“Cơm sôi bớt lửa…”

“Cơm sôi bớt lửa…”

Thứ Năm, 25/11/2021 - 06:15
Ngày quốc tế loại bỏ bạo lực đối với Phụ nữ

Ngày xưa, ở làng tôi có một cặp vợ chồng rất hay. Hay vì họ làm đề tài cười vui không dứt cho cả làng thời ấy, vốn rất ít trò giải trí. Bởi họ đánh chửi nhau như cơm bữa. Thường là chồng đánh vợ, còn vợ thì chửi lại chồng. Mỗi lần như vậy, thôi thì om xòm khắp xóm. Tiếng gào khóc lu loa, tiếng bát đĩa vỡ, tiếng đấm đá uỳnh uỵch. Mà đôi này rất thường xuyên diễn cảnh đó, theo trí nhớ của tôi, cỡ phải “năm ngày ba trận”! Đến nỗi bà nội tôi khi đó còn sống phải ca dao: “Cái cò là cái cò quăm/ Mày hay đánh vợ mày nằm với ai”. Bà còn gọi đấy là đôi vợ chồng phường tuồng!

Bởi mặc chuyện “năm ngày ba trận” đánh chửi nhau như đập đất, tối về đôi vợ chồng nhà ấy vẫn “ăn nằm” với nhau như thường! Bằng chứng là họ vẫn đẻ tới bảy hay tám người con, nay đã lớn hết rồi mà thực tình tôi không nhớ được tên nữa kia.

Ngày bé, thấy cái chuyện đó thật buồn cười. Nhưng lớn lên, đi học, đọc sách dần rồi tôi mới hiểu đó là câu chuyện của bạo lực giới. Bạo lực giới, có lẽ bắt nguồn từ tông ti gốc tích khi loài người mới sinh ra kia. Chủ yếu là diễn ra theo chiều nam giới bạo hành với nữ. Ở chiều ngược lại cũng có, nhưng rất ít nên ta không đề cập ở đây.

Do cấu tạo sinh lý cơ thể, nam giới sinh ra với hàm lượng hormone nam tính testosterone cao hơn hẳn nữ giới. Hormone này khiến cho thân thể và cơ bắp phát triển. Và đặc biệt, hormone này còn "quy định" cho tính cách nguyên thủy của nam giới là thích xâm chiếm, hung hăng hay ưa gây sự bạo lực. Đó là đặc điểm tính cách nguyên thủy của cánh mày râu. Bởi thế thời mông muội, xã hội loài người còn sống trong bán khai rừng rú hoang dã, thì lịch sử loài người là cả chuỗi dài những cuộc chiến tranh giết người đốt phá làng xóm, công thành cướp đất, chiếm đoạt phụ nữ, "ăn gan uống máu" nhau. Nên mỗi cuộc chiến tranh luôn là những đau thương không tả nổi trút lên đầu những người phụ nữ. Dù ở các thân phận khác nhau, họ vẫn luôn là những người chịu thiệt thòi và đau khổ nhất.

Nhưng xã hội loài người ngày càng tiến bộ, những điều văn minh dần thay thế cho những thứ dã man mông muội kia. Nhận thức về sự bình đẳng của mọi con người trên trái đất, đặc biệt là mệnh đề "nam nữ bình quyền" mới xuất hiện không lâu nhưng đã được đề cao và đi vào cuộc sống một cách nhanh chóng trong thời gian gần đây. Bởi suy cho cùng, đó cũng là con đường phát triển tất yếu của nhận thức: rốt cuộc thì loài người cũng nhận ra rằng, mỗi con người dù là nam hay nữ, sinh ra đều bình đẳng.

Nhưng với lịch sử hàng ngàn năm sống trong thế giới phụ quyền, nơi người nam giới gần như có vai trò ông chủ, quyền sinh quyền sát với người phụ nữ nên dẫn đến những di chứng tàn tích của sự bất bình đẳng, mà đặc biệt biểu hiện ở việc sử dụng bạo lực trong quan hệ nam nữ rất nặng nề. Soi chiếu kỹ xã hội và gia đình ở mọi quốc gia, dân tộc, chúng ta đều thấy điều đó vẫn đang hiển hiện khắp nơi, dưới nhiều hình thức. Để tiến tới xóa bỏ vĩnh viễn một trong những thói tật xấu xa nhất của xã hội cũ, Đại hội đồng Liên hợp quốc họp ngày 17 tháng 12 năm 1999 đã quyết nghị lấy ngày 25 tháng 11 hằng năm làm Ngày quốc tế loại bỏ bạo lực đối với Phụ nữ. Như một lời nhắc nhở, một lời cảnh tỉnh về tệ nạn này trên toàn thế giới. Và cũng là một lời động viên cho xu thế bình đẳng giới trên hoàn cầu.

ngày quốc tế loại bỏ bạo lực đối với phụ nữ
Ngày quốc tế loại bỏ bạo lực đối với Phụ nữ hằng năm như một lời nhắc nhở, một lời cảnh tỉnh về tệ nạn này trên toàn thế giới, và cũng là một lời động viên cho xu thế bình đẳng giới trên hoàn cầu. (Ảnh minh họa: Internet)

Theo định nghĩa của Liên hợp quốc, bạo lực giới là: “Mọi hành vi bạo lực dựa trên giới tính, có thể hoặc thực sự gây ra những thiệt hại về thể xác, tính dục hoặc tâm lý, kể cả những đe dọa, cưỡng ép hay ngăn cấm độc đoán quyền tự do, dù công khai hay trong tư gia”.

