà soát lại chỉ số giá công bố hàng tháng sao cho sát thị trường, bảo đảm phù hợp với biến động giá thực tế làm cơ sở giá cho các nhà thầu. Đồng thời giải quyết dứt điểm một số vị trí vướng mắc về mặt bằng".
Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, địa phương có 61km đi qua, cho biết, tỉnh "chạy đua" với thời gian để hoàn thành các công việc cho dự án như giải phóng mặt bằng, cấp phép mỏ vật liệu… Hiện tỉnh đã bàn giao cho đơn vị thi công 100% mặt bằng, gồm cả các tuyến đường gom, đường hoàn trả tuyến tránh phía tây TP. Huế. Tỉnh chỉ còn "nợ" 13 cột điện trung, cao thế cần gia cố phục vụ giai đoạn vận hành dự án, ông Nguyễn Văn Phương cho biết, hiện đã triển khai thi công, sẽ hoàn thành trước ngày 15/11/2022.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, trong bối cảnh dịch bệnh, biến động giá nguyên vật liệu, ảnh hưởng của thời tiết, dự án đạt được khối lượng như vậy là sự nỗ lực, cố gắng của nhà thầu, địa phương. Thứ trưởng tin tưởng vào mục tiêu hoàn thành dự án trước 30/10/2022.
Thứ trưởng chia sẻ, quá trình triển khai dự án đã tổng hợp, đúc rút nhiều vấn đề từ thực tiễn, từ đó sẽ rút kinh nghiệm cho giai đoạn 2 của dự án cao tốc Bắc - Nam, nhất là tinh thần "làm đến đâu gọn đến đấy, tránh tình trạng dây dưa".
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho rằng, việc các địa phương công bố giá vật liệu "không thể thỏa mãn mọi tình huống". Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký ban hành Nghị quyết số 119/NQ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 18/NQ-CP. Đây là Nghị quyết tháo gỡ vướng mắc cho vấn đề này. Theo đó, UBND các tỉnh có trách nhiệm "công bố giá các loại vật liệu xây dựng thông thường theo thẩm quyền và quy định pháp luật".
Hoàn thành dự án đúng tiến độ là trách nhiệm, danh dự của nhà thầu
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đánh giá cao nỗ lực của các địa phương: Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Bộ GTVT, các ban quản lý dự án, đặc biệt là các nhà thầu. Đây là đoạn cao tốc có sản lượng cao nhất trong số 4 dự án thành phần của tuyến cao tốc Bắc - Nam dự kiến hoàn thành trong năm nay. Hiện đến nay sản lượng của dự án đạt 5.375,3/5.712 tỷ đồng (tương đương 94,1% giá trị hợp đồng). Hoàn thành kịp thời giải phóng mặt bằng, mỏ vật liệu cũng đã đủ đáp ứng nhu cầu thi công.
Phó Thủ tướng chia sẻ khó khăn với các nhà thầu, đơn vị thi công thời gian qua, như giá xăng dầu, vật liệu tăng, thời tiết mưa nhiều; đồng thời đánh giá cao ban quản lý dự án đã chủ động điều chỉnh khối lượng thi công giữa các nhà thầu để kịp tiến độ.
Biểu dương các nhà thầu như Binh đoàn 11, 12 và Tập đoàn Sơn Hải đã huy động tối đa nhân lực và phương tiện hiện đại để đảm bảo tiến độ đoạn cao tốc Cam Lộ - La Sơn, Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc hoàn thành các đoạn tuyến cao tốc đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng là thước đo danh dự, uy tín, thương hiệu của các Ban quản lý, nhà thầu, đơn vị tư vấn.
Phó Thủ tướng nêu rõ, đất nước rất cần các nhà thầu tốt, chuyên nghiệp, có uy tín bởi từ nay đến năm 2030, chúng ta cần đầu tư để có 5.000km cao tốc. "Khi các nhà thầu có uy tín thì các bộ, ban quản lý dự án sẽ tìm đến các đồng chí". "Các nhà thầu phải giữ thương hiệu, uy tín của mình", Phó Thủ tướng nói và nhắc nhở các nhà thầu phải giữ đúng cam kết, lời hứa của mình về chất lượng và tiến độ công trình. Tuyệt đối không đánh đổi chất lượng lấy tiến độ.
Giao các nhiệm vụ cụ thể, Phó Thủ tướng nêu rõ, đến 30/10/2022 là hoàn thành toàn bộ công trình và khánh thành, đưa vào khai thác trong tháng 11/2022. "Phải tranh thủ từng giờ, từng phút, quyết tâm hoàn thành sớm".
Những nhà thầu làm tốt giai đoạn 1 (2017 - 2020) của dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông thì sẽ được xem xét chỉ định thầu làm giai đoạn 2 của dự án (2021 - 2025). Tuyệt đối không chọn những nhà thầu yếu kém.
Phó Thủ tướng yêu cầu các nhà thầu phối hợp chặt chẽ, chia sẻ khó khăn với nhau; rà soát, đánh giá đường găng tiến độ của từng hạng mục, công việc. Cần thành lập tổ công tác để chuẩn bị sớm hồ sơ dự án, đảm bảo có thể nghiệm thu ngay khi hoàn thành./.