Bạo lực giới ngày nay hầu như không còn thô thiển và tràn lan công khai như xưa, mà nó diễn ra dưới các hình thức, nhiều khi khá tinh vi. Theo định danh của Liên hợp quốc, trong thời đại hiện nay nó biểu hiện ở các hình thức sau: Mãi dâm cưỡng bức, lạm dụng tình dục, du lịch tình dục, cưỡng hiếp, cắt bỏ bộ phận sinh dục nữ, bạo hành gia đình, hôn nhân cưỡng bức.

Thực tế cho thấy, dù xã hội loài người đã có những bước tiến khổng lồ về quyền con người, về nhận thức bình đẳng giới, nhưng vấn đề bạo hành với phụ nữ vẫn là vấn đề nóng có tính chất toàn cầu. Nó là những vi phạm nhân quyền có tính chất phổ biến nhất. Lấy định danh của Liên hợp quốc phía trên đem ra soi chiếu, chúng ta sẽ thấy có quá nhiều vấn đề cần phải giải quyết để có thể tiêu diệt cái tệ nạn đáng xấu hổ này. Điều này thực tế cần phải có nhiều thời gian và công sức của toàn nhân loại mới mong có kết quả. Mãi dâm cưỡng bức là tệ nạn phổ biến không những ở các nước đang phát triển, mà còn diễn ra ngay tại các nước văn minh Âu, Mỹ. Rồi tệ nạn khủng khiếp cắt bộ phận sinh dục nữ của các bé gái vẫn đang diễn ra ở châu Phi. Du lịch tình dục, hôn nhân cưỡng bức… vẫn diễn ra ở châu Á với rất nhiều biến tướng tinh vi, nhức nhối.

Tại Việt Nam, những điều tra xã hội học cho biết, có tới 63% phụ nữ đã từng gặp một trong các hình thức bạo lực giới diễn ra trong đời. Tuy nhiên do tâm lý, tập quán và định kiến xã hội nên rất nhiều vụ việc bị ỉm đi. Cũng điều tra xã hội học mới nhất còn cho biết, trong thời kỳ dịch Covid-19 đang diễn ra căng thẳng hiện nay, các vụ việc có tính chất bạo hành giới trong gia đình có xu hướng gia tăng đáng kể. Rất có thể đây là hậu quả của trạng thái stress “hậu Covid” khiến cho con người ta bị gia tăng áp lực tâm lý và dẫn đến những hành động thiếu kiểm soát với nhau…

Bình đẳng giới

Làm gì để tiến tới xóa bỏ bạo lực giới ở nước ta?

Đây là một câu hỏi mà cả xã hội phải giải đáp bằng vừa nâng cao nhận thức và hành động cụ thể quyết liệt chứ không riêng bất cứ một giới hay một bộ phận nào. Bởi việc xác định quyền bình đẳng nam nữ đã được hiến pháp, pháp luật của nước ta công nhận từ lâu. Rất nhiều bộ luật đảm bảo thực thi trên thực tế đã được thông qua: Luật Hôn nhân và Gia đình; Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình…

Nhưng có một vấn đề đặt ra trong tình hình thực tế tại nước ta hiện nay để thực hiện cho được việc xóa bỏ tình trạng bạo lực giới, bạo hành với phụ nữ là, bản thân chị em rất cần phải được giáo dục để nâng cao nhận thức về quyền của mình, quyền bất khả xâm phạm về thân thể, một trong những quyền cơ bản nhất của con người. Bình đẳng nam nữ không chỉ là khẩu hiệu mà phải là đạo đức, lối sống của từng cá nhân.

Và sự giáo dục bình đẳng giới cần phải thực hiện từ trong gia đình cho đến nhà trường, với cả bé trai và bé gái. Học cách tôn trọng nhau, tôn trọng thân thể nhau, đó phải là một kỹ năng sống cần thiết phải được rèn cặp từ mẫu giáo, có thế khi lớn lên chúng mới dễ dàng tiếp cận những quy tắc xã hội văn minh bình đẳng.

Nhưng trong quá trình giáo dục cũng cần chú ý đến đặc điểm tâm sinh lý , "thiên chức" của từng giới trong cuộc sống loài người để hiểu về cái nghĩa bình đẳng đích thực. Bình đẳng không có nghĩa là nhất thiết chỗ nào, lúc nào người nam người nữ cũng hoạt động hay hành động như nhau. Bình đẳng đích thực nghĩa là bình đẳng trong chức phận của mỗi giới từ khi loài người được sinh ra. Liệu có ai đó nghĩ đến việc thiên chức của nữ giới là mang nặng đẻ đau, cho con bú mớm mà nghĩ đến việc bình đẳng nghĩa là người nam cũng phải làm điều đó không? Dĩ nhiên đó là những sự hiểu biết thô thiển về cái sự bình đẳng. Nhưng nhận thức lệch lạc tương tự kiểu ấy không giúp gì cho sự tiến bộ mà nó chỉ làm cuộc sống rắc rối thêm mà thôi.

Trở lại câu chuyện về cặp vợ chồng đánh nhau như cơm bữa ở làng tôi xưa. Tôi chợt nhớ lại câu ca dao cũng của bà nội tôi hay đọc: “Chồng giận thì vợ làm lành/ Cơm sôi bớt lửa một đời không khê”. Vâng, trong cuộc sống vợ chồng nếu mỗi người biết nhịn nhau một tí, biết tiến biết lui thì chắc là cái nạn bạo hành về cả thể xác và tinh thần sẽ bớt đi nhiều.

Và diễn ngôn về xử lý bình đẳng giới ở đây sẽ rất cụ thể, sinh động: Liệu sau cơn nóng giận, có ông chồng nào không bó tay quy hàng khi “vợ cười hớn hở rằng anh giận gì” không?

Nhà văn Trần Thanh Cảnh
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top